Tôi có một kỷ niệm với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc. Cái năm bảy mươi tám ấy ai đã sống qua thật khó quên. Vừa vui niềm vui chiến thắng lớn lao chưa được bao lâu, chiến tranh lại đã rập rình ngay nơi cửa ngõ. Hồi ấy tôi đang thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi sáng lại lững thững ra đầu con hẻm đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa lót dạ rồi mua một tờ báo ngày. Tin tức chiến sự khiến người dân thành phố vừa tức giận, vừa âu lo. Bọn Pôn-pốt làm chiến tranh kiểu gì mà cứ nhằm vào bà già, con nít mà nổ súng, mà xỉa lê, thậm chí còn mổ bụng, moi gan, cắt cổ! Man rợ vô cùng. Có lẽ đó chính là hành động mà sau năm 2001, người ta mới định danh được: chủ nghĩa khủng bố.
Những người lính Việt Nam, hầu hết đều còn rất trẻ và từ những vùng mới giải phóng, không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ cương thổ cho đất nước mà còn phải bảo vệ được cuộc sống của người dân lành suốt một vùng biên giới. Trong một lần cùng nhóm phóng viên Tiền Phong đi tìm tiểu đoàn thành phố Hồ Chí Minh đang làm nhiệm vụ trên đất bạn, tôi đã tận mắt thấy cuộc sống chiến trận nguy hiểm và gian khổ của những người lính trẻ. Một cuộc chiến gần như không có mặt trận, kẻ thù có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào rồi lại biến đi không một dấu vết, dường như tan biến giữa đồng nước mênh mông. Chỉ những quả mìn lầm lì kiên nhẫn nằm phục những bàn chân sơ ý. Mìn nhiều như trấu, chỉ một buổi sáng tôi đã chứng kiến bốn người lính trẻ măng dính mìn trống phải nằm trên cáng đưa về trạm xá. Tiếng kêu gần như thản nhiên của một người lính trẻ, quê miền Trung “Đồng hương của tui “bị rồi!” cứ ám ảnh tôi suốt nhiều ngày sau. Cái chết ở chiến trường đơn giản đến lạnh lùng…
Mãi gần đây, đọc tập thơ chung Đất bên ngoài Tổ quốc của hai tác giả, hai người đồng đội cũ, tôi mới biết nhà thơ Lê Minh Quốc đã có mặt ở nơi ác liệt ấy, không phải với tư cách một phóng viên mà là một người lính thực thụ cầm súng chiến đấu suốt nhiều năm. Đánh giặc và làm thơ, theo nghĩa đen, không phải như một sáo ngữ. Nhà thơ Đoàn Tuấn, khi ấy là một anh lính trẻ Hà Nội yêu thơ kể về cuộc gặp đầu tiên với Lê Minh Quốc, anh lính trẻ người Quảng Nam cũng yêu thơ không kém: “Tôi nhớ mãi một buổi chiều trung tuần tháng 12/1978. Tôi đang nằm trong một căn hầm giữa rừng lồ ô… Tôi chui lên. trước mặt tôi là một chàng thanh niên không có vẻ gì là lính nhưng mặc quần áo lính rất xịn, vai vắt chiếc khăn mặt xanh. Anh để tóc dài. Gương mặt vuông vắn, trắng trẻo, đẹp trai. Tôi chưa kịp nói gì, anh ta đã bắn liên thanh phủ đầu: “Ông cho tôi mượn tập sách này nghe. Tôi hứa là sẽ giữ cho ông thiệt cẩn thận. Thôi, tôi về nghe!”. Tôi chưa kịp nói gì, đành nở một nụ cười nhũn nhặn… Tập thơ ấy tôi đã đọc. Và ở chiến trường có một người cướp thơ như thế, còn gì quý hơn. Tôi nhìn theo dáng đi kềnh càng như giữa chốn không người của anh ta. Anh đi băng băng về đơn vị như con hổ vừa vồ được chú thỏ non”. Người lính say thơ ấy đã làm những vần thơ của mình trong lúc cận kề nỗi nguy hiểm như thế này: “Một sáng đi tuần, chàng trai của thành phố Đà Nẵng đi đầu, vấp ngay phải quả mìn của địch. Nghe “tạch” một cái, mọi người chưa kịp nằm xuống thì quả mìn đã nảy ngang người Quốc. Nhưng nó không nổ mà rơi bịch xuống đất. Sau phút hoàng hồn, mọi người nhặt quả mìn lên. Thì ra quả mìn đó bị tra kíp ngược. Mặt Quốc tái xanh, được phen cận kề cái chết, nếm cảm giác bất ngờ sang thế giới bên kia” (vẫn lời kể của Đoàn Tuấn).
