Công văn số 05 của NXB Văn hóa Thông tin
Công văn số 05 do Giám đốc NXB VHTT Nguyễn Quang Huy ký ngày 5.3.1994 tại Hà Nội “Kính gửi: Cục xuất bản”. Nguyên văn như sau:
“Chúng tôi vừa nhận được Công văn số 45/CXB ký ngày 8.3.1994 báo tin cho biết là “Hiện nay đang có ý kiến khác nhau” về tập thơ Tôi vẽ mặt tôi của tác giả Lê Minh Quốc do Nhà xuất bản chúng tôi ấn hành.
Chúng tôi nhận thấy sự có ý kiến khác nhau về một cuốn sách văn học là lẽ bình thường, hơn thế nữa là sự cần thiết. Tiếng nói trao đi đổi lại lành mạnh sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển đúng đắn của sáng tác văn học.
Xin gửi theo đây một vài ý kiến ngắn gọn nhất của chúng tôi về tập thơ ấy”.
“Vài nhận xét về tập thơ “Tôi vẻ mặt tôi” của Lê Minh Quốc
- Tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc có 60 bài in trên 140 trang sách. Với dung lượng khá dày đặc, lại thể hiện với một bút pháp gần như không nằm vào lối mạch thông thường: nhiều bài, nhiều câu khi đọc buộc người ta phải lật trở, suy nhìn, ngẫm nghĩ, nhưng rồi thấy cũng yên tâm bởi tập thơ không hằn gợi những vấn đề chính trị. Những định hướng về văn hóa văn nghệ của Đảng trong thời kỳ đổi mới mà ngành xuất bản đã thể chế hóa một bước quan trọng trong luật xuất bản thì tập thơ đã không có điều gì làm phương hại đến những vấn đề thuộc về nguyên tắc ấy.
- Trong muôn mặt tìm tòi để đổi mới sự sáng tạo văn học nói chung, riêng với thơ, từng bước có những khó khăn và vất vả hơn. Sự tìm tòi để nhập cuộc của thơ vào đời sống xã hội cũng khó thấy hiệu quả hơn là văn xuôi, sân khấu và điện ảnh v.v… bởi cái chủ thể trữ tình của thơ, bởi tính biểu cảm và hình ảnh của thơ…
Nói lại một chút không mới này để thấy tập thơ “Tôi vẽ mặt tôi” của Lê Minh Quốc như còn đậm đặc hơn những đặc điểm trên vì lẽ cái bản thể trữ tình của nhà thơ, cái Tôi của nhà thơ được chú ý, được nhấn mạnh. Mà đã chú ý và nhấn mạnh quá thì cái được và cái không được đều có thể song hành tồn tại. Đương nhiên cái mạnh và cái được của tập, chúng tôi nghĩ vẫn là chủ yếu.
Tập thơ cho thấy tác giả rất có ý thức và khả năng nhìn xét nhiều chiều nhiều mặt, nhiều cung bậc, nhiều khoảng sáng tối, cả phần thánh thiện và tầm thường mà con người luôn luôn thể hiện ở cả phần tâm linh và thể xác. Nếu bằng cách đọc và cảm nhận thông thường ta dễ thấy tập thơ có nét cực đoan nào đó. Song chính ở chỗ này, lại cần phải dặt nó trong cả một bối cảnh chung của mọi sự tìm tòi đa dạng, nhiều phong cách. Rất rõ ở tập thơ này tác giả rất ưa (và cũng rất hợp) thể hiện sự tìm tòi và biểu đạt bằng ngôn từ, hình ảnh tạo nên cảm giác mạnh, ấn tượng xoáy. Nhiều câu thơ viết bạo tay, bỗ bã, đọc có thể giật mình là do người viết không muốn thơ mình trở thành những bài thơ “có chức năng giống vòng hoa tang lễ”. Nhưng từ cái không muốn đó, sự cực đoan hay nói khác đi là tính mức độ chỗ này chỗ khác, bài này bài khác, câu này câu khác đủ trở thành con dao hai lưỡi với anh. Một mặt anh viết rất say sưa trong giả tưởng người con gái đẹp mà anh yêu trong bài “Sự tích con dã tràng” hay trong bài “Xem tranh trong rừng”: (Tôi ham hố những phu nhân góa bụa… Thêm chút màu đen em sẽ hóa đàn bà… Tôi thèm khát hát lên bằng tiêng khóc) nhưng đồng thời, thật tiếc, cũng với rung cảm ấy tác giả đã không ít lần thể hiện nó “thực” quá để tạo cho người đọc ít nhiều cảm giác “xốc” và phần nào khó chịu ái ngại.
Những câu, những bài, những ý thơ như vậy đương nhiên là lỗi lầm dứt khoát phải trừ bớt vào dấu cộng có được của tập thơ. Cũng cần nói thêm rằng đây cơ bản là tập thơ tình (một kiểu thơ tình thể hiện bằng những gam độ mạnh) tuy nhiên là thế, song vẫn cứ muốn tập thơ được bổ sung thêm một số bài kiểu như bài “Định nghĩa về đất nước”- một bài thơ có nhiều những định nghĩa bằng thơ, thật thú vị, thật hay, về đất nước - thì cảm giác mực thước, tài hoa và cái chất đời sống đa diện sẽ có mặt đẹp hơn ở tập thơ này”.
Giám đốc Nguyễn Quang Huy
< Lùi | Tiếp theo > |
---|