THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - Về ba bổn thơ lưu hành ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX mới tìm được

LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - Về ba bổn thơ lưu hành ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX mới tìm được

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng
Về ba bổn thơ lưu hành ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX mới tìm được
* Lời giới thiệu thơ Thầy Thông Chánh
Thơ thầy Thông Chánh
* Lời giới thiệu thơ Sáu Trọng (Lê Minh Quốc)
Sáu Trọng thơ
* Lời giới thiệu Thơ cậu Hai Miên
Thơ Cậu Hai Miêng
Tất cả các trang

Về ba bổn thơ lưu hành ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX mới tìm được

Khi biên soạn Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976), nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh có viết: “Những bài vè thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng in năm 1890 ở Sài Gòn. Đó là một pho sử sống do nhiều loại người sáng tác, hoặc người quen cày cuốc trong lũy tre xanh, hoặc anh hát xẩm nói thơ trên đường phố, hoặc ông đồ nghèo, ông tú xuất thân bình dân lại có cả nhà sư yêu nước thức thời. Pho sử ấy ngay từ buổi đầu đã có bản được chép, có đoạn được in, nhưng đều bị quân Pháp tịch thu ngay. Hầu hết đều ghi trong óc, cất trong trí nhớ và truyền đi bằng miệng qua lời hát, cách kể, lối nói của từng địa phương, của từng loại người. Và như vậy, dù cho bọn thực dân, bọn quan lại có cấm đoán, lời thơ của nhân dân vẫn cứ cất cao bay bổng. Nó tươi tắn, chân chất như cuộc sống, nóng hổi và cuồn cuộn, hấp dẫn mọi người. Ai cũng muốn kể, ai cũng muốn biết, ai cũng muốn truyền…” (tr.223). Đây cũng là nhận định chung về thể loại thơ tự sự dân gian.

Trong Địa chí văn hóa TP. Hồ Chí Minh - tập 2 (NXB TPHCM, 1988) gọi là “truyện thơ” (tr.46) cũng có ghi nhận: “Nếu thơ thầy Thông Chánh và thơ Sáu Trọng - Hai Đẩu được coi là ‘truyện thơ làm rung rinh chế độ thực dân Pháp vào đầu thế kỷ XX’ hì các truyện thơ Sáu Nhỏ, Năm Tỵ, Hai Miêng là những cuộc nổi loạn của những con người ‘dọc ngang nào biết trên đầu có ai’ (tr.46).

Trong khi đó, một nhân chứng của thời đại là nhà nho Nguyễn Liên Phong, khi viết Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (Phát Toán in năm 1909 tại Sài Gòn) lại có cái nhìn lệch lạc, đánh giá không đúng về những bài vè này:

Sau thêm Sáu Trọng hành hung

Sát nhơn bạch nhựt, mạng đồng phù du

Thông Chánh chuyện không đáng thù

Bắn quan biện lý tu du bỏ mình

Quốc gia cứ lẽ công bình

Hai người xử tử, phân minh răn người

Nghĩ đi nghĩ lại nực cười

Mang câu khí huyết ở đời sao xong

Làm người không xét đục trong

Đặt vè tầm bậy, điên khùng bia danh

Nếu quả thật những bổn vè này “tầm bậy, điên khùng” thì chắc chắn thực dân Pháp đã không ra lệnh tịch thu, thậm chí ai lưu truyền còn bị chúng bắt bỏ tù nữa là khác. Rồi sau này, các nhà nghiên cứu nặng tình với nền quốc học và quốc sử nước nhà đã dày công tìm tòi. Chẳng hạn, từ năm 1968, ông Vương Hồng Sển, trong bài “Chung quanh vấn đề viết soạn tiểu sử Nguyễn Trung Trực cũng như các nhân vật lịch sử khác” đăng trên Tập san Sử Địa số 12, phát hành tại Sài Gòn có đoạn viết: “Tôi muốn tìm lại bài vè, nguyên văn bài thơ lục bát, lúc nhỏ tôi đã được nghe đầy lỗ tai, do mấy anh mù đờn độc huyền ngồi nói thơ tại chợ Sóc Trăng, nơi các ngã tư hay ngang các tiệm hút, kể lại rành rọt sự tích thầy Thông Chánh này. Tôi tổ chức một bữa tiệc tại nhà. Các anh em có mặt, trong số có một ông ở Bến Tre, một ông ở Trà Vinh và một ông còn nhỏ tuổi, gốc gác người Rạch Giá, nay mỗi tuần vãn nghe tiếng nói trên Đài Phát thanh, ba ông đều hứa tìm dùm bổn thơ tôi đang cần dùng. Nhưng cho đến hôm nay, nước vẫn chảy dưới cầu, mà việc đâu còn đó, tại số thầy Thông Chánh chưa đi đầu thai được. Bổn thơ nói về thầy, tôi nhớ lấy được vài câu khởi đầu:

