Làm thơ như thở
Thơ Lê Minh Quốc thuộc loại “thơ có lửa”. Tuy rất “lửa” nhưng anh lại công tác ở một tờ báo dành cho “phái yếu nhưng không yếu”. Anh sinh ra và “chạy theo thơ” ở Đà Nẵng. Năm 1983, anh vào Sài Gòn học Đại học Tổng hợp. Khi đang học năm thứ hai, anh được giải Nhất với chùm thơ Hát với đất đợt sáng tác nhân kỷ niệm 10 năm Lực lượng TNXP TPHCM. Đó là sự khởi đầu của thơ Lê Minh Quốc. Năm 1987, anh công tác tại báo Tuổi Trẻ, năm 1988 về báo Phụ Nữ cho đến nay. Anh bộc bạch về mình:
- Tôi làm báo để sống và làm thơ để nuôi dưỡng phần hồn. Trong tôi, cả hai đều quan trọng. Làm báo như ăn uống. Làm sao nhớ hết trong đời ta đã ghé bao nhiêu quán ăn, quán nước. Làm thơ như thở. Ngưng thở giây lát là “chết” ngay. Ai cũng thở bằng chính hơi thở của mình chứ không thể thở bằng hơi thở của người khác.
Nghề báo là một nghề đặc biệt nên không thể đánh giá, xếp hạng theo kiểu nhà báo số một và nhà báo số hai, nhà báo “xịn” và nhà báo không “xịn”. Điều quan trọng của nhà báo là phải biết “giữ lửa” để trái tim mình luôn cháy bỏng trước nhịp thở cuộc sống. Để được một bài báo, tôi phải chạy theo đề tài. Để được một bài thơ, tôi chẳng làm gì cả. “Nàng thơ” luôn yêu tôi. Thú giải trí của tôi là: Nhậu khi có bạn và đọc khi thiếu bạn. Quan niệm về tình bạn của tôi rất đơn giản: Tin nhau mới chơi với nhau.
“… / Nhà thơ nghe thơ ngán ngẩm / Trong đầu chỉ mơ đến tiền / Ký được dăm kỳ quảng cáo / Vợ con sẽ sướng như điên / Này tiền thơm như áo đẹp / Con thơ lụa mới đến trường / Này tiền vợ đi giữa chợ / Nụ cười cũng bớt phong sương / Nhưng đời oái oăm đến lạ / Tổng giám đốc giữa đời thường / Xem tiền như cỏ rác / Chỉ toàn nói chuyện văn chương / Nhà thơ đi làm quảng cáo / Tâm hồn ngộ độc vì thơ / Quay về nhìn lên trang báo / Đêm ấy ngủ không nằm mơ…”.
(Nguồn: báo Pháp luật 22.6.2003)
Cùng một chủ đề:
Ngẫu hứng và thực tế; thực tế và tư liệu
Công việc làm báo là bạn đồng hành của nhà thơ
Chọn nghề báo cũng như chọn.... người tình
< Lùi | Tiếp theo > |
---|