THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - * Lời giới thiệu thơ Thầy Thông Chánh

LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - * Lời giới thiệu thơ Thầy Thông Chánh

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng
Về ba bổn thơ lưu hành ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX mới tìm được
* Lời giới thiệu thơ Thầy Thông Chánh
Thơ thầy Thông Chánh
* Lời giới thiệu thơ Sáu Trọng (Lê Minh Quốc)
Sáu Trọng thơ
* Lời giới thiệu Thơ cậu Hai Miên
Thơ Cậu Hai Miêng
Tất cả các trang
  

 

Thơ thầy Thông Chánh

Lời giới thiệu

Chuyện đã trên trăm năm

Đối với thực dân Pháp, Thơ thầy Thông Chánh là một tác phẩm có nội dung nguy hiểm, làm rung rinh hệ thống chính quyền thuộc địa tại Việt Nam và Đông Dương, do đó họ không thể không cấm ngặt phổ biến dưới mọi hình thức, kể cả hát ru em trong phạm vi gia đình, hoặc trà đàm, ngâm nga giải buồn.

Cuối thế kỷ 19, trong bối cảnh đất nước bị đặt dưới ách cai trị tàn bạo của ngoại bang xâm được, giữa lúc lương dân đang chịu vô vàn lao khổ, bỗng dưng có một người thông ngôn tên Chánh hiên ngang bạo động ngoạn mục giữa thanh thiên bạch nhựt, ngay trong châu thành Trà Vinh, đúng vào ngày quốc khánh nước Pháp, rõ ràng là một hành động dũng cảm, rất đáng để nhân dân ca ngợi.

Thân thế sự nghiệp của thầy Chánh như thế nào, đến nay chưa thấy ai nói. Có lẽ không ai rõ thì đúng hơn. Chỉ biết ông tên “Nguyễn Văn Chánh còn gọi là Nguyễn Trung Chánh, bị tòa Đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19.6.1893 và bị xử tử ngày 8.1.1894 tại Trà Vinh” (1). Theo Sơn Nam trong Thiên địa hội và cuộc minh tân, thầy Chánh bắn kẻ thù là Biện lý Jaboin ngày 14.5.1893. Nếu quả vậy, sự tử đẩy lùi biến cố này lại 2 tháng, “cho” thầy Chánh bạo động đúng vào ngày 14.7 giữa lúc chính quyền thực dân đang tổ chức kỷ niệm lễ Quốc khánh Pháp, rõ ràng người đặt thơ đã cố ý gây chấn động về mặt tâm lý, chính trị, cho to chuyện. Đây là một trong những suy nghĩ sắp xếp hết sức tuyệt vời để nâng cao tác dụng, kích động lòng yêu nước của nhân dân trong tác phẩm văn chương bình dân của mình. Do đó hiện nay mỗi khi đề cập vụ án, người ta chỉ có thể nói được một cách lờ mờ và rất hạn chế về tiểu sử người gây án suy ra từ nội dung bổn thơ. Nhưng cũng không chắc đúng, bởi khi sự việc đã được văn nghệ hóa thì, tất nhiên tính xác thực của vấn đề sẽ không thể trung thực một trăm phần trăm. Ở đây, cái đặc sắc và độc đáo của tác phẩm là, tác giả đã nhân người thật việc thật mà hư cấu thêm một số tình tiết hấp dẫn, lôi cuốn, với dung lượng vừa phải, hợp lý, đủ sức kích động lòng yêu nước của nhân dân.

Chỉ mấy câu mở đầu chúng ta thấy ngay rằng, người sáng tác truyện thơ lục bát này – một tác giả vô danh nào đó – đã tỏ ra hết sức tế nhị, đồng thời cũng hàm chứa nhiều điều muốn nói:

Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra,

Chép làm một bổn để mà xem chơi.

Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời,

Có thầy Thông Chánh thiệt người lớn gan.

