TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định LÊ MINH QUỐC: Người Quảng Nam "chính hiệu"

LÊ MINH QUỐC: Người Quảng Nam "chính hiệu"

 

Gặp gỡ một số cây bút Quảng Nam trên... sách là loạt bài của nhà báo Bình Tú Ngọc viết về những nhà văn, nhà thơ Quảng Nam đang hoạt động văn nghệ - in trên báo CA Đà Nẵng.

Kỳ , bài viết về nhà văn NGUYỄN NHẬT ÁNH, đặt tựa chính xác và đố ai có thể cãi lại được: Nhà văn viết cho thiếu nhi cự phách. Đúng quá!

h6a

Nhà thơ Lê Minh Quốc

Kỳ 2 đăng trên số báo ra ngày thứ Năm 29.11.2012 có tựa Người Quảng Nam "chính hiệu" viết về LÊ MINH QUỐC. Hehehe, cái tựa này cũng... chính xác luôn.

Tôi thầm nhủ, ngày về Đà Nẵng, Tết này, sẽ mời nhà báo Bình Tú Ngọc (dù chưa biết mặt) làm một chầu mì Quảng và tiếp tục bàn chuyện người Quảng Nam cho thêm tình thân mật. Nhân đây, nói luôn, Bình Tú hiện nay thuộc huyện Thăng Bình, tác giả là người Thăng Bình chăng? Nếu đúng như thế anh (chị) Bình Tú Ngọc đồng hương với nhà văn Vũ Hạnh, Nguyễn Nhật Ánh, nhà báo Nguyễn Công Khế, Đặng Việt Hoa...

L.M.Q

XI.2012

 

Bài 2: LÊ MINH QUỐC: Người Quảng Nam "chính hiệu"

 

(Cadn.com.vn) - Người đồng hương Quảng Nam thứ hai tôi muốn nói đến là nhà thơ Lê Minh Quốc (LMQ). Một hôm ghé hiệu sách để xem là... chính, bất ngờ nhìn thấy cuốn "Người Quảng Nam" (NQN). Thế là không nói không rằng, bốc lên một cuốn, trả tiền rồi đem về nhà để trong tủ sách cho... chắc. Tôi đọc NQN và "mê" Lê Minh Quốc luôn từ dạo đó. Theo tôi, bút lực của LMQ cừ khôi vào loại nhất nhì trong các cây bút gốc Quảng Nam. Cho đến nay, anh đã cho ra lò không dưới 30 đầu sách với nhiều thể loại khác nhau từ thơ, đến văn xuôi đến biên khảo và một số thể loại khác. Và phần lớn trong số đó đều thú vị, bổ ích.

Tôi là người Quảng Nam nhưng thú thật là lâu nay, còn mù mờ, chưa hiểu biết gì nhiều về đất và người Quảng Nam của mình, nhưng kể từ khi đọc NQN của LMQ, tôi mới hiểu biết được những điều cơ bản về nơi mình đang sống và những con người đã và đang sống với mình trên nơi đó và thêm yêu đất và người xứ Quảng.

 

nQNRRR

 

Đọc NQN, tôi biết thêm được nhiều thứ về quê nhà: địa danh Quảng Nam có từ năm 1471 và do vua Lê Thánh Tôn đặt. "Từ "Đà Nẵng" có nghĩa là gì? Tôi tin là có rất nhiều  người ở Quảng Nam - Đà Nẵng... bí rị khi có ai hỏi đến. Đọc NQN, LMQ cho biết: "còn từ Đà Nẵng cũng có nguồn gốc Chămpa, có nghĩa là Sông Già, Sông Lớn (Đà là sông, nước; Nẵng là già, lớn)" . Quảng Nam là nơi sớm nhất hình thành chữ Quốc ngữ "rất có thể Hội An-Thanh Chiêm là cái nôi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ, là sự La-tinh hóa tiếng Việt". Như vậy, Quảng Nam ngoài là cái nôi sớm nhất của sự hình thành chữ Quốc ngữ, thì nó còn được biết đến như là cái nôi của đạo Tin Lành ở Việt Nam nữa - năm 1911 được xem như là cột mốc đánh dấu cho sự có mặt của đạo Tin Lành trên mảnh đất hình chữ S và cái nơi đầu tiên đón nhận là vùng đất Quảng Nam.

Theo LMQ, Giáo sư Hoàng Châu Ký là người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống về nghệ thuật tuồng Việt Nam "GS. Hoàng Châu Ký đã từng viết Sơ thảo lịch sử nghệ thuật tuồng, được xem như một công trình khoa học đầu tiên của nước ta về tuồng. Như vậy, dù nghệ thuật tuồng đến xứ Quảng muộn hơn so với Huế và Bình Định, nhưng người Quảng lại có công đầu trong việc biên khảo, nghiên cứu tuồng một cách có hệ thống và bài bản nhất".

Nhiều món ngon xứ Quảng cũng được LMQ nhắc đến với một tình cảm thật nồng hậu. Nào là món bánh bèo với câu nói vui toàn vần "b" không ai không nhớ khi đi ăn bánh bèo: "Bà Ba bả bán bánh bèo, bánh bao, bò bía, bún bò bên bờ biển, bả bị bộ binh bắt bỏ bót ba bốn bữa, bả bị bịnh bảy bữa, bả bèn bỏ bán bánh bèo bên bờ biển."; nào là món bánh tráng cuốn cá nục ăn kèm với rau muống mà LMQ khẳng định ngon chỉ đứng sau mì Quảng mà thôi: "Xin thưa, nó chỉ đứng sau... mì Quảng, đứng trước thịt bò tái, trước bánh tráng cuốn thịt heo và trước luôn cả cháo gà lòng thả!". Nào là món bánh tráng đập Cẩm Nam; nào là món Cao Lầu...

