Lời thưa: Trong vòng một tháng tôi đã nhận được cả trăm lá thư của bạn đọc Áo Trắng. Thư viết từ các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam. Điều này cho thấy Áo Trắng là tuyển tập thơ văn đã có bạn đọc ở cả nước. Câu hỏi thì nhiều mà "đất" lại giới hạn, nên cho phép tôi chỉ trả lời những câu hỏi tập trung nhiều nhất. Những câu hỏi khác, tôi trả lời bằng thư riêng, nếu bạn đọc có ghi địa chỉ. Về cách xưng hô, tôi lại trừ những từ "trân trọng" như "chú, ông" và "cháu, em" mà thống nhất ghi là "anh, tôi, bạn" để cuộc trò chuyện của chúng ta thân mật hơn. Và xin bắt đầu.
Bạn đọc: Tại sao quê hương Đà Nẵng và những năm tháng sinh viên lại bàn bạc trong các tác phẩm của anh? Trong đó bao nhiêu phần trăm sự thật và hư cấu? (Hải Bình - Nha Trang, Hoa Sim - Phan Thiết, Nguyễn Thanh Hằng - Long An, Anh Tú - TPHCM)
Lê Minh Quốc: Tôi viết văn, làm thơ bằng kỷ niệm. Sự hoài niệm về dĩ vãng của bất cứ ai, tôi tin rằng, cũng tìm được đồng cảm ở người khác. Tôi xa Đà Nẵng năm mười tám tuổi, còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn, nên bao giờ cũng nhớ về nơi đã cưu mang tuổi thơ của mình. Từng mùa thời tiết, từng góc phố, từng con hẻm nhỏ… Nỗi nhớ da diết:
Tâm hồn tôi ngu ngơ căng ra làm mặt trống
nghìn năm sóng vỗ ầm vang
bến thơ tôi chính là bến sông Hàn
một đời mẹ đi chỉ từ nhà đến chợ
bà ngoại bán thuốc rê Cẩm Lệ
ở chợ Cồn
thời gian ơi đừng xốc tung dĩ vãng
tôi yêu Đà Nẵng
như mẹ yêu con, như vợ yêu chồng
như tôi yêu em từ thuở mới lọt lòng…
Từ đó, tôi viết. Và tôi không phải là người giỏi bịa ra những tình huống, tình tiết. Cho nên khi viết về Đà Nẵng hoặc đời sống sinh viên thì trong đó, sự hư cấu không đáng kể. Trong truyện dài Sân trường kỷ niệm, Về nơi nào để nhớ hoặc Mùa thu đứng trước cổng trường… thì có lẽ, nhân vật xưng “tôi” trong đó cũng chính là “tôi” ở ngoài đời. Tôi hy vọng rằng, nhân vật xưng “tôi” sẽ còn trở lại với bạn đọc trong một hai truyện dài khác. Điều làm tôi phân vân nhất, bận tâm nhất trong lúc viết truyện không phải là cốt truyện thật ly kỳ, gay cấn - mà làm thế nào để tạo ra một không khí, một nhịp điệu chung cho tác phẩm.
Bạn đọc: Trước khi thành nhà văn, anh đã từng là người lính, chiến đấu ở Camphchia, sao anh không viết về đề tài người lính? (Trần Anh Dũng - Tiền Giang, Nguyễn Thị Thúy - Hà Nội…)
Lê Minh Quốc: Cám ơn các bạn đã biết rõ về tôi như vậy. Cũng như nhiều người khác tôi đã có những năm tháng sống ở chiến trường với cương vị chiến sĩ. Sống ở đôi bờ thiện ác, cao cả, thấp hèn, hy sinh, chạy trốn… Chúng tôi sống những tháng năm không hề yên tĩnh. Trái tim còn nóng ran hơi thở của rừng. Đó là những tháng năm đẹp nhất của tôi mà khi nhìn lại, tôi không thấy tì vết của sự mặc cảm.