Vừa thận trọng vừa sâu sắc. Tác giả cố né tránh sự khó dễ của nhà đương cuộc bằng cách nói là dựa theo bản tin đăng trên nhựt trình – tờ Gia Định báo do ông Trương Vĩnh Ký điều khiển, một loại công báo in bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam của “nhà nước bảo hộ” – mà đặt ra thành vần để người bình dân dễ ngâm nga, tiện truyền bá. Rõ ràng mang tính sáng tác nhưng tác giả lại khéo nói là “chép”, và chỉ “chép làm một bổn”, hơn thế nữa, “để mà coi chơi” chứ không nhằm mục đích phổ biến ra đại chúng, hầu ngừa trước chuyện lôi thôi có thể xảy ra. Ngay sau đó là lời khâm phục “Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tời” (kỳ tài – nhiều chứ không phải chỉ có một), và khi giới thiệu nhân vật cụ thể thầy Thông Chánh, tác giả dùng cụm từ “thiệt người lớn gan” cũng không ngoài cái ý thán phục khí phách anh hùng. Điều này được đề cao rõ ở một đoạn sau đó:

Thương thầy Thông Chánh hùng anh,

Ngày sau hậu thế lưu danh muôn đời.

Qua đó, chúng ta nhận biết một cách khái quát dụng tâm của tác giả. Cứ cho rằng vụ án thầy Thông Chánh giết tên Biện lý người Pháp chỉ là một sự ghen tuông thường tình như lập luận của những người làm việc cho Tây thời ấy, nhưng khi sự việc đã được văn nghệ hóa thì, tác phẩm Thơ thầy Thông Chánh đã trở thành một thứ vũ khí đánh giặc đáng gờm. Điều hiển nhiên này không ai dám phủ nhận, kể cả hạng người vừa nói.

Tác giả đã tỏ ra rất sâu sắc trong việc chọn bối cảnh không gian, thời gian, đối tượng, ngôn từ… để làm bật lên dụng ý kích động của mình, bởi trong công cuộc chống giặc ngoại xâm bằng bạo lực, yêu nước không hề là chuyện riêng của một người, một nhóm người hay một đẳng cấp xã hội, cho nên, ngoài hình thức chiêu tập nghĩa dân, lập mật khu kháng chiến, người yêu nước hãy còn nhiều phương thức thể hiện khác, có khi chỉ một mình cũng bất ngờ tạo thành “trận giặc” náo lọan, chẳng những tiêu hao nhiều tên giặc đầu sỏ, đúng đối tượng, mà còn gây được tiếng vang lớn có ý nghĩa. Điển hình như trường hợp thầy Chánh. Ông trút căm hờn lên đầu từng tên giặc:

Thuốc đạn nạp sẵn một khi,

Tức mình súng nổ đạn ria giáp vòng.

Trúng nhằm ông Chánh Vĩnh Long,

Trúng ngay bắp vế điệu về nhà thương.

Trúng nhằm ông Đốc Cần Thơ,

Bây giờ lại trúng Chánh Tòa Bạc Liêu.

Người Tây bị bệnh cũng nhiều,

Khen cho cây súng dị kỳ,

An Nam không trúng, trúng nhằm người Tây.

Hành vi đại nghĩa của người yêu nước luôn được nhân dân thương mến. Tác giả không thể quên chi tiết này: “Tàu về mới tới Trà Vinh. Vợ con bằng hữu đệ huynh đều mừng”. Và, hành động “kỳ tời” của thầy tất nhiên “Ngày sau hậu thế lưu danh muôn đời”.

Cả những người vì lý do nào đó ra làm việc với Pháp nhưng còn mang chút “chất Việt Nam” cũng không thể không thương tình, giúp đỡ:

Phủ Hơn lời mới tỏ bày:

-Nghe đâu lính tới tịch biên gia tài.

Bà Phủ lời mới chỉ bày:

-Vàng vòng tom góp lại thì một ô.

Chạy ra rồi lại chạy vô,

Tới chùa mà gởi cho thầy lục Nghiêm.

