TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: Đứng trước gương - * “Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình”

LÊ MINH QUỐC: Đứng trước gương - * “Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình”

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Đứng trước gương
* Ai cũng có một thời tuổi xanh
* “Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình”
* Lê Minh Quốc: Đứng trước gương
* Trò chuyện với cây bút trẻ Lê Minh Quốc: “Lực lượng viết trẻ ở Tiền Giang rất mạnh,
Tất cả các trang

“Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình”

lmq-2

Lê Minh Quốc là nhà thơ trẻ. Đầu năm nay, anh cho ra mắt tập thơ thứ hai “Ngày mai còn lại một mình tôi” (NXB Trẻ). Thế nhưng mấy tháng nay, anh đã chuyển sang viết văn xuôi. Truyện dài “Sân trường kỷ niệm” (tủ sách Áo Trắng, NXB Trẻ) của anh đã không còn trên sạp sách. NXB Trẻ  lại sắp phát hành tiểu thuyết “Mùa thu đứng trước cổng trường” của anh. Bữa ghé báo Phụ nữ TP.HCM tôi lại gặp Lê Minh Quốc đang đánh máy bản thảo tiểu thuyết “Về nơi nào để nhớ” đã được NXB Văn Nghệ TPHCM “đặt cọc”. Tôi hỏi thẳng anh suy nghĩ trong đầu.

- Ông viết sung đấy. Xin chúc mừng. Nhưng xin hỏi thật: Viết vì đam mê hay vì cuộc sống? Thế còn thơ?

Lê Minh Quốc có vẻ gật gù, rồi nói:

- Làm thơ hay viết văn cũng là để thể hiện chính mình. Trước khi làm thơ thì chúng ta đều xuất hiện với tư cách công dân. Công dân ấy có thể vừa làm thơ vừa viết tiểu thuyết hoặc bất cứ thể loại nào khác, nếu thật sự có sự thôi thúc của nội tâm cần giãi bày, nên ông đừng có ngạc nhiên khi một số nhà thơ chuyển sang viết “văn xuôi” như Đoàn Vị Thượng với “Chuyện tình chim hót”, Bùi Chí Vinh với “Yểu điệu thục nữ” và chị Phạm Thị Ngọc Liên, các anh Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Quốc Chánh, Trần Hữu Dũng… cũng vậy. Viết văn xuôi tùy theo động cơ của từng người nhưng tôi cho rằng là họ viết vì chính họ chứ không hẳn là vì tiền nong, tất nhiên là nhuận bút văn xuôi cao gấp mấy lần thơ.

Theo tôi, dù sao, sự thể nghiệm ngòi bút sang một thể loại khác bằng tất cả nỗ lực của mình thì đó là điều đáng khuyến khích.

- Nhưng phải công nhận, qua mấy đầu sách văn xuôi, cuộc sống của ông được “cải thiện” nhiều?

-  Hiện tại tôi vẫn sống hệt như một chàng sinh viên mà trước đây tôi đã sống. Ở nhà thuê, ăn cơm quá, có khác chăng là có được chiếc xe cub 79 của mẹ mua cho. Với tôi, làm thơ viết văn cũng chỉ là một trò chơi đúng nghĩa nghiêm túc nhất. Nghề nghiệp nuôi sống tôi cũng vẫn là nghề phóng viên của báo Phụ nữ thành phố này, một nghề không phải lúc nào cũng hỗ trợ cho công việc viết văn làm thơ.

- Vậy thì ông nghĩ gì về việc thơ đang ế ẩm?
-  Đó là một sự thật cay đắng. Theo tôi, chỉ nên trách nhà thơ là đổ lỗi cho độc giả. Nhưng dù vậy, hiện thực là thơ văn ra đều đều, mỗi năm vài chục tập thơ. Thủy chung với thơ nào có gì đâu ngoài tấm lòng mình. Cay đắng, ế ẩm nhưng tôi vẫn cứ làm thơ ông ạ…

Huỳnh Kim (ghi)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com