Chúng tôi đi và sống
Thanh xuân mỗi một thời
Những người lính hào phóng
Đạp mìn chân cụt rồi
Nhưng trên vai vẫn cõng
Giọt lệ lẫn nụ cười
Cho tôi được sống lại
Ngày đầy tuổi hai mươi
Kỷ niệm tan trong máu
Nuôi dưỡng tôi thành người
Những ngày “đầy tuổi hai mươi” này, tôi đã viết thành tiểu thuyết Thời của mỗi người (NXB Trẻ, 1991). Trong đó, tôi viết lại tuổi trẻ của thế hệ mình. Đề tài về chiến tranh sẽ còn nhiều nhà văn tiếp tục khai thác để hoàn thành những tác phẩm lớn, tôi tin rằng sẽ có những tác phẩm khắc họa đúng tầm vóc của người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Bạn đọc: Anh có buồn không nếu sách của anh viết ra không được bạn đọc đón nhận và… đại hạ giá? (Trần Minh Hiền - Nha Trang, Nguyễn Tân - Đại Lộc - QNĐN, Phan Thùy Trang - Cần Thơ, Nguyễn Thị Anh Thư - TPHCM, Thùy Linh - Hà Nội)
Lê Minh Quốc: Nếu mưu toan lợi dụng thi ca để nổi danh, đưa tên tuổi lên thiên đàng bất tử, lấp lánh những vinh quang, thì đó cũng chỉ là một ảo tưởng. Nhà văn I. Erenbua (1891-1967) có viết câu chuyện về một anh chàng chuyên viết những bài thơ lãng mạn, uốn éo đã kết thúc cuộc đời mình bằng cách làm mật thám cho bọn Gestapo! Bởi vì hắn làm thơ viết văn nhằm mục đích nổi tiếng và tán gái! Vậy đó. Có người sáng tác để mong được đi vào văn học sử, có người sáng tác nhằm độc thoại với chính mình. Tôi tự nhủ mình khi nào thích thì hãy viết. Viết cũng như chọn lấy một trò chơi thanh nhã. Có người thích chơi sách, chơi cây kiểng, chơi hòn non bộ, chơi đồ cổ v.v… thì sáng tác với tôi cũng là một cái thú như vậy. Miễn sao đừng làm phiền lòng vợ con, bà con láng giềng, chòm xóm, vì thú chơ của mình. Nếu chọn văn chương là cái nghề, cái nghiệp kiếm sống như bao công nhân lương thiện khác trong xã hội, thì khi không đủ sức đuổi theo nghề hoặc không phù hợp với nghề nữa, ta nên chọn lấy một nghề khác. Vậy thôi.
Bạn đọc: Trong truyện dài của anh, thì “cái tôi” là người tình phản bọi, còn trong thơ anh, ngược lại, “cái tôi” luôn tìm kiếm hạnh phúc. Tại sao? (Đông Hà - Quảng Trị, Kim Trang - Vũng Tàu…)
Lê Minh Quốc: Các bạn đã nhận xét rất trúng… tim đen của tôi. Điều này làm tôi cảm động. không ngờ các bạn đã đọc và có những suy nghĩ rất tinh tế. Tôi phải trả lời như thế nào cho thỏa đáng? Thú thật chính tôi cũng không lý giải được. Với tôi, trong công việc làm thơ không có sự lựa chọn, mà dù có muốn lựa chọn cũng không được. Cảm xúc đến thì cứ viết, thậm chí, đó là tiếng nói của tâm linh hơn là của suy nghĩ. Và khi đọc lại thì đôi lúc lại tự hỏi hết sức ngớ ngẩn. Tại sao lại viết như thế? Sự huyền hoặc lạ lùng của thi ca là đây chăng?
