Sinh năm 1959 tại Đà Nẵng
Năm 1977 đi bộ đội
Năm 1988 đến nay là phóng viên báo Phụ nữ
Hội viên Hội Nhà văn TPHCM
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Đã in thơ: Trong cõi chiêm bao, Ngày mai còn lại một mình tôi, Tôi vẽ mặt tôi, thơ tình.
Truyện dài: Sân trường kỷ niệm, Mùa thu đứng trước cổng trường, Về nơi nào để nhớ, Thời của mỗi người.
Tiểu thuyết lịch sử: Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn An Ninh.
Trong cuốn “Thơ tình” của anh, có rất nhiều bài nói về tình cảm ở lứa tuổi học trò. Đó có phải là đề tài dễ viết hay không?
L.M.Q: Tôi nghĩ rằng, bất cứ cô cậu học sinh sinh viên nào cũng đều có thể viết được những bài thơ tình cảm về lứa tuổi này. Bởi lẽ, đó là sự rung cảm dễ động đến sâu thẳm của trái tim nhất. Tại sao? Vì lần đầu tiên trong đời họ có mối quan tâm về giới tính. Tuy nhiên, viết thật hay về đề tài này không dễ. Khi đã xa lứa tuổi này, tình cảm, cảm hứng, xúc động của nhà thơ không còn trong trẻo như trước được nữa.
Khi còn là học sinh của trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), anh có “quậy” lắm không? Có cô nữ sinh nào làm lung lay trái tim, đến nỗi buộc anh phải xuất khẩu thành thơ?
L.M.Q: Cũng như tất cả những học sinh khác, tôi thích nhất là những giờ được nghỉ học vì cô giáo bịnh hoặc vì một lý do gì khác. Thỉnh thoảng tôi cũng trốn học để đi uống cà phê ở Danube, Paloma hoặc Lộng Ngọc. Thật ra, ở tuổi học trò tôi rất… nhát gái. Có người mình yêu, tìm mọi cách để tỏ tình nhưng khi chạm mặt thì tôi lại run lẩy bẩy! Chán thế! Vậy làm sao có thể xuất khẩu thành thơ?
Hiện nay, anh là một nhà báo. Vậy anh chọn “nghề báo” hay “nghề ăn” là nghiệp” chính của mình?
L.M.Q: Tôi nào chọn được gì đâu! Thật đấy! Mưu sinh của đời sống khắc nghiệt đã buộc tôi phải viết. Thời khóa biểu của tôi trong một tuần đều “kín” hết cả, lúc này thì viết báo, lúc kia lại viết văn, chỉ sợ không đủ thời gian để ngồi viết. Tội nghiệp cho nàng thơ! Lâu nay, nàng không có giây phút nào để tôi dỗ dành và nâng niu.
Nguyên nhân gì khiến anh đưa vào cuốn “Thơ tình” http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/671-tho-tinh.html bài thơ “Người đàn ông ru con”? Vì bài thơ không hợp với chủ đề?
L.M.Q: Một tập thơ sau khi đã tuyển chọn lại, nó là một kỷ niệm. Tôi chọn bài đó vì một kỷ niệm riêng với Trương Nam Hương cưới vợ (Kiều Thị Kim Loan ngay sau khi ra trường). Vợ chồng Hương học chung lớp với tôi thời sinh viên đại học tổng hợp TPHCM. Bài thơ này đã được đọc trong ngày cưới của Hương. Đó chính là lý do tôi chọn đưa vào Thơ tình.
Khi viết tiểu thuyết lịch sử, anh gặp những khó khăn gì? Và sau đó được niềm vui gì?
L.M.Q: Khó khăn thứ nhất là tư liệu. Đất nước ta đã trải qua dằng dặc năm tháng chiến tranh, do đó sách vở, tài liệu đã mất mát đi nhiều lắm. Điều này gây không ít khó khăn cho bất cứ ai quan tâm đến lịch sử nước nhà. Khó khăn thứ hai là những nghi vấn hay nói cách khác là những vấn đề của sử học vẫn chưa được giới nghiên cứu giải quyết rốt ráo. Khi viết truyện danh nhân, tôi có niềm vui lớn nhất là đã hiểu rõ thêm về những giai đoạn hào hùng và bi tráng của lịch sử. Chính những danh nhân của giai đoạn lịch sử này đã thắp lại trong tôi ngọn lửa hừng hực của lòng yêu nước.
Anh bắt đầu chuyển sang viết tiểu thuyết lịch sử từ khi nào? Sự khác nhau giữa tiểu thuyết trữ tình, với tiểu thuyết lịch sử mà anh đang viết?
L.M.Q: Từ khi tôi thấy mình viết truyện cho tuổi mới lớn không thể hay hơn nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức… Tại sao? Vì vốn sống của năm tháng đó đã được vắt cạn kiệt trong những cuốn sách đã in. Sự khác nhau giữa hai thể loại này rất rõ: Một bên là viết bằng tâm trạng của người trong cuộc và một bên viết bằng sự ngưỡng mộ ngay chính nhân vật của mình. Một bên được viết bằng sự hư cấu của trí tưởng tượng và một bên được viết bằng chứng cứ tài liệu của lịch sử.
Anh từng là bộ đội và đã viết tiểu thuyết “Thời của mỗi người” http://www.leminhquoc.vn/lmq/van-xuoi/truyen-dai/826-le-minh-quoc-thoi-cua-moi-nguoi.html về đề tài người lính. Vậy đời sống người lính đã có tác động gì đến cuộc sống và sáng tác của anh?
L.M.Q: Năm tháng trong quân ngũ còn để lại trong tôi hai ấn tượng mạnh mẽ. Thứ nhất, tôn trọng thời gian trong một ngày. Thời ở lính, ngày nào cũng đều có việc để làm cả. Chiều ăn cơm xong là họp, kiểm điểm lại công việc của ngày đã qu, mọi người trong tiểu đội phê bình góp ý lẫn nhau. Rồi ngày sau lại lặp lại đúng như thế. Điều này đã thành nếp suy nghĩ của tôi. Do đó dù rời quân ngũ nhưng tôi vẫn giữ thói quen làm việc này. Thứ hai, sống chết ở chiến trường rất gần trong gang tấc. Nên tôi quan niệm đời sống này rất ngắn ngủi.
Anh đã in “Nụ cười dân gian hiện đại”. http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/nhan-dinh/790-le-minh-quoc-voi-tieng-cuoi-dan-gian-hien-dai-viet-nam.html Vậy viết thể loại tiếu lâm này có khó không? Và ở ngoài đời anh có hay cười?
L.M.Q. Viết tiếu lâm không khó, chỉ có viết làm sao mà người ta đọc lên… cười được mới là khó! Ở ngoài đời, tôi thuộc loại cười nhiều, nếu không muốn nói là quá phung phí nụ cười!
Anh có kinh nghiệm gì muốn gửi đến các bạn trẻ yêu thích sáng tác thơ văn hiện nay?
L.M.Q: Cũng như trong tình yêu, kinh nghiệm sáng tác của người này chưa hẳn đã hữu ích cho người khác.
Xin cám ơn anh.
Phạm Lan Nhi
(thực hiện)
(nguồn: tạp chí Nữ sinh số 51 – 11.1997)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|