“Nhựt trình Vĩnh Ký đặt ra

“Chép làm một bổn để mà xem chơi

“Trà Vinh nhiều kẻ kỳ tài

“Có thầy Thông Chánh thiệt người lớn gan…”

Nhớ tới đây rồi hết, tôi không nhớ được, mà các bạn của tôi, duy khi nào có rượu, có động dao động thớt thì mới thấy mặt. Cái câu: “Anh Vương cứ yên tâm. Để đó cho các em. Anh đừng lo. Hễ tôi về tới xứ sở, tôi hỏi lại kỹ rồi tôi chép ngay gởi lên anh tức thì”. Câu ấy còn nghe văng vẳng bên tai, nhưng tôi đã biết dư và không lấy làm lạ lắm. Bạn tôi ba người, có đứa mắc lo “gả chị vợ”, đứa bạn lo “nuôi vợ người ta đẻ”, đứa chót không lo gì hết, nhưng có làm gì có ích đâu, ngoài việc đi nhóm, đi hội, trông mong tiền xúp.

…. “Hỏi kỹ lại thầy Thông Chánh giết Biện lý Tây là vì lão này hết chỗ chơi, nhè vợ thầy mà mò. Thầy chết bị gươm máy chém mà dân không sợ vì hiểu trái ngược ý muốn của Tây, dân xem gương thầy Chánh là người hùng, dám ăn dám làm, không như nhiều người, vợ cho Tây, cho Mẽo mượn làm món đồ chơi, lại còn hãnh diện”.

Ông Sơn Nam, trong cuốn “Thiên địa hội và cuộc minh tân” (Phù Sa, Sài Gòn, 1971) trang 89-93:

“Thơ thầy Thông Chánh do người sau kể lại, sự can đảm của thầy trở thành huyền thoại, những sự kiện trình bày trong tập thơ có thể không đúng với sự thật, thầy Thông Chánh đã giết tên Biện lý Trà Vinh và Jaboin, vào ngày 14 Mai 1893. Nên nhắc rằng trước đó đúng năm 1889, vào khoảng 8 giờ tối, viên tham biện chủ tỉnh tên là Langlais cũng bị ám sát hụt tại Trà Vinh.

Vì không tìm ra được tập thơ thầy Thông Chánh, chúng tôi đành tóm lược và trích dẫn vài đoạn ghi lại theo trí nhớ của một nhơn sĩ ở Chợ Giữa (Mỹ Tho). Tập thơ này thời Pháp thuộc bị cấm lưu hành và cấm trình bày nơi công cộng vì nội dung đề cao một người dám giết kẻ thù là tên Biện lý người Pháp".

Ông Phạm Long Điền, trong bài “Hai tập thơ bình dân đã làm rung rinh chế độ thực dân miền Nam vào đầu thế kỷ hai mươi”, đăng trên tạp chí Bách Khoa số 412, phát hành ngày 30.7.1974:

