TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ Lê Minh Quốc và nỗi đam mê của một người lương thiện

Nhà thơ Lê Minh Quốc và nỗi đam mê của một người lương thiện

 

Năm 1983, có một anh bộ đội vừa xuất ngũ khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu cuộc sống của một sinh viên Đại học Tổng hợp. Anh vừa học, vừa viết báo, làm thơ, cộng tác với khá nhiều tờ báo ở thành phố. Ra trường, anh chọn cho mình một chỗ đứng: phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, phụ trách trang Văn hóa văn nghệ. Hơn mười năm “trụ” ở báo Phụ Nữ, Lê Minh Quốc đã cho ra đời một lượng tác phẩm khá “nặng ký”: sáu tập thơ, một số tiểu thuyết lịch sử như: Nguyễn Thái Học, Tướng quân Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại (NXB Văn học), bộ sách Kể chuyện danh nhân Việt Nam (NXB Trẻ) và một số truyện dài, v.v… Tất nhiên còn phải kể đến những bài báo lớn nhỏ trên báo “nhà”, báo bạn suốt chừng ấy năm qua. Sức làm việc của anh khiến nhiều bạn bè đồng nghiệp phải thán phục và cả… ghen tỵ nữa. Tranh thủ chút thời gian rảnh hiếm hoi những ngày cuối năm, anh đã dành cho PHỤ NỮ &CUỘC SỐNG một cuộc trò chuyện thú vị.

DAM-ME-LUONG-THIEN

 * Anh có thể giải thích lý do anh “đầu quân” về báo Phụ Nữ TP.HCM mà không phải là báo nào khác?

- Đơn giản đó là một nhiệm sở tốt và quan trọng là Tổng Biên tập nhận tôi vào. Hồi còn là sinh viên, tôi cũng chịu khó viết bài cộng tác với báo này, báo khác nên cách nào đó cũng có thể nói là đã tạo được một sự chú ý ở bạn đọc, ở Ban biên tập báo. Khi ra trường, tôi cầm hồ sơ tới gặp chị Thế Thanh xin vào làm việc, chị ấy đồng ý ngay. Nói đó là duyên may cũng được. Hồi ấy tôi phụ trách mảng Công tác Hội ở các quận, huyện ngoại thành, coi như là thử thách đầu tiên. Sau đó thì phụ trách trang Nữ sinh viên - một trang “ăn khách” của báo thời bấy giờ, rồi mới đến trang văn hóa văn nghệ. Còn bây giờ là…. “lính” của Ban VHVN.

* Nhưng tại sao chỉ là VHVN thôi? Nó dễ viết hơn những lĩnh vực khác như kinh tế hay xã hội, hay là anh không “hợp gu” với các mảng này?

- Thật ra, sự so sánh nào cũng khập khiễng cả. Nhưng nếu phải so sánh thì tôi có thể nói là viết về VHVN khó hơn các mảng khác. Ngoài cái nền kiến thức cơ bản về VHVN, người viết còn phải có một cái nhìn riêng, một cảm nhận riêng khi nhận xét, phê bình về một bộ phim, một vở kịch hoặc một vấn đề nào đấy. Có như thế mới viết được một bài báo hay và độc đáo được.

* Đứng ở góc độ của một người có bề dày nhất định trong nghề báo, trong nghề văn, anh quan tâm đến vấn đề nào nhất?

- Tôi đặc biệt quan tâm tới những sự thể nghiệm, nhất là của các bạn trẻ, sự thể nghiệm - dù là thành công hay thất bại cũng đáng được cổ vũ. Điều đó thể hiện một sự tìm tòi sáng tạo, muốn vượt khỏi những ranh giới, nếp cũ mòn để tìm một hướng đi riêng. Tôi ủng hộ điều đó. Tuy nhiên phải có sự định hướng. VHVN không thể tách rời bản sắc dân tộc, dù có sáng tạo đến đâu cũng phải giữ cho được bản sắc dân tộc thì sự thể nghiệm mới thành công được.

