TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Trò chuyện với người “chạy theo thơ”

Trò chuyện với người “chạy theo thơ”

Nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc sinh năm 1959 tại Đại Lộc, Quảng Nam. Anh là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội nhà báo Việt Nam. Hiện anh là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ báo Phụ nữ TPHCM. Tháng 9 vừa qua, nhà thơ Lê Minh Quốc đã về hướng dẫn trại sáng tác thơ Tiền Giang. Phóng viên tạp chí Văn nghệ Tiền Giang đã có buổi trò chuyện về văn chương cùng anh….

trohuyenRRR


PV: Xin chào nhà thơ Lê Minh Quốc. Năm 2003, anh đã xuất bản tập thơ “Tôi chạy theo thơ http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/732-toi-chay-theo-tho.html. Thế cho đến lúc này, anh đã đuổi kịp nàng thơ chưa?

Lê Minh Quốc: Trong tập thơ này, tôi đã mượn hình tượng người chạy theo thơ để nói lên quan niệm về thơ ca của riêng mình. Tôi cho rằng nhà thơ là người đi lấp đầy khoảng trống của chính mình và càng lấp thì sẽ nhận ra khoảng trống đó là một hố sâu thăm thẳm. Tôi chỉ là con dã tràng xe cát trong biển văn chương. Và vì không thể đạt đến đỉnh cao nghệ thuật nên tôi cứ phải chạy theo, chạy theo hoài. Thế nhưng đấy cũng là điều may mắn vì nếu mình dừng lại thì cũng đồng nghĩa với cảm xúc thơ ca đã chết. Đó chính là bất hạnh của nhà thơ.

PV: Anh từng viết: “Chỉ có thơ là gia tài lớn nhất”. Xin hỏi nhỏ là gia tài của anh hiện lớn đến cỡ nào rồi? Sắp thành tỉ phú chưa?

Lê Minh Quốc: Thật ra với tôi, một câu thơ cũng là cả gia tài. Tôi nghĩ rằng tất cả những người làm thơ ai cũng có gia tài của riêng mình và thật khó để đem ra cân đong đo đếm.

PV: Công việc nhà báo của anh hiện nay có làm mất đi những khoảng lặng cần thiết dành cho thơ ca không? Và nếu phải chọn giữa nhà thơ và nhà báo anh sẽ chọn nhà nào?

Lê Minh Quốc: Tôi vẫn nghĩ rằng, công việc làm báo giúp tôi rất nhiều trong việc nuôi dưỡng cảm xúc thơ. Khi làm báo, đời sống thời sự hiện tại giúp tôi có được những cảm xúc mới, những cách nhìn mới, những cách nói mới về vấn đề đó. Tôi tin rằng một người tu luyện nghìn năm trên núi khi viết một câu thơ cho người đọc bây giờ đọc thì không ai có thể hiểu và cảm được. Công việc làm báo đã đem lại cho thơ tôi hơi thở của thời đại. Vì thế tôi sẽ lựa chọn cả hai.

Qua “Hành trình của con kiến”,http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/733-hanh-trinh-cua-con-kien.html tôi muốn khái quát về thân phận của người làm thơ trong thời đại công nghiệp, thời buổi @ hiện nay. Họ cũng như một con kiến, với tâm hồn quá mỏng mảnh, nhỏ nhoi, yếu đuối và đa cảm liệu có đủ sức chịu đựng được những tác động của đời sống xã hội đang hối hả như hiện nay không? Thế thì liệu chừng nhà thơ có thể tồn tại, có thể hòa nhịp với cuộc sống hiện đại không? Đó là điều mà tôi muốn đề cập và tìm cách lý giải trong trường ca này.

PV: Anh nghĩ gì khi đất dành cho văn học trên các trang báo ngày càng ít đi trong khi giới trẻ hiện nay lại thích đọc truyện tranh cũng như những tin tức về diễn viên, ca sĩ hơn là đọc tác phẩm văn học?

Lê Minh Quốc: Tôi cho rằng góp phần vào việc làm lệch lạc thẩm mỹ của giới trẻ hiện nay trong đó có trách nhiệm của giới báo chí. Và chúng ta phải mạnh dạn nhìn nhận điều đó. Những hoạt động bề nổi của điện ảnh, âm nhạc được báo chí săn đón và thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng quá nhiều. Trong khi đó, đất dành cho văn chương ngày càng bị thu hẹp.