Nhưng hơn hết là những người hợp tác với giặc không thể không hứng lấy số phận bẽ bàng, như trường hợp của chính thầy Thông Chánh, dù “Làm việc nhà nước, ai mà cũng thương”, nhưng đến khi có việc thì cái nhà nước ấy không cần biết phải trái là gì, có oan ức, chống án thì ở đâu, cấp nào, cũng cứ “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, người cô thế nên đành phải chịu thiệt thòi, ức hiếp. Đây cũng là một chi tiết mà tác giả có dụng ý cảnh tỉnh vậy.

Kết cục thầy Thông Chánh bị án tử hình. Chuyện không thể khác, vì đó là “người thật việc thật”. Nhưng để bù đắp lại phần nào sự mất mát ấy, tác giả đã khéo tìm cách cân bằng trạng thái tâm lý người đọc bằng cách hư cấu những tình tiết như “đạn bay giáp vòng” trong khi điều kiện cấp bách không có đủ thời gian để tỉnh táo nhắm ngay đầu từng tên ác ôn, nhưng nhờ “trời khiến” nên “An Nam không trúng, trúng nhằm người Tây”, toàn ông Đốc, ông Chánh, ông Tòa… những người tiêu biểu cho chính quyền thuộc địa! Tác giả cũng sắp xếp bố cục chặt chẽ, tạo điều kiện cho thầy Chánh có dịp mắng chửi bọn người ác ôn đã miệng, bất kỳ ở đâu, cấp nào, kể cả Ngươn soái (“Mày mà hỏi nữa còng va lên đầu”) cũng không chỉ loanh quanh trong phạm vi các nước thuộc địa, mà còn diễn ra ngay tại “mẫu quốc”. Cho đến giờ chót, gia đình thầy cũng kịp tom góp vòng vàng lưu đi một cách an toàn trước khi chúng đến tịch biên. Rõ ràng, thơ thầy Thông Chánh được xây dựng trên cơ sở “có hậu”. Chính cái “bản sắc dân tộc” ấy đã nâng thêm không ít giá trị nghệ thuật của tác phẩm bình dân.

Về nội dung vụ án, chuyện kể rằng thầy Thông Chánh có vợ rất đẹp, có thể nói thuộc vào hạng “sắc nước hương trời”. Với cái nhan sắc tuyệt vời đó, bà đã làm nhiều người đê mê ngây ngất khi phải một lần nhìn.

Jaboin, một viên quan Biện lý người Pháp tùng sự tại tòa án Trà Vinh đã phải lòng thím Thông Chánh! Khi mà hình ảnh của một người đàn bà tuyệt vời lọt vào mắt xanh của kẻ có nhiều uy quyền và tiền bạc, thì vấn đề chinh phục chỉ còn là cơ hội và thời gian. Thầy Chánh thấy Jaboin muốn chiếm đoạt vợ mình, toan dở trò đồi phong bại tục, phá hoại gia cang, bèn tìm cách đối phó.

Thầy Chánh nghĩ rằng nếu làm lớn chuyện, chống cự hơn thua với một viên quan Biện lý có nhiều quyền hành, chắc chắn sẽ không kết quả mà còn phải mang họa vào thân, sẽ bị mất chức, ở tù, nghĩa là những bất hạnh phũ phàng, đắng cay sẽ trút đổ lên, lần lượt tới, mà không sao lường trước được, bởi chính quyền thuộc địa vốn hống hách, coi mạng sống lương dân như cỏ rác, chứ nào có phán xử công bình, phân biệt phải trái. Cho nên để tránh những tai họa chực sẵn, ông đành chọn con đường nhịn nhục bằng cách xin đổi đi xa. Thầy xin về làm việc tại Sài Gòn, mang theo cả vợ lẫn con, cốt tránh tên Biện lý ác ôn cứ theo ve vãn vợ mình.

Thầy về Sài Gòn tưởng đã xong chuyện, nhưng chỉ mới mấy ngày, tên mũi lõ Jaboin cũng lại lót tót xin về làm tại Sài Gòn.

