Tuần báo Nghệ thuật phát hành tại Sài Gòn. Tư liệu L.M.Q
Gần đây, một nhân vật khá quen thuộc với giới trí thức miền Nam trước năm là Phạm Công Thiện, trong tác phẩm Nguyễn Du - đại thi hào dân tộc, cho rằng “Nguyễn Du, Hoelderlin và Walt Whitman là ba thiên tài lớn nhất của nền thi ca nhân loại trong hai ngàn năm hoang vu trên mặt đất”.
Cho đến nay, tôi vẫn chưa được nghe thông tin là có một phái đoàn văn hóa Việt Nam sang Trung Quốc để tìm lại dấu vết của thi hào Nguyễn Du- người đã để lại Truyện Kiều- một viên ngọc toàn bích, không tì vết trong thi ca nhân loại. Như ta biết Nguyễn Du làm Chánh sứ sang Trung Quốc năm 1813, lúc ấy tiên sinh đang giữ chức Cần chánh đại học sĩ. Trong chuyến đi này, tiên sinh đã viết được khoảng 130 bài thơ trong tập Bắc hành tạp lục. Nhắc qua đôi nét để thấy rằng, khi giới nghiên cứu văn hóa nước nhà tìm hiểu về chuyến đi này thì chắc chắn sẽ còn phát hiện ra nhiều điều thú vị về một danh nhân văn hóa đã được UNESCO công nhận.
Trong khi đó, đối với thi hào Tagore - đã từng đoạt giải thưởng Nobel năm 1913 với tập Thơ Dâng - dù chỉ đặt chân đến Sài Gòn trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng sau đó phái đoàn văn hóa Ấn Độ đã tìm đến...
Câu chuyện lý thú như sau: Từ chiếc tàu Angers, ngày 21.4.1929 thi hào Tagore đặt chân lên Sài Gòn giữa tiếng reo hò nồng nhiệt của trí thức và quần chúng lao khổ. Bởi lẽ họ đã xem Tagore cũng là một chí sĩ chống đế quốc như Thánh Ganhdi. Điều thú vị là Tagore rất thích quốc phục Việt Nam. Lập tức ban tổ chức đã đưa ông đến một hiệu may để may ngay một áo dài bằng gấm. Ba mươi năm sau, ngày 10.4.1959, Hàn Lâm viện Ấn Độ do ông Tổng Thư ký K.E. Kripalani dẫn đầu đã sang Sài Gòn để thu thập, tìm kiếm tài liệu liên quan đến đến sự kiện này. Phái đoàn này đã được nhà thơ Đông Hồ cung cấp khá nhiều tài liệu.
Hiện nay, trên một tạp chí văn hóa phát hành thời đó, chúng tôi có nhìn thấy bức chân dung Tagore mặc quốc phục Việt Nam rất độc đáo. Mà tà áo dài cũng lạ, đủ sức hấp dẫn mọi người trên thế giới khi nhìn thấy nó và họ cũng đều mơ ước được một lần thử mặc xem sao. Tháng 7.1964, hoa hậu California lần đầu tiên đến Sài Gòn trình diễn thời trang đã đến nhà may số 50 Phạm Ngũ Lão và cô tuyên bố trên báo chí thời đó: “Những chiếc áo dài xinh xắn đó - áo dài nhà may SaiGon - chúng tôi sẽ luôn luôn giữ nó và mặc nó đi trình diễn khắp thế giới”.
Nhưng một trong những người dầu tiên đặt chân đến Sài Gòn phải kể đến John White. Từ ngày 25.9.1819 John White đã neo tàu tại Vũng Tàu và được phép đặt chân lên Sài Gòn vào ngày 7.10.1819. Trong thời gian này, ông đã đi nhiều nơi và có những ghi chép rất thú vị về Sài Gòn những ngày tháng này, rồi ngày 30.1.1920 tàu của John White nhổ neo.
