TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn LÊ MINH QUỐC: Thơ và tư tưởng

LÊ MINH QUỐC: Thơ và tư tưởng

 

PV: Không dưới một lần tôi nghe anh nói: “Nói cho cùng vẫn là tư tưởng, dù anh có múa trống, khua chiêng, làm mới, thể nghiệm, v.v… mà không có tư tưởng thì coi như hỏng”. Nhưng nhà thơ đâu phải là nhà tư tưởng? Hình như ý anh muốn nói: chúng ta cần phải có sự-đam-mê tư tưởng?

tho-vca-tu-tuongjpg

Lê Minh Quốc:

Đúng rồi. Thơ không phải là những con chữ sắp xếp một cách ngớ ngẩn, tùy tiện vào trong một câu: từng câu đại loại như thế lại xếp trong một bài và gọi là thơ. Tôi tin chắc rằng, có những bài thơ mà chính tác giả của nó cũng không hiểu. Thì làm sao người khác có thể chia sẻ? À! Đó là những bài thơ tôi viết trong vô thức. Nó là siêu thực, là tượng trưng, là cách tân, là thể nghiệm… Vâng, gì thì gì nó cũng phải đạt đến một sự biểu cảm nào đó. Chứ không thể là những lời nói nhảm. Nếu nói nhảm, viết nhảm gọi là thơ thì có lẽ trên thế giới này những người tâm thần đều là thi sĩ. Nhưng cũng có người nói: “Thơ tôi làm thơ cho chính tôi đọc, tôi không cần người khác phải hiểu”. Nói như thế là ngụy biện. Chẳng có một ai làm thơ mà không cần đến những tâm hồn đồng điệu chia sẻ. Bởi lẽ, văn chương là sự chia sẻ từ tâm hồn này tìm đến tâm hồn kia để an ủi cho nhau, yêu thương nhau chứ không phải gợi lên sự hận thù… hoặc viết xong rồi thả vào lửa! Nhưng trong thế giới văn chương có không ít người chỉ viết để giải tỏa tâm thức của mình, chứ không công bố. Quả như thế, như trường hợp Franz Kafka để lại chúc thư phải tiêu hủy toàn bộ sáng tác của ông, nhưng người ta đã làm ngược lại. Mà Franz Kafka là thiên tài, còn chúng ta chỉ là những kẻ “người trần mắt thịt”, chúng ta không đủ bản lĩnh chỉ viết để mà viết, không công bố. Hỡi ôi! Đừng ảo tưởng, cứ công bố là người ta sẽ nhớ chăng? Chưa chắc. “Thơ hay ai thèm đọc. Chứ huống gì thơ tồi. Chuyện văn chương chữ nghĩa. Như nước chảy mây trôi…” http://leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/732-toi-chay-theo-tho.html?start=20

Với các tài năng lớn, thì tác phẩm của họ đều có một tầm vóc, một tư tưởng ẩn trong đó. Có điều, tư tưởng đó được thể hiện qua ngôn từ, thể loại mà họ sử dụng. Nhạc Trịnh Công Sơn chẳng hạn, ta thấy bàng bạc tư tưởng của đạo Phật nhưng ông nói theo cách cảm nhận của riêng ông, một cách nói của người nghệ sĩ để người khác có thể tiếp thu được một cách dễ dàng, dễ nhớ hơn. Với thiên tài Nguyễn Du thì sao? Chỉ 3.254 câu thơ lục bát, nhưng quá khứ, hiện tại và tương lai vẫn còn tiếp tục tìm hiểu lý thuyết Phật học trong tác phẩm vĩ đại Truyện Kiều. Với nhà Nho chịu chơi Nguyễn Công Trứ thì sao? Nếu không phải là tư tưởng của đạo Nho thể hiện trong những vần thơ viết thời trẻ, là đạo Lão lúc về già? Với thiên tài Walt Whitman qua tập Lá cỏ, ta thấy gì? Là tư tưởng của một thi nhân quyết liệt chống phân biệt chủng tộc và gì nữa? Thế thì, học tập những người đi trước, tôi nghĩ, chúng ta cần nỗ lực đạt đến một điều gì đó trong sáng tác của mình. Chứ không thể viết lảm nhảm, cho dù, đôi khi viết lảm nhảm, vô nghĩa cũng là một cách… giải tỏa ức chế cho tâm hồn trong giây phút nào đó.

P.V: Từ Tôi vẽ mặt tôi (năm 1994) http://leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/672-toi-ve-mat-toi.html đến nay anh có ý thức, ham muốn vẽ lại, vẽ thêm gương mặt của mình?

LMQ: Chẳng rõ nữa. Tâm trạng như thế nào thì thơ như thế ấy. Làm sao ai có thể biết được tâm trạng của mình ngay lúc này, một giây sau thì nó sẽ thay đổi như thế nào?

P.V: Anh nghĩ sao khi càng ngày càng có nhiều người nói thẳng toẹt luôn rằng: không cần thơ thì tôi vẫn sống tốt?