Thầy Thông ngăn giữ vợ cẩn thận, nhưng nào ngờ tên Biện lý quá sàm sỡ, ve vợ không được lại quay sang ve con thầy:

Biện lý trở lại nó hòng ve con

Làm cho tôi bỏ Sài Gòn,

Quả đồ lục súc vợ con ve đùa

Thôi thôi tôi cũng chịu thua…

Con thầy Thông Chánh là cô Ba Thiệu. Cô Ba là một phụ nữ Việt Nam có nhan sắc tuyệt vời. Tuyệt vời đúng với ý nghĩa của nó. Mẹ cô đẹp, cô lại càng đẹp hơn nhiều lần bởi cô hãy còn nhỏ (17 tuổi), cái tuổi thanh xuân mơ mộng ngập tràn, mơn mởn trong thời trổ mã, dậy thì. Cô Ba nổi bật nhứt trong giới huê khôi thời bấy giờ. Tuy hãy còn nhỏ, nhưng cô cũng đã có chồng. Chồng cô là một người Pháp:

Thứ này đến thứ cô Ba,

Mới mười bảy tuổi lấy người chồng Tây.

Theo học giả Vương Hồng Sến thì “cô đẹp tự nhiên, không ai bì được. Không răng giả, không vú cao su, tóc dài chấm gót, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng”. Theo lời kể lại, thì nét đẹp cô mặn mà, tóc bới ba vòng một ngọn. Văn đã hay, nữ công lại khéo, mà võ thì khó ai bì đặng, cho dù là nam nhi khỏe mạnh. Đẹp đến nỗi nhà dây thép phải phát hành một loại tem đặc biệt in hình cô Ba! Đẹp đến nỗi một hãng xà bông lớn nhứt Việt Nam xin phép được họa hình làm nhãn hiệu: xà bông cô Ba, và cũng để mấy anh quảng cáo múa mép rằng, cô Ba con thầy Thông Chánh tắm xà bông này nên da thịt mới trắng mịn, mặn mà như thế! Và, ngay cả “Ngân hàng Quốc gia Việt Nam” của chế độ Sài Gòn trước đây cũng chọn “in nổi” hình cô (?) trong vòng trắng các loại giấy bạc lớn!

Do cái sắc nước hương trời đó mà kiều nữ Ba Thiệu không thể không lọt vào mắt xanh của tên Biện lý dâm dục!

Còn thầy Thông Chánh, với bản tính của một người đàn ông phương Đông trọng lễ giáo, giàu tình thương và không khuất phục, thầy nghĩ rằng cứ làm thinh mãi như thế này thì hóa ra mình là người nhu nhược ươn hèn, nếu nhịn mãi sẽ bị khinh thường, và biết đâu những hành động loạn luân sẽ được đưa ra đùa giỡn ngay trước mặt?! Nhưng rồi thầy Chánh cũng cố nuốt hận làm quên. Chủ trương hòa hưỡn là chước cao của người quân tử, nên một lần nữa, thầy lại quyết định ra đi.

Thầy xin đổi về Nam Vang (Campuchia lúc bấy giờ cũng là thuộc địa của Pháp – đối với họ, ba nước Việt Nam, Lào và Căm Bốt, trên phương diện cai trị, chỉ coi như một). Thầy cũng mang hết vợ con lên xứ Chùa Tháp. Định đi xa như vậy cho êm chuyện, nhưng nào ngờ nơi xứ lạ quê người xa xôi vạn dặm ấy mà cũng chưa thoát được móng vuốt của con quỷ râu xanh. Gia đình thầy Chánh chưa kịp sắp xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ thì hắn đã lù lù hiện đến và dở trò sàm sỡ cũ.