* Không chỉ viết cho báo Phụ Nữ TP.HCM, anh còn viết cho nhiều tờ báo khác và viết văn. Nhiều người bảo sức viết anh khá khỏe, đồng thời cũng chịu khó… “chạy sô”. Điều gì đã tạo cho anh một sức bền như vậy?

- Đam mê. Tôi là một người lương thiện. Viết báo, làm thơ là một nghề lương thiện. Tôi cũng tự nhận là mình viết rất dữ. Sức viết của tôi, nếu chỉ một tờ báo thì không chuyển tải hết được, vì vậy mà phải "san sẻ" cho các báo khác thế thôi. Để đạt được điều này cũng không phải dễ. Tôi phải lập hẳn một thời khóa biểu với thời gian nghiêm nhặt, chặt chẽ và kiên quyết theo đúng những kế hoạch đã thiết lập. Ví dụ như tôi chỉ viết báo tại cơ quan - từ 9 giờ sáng trở đi - về nhà lại có kế hoạch viết cái khác… Hiện tại, tôi đang làm hai bộ sách. Một là viết tiếp bộ Kể chuyện Danh nhân Việt Nam, bộ này đã ra được 10 tập với trên 100 danh nhân, nhưng vẫn còn phải viết tiếp lâu dài. Bộ thứ hai là Kiến thức Bách khoa dành cho mọi người do NXB Trẻ đặt hàng. Tôi cũng mới làm được hai phần: Hành trình chữ viếtGiáo dục VN.

* Thông thường các nhà thơ vẫn hay tùy hứng - người ta nghĩ thế nhưng xem ra không đúng với anh rồi….

- Quan niệm đó nay đã lỗi thời rồi. Thật ra một nhà thơ nếu là nhà khoa học chẳng hạn, có tư duy logic, lại làm thơ hay hơn một nhà thơ “chính hiệu” đấy. Cứ theo công thức này nhé: Tư duy logic + tư duy hình tượng = thơ hay. Tôi chống đối đến cùng quan niệm cho rằng thi sĩ phải là người… lãng đãng, say sưa rượu chè. Rượu chỉ mang lại ảo tưởng chứ chả đem lại điều gì tốt đẹp cả.

* Đã có 5 năm ở chiến trường, đối mặt với đạn bom, sự sống và cái chết, thế lúc đó… Lê Minh Quốc có sợ chết không nhỉ?

- Không ai không sợ chết.

Sống chết cũng như chơi

Khi người đặt câu hỏi

Tự nhiên lại yêu đời

Sợ chết không đáng kể

Sợ sống mới là ghê

Trăm năm như chớp mắt

Rồi ai cũng… đi, về!

* Quan niệm của anh về gia đình?

- Tôi nghĩ rằng, trên đời này không có gì khó cho bằng sống chung thủy một chồng một vợ. Đó là một thử thách lớn với mọi cuộc sống lứa đôi. Chuyện đổ vỡ thì ai cũng làm được cả. Nhưng sống đến bạc đầu mà vẫn mặn mà tình tứ như thuở ban đầu thì quả là cực khó. Bi kịch của đời sống  lứa đôi không phải ở chỗ ly dị nhau mà sống cùng với nhau mà không thể nhìn mặt nhau nữa.

* Anh lập gia đình đã nhiều năm, vậy đã đạt được…

- Ồ, tôi vẫn chưa làm sao đạt được điều nói trên.

Dăm ba lần cưới vợ

Một đôi lần biệt ly

Bao nhiêu phần trăm đó?

Chẳng biết! Cứ yêu đi!

*Phụ nữ trong mắt anh?

- Cũng bình thường, không có gì khó hiểu như một số người hay suy diễn. Duy có một điều bí ẩn của họ mà chúng ta không bao giờ khám phá được, đó là sự thủy chung.

* Xin cảm ơn anh rất nhiều về cuộc trò chuyện này.

Nhật Thanh

(nguồn: Nguyệt san Phụ Nữ và Cuộc Sống số 12 tháng 12.2000)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com