Trong hoàn cảnh như thế mà vẫn làm thơ được, hẳn tâm hồn Lê Minh Quốc phải rất nồng nhiệt? Tiếc thay, chúng ta không có điều kiện đọc những vần thơ ấy, nó đã bay theo khói thuốc rê của mấy người bạn vô tâm thiếu giấy cuốn! Chia sẻ sự nuối tiếc với Đoàn Tuấn, tôi càng trân trọng những vần thơ chiến trường còn lại của Lê Minh Quốc. Thơ, với các anh, như một thứ hành trang không thể thiếu của đời lính:
Ở rừng thiếu thơ để đọc
Chúng tôi làm thơ cho mình
Từng câu chữ chưa tròn trịa
Ra đời từ cuộc trường chinh
Chúng tôi làm thơ để đọc
Như trồng thêm lúa để ăn
Như cắt tranh lợp nhà ở
Làm thơ dưới tiếng pháo gầm
Những câu thơ mặc áo lính
Đến với những người ra trận
Như quàng khẩu súng sau lưng
(Đề tựa thơ mình)
Khiêm tốn ư? Rất khiêm tốn. Nhưng cũng rất kiêu hãnh khi ví thơ mình như khẩu súng! Một ngày của đời lính tình nguyện, nếu không có những vần thơ giản dị như thế này thì có lẽ đã trôi tuột cùng năm tháng, mấy ai còn được biết tới?
Chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ
Hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài
Ba lô đeo vai
Súng và đạn đeo vai
Vác trái đất nặng ba mươi ký
Chúng tôi hành quân qua Xam-coong-thmây
Cái khát, cái vất vả đôi khi còn đáng sợ hơn cả cái chết:
Rừng vẫn dài trảng cỏ vẫn mênh mông
Kẻ ngã quỵ nằm trên đá sỏi
Người lê tới bằng đôi chân mệt mỏi
Bới lá rừng đưa lên miệng để nhai
Nằm vật vã nhìn vòm trời mộng mị
Mơ quê nhà có giếng nước trong xanh
(Nhật ký một ngày)
Lê Minh Quốc có lẽ là người đầu tiên đưa ra cụm từ “những liệt sĩ trinh tiết” để chỉ những người lính ngã xuống với thể xác và linh hồn trong trắng như thiên thần. Họ đúng là những thiên thần trong tâm trí đồng đội:
thời gian đi qua đậm đặc bóng đêm
tôi vẫn thấy bạn quay về nguyên vẹn
bạn đó hả? vẫn nụ cười rón rén
bộ quân phục rộng thùng thình
vẫn dáng chào kiêu hãnh tân binh
hút thuốc lá sâu kèn
bực mình quá thì chửi tục
rồi cười
lúc ấy hồn nhiên như mây trời
không làm sao khóc nổi
Tơ Lê Minh Quốc có cái ngang tàng, hơi “anh chị” một chút, nhất là trong giọng điệu. Ngang tàng của người trẻ có học, sống hoặc mơ đời binh nghiệp, bàng bạc trong các bài “hành” của Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, nối dài sang Quang Dũng (Tây tiến), Chính Hữu (Ngày về), Phạm Tiến Duật (Tiểu đội xe không kính)…. Ngang tàng trong cái vẻ bất cần này:
Mũ mềm đã vướng cành lá
Cần chi - đầu đội nắng trời
(Udadao 1979)
Ngang tàng trong cử chỉ suồng sã:
Chiều lau súng và ngâm vịnh
Vỗ đùi đen đét bình thơ
Vui nhất là khi có hơi men:
Đêm nay khật khưỡng vài li đế
Người lính thương nhau rất thật lòng
Kể chuyện đời mình như cổ tích
Chợt nâng ly rượu hét xung phong!