Thầy Chánh quá tức giận, định bụng rằng, thế gian này hoặc Thông Chánh chết đi để tránh chứng kiến cảnh tượng phi luân, hoặc tên Biện lý ác ôn này phải nằm xuống đền tội phá hoại gia cang mới hả dạ. Nghĩ đến, thầy Chánh định ra tay, nhưng kịp suy nghĩ, Nam Vang xa xôi cô thế, nếu gây sự với kẻ nhiều quyền hành thế lực, chắc chắn khó thành, vả lại, nếu thất bại, chết đi cũng xa nhà xa cửa, thân bỏ xứ người không ai hay biết. Do vậy thầy quyết dạy cho tên Biện lý bài học đích đáng bằng cách xin đổi ngược về nguyên quán Trà Vinh, vì nghĩ rằng thế nào Jaboin cũng theo đuổi tới cùng, nghĩa là cũng xin đổi về Trà Vinh, quê thầy, chừng ấy mới ra tay cũng không muộn.

Quả thật, Jaboin không rời vợ con Thông Chánh nửa bước!

Về đến Trà Vinh, thầy Chánh dựng lại nhà cửa, nhưng thợ mộc lãnh tiền trước mà không làm hết việc như đã giao kèo:

Làm rồi thì đã khuôn viên,

Còn một cái cửa thợ không chịu làm.

Tức quá, thầy Chánh bèn đưa đơn thưa thợ mộc để nhờ chính quyền xét xử, nhưng tên Biện lý Jaboin xử hiếp, Thông Chánh thua kiện:

Thiệt tôi giận nó căm gan,

Mắng nhiếc thợ mộc đâm đơn kiện vào.

Biện lý xử thất một khi,

Bênh vực thợ mộc bỏ tôi ngày rày.

Vì vậy thầy không thể dằn nén được nữa.

Nhân ngày 14 tháng 7 nhà cầm quyền thực dân tổ chức trọng thể lễ Chánh chung tại châu thành tỉnh lỵ. Các trò giải trí được bày ra. Đúng 4 giờ chiều, cuộc đua ngựa bắt đầu. Hàng ngàn dân chúng tụ tập. Hàng trăm viên chức cầm quyền các làng, các tổng trong tỉnh cũng được lịnh gọi về dự lễ. Trên khán đài, các quan lớn địa phương và lân cận ngồi đông nghẹt.

Giữa lúc mọi người đang vui mừng, đang cười cười nói nói, bàn luận về các tay tuyệt phích, thì…

- Đùng!

Súng nổ. Trên khán đài, Biện lý Jaboin và nhiều tên “người Tây” khác ngã gục. Mọi người nhốn nháo, la hét, ù chạy tán loạn. Lễ Chánh chung bị phá vỡ. Thầy Thông bị bắt. Thầy định quay súng lại bắn vào đầu tự tử để khỏi bị hành phạt của thực dân:

Thầy thông làm việc ngoan ngùy,

Bắn rồi trở lại bắn mình, để chi!

-Dù ta có sống một khi,

Tây cũng hình phạt sống thì nhơ danh!

Nhưng Phủ Hơn đã kịp thời giựt súng:

Phủ Hơn thấy vậy thất thanh,

Bắt tay Thông Chánh giựt rày súng đi.

Thầy Thông Chánh bắn mình không được, nhưng ngặt nỗi đạn đã lên nòng nên súng nổ, trúng thêm được mấy tên thực dân nữa.

Thuốc đạn nạp sẵn một khi,

Tức mình súng nổ đạn ria giáp vòng.

Trúng nhằm ông Chánh Vĩnh Long.

Trúng ngay bắp vế điệu về nhà thương.

Các quan, thiên hạ chạy tuôn,

Đua nhau mà chạy ra đường ngẩn ngơ.

Trúng nhằm ông Đốc Cần Thơ,

Bây giờ lại trúng Chánh Tòa Bạc Liêu.

Người Tây bị bệnh cũng nhiều…

Có điều đặc biệt là không một người Việt Nam nào bị lạc đạn trong vụ này:

Khá khen cây súng dị kỳ,

An Nam không trúng trúng nhằm người Tây.

