THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - * Lời giới thiệu thơ Sáu Trọng (Lê Minh Quốc)

LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng - * Lời giới thiệu thơ Sáu Trọng (Lê Minh Quốc)

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Thơ Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng, Hai Miêng
Về ba bổn thơ lưu hành ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX mới tìm được
* Lời giới thiệu thơ Thầy Thông Chánh
Thơ thầy Thông Chánh
* Lời giới thiệu thơ Sáu Trọng (Lê Minh Quốc)
Sáu Trọng thơ
* Lời giới thiệu Thơ cậu Hai Miên
Thơ Cậu Hai Miêng
Tất cả các trang
 

SÁU TRỌNG THƠ

LỜI GIỚI THIỆU

Tôi có duyên tìm được nguyên vẹn tập Sáu Trọng thơ, bổn in lần thứ 6, giá bán 0 đồng 30 xu, in tại nhà in Bảo Tồn, 176 đường Boulevard de la Somme – Sài Gòn. Tập thơ này dày 12 trang, khổ 24x16cm. Ngoài bìa ghi Nguyễn Kim Đính dịch (xem ảnh kèm theo). Tôi không hiểu “dịch” ở đây có nghĩa gì? Nhà báo Nguyễn Kim Đính đã sưu tầm lại bổn thơ này trong dân gian rồi đem đi in chăng? Ông Nguyễn Kim Đính là một trong những nhà báo tiên phong của đất Nam Kỳ. Năm 1916, ông là Trưởng ban biên tập của tờ Tân đợi thời báo, khi tờ báo này đổi thành Công luận báo vào ngày 29.8.1916 thì ông trở thành chủ bút. Đến ngày 2.5.1923, ông chủ trương tờ Đông Pháp thời báo. Ngoài việc đứng tên trên tập Sáu Trọng thơ, tôi còn giữ được tác phẩm Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên do ông biên soạn, xuất bản vào năm 1927.

Tập thơ Sáu Trọng gồm có 672 câu thơ lục bát, ngoài ra còn có hai lá thư của Sáu Trọng gửi cho bà con cô bác. Lá thư thứ nhất gồm 34 câu thơ loại bảy chữ, lá thư thứ hai gồm 62 câu thơ loại bốn chữ. Có thể tóm tắt nội dung: Sau vài năm phiêu bạt lên Sài Gòn kiếm sống, Sáu Trọng trở về quê thăm mẹ và kết duyên cùng Hai Đẩu. Sau đó, hai người cùng mướn xe chở đồ đạc lên cư trú ở chợ Bến Thành. Thời gian này Sáu Trọng làm bồi cho Tây, lương tháng 10 đồng. Hai Đẩu ở nhà ngoại tình với Tám Lịch. Ít lâu sau, mụ Tư Đến lại mai mối Hai Đẩu cho thầy ký lục Be Bo, xong hai người xuống Trà Vinh. Nhận được tin này:

Trọng ngồi thấm mật giận nàng

Âu ta xuống đó quyết đàng tử sinh.

Đến nơi, Sáu Trọng vào tận nhà để nói chuyện phải quấy với Be Bo, tên ký lục này rút súng ra định bắn, nhưng Sáu Trọng đâu có ngán, chàng liền thách thức: “Ngực đây ông bắn cho an một bề”. Tên Be Bo chùn tay, hắn liền phao cho chàng vào đây ăn trộm. Chàng bị bắt:

Trọng rằng: Thiệt quá ức lòng

Khi không kêu án ba trăng thình lình.

Lúc mãn hạn tù trở về thì chàng được tay du côn là Năm Tị cho biết Hai Đẩu đã:

Biểu qua giết chết em đi

Đừng để mày sống nó thì căm gan

Biểu tao mau phải lo toan

Giấy cent một tấm gửi sang đền nghì!