Đọc NQN, tôi thấy nhận xét của LMQ về du lịch rất thú vị: "Khi du lịch đến một địa phương, để hiểu nơi ấy, theo tôi phải thực hiện cho bằng được ba điều kiện: tham quan thắng cảnh nơi ấy, được ăn món ăn tiêu biểu nơi ấy và... yêu một người nơi ấy". Bạn có thể thực hiện ba điều kiện đó khi đi du lịch, nhưng hãy cẩn thận với điều kiện cuối cùng vì nó nguy hiểm với những ai đã có gia đình đấy chứ không phải chơi đâu.

LMQ cũng đã xuất bản quyển "Một ngày ở Mỹ"(MNƠM) http://www.leminhquoc.vn/lmq/the-loai-khac/bien-khao/753-le-minh-quoc-mot-ngay-o-my.html sau khi đi Mỹ một tháng hồi năm 2008. Tôi chưa một lần được đi Mỹ trong thực tế, nhưng  tôi đã đi Mỹ qua... sách báo nhiều lần, trong đó có một lần qua Mỹ khi đọc MNƠM, phát hiện được nhiều điều khá thú vị. Người Việt Nam đầu tiên đến Mỹ là ai? Câu hỏi không phải  người Việt Nam nào cũng biết.

 

motngayomy-R

 

Đọc MNƠM, LMQ đã cung cấp cho ta câu trả lời: "Kể từ ngày Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ra đời (1776), phải sau gần hơn 100 năm, người Việt Nam mới đặt chân đến nước Mỹ, không phải đi du hí du lịch mà vì sứ mệnh của đất nước... Đầu tháng 7- 1873, lúc Bùi Viện vào cung bái mạng để lên đường, Tự Đức dặn dò: Không nên sơ suất lời nói để người ta biết thực trạng kém cỏi của mình, không nên quá tiết kiệm tiền bạc trong lúc giao thiệp, cốt sao giữ lấy quốc thể".

Ngược lại, người Mỹ đến Việt Nam từ khá sớm. LMQ cho biết: "Họ đến từ rất sớm, năm 1819, chỉ sau 43 năm ngày thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Người thực hiện chuyến đi này là thương gia John White-sinh năm 1782 tại Marblehead thuộc tiểu bang Massachusetts". Người Mỹ cũng đã để lại nhiều cảm tình cho LMQ sau chuyến đi Mỹ, nên anh đã viết lại những điều mắt thấy tai nghe về người Mỹ: "Tôi nhận thấy, người Mỹ luôn chủ động bày tỏ sự thân thiện. Trên môi của họ dường như đã đặt sẵn câu "cảm ơn", "xin lỗi", "xin chào". Dù quen thân hoặc xa lạ, dù đi ngược chiều nhau hoặc gặp trong thang máy - tôi luôn được nghe những mỹ từ ấy"; "Người Mỹ có thói quen rất đúng giờ. Cô Patrica D. Norland bảo: "Nếu ta đến muộn sau 5 phút thì phải gọi điện thoại thông báo trước, tất nhiên cuộc họp ấy cũng sẽ... rút ngắn lại 5 phút. Nếu được mời dự tiệc, ta phải đứng dậy ra về theo đúng giờ giấc trên thiệp mời đã ghi". Nói đến văn hóa "tips" của người Mỹ, tức tiền puộc boa, LMQ cho biết người Mỹ rất tế nhị trong vấn đề tiền "tips": "Mức tiền tips trung bình dành cho người hầu bàn là 15% trên tổng số chi phí bữa ăn. Nếu bạn... giả vờ quên thì sao? Thì không sao cả. Quản lý nhà hàng sẽ đến hỏi bạn khéo léo: "Thưa, việc tiếp đãi có điều gì khiến bạn không hài lòng?"...

LMQ có con mắt rất tinh đời  khi anh để ý đến mảnh vườn nhà quê của người Việt Nam trên đất Mỹ: "Quê hương thấp thoáng từ cây trái, từ các loại rau mà ta đã được mẹ cho ăn từ ngày thơ ấu, phải mọc lên ở đó. Là hình ảnh cây bí, cây bầu, cây nhãn, cây xoài, cây hoa ngọc lan, cây cà chua, cây ớt...; rồi những luống rau thơm hợp khẩu vị như dấp cá, tía tô, húng quế...; rồi rau muống, rau cải... đang trong vườn nhà đấy thôi. Hầu hết gia đình người Việt nào ở Mỹ cũng đều dành cho mình một khoảng sân vườn để "gieo trồng" một hình bóng quê nhà".

Khép quyển MNƠM lại, tôi phục LMQ vô cùng khi anh cương quyết từ chối đến sòng bạc Las Vegas, cho dù có nhiều lời cám dỗ rất hấp dẫn như "đến Mỹ nếu không đến sòng bạc Las Vegas là một thiếu sót trầm trọng", cho dù có người tình nguyện đưa đi không tốn tiền. Lý do là vì: "Thuở học trò, tôi đã đọc một câu trong tự thuật của Phạm Đình Hổ - tác giả Vũ trung tùy bút. Ông cho biết ngay từ nhỏ trước những trò thanh sắc, cờ bạc, hoặc ai đó rủ rê chơi đùa thì "bịt tai lại không muốn nghe"; và lúc lớn lên "các sách kim cổ, thơ cổ, thường xem, không lúc nào rời tay" tôi đã ám ảnh đến giờ và luôn nguyện bắt chước theo".

Bình Tú Ngọc

(nguồn: http://cadn.com.vn/News/Van-Hoa/Van-Hoa-Van-Nghe/2012/11/29/88492.ca)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com