“Cho tới nay, nhiều tác giả tại miền Nam đã nghiên cứu thơ Sáu Trọng. Nhưng thơ thầy Thông Chánh mới đáng được nghiên cứu vì nó nêu rõ tính chất đối kháng của sĩ dân miền Nam chống lại chế độ thực dân… Thầy Thông Chánh được mô tả như một nhân vật đầy huyền thọai. Thầy là thông ngôn hưởng nhiều ưu quyền của chế độ thực dân: Vợ thầy đẹp, nhẹ dạ, bị tên Biện lý Jaboin ở Trà Vinh quyến rũ, thầy Chánh ghen, bắn tên Biện lý. Dân chúng Nam Kỳ hồi ấy phục thầy dám cầm súng bắn người Pháp, xem thầy như một anh hùng dân tộc” (…) Trước năm 1909 tại Nam Kỳ đã có hai tiểu thuyết văn vần:  Thơ thầy Thông Chánh thơ Sáu Trọng. chúng ra đời như hai tia lửa báo hiệu sự đoạn tuyệt của quần chúng Việt Nam đối với di sản văn hóa bắt nguồn từ Trung Hoa và tố cáo bộ mặt thực do thực dân áp đặt trên mảnh đất thân yêu này.

Thể tài của thơ thầy Thông Chánh thơ Sáu Trọng không còn dựa vào nguồn cảm hứng Trung Hoa xa xôi mà trái lại, nó được hình thành từ cuộc sống hàng ngày gần gũi của người dân Việt. Người soạn hai tập thơ trên quan niệm sáng tác cho quần chúng, chẳng những cốt truyện, mà lời thơ cần đi sát với nếp sống của quần chúng. Ảnh hưởng nhờ đó mới được sâu rộng và sứ mạng của người cầm bút mới được chu toàn.

… Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy nhà cầm quyền thực dân cấm lưu hành hai tập thơ trên. Cấm lưu hành chưa hả dạ, thực dân còn cầmtuyệt người dân nói thơ thầy Thông Chánh để rồi sau hơn nửa thế kỷ, tại miền Nam hiện nay không ai còn nhớ tới một vài câu thơ liên hệ đến thầy Thông Chánh. Thậm chí hiện nay khi đề cập đến thời kỳ đầu nền văn học quốc ngữ người ta đã quên hẳn đi sự có mặt của thơ thầy Thông Chánh, thơ Sáu Trọng, hai tập thơ đã đoạn tuyệt nguồn cảm hứng Trung Hoa và nói lên được mức đề kháng của quần chúng trong Nam đối với chế độ thuộc địa”.

Ông Nguyễn Văn Hầu, trong bài “Thơ trong phong trào nói thơ miền Nam với một số tác phẩm mang tính chất đối kháng” đăng trên tạp chí Bách Khoa số 414 ra ngày 19.10.1974:

“Chúng ta làm sao quên được những bổn thơ mà chúng ta không xếp nó vào loại đối kháng thực dân! Người ta công khai ca ngợi anh hùng tính, đề cao những người chống phá pháp luật, gây rối trật tự. Giữa lúc mà Tây tổ chức bộ máy cai trị chặt chẽ tại cái xứ gọi là “thuộc địa” này rồi, các cuộc sắt máu tranh đấu trước sau kể như bị đẩy vào tàn lụi rồi, vậy mà dân chúng mạnh dạn đua nhau ngâm nga ca hát, đua nhau khen phục những người coi “phép nước” như chơi ấy, thật đâu phải là chuyện dễ thường mà nên!

Đó là một tâm lý đối kháng ngấm ngầm, một sự bất phục tùng tiêu cực, được phát tiết từ những chèn ép nặng nề mà vô hình trung, đa số đã vô tình đồng lõa dấy lên, gây thành một phong trào công khai và rộng lớn.

Thực dân đã có lúc cấm thơ cậu Hai Miêng, bởi vậy thơ cậu Hai Miêng loại bổn cũ soạn lại đã thiếu nhiều chi tiết. Họ cũng truyền bắt bỏ tù những ai nói thơ thầy Thông Chánh, cho nên thơ thầy Thông Chánh ngày nay hết sức hiếm hoi.

(…) Cho nên về phương diện tâm lý, ta thấy đó là một hình thức phản đối thực dân thống trị, gián tiếp khuyến khích chống luật pháp đương thời và cổ võ, tiếc thương cho những tay khí phách can cường mang trong mình một dòng máu anh hùng, thể hiện bản tính bộc trực, nhứt ngôn ninh thọ tử bất ninh thọ nhục của con người lục tỉnh.