Thật ra khó có thể “thống kê” được bao nhiêu nhân vật lừng danh trên thế giới đã đến Sài Gòn và Sài Gòn đã để lại trong tâm hồn họ những dấu ấn nào khó phai. Đó là công việc của những nhà nghiên cứu. Nhưng có một điều mà chúng ta biết một cách chắc chắn là vùng đất Sài Gòn rất hào hiệp khi đón những người bạn chí tình với mình, nhưng cũng sẵn sàng nổi sóng để đè bẹp mọi thái thù hiềm khích thù hằn.
Mà thật vậy, người Sài Gòn vốn hào khí và quý khách, nếu biết khách “chịu chơi” thì họ khộng hẹp hòi gì lòng thành. Còn nhớ lúc 14 giờ 45, ngày 27.6.1962 danh ca Dalida cùng chàng họa sĩ Skieski đến Sài Gòn đã được giới trẻ đón tiếp nồng nhiệt. Trên báo Kịch Ảnh có in thông báo: “Những bạn ái mộ Dalida muốn có lưu bút kỷ niệm của nàng trên đĩa hát hay hình ảnh có thể tới tiệm Alpha Radio 157 đường Tự Do Sài Gòn từ 16 giờ đến 18 giờ ngày 3.7.1962”. Đặc biệt sau đó, tại nhà hàng Caravelle các văn nghệ sĩ nổi danh tại Sài Gòn đã tổ chức gặp mặt thân mật.
Thời đó, Sài Gòn đang sống trong không khí chiến tranh, chính cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc đã “cảm hóa” được cả người nước ngoài. Tiêu biểu như trường hợp “ông Tây” André Menras tự nhận mình thuộc... “bộ tộc Tà Ru” (tức tù ra) đã được những người tù chính trị trong khám Chí Hòa đặt cho cái tên Hồ Cương Quyết. Trong thập niên 1970 của thế kỷ XX, ông đã dũng cảm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên tượng thủy quân lục chiến ở trụ sở Quốc hội Sài Gòn (nay là Nhà hát thành phố). Sau khi ra tù, ông đã viết tác phẩm nổi tiếng Ra khỏi nhà tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo đã có mặt tại Hội nghị Paris năm 1973. Trước đó, “chuyên gia đảo chính” là đại sứ Mỹ Henry Cabot Lodge thượng tuần tháng 8.1963 sang Sài Gòn thay thế cho Nolting không những chẳng “kèn trống” gì cả mà khi cút xéo còn bị những vần thơ châm chọc rượt theo:
Xưa đón ông rồi, nay tiễn ông
Ông về bên ấy nhớ nhau không?
Một tay sắp đặt bao trò rối
Nửa miệng khen chê lắm chuyện rồng
Diễn xuất tài tình, nhiều mới lạ
Xóa bày thiện nghệ, lắm kỳ công!
Bỗng dưng từ chức ông về nước
Văng vẳng bên tai tiếng súng đồng
(Thơ đen - Tú Kếu)
Tất nhiên, không hề có chuyện “Bỗng dưng từ chức ông về nước”. Cuộc chiến đấu hào hùng của dân quân Sài Gòn đã đẩy chúng vào “đường hầm không lối thoát”.
Những chuyện xưa ấy, dù không quên, nhưng cũng chẳng cần phải nhắc lại. Hiện nay đến với Sài Gòn trong những năm đổi mới nhiều người nước ngoài nhận xét là nơi an toàn nhất, họ có thể đi thong dong giữa phố xá mà cứ tưởng như đi an bình trên đất nước họ. Đó cũng là cảm tưởng của Tổng thống Fancois Mitterrand vài năm trước đây khi đến Sài Gòn, ông đã thả bộ đi trên đường Đồng Khởi mà không cần “tiền hô hậu ủng”. Sau đó, ngày 16.11.2000 Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ W.J. Clinton thăm chính thức Việt Nam, khi đặt chân đến Sài Gòn, ông đã từng chọn món phở để thay đổi khẩu vị và đã khen ngon.
Thật khó có thể thống kê” cho hết những nhân vật nổi tiếng đã đến Sài Gòn và chắc chắn có không ít các doanh nhân sang đây tìm thị trường mới...
LÊ MINH QUỐC
(nguồn báo Doanh nhân số Xuân)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|