Bên cạnh sự ngang tàng như để che đi nỗi niềm cảm khái, Lê Minh Quốc còn có sự tinh tế của một tâm hồn đa cảm:
Chim puk reo trên quê hương chùa Tháp
Người lính đi mấy thuở ngang tàng
Chợt hồn nhiên chỉnh tề quân phục
Vào phum bạn gái sẽ nhìn ngang…
(Mùa xuân)
Trẻ và thương biết bao những ý nghĩ thầm lén này:
Xòe tay nắm cỏ lưỡi trầu
Cỏ mượt như tóc con gái
Xuân ơi cho tôi nghĩ vậy
Nhen trong lòng chút tình yêu
(Trò chuyện với cỏ)…
Cuộc chiến ở biên giới Tây Nam của Tổ quốc đã lùi xa gần hai mươi năm. Bên cạnh những chiến công và niềm vui chiến thắng là những nỗi đau, những vết thương vẫn hiện diện trong cuộc sống hòa bình hôm nay. những vần thơ cảm động, trung thực, đôi khi còn thô mộc của Lê Minh Quốc và những nhà thơ cùng thế hệ: Đoàn Tuấn, Phạm Sỹ Sáu… có một vị trí riêng không thể thay thế, trong gia tài văn học về đề tài chiến tranh cách mạng.
Rời mặt trận, Lê Minh Quốc trở thành sinh viên khoa văn rồi thành người làm báo, làm văn chuyên nghiệp. Trong cuộc sống thị dân, đề tài thơ của Lê Minh Quốc cũng dần dần thay đổi. Anh trăn trở nhiều với những ý tưởng siêu hình, tìm tòi sự vĩnh hằn của thơ ca, của nghệ thuật. Cái giọng ngang tàng còn đó nhưng cảm xúc đã khác:
Mai xa em đến mấy ngàn cây số
Tôi cởi trần ngửa mặt hát xênh xang
Câu vọng cổ xuống xề mùi mẫn vậy
Thì con trai thất vọng cũng ngang tàng
(Bài ca từ biệt)
Lê Minh Quốc có ý thức chống chọi sự vây bủa của nếp sống thị dân, bảo vệ sự trong trẻo của tâm hồn. Một cánh chuồn kim bay lạc vào buồng tắm cũng gợi bao nhiêu liên tưởng:
tuổi nhỏ quay về trên đôi cánh mỏng
ngày xưa đồng quê cỏ ngập chỗ nằm
cánh chuồn chuồn kim bầu trời xanh thẳm
vang vọng tiếng cười từ cõi xa xăm
xuôi ngược thị thành lơ láo áo cơm
lặn ngụp giữa dòng đời chảy xiết
chú chuồn chuồn kim từ đâu quay về
nhắc nhở tôi đừng quên ngày xưa tinh khiết
cỏ non thơm trên bến sông quê nhà…
(Trò chuyện với chuồn chuồn).
Cái tư thế “Đứng huýt sáo trong buồng tắm” vừa ngộ nghĩnh, vừa dễ mủi lòng. Con người đâu dễ thoát ra khỏi hoàn cảnh, nói “thấy lòng vui như gặp buổi tân hôn” chẳng qua là vui gượng, tự an ủi mình vậy thôi. Đến cái bài “Uống trà” thì sự quanh quẩn đã đến mức tù túng:
Bỏ bia bụng bớt béo
Trân trọng tri ngộ trà
Trống trơn nộ ái ố
Bụng xẹp sát vào da…
Vẫn tài hoa, hài hước trong cách sử dụng 5 âm bờ (b) của câu đầu đi liền với 4 âm trờ (tr) của câu tiếp theo. Nhưng sự khề khà, thù tạc là một dấu hiệu của mệt mỏi? Xuân Diệu khi ở Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp có bài thơ “Xe đạp” mà sau này chính ông coi như ví dụ về sự bế tắc:
Sáng nay ra cửa u tì quốc
một chiếc xe bon đạp giữa đàng
Khi cảm xúc đã khô cạn thì không một thứ kỹ xảo nào có thể cứu vãn được thơ. Phải gần mười năm sau, với tập “Riêng chung” đầy ắp hương vị cuộc sống, Xuân Diệu mới tìm lại được hồn thơ của mình. Tôi nghĩ, kinh nghiệm của nhà thi sĩ tiền bối, “ông hoàng của thơ tình yêu” Xuân Diệu, cũng rất có ích cho những người làm thơ chúng ta hôm nay?
21.11.2004
Nguyễn Hoàng Sơn
(nguồn: Báo Tiền Phong số 28.11.2004)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|