Tác dụng của thơ chắc chắn đã có lúc làm thực dân điên đầu bực tức. Bằng cớ là ngoài việc cấm đoán không cho phổ biến loại thơ đối kháng nói trên, người ta còn thấy những lời phản tuyên truyền do một bàn tay theo Tây đưa ra. Điều này thêm lần nữa xác định tác dụng tâm lý đáng kể của các bổn thơ vừa nói.”

Chính cũng vì ý thức được như thế nên chúng tôi đã chú tâm tìm tòi trong nhiều năm nay. Và đã may mắn tìm được. Được sự giúp đỡ của NXB Trẻ, chúng tôi xin được phép in lại ba bổn thơ này, không ngoài mục đích chứng liệu để làm rõ hơn nhận định của Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - tập 2: “Các truyện thơ lịch sử - xã hội cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã kể về cuộc đời của những con người như thế đó. Nó phản ánh một cách trung thực xã hội bất công và suy đồi. Ở đây cũng lóe lên những tia sáng của tinh thần phản kháng. Đó là những ngọn lửa âm ỉ cháy để đến những năm 30,40 bùng lên thành biển lửa cách mạng của dân tộc. Được sáng tác bằng thể loại thơ lục bát truyền thống của dân tộc, các truyện thơ này đã cung cấp cho sinh hoạt “nói thơ” những tác phẩm nóng hổi tính thời sự và có thể nói chúng đã mở đầu cho loại tiểu thuyết hiện thực về đề tài thành thị.\” (tr.51).

Nhân đây cũng xin nói qua về những bổn thơ này.

Thứ nhất, thơ thầy Thông Chánh do Nguyễn Hữu Hiệp sưu tầm được - do bà Đào Thị Mười ở Thủ Thừa (Long An) đọc thuộc lòng (nói thơ) - gồm 262 câu. Thứ hai, thơ Sáu Trọng là do Lê Minh Quốc tìm mua được bổn in cũ tại nhà sách cũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Thứ ba, thơ cậu Hai Miêng thì tình cờ xem trong tủ sách gia đình của ông Nguyễn Q. Thắng thấy có bổn thơ này -  tuy nhiên do mất bìa nên không rõ in năm nào. Tập sách này dày 18 trang gồm 564 câu thơ. Trang đầu tiên, dưới tựa lớn “Cậu Hai Miêng” thì có ghi: Tác giả: Van Phước dit Nguyễn Bá Thời. Chúng tôi ngờ rằng, tác giả trong trường hợp này không là người đã sáng tác như chúng ta từng hiểu, mà là người đứng ra in tập thơ này. Điều này cũng giống như trường hợp bổn thơ Sáu Trọng lại ghi là Nguyễn Kim Đính dịch (?) mà chúng tôi sẽ lý giải sau. Trang cuối cùng có ghi: “Bán sỉ, lẻ đủ các thứ sổ, sách, giấy, mực, thơ, tuồng, truyện bài ca, tiểu thuyết mới cùng sách học, thì do nơi hiệu Phạm Đình Khương, Cholon, 31 Boulevard, Bonhoure”. Chi tiết này có thể giúp cho chúng ta xác định thời điểm mà tập thơ được in.

Khi in lại ba bổn thơ này, chúng tôi chủ trương in đúng nguyên văn, không thêm bớt, chỉ sửa vài lỗi chính tả. Trước mỗi tập thơ, chúng tôi có viết đôi lời giới thiệu, nhằm giúp bạn đọc nắm rõ nội dung của ba truyện thơ này.

Thiết nghĩ, trong dịp long trọng kỷ niệm 300 Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, việc in lại các áng thơ bình dân từng “làm rung rinh chế độ thực dân Pháp đầu thế kỷ XX” cũng là điều ôn cố tri tân. chúng tôi cố gắng làm hết sức mình để tập sách ra đời hoàn chỉnh nhất, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót nào đó, rất mong được sự chỉ bảo, giúp đỡ chân tình của các bậc học giải đi trước.

Nhóm sưu tầm, giới thiệu

Nguyễn Hữu Hiệp - Lê Minh Quốc



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com