TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: Trong mỗi chúng ta đều có Phật tính

LÊ MINH QUỐC: Trong mỗi chúng ta đều có Phật tính

Anh Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đà Nẵng, hiện là phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Đã in 7 tập thơ, 3 tiểu thuyết và một số tác phẩm khác…

Untitled-5RR

 

Con đường đến với đạo Phật trong anh ra sao?

Lê Minh Quốc: Tôi nghĩ, trong sâu thẳm tâm linh mỗi chúng ta đều có một Đức Phật. Vấn đề ở chỗ là làm sao đánh thức được Phật tính trong từng giây phút mà ta hiện hữu ở cõi trần gian. Từ thuở nhỏ, được bà ngoại dẫn lên chùa Tỉnh hội ở Đà Nẵng vào những ngày rằm, tâm hồn tuổi thơ của tôi đã được nuôi dưỡng trong một không gian yên tĩnh, trong trẻo lạ thường. Có những câu tôi viết như:

Tôi ngồi dưới gốc Bồ đề

Tâm hồn thanh tịnh bốn bề lá xanh

Tiếng chim đâu đó rơi nhanh

Tưởng lời kinh ngọc ngọt lành ru tôi

Chính là do gợi nhớ về những năm tháng êm đềm ấy. Bây giờ, có những lúc nhọc nhằn, mệt mỏi tôi lại đến chùa để tìm lại những giây phút trong sạch nhất mà mình đã đánh mất…

Giữa công việc thực tế của người làm báo và sự mơ mộng của người làm thơ - theo anh có mối quan hệ như thế nào?

Khi ngồi trước bàn máy vi tính, tôi là nhà báo - một công việc đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo trong từng câu chữ và phải nhạy bén với từng sự kiện đang diễn ra. Nhưng điều đó không có gì mâu thuẫn với công việc của một người làm thơ. Vì khi ngồi trước trang giấy trắng, tôi không biết mình sẽ bắt đầu bằng dòng chữ nào và kết thúc vào lúc nào. Ma lực của thơ chính là ở chỗ đó. Và có một điều mà tôi không hề phủ nhận là công việc cọ xát với thực tế với tư cách nhà báo đã giúp cho con người nhà thơ trong tôi có thêm nhiều vốn từ mới, hiện đại hơn.

Cái nhìn của anh về văn hóa Phật giáo hiện nay?

Đây là một vấn đề lớn, khó có thể trình bày ngắn gọn trong một vài câu trả lời qua loa. Nhưng điều cốt lõi, theo tôi, không chỉ hiện nay mà từ ngàn xưa, văn hóa Phật giáo đã là nền tảng của văn hóa dân tộc ta. Đó là một sức sống bền vững và biến hóa trải qua từng thăng trầm lịch sử. Để hiểu sự uyên thâm của nền văn hóa ấy, không những nghiên cứu, học hỏi nghiêm túc mà còn phải xuất phát từ thiện tâm. Có như thế thì may ra, ta mới hiểu được những lời Phật dạy. Trong nhiều điều tâm đắc ở văn hóa Phật giáo, tôi tâm đắc nhất là đạo Phật đã giáo dục cho mỗi chúng ta biết tự kìm hãm lại lòng tham vô tận. Tội ác ở trần gian này chỉ có thể tự hủy diệt khi mà tham sân si không còn tồn tại trong mỗi chúng ta.

Thiên Bảo thực hiện

(nguồn: báo Giác Ngộ số 73- 20.6.2001)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com