Tôi nhớ lại rằng, nhà thơ, nhà văn viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ (1948-1986) đã có lần tâm sự, đại khái như thế này: “Khi viết đến vở kịch thứ mười thì tôi đã nắm gọn trong tay mọi kỹ thuật, kỹ xảo để xây dựng hoàn chỉnh một vở kịch. Nhưng khi đã viết đến bài thơ thứ một trăm thì tôi vẫn không biết phải mở đầu và kết thúc như thế nào hoặc đánh giá thế nào là một bài thơ hay”. Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến này. Trái lại, khi viết văn thì tôi có thể chọn đề tài sắp xếp, bố cục và viết bất cứ lúc nào, nếu muốn. Mong rằng, câu trả lời dông dài như thế này sẽ làm các bạn hài lòng.
Bạn đọc: Anh có cho rằng, những bài văn, bài thơ được chọn đăng và đoạt giải thưởng văn chương là thường có sự “bảo trợ” của ô dù không? Và khi được giải thưởng thì người ta đã trở thành nhà văn? (Minh Khuê - Đà Nẵng, Xuân Thủy - Hà Nội…)
Lê Minh Quốc: Tôi không suy nghĩ như thế. Kinh nghiệm của chính bản thân tôi là cứ viết và cứ gửi đến tòa soạn báo, dù họ không chọn đăng cũng cứ gửi. Đừng sợ tốn tiền tem. Rồi sau đó chắc chắn họ sẽ chọn đăng vì chất lượng viết của mình mỗi ngày một… “lên tay”, hoặc cũng có thể họ an ủi vì thấy… tội nghiệp! Đừng mong đợi vào ô dù, nhất là trong lĩnh vực văn chương, mọi giá trị của giải thưởng cũng đều có tính tương đối. Và nhất thời. Rồi thời gian sẽ sàng lọc lại tất cả. Nói như họa sĩ Salvador Dali: “Là họa sĩ thì hãy vẽ đi”. chúng ta cứ viết nếu còn thấy thích thú và đừng chờ đợi một điều gì khác.
Bạn đọc: Anh có thể có lời khuyên gì đối với bạn trẻ đang sáng tác cho Áo Trắng? Anh nghĩ gì khi thơ anh được phổ nhạc? Anh có thể “tiết lộ” đôi điều về bản thân?... (Xuân Mai - Lâm Đồng, Mỹ Quyên - Tiền Giang, Lê Dung…)
Lê Minh Quốc: Những câu hỏi như thế này, cho phép tôi được trả lời chung chung như sau: Về bản thân tôi thì hiện nay là phóng viên của báo Phụ nữ TPHCM. Có thơ in báo khi là sinh viên khoa Văn trường đại học Tổng hợp TPHCM. Còn thơ phổ nhạc thì tôi đã phát biểu trên báo Sóng Nhạc của Hội âm nhạc TPHCM. Dành lời khuyên gì cho các bạn trẻ? Có lẽ, các bạn và tôi cùng nên lắng nghe lời khuyên của nhà văn lớn G.G. Macket - khi ông trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Cu-ba “Bôhêmia” vào tháng 2/1979 – mà tôi đã được đọc từ quyển Nhà văn bàn về nghề văn (Hội VHNT tỉnh QNĐN in năm 1983): “Tôi nghĩ rằng, trong nghề nghiệp của nhà văn, khiêm tốn là một đức tính dư thừa. Bởi vì nếu anh ta định viết một cách khiêm tốn thì anh ta cũng chỉ là một nhà văn ở trình độ khiêm tốn. Thành ra, cần vũ trang tính hiếu thắng và tự đặt mình trước những mẫu mực lớn - đối với tôi đó là Xôphôclơ, Đôxtôiepxki… Sao lại cứ cố viết khiêm nhường trước các nghệ sĩ lớn ấy, nhiệm vụ là phải viết hay hơn họ”. Bạn ơi! Biết đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được lời khuyên quá khủng khiếp của một nhà văn bậc thầy?
Cuộc trò chuyện tâm tình của chúng ta tạm dừng ở đây. Xin cám ơn tất cả các bạn đã đặt câu hỏi.
Lê Minh Quốc
(Tập san Áo Trắng sổ 39- 20.11.1993)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|