Trò chuyện với cây bút trẻ Lê Minh Quốc:
“Lực lượng viết trẻ ở Tiền Giang rất mạnh,
nhưng báo chí mình giới thiệu chưa được bao nhiêu…”
Cộng với hai tập thơ “Về nơi nào để nhớ” là đầu sách thứ năm của anh trong vòng ba năm nay, trong khi anh mới 33 tuổi?
- Nó nằm trong “bộ ba” truyện dài viết về những kỷ niệm của một thời sinh viên của mình. Sân trường kỷ niệm, Mùa thu đứng trước cổng trường và Về nơi nào để nhớ. Thế là xong.
Thế là xong? Nó có bổ ích gì cho lớp sinh viên đang đi đến năm 2000?
- Nếu cái cơ chế giáo dục hiện tại vẫn tồn tại tới năm 2000 thì lúc đó họ cũng không khác chi chúng tôi những năm qua: không thể nào không quan tâm đến cái ăn, cái ở, cái ngủ, cái… dân sinh trong môi trường đại học của mình. Vấn đề hướng đời ta ra với xã hội, với những vùng trời trong bể đời kiến thức… tôi chưa tin là có nếu nền giáo dục của ta vẫn cứ như vậy.
Có phải vì vậy mà anh đã chuyển đề tài? Nghe nói nhà xuất bản Trẻ đang chuẩn bị in một tiểu thuyết mới của anh viết về người lính?
- Không. Bởi vì tôi đã là một người lính những năm 77 - 83, trước khi vào đại học. Tôi đã âm ỉ về đề tài này. Nay nhà xuất bản thôi thúc. Tôi không hiểu vì sao người ta lại tránh hoặc rất ít viết về người lính. Và tôi cứ viết về những gì tuổi trẻ chúng tôi đã từng sống một thời, trước khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra.
Anh bắt đầu từ thơ, nay lại “sa đà” vào truyện. Có thể nói gì về hai lĩnh vực này?
- Tôi cảm thấy viết truyện dễ hơn làm thơ. Một bài thơ ưng ý nó có thể làm mình sướng cả một đời. Còn cuốn truyện, chưa ra thì mình náo nức, nhưng khi đã tặng bạn bè xong, nó như trở thành dĩ vãng. Viết truyện theo tôi thì cần cảm xúc hơn làm thơ, cần nhất sự siêng năng và có chí. Dễ nhưng không phải là dễ dãi. Bên truyện, bằng sự cần mẫn, mỗi sáng ngồi vào bàn anh có thể viết được vài ba trang. Trong khi làm thơ, nếu cảm xúc không có, thậm chí không “cháy âm ỉ” từ cả chục ngày trước đó, chưa chắc anh làm được một bài thơ.
Vậy lâu nay anh vẫn làm thơ chớ?
- Vẫn còn làm nhưng không ưng ý lắm.
Anh làm việc cho báo Phụ nữ TPHCM, phụ trách trang “Nữ sinh viên”, anh sắp xếp việc viết văn ra sao?
- Tôi tự đặt cho mình kỷ luật, sáng tôi viết từ 6 giờ đến 9 giờ. Đi làm, nếu ở tòa soạn rảnh, tôi gõ máy chữ tiếp dù chung quanh mọi người có nói chuyện vẫn không ảnh hưởng tới dòng suy tưởng trong tôi. Và tới 4 giờ chiều về nhà tôi viết tiếp tới 8 giờ tối.
Anh có đọc được nhiều không? Nhất là mảng sáng tác của các cây viết trẻ ở đồng bằng Cửu Long?
- Tôi vẫn đọc. Nhưng đọc sáng tác của các anh chị ở đồng bằng thì ít, vì rất lạ, sách của họ ở Sài Gòn ít thấy bán. Cả cuốn truyện của “bà bán xăng” Thanh Huệ tôi cũng không tìm thấy. Nhưng tôi biết lực lượng viết trẻ ở đồng bằng, nhất là ở Tiền Giang đang nở rộ, sung sức nhờ cách tổ chức các trại và quan tâm đầu tư của nhà xuất bản địa phương. Chỉ tiếc là báo chí mình nhất là báo chí ở TPHCM ít giới thiệu, phổ biến về sáng tác của họ quá. Tôi nghĩ đây là cái lỗi của báo chí, của giới phê bình văn học.
Có lẽ trong đó có cả anh và tờ báo của anh nữa, đúng không?
- Đúng, thiếu một sự giao lưu báo chí trước hết. Nhưng trước tiên tôi phải có sách đọc thì mới dám nhận xét phê bình giới thiệu được.
Xin cảm ơn và chúc anh đừng “coi như xong” đề tài sinh viên!
- Không đâu. Mình đang thai nghén một tiểu thuyết về tình yêu sinh viên. Sẽ lấy một câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp làm tựa sách “Mê nàng bao nhiêu người làm thơ”.
Huỳnh Kim (thực hiện)
(nguồn: báo Ấp Bắc chủ nhật ngày 16.6.1991)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|