Thế đấy! Chỉ một trăm đồng đủ sức đổi một mạng người. Điên tiết, Sáu Trọng xách mác đi hỏi tội người vợ cũ. Sau khi phanh thây người lòng lang dạ sói, Sáu Trọng đi nạp mình chịu án chứ không thèm trốn tránh:

Trọng rằng: từ giã cố tri

Anh em ở lại vĩnh vi trọn bề

Anh hùng sống ở thác về

Nên hư cũng tiếng theo lề lối xưa

Người than, kẻ khóc như mưa

Phút đâu giờ tới chiêng đưa mấy hồi

Bá quan tựu tới vừa rồi

Diễn quan đọc án dứt lời đầu bay

Nôm na sự tích tỏ bày

Dở hay cũng tiếng để rày làm gương.

Về cái chết của Sáu Trọng, các tác giả của Địa chí văn hóa TP.Hồ Chí Minh nhận định: “Việc làm của Sáu Trọng là một biểu hiện bằng hành động cụ thể của xu hướng bài Tây của đông đảo nhân dân. Do đó chúng đã cấm lưu hành bổn thơ này vì sợ nó rao truyền cổ xúy tinh thần bất phục tùng và phẩm chất làm người “kiến nghĩa bất vi vô dũng giả”. Ở Sáu Trọng gia đình tan nát là do bọn cướp gây nên. Do đó hành động của Sáu Trọng có ý nghĩa lớn hơn việc giết một kể “bội phu” thông thường, nó còn hàm chứa ý nghĩa phê phán xã hội (Sđd, tr.49).

Về mặt ngôn ngữ, thơ Sáu Trọng đậm đặc lời ăn tiếng nói của người Sài Gòn xưa. Bên cạnh đó, sự giao lưu ngôn ngữ Việt-Pháp đã đi vào thể thơ truyền thống lục bát. Xin trích vài câu:

Bạc-đon ông chớ phát-sê

Ắt-tăng mổ rắc-công-tê tú-xà

A-quăng mết-trết của ta

Rén-đia cả-sối lủy mà xỗ huê

Lủy với Tám Lịch cu-sê

Mổ mà chẳng có tấp-bê chút nào.

Đây là đoạn Sáu Trọng phân bua với ký lục Be Bo, tạm dịch nghĩa: Xin lỗi ông chớ giận. Để tôi thuật lại tự sự trước sau. Trước nó là vợ của tôi. Tôi không nói động đến nó mà nó bỏ đi. Nó ngủ với Tám Lịch. Tôi chẳng đánh nó chút nào.

Những bổn thơ này do truyền khẩu, do đó, nó có nhiều dị bản cũng sẽ là tất nhiên. Theo Địa chí văn hóa TP.Hồ Chí Minh thì có bổn thơ thêm những câu như:

“Vung kiếm Tào công chẳng mấy tài

Khá khen Sáu Trọng phận làm trai.

Mấy năm oán quỷ lòng mong trả

Một lưỡi dao thần, tiếng để dai

Giọt máu bội phu mưa chẳng cháy

Đống xương dũng sĩ nắng nào phai

Sự riêng gan ruột xem cho đó

Ước đặng Cần Vương chép sử ngoài.

Người đời làm thơ khen Sáu Trọng như thế đó và lại mong sự việc này được chép vào “ngoại sử” của phong trào Cần Vương. Một chàng trai giết vợ “bội phu” đi lấy chồng Tây thì có gì mà người đề nghị ghi vào bên cạnh lịch sử chống xâm lược Pháp? Phải chăng người làm ra bổn thơ Sáu Trọng nhận thấy trong việc chàng trai Sáu Trọng tứ cố vô thân ấy đã dám nổi loạn đánh đổ không run sợ cái thể chế pháp luật và trật tự xã hội đầy rẫy những vô đạo đó, có tiềm ẩn một thái độ phản kháng? Và có lẽ trong thời điểm ấy, việc làm của Sáu Trọng là một biểu hiện bằng hành động cụ thể của xu hướng bài Tây của đông đảo nhân dân”. (tr.48,49)

Lê Minh Quốc



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com