TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ - Nhà biên khảo LÊ MINH QUỐC: “Tôi viết sách để cảm thông với doanh nhân…”

Nhà thơ - Nhà biên khảo LÊ MINH QUỐC: “Tôi viết sách để cảm thông với doanh nhân…”

Nhà thơ Lê Minh Quốc ra sách rất... mắn. Gần đây, hơn chục cuốn sách biên soạn như Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Non nước xứ Quảng, Hành trình chữ viết, Hỏi đáp giáo dục Việt Nam, Báo chí  Việt Nam... liên tục được trình làng.Mới đây anh còn nhảy sang đề tài Doanh nghiệp Việt Nam xưa và nay...

DOANHNHAN

 

* Anh đến với việc biên soạn sách như thế nào?

- Trước đây, tôi có đọc một ý của cụ Nguyễn Hiến Lê, rằng, muốn hiểu kỹ vấn đề gì đó, hãy viết sách. Muốn viết được, chỉ có cách là đọc và tìm hiểu sâu rộng về nó. Tôi có một thư viện lớn, gồm cả sách mới và cũ. Viết cũng là cách để tôi tự học và hệ thống giùm độc giả những kiến thức phổ thông…

* Bạn bè trong giới cứ nhìn đầu sách mà xì xầm về “sức sản xuất” của anh. Một ngày làm việc của nhà thơ làm báo, làm sách như thế nào?

- Người ta có thói quen hình thành tính cách, tính cách hình thành số phận. Dù sợ bị cho là ba hoa nhưng phải kể thêm, tôi còn cộng tác với nhiều tờ báo. Tôi phải đọc tư liệu, hệ thống chúng. Từ 6 giờ đến 9 giờ 30 tôi ngồi với ly Cà phê đen và trang viết. Sau đó, lên cơ quan. Đó là công việc kiếm cơm chính. Ba giờ chiều, tôi về nhà và lại ngồi vào bàn cho đến tám giờ tối (nếu hôm đó không bị độ nhậu). Cứ lặp đi lặp lại như vậy…

* Lấy đâu ra sự “bay bổng” trong đời sống một nghệ sĩ với một lịch làm việc đơn điệu như vậy?

- Tôi say mê sách. Đó là cái thú sau cái thú nhậu nhẹt với bạn bè. Tôi thích mua sách, vào thư viện. Nhưng như vậy cũng buồn nhỉ? Nhiều khi tôi nghĩ con người tôi hóa ra không may mắn chút nào… Còn sự đơn điệu, có lẽ là không. Vì như đã nói, tôi tự học qua công việc.

* Những khó khăn khi anh biên soạn sách về doanh nghiệp?

- Cái khó là tư liệu. Xưa nay tư liệu về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có, nhất là tư liệu ấy in thành sách, có chăng chỉ là sách chuyên môn.

* Gần đây, sách dành cho doanh nhân ra ào ạt và có thị trường. Tôi đồ rằng một nhà thơ viết sách về doanh nhân sẽ… “khó ăn”?

- Trong cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam, ông Trần Ngọc Thêm cho rằng truyền thống buôn bán của người Việt là gian dối. Tôi không đồng ý. Tôi muốn chứng minh tư duy buôn bán của người Việt có rất sớm, người Việt Nam không gian dối khi buôn bán. Nhưng nó chết là ở cơ chế và quan niệm. Một thời chúng ta coi người buôn bán là gian thương, là những kẻ không đáng tin. Cái tư duy đó đang thay đổi. Tôi đưa vào sách viết về doanh nhân và doanh nghiệp nhiều ca dao, tục ngữ liên quan. Đó là một nét văn hóa kinh doanh.

* Khi viết một cuốn sách về doanh nghiệp nhưng nặng tính “tầm chương trích cú” dưới góc độ văn hóa, anh có sợ bạn đọc cho rằng mình “hoa hòe hoa sói”?

- Không. Nói vậy thì đánh giá thấp doanh nghiệp. Lâu nay nói về giới này, người ta nghĩ ngay đến tiền bạc, đến sự sòng phẳng lạnh lùng và mánh lới trong thương trường. Doanh nghiệp đúng nghĩa không như vậy. Viết về họ ở góc độ văn hóa để người ta nhìn nhận rõ nét hơn đời sống và tâm hồn họ. Thương trường đầy giông bão, không phải ai làm giàu cũng để chỉ làm giàu. Có nhiều người làm giàu vì cộng đồng, xã hội nữa. Tôi chia sẻ với họ điều đó.

PV: Anh có quá tự tin về việc này?

- Luật Doanh nghiệp phản ánh sự thay đổi quan niệm về vai trò của người buôn bán trong xã hội. Tôi vẫn tìm hiểu về đề tài này… Tôi tự tin chứ. Một cuốn sách có sự khen chê là bình thường nhưng tôi cứ làm hết trách nhiệm của mình. Tôi tự tin là vì điều tôi làm là có ích. không ai bắt tôi làm. Và tôi không vòi tiền ai để làm.

* Nhuận bút cho mỗi cuốn sách?

- Thường là kế hoạch A, 10% nhuận bút, tức khoảng 3 triệu đồng một cuốn.

* Xin có câu hỏi vui, anh và bạn bè thường “tán” chuyện gì trong các cuộc nhậu?

- Thơ và người đẹp.

* Thơ và người đẹp có gì chung?

- Có một điểm rất giống nhau. không đời nào tôi hiểu hết về thơ và người đẹp. Bất khả tri. Sự phụ tình của người đẹp khó mà hiểu nổi, sự chung thủy của họ càng không thể hiểu được….

* Anh có cảm thấy thơ đang “không chịu chung sống” với người viết sách, làm báo?

- Tạm thời thơ và tôi đang… ly thân. Có một thời gian nữa sẽ chung sống lại. Còn đối với một phụ nữ, nếu anh mê viết mà không quan tâm đến họ, họ có thể ly dị luôn. Kể ra, thơ bao giờ cũng tội nghiệp hơn phụ nữ!

* Xin cảm ơn nhà thơ!

Nguyễn Lãm Thi
(nguồn: báo Danh nhân Sài Gòn số 61 - 22-28.9.2004)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com