LMQ: Những người nói như thế không sai, bởi mỗi người đều chọn cho mình một thái độ sống. Nếu yêu thơ thì anh cứ làm thơ, dù thể loại này không phải ai cũng nồng nhiệt đón nhận, thậm chí còn “ghẻ lạnh” nữa là khác. Tôi vẫn thích chơi với một nhà doanh nghiệp biết làm giàu một cách lương thiện, có ích cho xã hội hơn là thích một nhà thơ làm thơ tồi. Mà thật ra, một nhà thơ làm thơ tồi vẫn có ích hơn một nhà doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, hại đến tiền bạc của nhân dân, của Nhà nước.  Vì một nhà thơ dẫu làm thơ tồi thì trong phần tâm hồn vẫn còn ánh sáng của sự hướng thiện. Điều này cần thiết cho sự quan hệ giữa con người với con người trong cộng đồng.

P.V: Chúng ta dành một chút để nói về thơ ca trên internet vì nếu không nói đến e rằng nhiều người sẽ cho mình “nhà quê”. Trước hết, anh có thấy không có nơi đâu dễ công bố thơ hơn trên internet?

LMQ: Đây là câu hỏi đã nắm bắt rất trúng sự quan tâm của nhiều người, trong đó có tôi. Có phải các trang web này “ít chịu áp lực kiểm tra biên tập hơn ở báo viết, xuất bản…” hay không thì tôi không rõ. Nhưng rõ ràng, ở đó, có không ít “tác phẩm” mà tôi tin chắc rằng “con lạc đà chui qua lỗ kim” còn dễ hơn cả việc công bố nó lên báo viết hoặc báo nói! Ở đây tôi không đề cập đến những trang web văn học thực hiện từ hải ngoại, chỉ “khoanh vùng” với các trang do “ta” làm. Chẳng lẽ cứ giương lên “ngọn cờ thể nghiệm” là ta có quyền đưa những từ, những chữ theo nghĩa đen “không nói ra ai cũng biết” vào văn chương? Thật ra, những từ, những chữ ấy trong giao tế nếu là người tự trọng thì không ai buột miệng phát ngôn một cách bừa bãi, chứ huống gì… Quả thật có tâm lý muốn công bố tác phẩm trên Net, vì “muốn viết gì thì viết” (!?). Đó là quyền “sáng tạo” của họ, tôi không quan tâm, vì trong số này có không ít người đã có tên có tuổi, họ phải chịu trách nhiệm những nội dung mà họ đã viết, đã phát ngôn.

Đừng quên rằng, nhà văn André Gide đã từng phát biểu rằng: “Nghệ thuật bao giờ cũng là kết quả của sự bó buộc. Tưởng rằng nó càng tự do bao nhiêu thì càng vươn lên cao bấy nhiêu, tức là tưởng rằng cái giữ cho chiếc diều không bay bổng được là cái dây buộc chiếc diều ấy… Thực ra là chính nhờ vào cái cản trở mà nghệ thuật có thể vươn cao lên… Nhà nghệ thuật cao cả là người mà sự thiếu thốn thôi thúc, là người biết dùng cái cản trở làm bàn đạp, làm điểm tựa. Nghệ thuật phát sinh từ sự bó buộc, sống bằng sự đấu tranh và chết trong sự tự do”.

P.V: Đúng là một phát biểu đáng nghe. Trong thực tế, tôi đã thử làm một cuộc “khảo sát” và nhiều nhà thơ “bật mí” rằng sở dĩ họ “tung” thơ lên internet, trước hết là để cho “thiên hạ” biết rằng mình cũng không phải là người “lạc hậu”…

LMQ: Nhưng, nói thật, anh cứ làm thơ cho hay đi, thì dù anh không “tung” đi đâu cả, người ta vẫn tìm ra mà đọc.

P.V: Anh có nghĩ đến một ngày nào đó anh sẽ không "làm" một câu thơ nào, dù tất nhiên những ý thơ nhiều khi cứ đến và "lúc nhúc" trong đầu óc, tim gan của mình?

LMQ: Nếu mưu toan lợi dụng thi ca để nổi danh, nhằm đưa tên tuổi lên thiên đàng bất tử, lấp lánh vinh quang, thì đó chỉ là một ảo tưởng. Nhà văn I. Ehrenburg có viết câu chuyện về một anh chàng chuyên làm thơ lãng mạn, uốn éo đã kết thúc cuộc đời mình bằng cách làm mật thám cho bọn Gestapo! Bởi vì hắn làm thơ viết văn nhằm mục đích nổi tiếng và tán gái. Vậy đó. Có người sáng tác để mong đi vào văn học sử, có người sáng tác nhằm độc thoại với chính mình. Tôi tự nhủ khi nào thích thì hãy viết. Viết cũng gống như chọn lấy một trò chơi thanh nhã. Có người thích chơi sách, chơi cây kiểng, chơi hòn non bộ, chơi đồ cổ, v.v… sáng tác với tôi cũng là một cái thú như vậy. Miễn sao đừng làm phiền lòng vợ con, bà con láng giềng, chòm xóm, vì thú chơi của mình. Nếu chọn văn chương là cái nghề nghiệp kiếm sống như bao công việc lương thiện khác trong xã hội, thì khi không đủ sức theo nghề hoặc không phù hợp với nó nữa, ta nên chọn lấy nghề khác. Vậy thì….

P.V: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn và thú vị này. Xin chúc anh luôn bền lòng với thơ và mãi nồng nàn như từ lúc mới “phải lòng” thơ.

Trần Nhã Thụy (thực hiện)

(nguồn: Báo Văn nghệ trẻ 20.6.2004)

Cùng một chủ đề:

http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/phong-van/999-le-minh-quoc-toi-khong-quan-tam-den-hinh-thuc-cua-tho.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com