Thế là thầy bị thực dân Pháp giam giữ để chờ ngày xử án.

Ngay sau khi bị bắt, sau lần tự tử bằng súng không được, bọn Tây đánh đập tra khảo, thầy Chánh nhứt định không nói một lời, còn mạt sát thậm tệ bọn cướp nước. Bị đánh quá tàn nhẫn, thầy toan cắn lưỡi tự vận nhưng cũng vẫn không thực hiện được ý định bởi thầy bị Tây dụ cho uống thuốc rụng hết hai hàm răng:

Tây đem thầy Chánh một hồi khảo tra:

- Sao mày dám bắn Lang-sa?

Mày bắn Biện lý thiệt mày to gan.

Thầy thông nổi giận chửi ngang,

-Chết tao tao chịu hỏi mà sao ra?

Chúa sanh tao đứng người ta,

Quân bây ăn cướp con nhà nước Nam.

Tao là quân tử chẳng tham…

Thông Chánh cắn lưỡi còn chi hỏi hoài.

Quan thầy vốn thiệt cao tài,

Đổ thuốc vào rượu giao cho Ký Hòa.

Bảo thầy Thông Chánh kia là,

Uống vào một chén vậy mà giải khuây.

Thầy Thông không biết không hay,

Vị lòng, thầy Chánh uống vào rụng răng.

Lần khác, nhân lúc thực dân giải giao thầy bằng tàu, ra đến cửa sông, thầy Chánh giả đò xin đi tiểu, thừa lúc không ai để ý, thầy nhảy ùm xuống sông tự vận, định bụng thà chết chứ không để Tây giết, nhưng lại một lần nữa, tử thần cũng không chịu rước người quyết chết, bởi lúc đó thầy mặc áo bông rất dày nên người thầy cứ nổi phình trên mặt nước chớ không chịu chìm, do đó Tây vớt thầy lên tàu:

Tàu ra giồng Tượng, bãi Sang,

Thầy Thông nói gạt vậy mà bằng nay:

- Chúng bây nghe thửa lời này,

Mở còng một chút thầy ra bô tàu.

Thầy Thông gan dạ như bàu,

Giả đò đi tiểu té nhào xuống sông.

Trong mình mắc bận áo bông,

Móc sắt nó móc kéo lên bô tàu.

Thầy Thông ruột thắt gan bào,

Liều mình chẳng đặng làm sao bây giờ…

Thế là một lần nữa thầy Chánh không thực hiện được ý định tự tử của mình.

Điều đáng chú ý là tánh tình của Thông Chánh rất cương dũng. Có lần thầy toan đập còng sắt lên đầu tên Ngươn soái chỉ vì tên này cứ theo hỏi lải nhải những câu mà thầy không muốn trả lời.

Đem thầy Thông Chánh đến Tòa,

Đặng mà Ngươn soái xử tra công đồng.

-Làm sao mày quá anh hùng,

Dám bắn Biện lý thiệt mày to gan.

Thầy Thông nổi giận chửi ngang:

-Mày còn hỏi nữa còng va lên đầu…

Bọn Pháp căm gan Thông Chánh, bèn quyết định xử tử hình thầy. Nhưng trước khi thi hành bản án, thực dân Pháp giải giao thầy về Huế cho triều đình ta xét xử (thực quyền ở Việt Nam lúc bấy giờ đều hoàn toàn lệ thuộc vào người Pháp. Triều đình ta chỉ là hư vị, một cái vỏ để mà mắt quần chúng và những kẻ non lòng. Do đó, giải giao thầy Thông Chánh cho triều đình, chỉ là một hình thức mang tính chiếu lệ, làm như luật pháp được hành xử công minh và cũng để chứng tỏ bộ máy cai trị của thực dân vẫn còn tôn trọng triều đình nhà Nguyễn vậy.

Đến Huế, thầy tâu bày tự sự:

Thánh hoàng ngồi ngự chương tòa,

Hỏi thầy Thông Chánh sao mà bắn Tây?