Nhiều lúc tôi tự hỏi: Nếu cuộc sống thiếu văn chương thì lấy gì nuôi dưỡng tâm hồn đây? Một điều rất nguy hiểm đó là khi triệt tiêu văn hóa đọc thì chúng ta sẽ mất rất nhiều. Chẳng hạn: Thử tìm hiểu xem vì sao hiện nay các em học sinh viết chính tả rất dở. Theo tôi, đó là vì các em chỉ đọc truyện tranh. Truyện tranh chỉ có hành động và hình ảnh quá rõ ràng, mà không tạo được sự tư duy tiếp theo sau đó ở người đọc. Kể cả truyền hình, mọi người vẫn nhầm là truyền hình mang lại thông tin nhưng truyền hình cũng không giải quyết cái vấn đề sau đó ta suy nghĩ gì, trong khi văn chương lại làm việc đó một cách tích cực nhất.

Theo tôi, việc điều chỉnh văn hóa đọc là vấn đề cấp bách hiện nay, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và ngay cả đối với những người làm báo như tôi chẳng hạn, cũng phải tự điều chỉnh. Nhiều khi cứ chạy theo thị hiếu của bạn đọc vô tình chúng ta lại làm lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ của bạn đọc. Đó là điều rất nguy hiểm.

PV: Theo anh, trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay văn chương có cần được quảng bá không và quảng bá bằng cách nào?

Lê Minh Quốc: Theo tôi, hơn lúc nào hết, văn chương hiện nay rất cần được quảng báo. Thật ra từ trước đến nay chúng ta đã quên đi một điều cần phải làm như tự nó vốn có. Ví dụ như tiểu thuyết của những năm 1930-1945 được quảng cáo dữ dội lắm. Trong những năm gần đây chúng ta lại cho rằng làm như thế là huênh hoang và cá nhân quá. Hiện nay một số đầu sách của những công ty tư nhân ở phía Bắc đã bắt đầu ý thức được chuyện này. Ví dụ ở cuốn Rừng Na uy, người ta đã in ngoài bìa sách dòng quảng cáo thế này: “Cứ 7 người Nhật thì có 1 người đọc tác phẩm này”, buộc chúng ta phải xem thử coi tác phẩm này nói đến chuyện gì mà ghê gớm thế, có đúng như thế không? Và tôi cho rằng đó là điều cần thiết.

Văn chương khi trở thành một sản phẩm, một món hàng đích thực, muốn món hàng đó đến với công chúng thì rất cần được quảng bá, tiếp thị. Vấn đề là ai sẽ đứng ra làm điều đó thay cho nhà văn? Vai trò đó thuộc về các nhà xuất bản, Hội nhà văn và các công ty tư nhân bỏ tiền làm sách để làm sao sách in ra có thể đến với bạn đọc nhiều hơn.

PV: Là người biên tập trang thơ trên báo Phụ nữ TPHCM và Tuổi Trẻ Online, được đọc nhiều sáng tác của các cây bút trẻ, anh có nhận xét gì về tác phẩm của các cây bút trẻ hiện nay?

Lê Minh Quốc: Thật ra nhận xét về thơ của các cây bút trẻ trong chốc lát thì hơi khó. Tuy nhiên, đọc khá nhiều sáng tác của các bạn trẻ tôi có nhận xét thế này: Thứ nhất, các bạn thường sử dụng thể thơ tự do và cho rằng đó là hiện đại, là cách tân, là mới. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều đó không hẳn như vậy.

Điều thứ hai, đó là trong thơ của các bạn trẻ lập luận và triết lý quá nhiều mà thật ra những triết lý đó đôi lúc rối rắm đến mức nhiều người không thể hiểu tác giả muốn nói gì. Tôi nghĩ rằng, chúng ta hiểu về đời sống như thế nào thì cứ viết như thế đấy.

Và thật ra đỉnh cao của thi ca là sự giản dị mà hầu như các bạn trẻ quên đi điều đó.

PV: Thế theo anh, các cây bút trẻ hiện đã tìm được tiếng nói chung với độc giả của mình chưa?

Lê Minh Quốc: Có thể các cây bút trẻ đã tìm được tiếng nói của mình với thời đại này nhưng tôi nghĩ rằng cách diễn đạt vẫn còn trong giai đoạn tìm tòi và thể nghiệm. Bởi vì khi nhà thơ nhận thức một vấn đề, qua ngôn ngữ thơ ca anh ta phải nói thế nào để mọi người cùng hiểu và cùng chia sẻ. Điều đó rất khó. Và cách thể  nghiệm của các bạn đã đạt được đến sự đồng điệu ở độc giả hay chưa thì tôi nghĩ còn phải mất một thời gian dài nữa…

PV: Xin cảm ơn anh!

Trương Trọng Nghĩa (thực hiện)

(nguồn: Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang 10.2006)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com