Về bài “thơ là như thế này sao”?
(Đăng trên báo TP số 28 ra ngày 12-7-1994)
… Tôi, một độc giả không am thường lý luận về thơ ca nhưng tôi thích thưởng thức thơ, miễn là thơ hay và đẹp. Thơ đẹp là thơ gây được mỹ cảm ở người đọc. Đọc xong thơ, lòng người vừa rung động vừa trong sáng hơn lên. Đặc biệt tôi rất thích khi được đọc những bài thơ có nhiều sáng tạo của cá nhân tác giả. Sáng tạo không đồng nghĩ với khác người, khác lạ: “… đếch có bức tranh nào vẽ khuôn mặt nàng”. Ngôn ngữ tục quá! Trong giao tiếp ngoài xã hội, việc tả chân nam nữ giao cấu đã là chuyện bất thường, thế mà sao nỡ đưa tả chân nam nữ giao cấu vào trong thơ (tôi không dám trích). Đích thị những câu thơ mà bạn Chu Giang đã trích dẫn là loại thơ con heo không hơn không kém.
… Thơ gì mà tục tĩu, bẩn thỉu vậy. “Thơ” ấy chẳng là thơ; chẳng có gì cao siêu mới mẻ cả. Nếu nhà thơ thật sự bị “dồn nén cảm xúc” có nhu cầu viết ra giấy, có nhu cầu ngâm nga cho đã, thì nhà thơ hãy khép buồng riêng lại mà viết, mà ngâm. Nhất thiết không nên in ra, vừa tốn kém tiền bạc công sức vừa tha hóa cảm xúc, tha hóa tâm hồn độc giả.
Và nữa, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin cũng cần rút kinh nghiệm cho xuất bản thứ ấn phẩm này.
Có thể tôi phát biểu hơi gay gắt, nhưng các bạn ơi, hãy nghĩ đến tác hại của loại rác rưởi tinh thần này đối với xã hội mà cần nghiêm khắc gấp trăm lần.
Phạm Mạn
(Nam Định)
(nguồn: báo Tiền Phong số 9.8.1994)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|