Thầy Thông đặt gối tâu quỳ:

- Muôn ơn Thiên tử dân di tỏ tường.

Trước sau thần hạ tỏ phân,

Cái thằng Biện lý ve rày vợ tôi.

Thì thôi tôi cũng bỏ trôi,

Vợ chồng tôi mới đổi về Chợ Trong.

Sài Gòn làm việc mới xong,

Biện lý trở lại nó hòng ve con.

Làm cho tôi bỏ Sài Gòn,

Quả đồ lục súc vợ con ve đùa.

Thôi thôi tôi cũng nhịn thua,

Vợ chồng tôi mới trở về Nam Vang.

Làm cho tán bại gia cang,

Biện lý xin phép Nam Vang đổi về.

Làm cho rời rã phu thê,

Vợ chồng tôi mới đổi về Trà Vinh.

Đặng gần bằng hữu đệ huynh,

Biện lý xin phép Trà Vinh đổi về…

Để rồi phải bị thầy bắn chết (và bản án tử hình do cố sát, đã đến với thầy).

Nghe xong, vua khen người quả cảm, cương dũng, định can thiệp giúp để thầy được ân xá, hoặc được hưởng biện pháp khoan hồng, nhưng thầy tha thiết xin vua cứ để tự nhiên cho số phần, định mệnh, vì đây là chuyện nhỏ, có tính cách riêng tư, không đáng cho vua hạ mình can thiệp:

Năm nay thời vận không nên,

Ngươn soái y án một lời như ghi.

Nên tôi những luống sầu bi,

Xin vua đừng xử để mà mặc tôi.

Cúi đầu tâu vọng Thánh hoàng,

Xin vua an nghỉ nghị ngơi chương tòa.

Việc này là việc Lang-sa,

Giết tha mặc nó vua xin làm gì.

Làm vua chánh trị trào nghi,

Đi chiều lòng nó vậy mà thất danh.

Bởi những lời lẽ đầy lòng cương trực đó, vua ta đã phải ngậm ngùi thương tiếc cho một con người bản lĩnh bất khuất trước bạo lực cường quyền.

Do đó thực dân “y án”.

Trước khi chém đầu, thực dân đưa thầy sang Pháp để gọi là “trình diện hung thủ” với bà mẹ của tên Biện lý. Gặp Thông Chánh, mẹ của Jaboin đùng đùng nổi giận kẻ đã giết con mình:

Đem thầy Thông Chánh về Tây,

Cho mẹ Biện lý xử mà làm sao.

Mụ đầm nổi giận lôi đình,

-Thông Chánh dám giết con tao bỏ mình.

Thầy Thông nổi giận lôi đình,

-Mẹ nào con nấy một lòng chẳng sai.

Cuối cùng thầy Thông Chánh được đưa về Trà Vinh, vào ngày 17.6 năm sau (1894) thầy Chánh thọ án tử hình bằng dao máy (có người nói là ngày 19.6). Cuộc xử án được tổ chức thật lớn. Chính quyền thực dân Pháp truyền rao giáp khắp lục tỉnh cho dân hay, đến coi:

Quan trên mới phán một khi,

Mười bảy tháng sáu xử hình thầy thông.

Truyền rao lục tỉnh giáp vòng,

Đi coi Thông Chánh đứng nên anh hùng.

Càng Long, Ác Ếch, Trà Vinh,

Ba Xuyên, Rạch Giá cũng đi đùng đùng.

Bắc Tranh, Trà Cú, Gò Công,

Sài Gòn, Tân Lạc, cả ngàn muôn dân.

Thiên hạ đông đảo, quá đông,

Bến Tre cũng đến, Mỏ Cày cũng sang…

Thế là vụ án thầy Thông Chánh kết thúc. Kết thúc một biến cố chứ không chấm dứt được những uất hận trào dâng trong lòng người dân Việt Nam vốn phải hứng chịu nhiều cay đắng phũ phàng bởi ách thống trị hà khắc thực dân; bởi sự hà lạm, cướp bóc của bọn quan lại xu thời, tay sai cho giặc.

Tuy biến cố thầy Thông Chánh chỉ là vụ bắn ghen, bắt nguồn từ một nguyên nhân nhỏ giữa cá nhân với cá nhân, nhưng nó không đơn thuần trong cái ý nghĩa ghen tuông thuộc địa hạt tình cảm cá nhân. Trái lại, chính những hành động hà khắc, bóc lột, bức hiếp và hống hách của thực dân, không tôn trọng quyền tự do tối thiểu của người dân, dồn dân vào chân tường… và bao nhiêu nhịn nhục dằn nén dồn ép đến cực độ, để rồi một sự vùng lên bất thần, một hành động táo bạo và liều lĩnh của người bé miệng thấp cổ nhứt định phải có. Có, để nói lên sức đề kháng mãnh liệt của người dân mất nước, và có, để dạy cho thực dân một bài học đích đáng về những hành động hống hách bất nhân bất nghĩa của họ.

Vụ án thầy Thông Chánh đã gây tiếng vang lớn, làm xúc động mọi người, mọi giới (tuy mọi người vẫn ít nhiều thành kiến với thông ngôn, ký lục… những người cam tâm làm bồi cho Tây để ăn bơ, liếm sữa mà còn quay mặt xấc xược với đồng bào). Người dân thời ấy coi hành động của thầy Thông Chánh là một hành động can đảm phi thường. Ai cũng nức lòng, vừa bụng. Cứ mỗi lần có một tên thực dân nằm xuống là hào khí đấu tranh lại có dịp dấy lên trong lòng quần chúng. Và cũng cứ mỗi lần có người Việt Nam nào bị Tây giết hại, là lòng căm thù thực dân lại cứ trào dâng sôi sục! Vì hoàn cảnh nên họ chỉ lén lút luận bàn trong những lúc trà dư tửu hậu, hoặc kể lại cho con cháu nghe trong những hồi công rãnh việc nhàn. Điều đáng ghi nhận là, người bình dân lúc bấy giờ đã có một sáng kiến coi như độc đáo, là họ đã nghĩ ra một hình thức nhắc nhở đến thầy bằng cách đặt ra câu hát đề cập đến, nhưng nội dung không phải là nội dung thầy Thông Chánh bắn Biện lý Tây, mà là một hình thức đề cao giới kim hoàn – xuất xứ câu hát rất có thể do từ giới này – họ hát lên công khai, dậy xóm mà không ai có thể làm gì được. Câu hát có tác dụng gợi khéo một hình ảnh giết Tây hiên ngang của thầy Thông Chánh, nhắc đến thầy để liên tưởng đến gương anh dũng đó. Câu hát nay vẫn còn truyền tụng sâu rộng:

Mười giờ ông Chánh về Tây,

Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn.

Thông ngôn bạc chục, ký lục không thèm,

Để lấy thằng chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay.

Nhờ vào câu hát này, chúng ta biết thực dân đưa thầy Chánh về Pháp lúc mười giờ.

(2) Trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, khi giải về chữ Chánh, tác giả viết rằng: Chánh là chính, người đứng đầu một sở, một hội, một ban, và ông chua thêm hai câu ca dao: “Mười giờ ông Chánh về Tây, cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn”, tôi e rằng không đúng, vì chữ Chánh trong câu ca dao này không phải có nghĩa là người đứng đầu một sở, một hội… mà Chánh ở đây là tên, là thầy Thông Chánh, bởi câu dưới có đề cập đến cô Ba, tức cô Ba Thiệu con thầy.

(Trong cuốn Nói về miền Nam (Lá Bối, Sài Gòn, 1967), ông Sơn Nam cũng có đề cập đến hai câu này, ý nói đó là những người con gái Vân Nam chuyên nghề lấy Tây để kiếm tiền).

NGUYỄN HỮU HIỆP



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com