Tài hoa, vui nhộn, nhiệt tình với công việc và bạn bè… là những nét riêng, nét nổi trội của nhà thơ Lê Minh Quốc. Thế nhưng, đến giờ này Lê Minh Quốc vẫn thong dong một mình. Có lẽ một phần do anh mãi mê với con đường nghệ thuật, với sự nghiệp thi ca… Hình như với Lê Minh Quốc, thơ đã thấm vào máu thịt từ lúc còn thơ. Có người nói vui: Có khi nào Lê Minh Quốc mang ám ảnh của những cuộc tình bội bạc đi qua trong đời chăng? Câu hỏi này dường như còn bỏ ngỏ với những niềm riêng của anh. Với chúng tôi, anh luôn là người bận rộn. Hình như tất cả các khoảng thời gian anh đều dành hết cho công việc.
Sinh ra từ một làng quê nằm bên bờ sông Thu Bồn - Đại Lộc - Quảng Nam, nhưng lại lớn lên từ thành phố Đà Nẵng. Năm 18 tuổi, anh đã lên đường ra mặt trận như nhiều thanh niên ngày ấy. Và rồi anh trở về từ chiến trường Campuchia, bước thẳng vào giảng đường đại học… tuy muộn so với bạn bè cùng thời. Có lẽ, mảnh đất quê hương miền Trung nghèo khó, những gian nan ở chiến trường, những bận rộn trong cuộc sống… đã cho anh nhiều trải nghiệm, nhiều khám phá mới mẻ trên con đường nghệ thuật. Ngay từ lúc còn ngồi ở trường Trung học Phan Chu Trinh - Đà Nẵng, anh đã “mơ làm… thi sĩ”. Nhiều bài thơ sáng tác trong thời kỳ tuổi học trò của anh đã trở thành “tác phẩm gối đầu giường” của nhiều bạn trẻ, thức dậy trong họ nhiều ước mơ và cảm xúc. Niềm mơ ước ấy lớn lên cùng tháng năm, theo anh trong từng chặng đường của cuộc đời với bao ngõ rẽ. Chính vì vậy mà trong một quãng thời gian không dài anh đã có một gia sản “kha khá” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, hàng trăm tác phẩm văn học với nhiều thể loại. Trong đó có những biên khảo có giá trị với đời sống xã hội. “Hỏi và đáp” là những biên khảo về đất nước, con người qua mỗi vùng miền rất rõ nét, nhất là vùng đất Quảng Nam, quê hương anh. Năm 2009, sau thời gian “lặn hơi sâu”, anh lại gây một bất ngờ lớn với công chúng yêu hội họa bằng nhiều họa phẩm có chủ đề về sự biểu cảm của con người, cảnh vật. Xem tranh anh, dù là những tác phẩm mang tính tả thực hay trừu tượng… tất cả đều gần gũi, trong sáng và ý nhị như thơ của anh.
Lê Minh Quốc không chỉ là nhà thơ, người làm nghệ thuật được công chúng yêu mến, mà anh còn là một nhà báo năng động, xông xáo. Những tác phẩm báo chí của anh cũng mang đến cho bạn đọc những góc nhìn mới. Có lẽ, nét khác biệt của Nhà báo Lê Minh Quốc so với nhiều nhà báo khác là trong nhiều tác phẩm báo chí của anh, anh đã thể hiện thành công nhiều kiến thức, nhiều ý tưởng, tư liệu độc đáo mà anh đã “tích cóp” trong từng mãng đề tài do anh phụ trách. Hiện nay, Lê Minh Quốc là Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Báo Phụ Nữ thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều người gọi Lê Minh Quốc là nhà thơ đa tài, bởi anh tham gia rất nhiều lĩnh vực. Lê Minh Quốc không chỉ xuất hiện trên thi đàn, mà còn xuất hiện cả trên các lĩnh vực nghệ thuật. Vui nhất là khi nhà thơ làm MC đám cưới (chỉ là MC cho các đồng nghiệp báo chí thôi). Lúc đó, với vẻ mặt tự nhiên, nụ cười hiền hòa xen lẫn với những vần thơ bất chợt, đôi lúc lại nghiêm nghị và rồi lại vui vui, cuốn hút mọi người… Anh còn làm cả MC của nhiều “Chương trình Thơ” của nhiều đài truyền hình. Đặc biệt nhất là anh đọc thơ theo giọng Quảng “Nôm”. Có lẽ, giọng thơ của Lê Minh Quốc rất riêng và rất lạ nên nhiều trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ… đều mời Lê Minh Quốc nói chuyện thơ và đọc thơ.
Riêng tôi, mỗi mùa Vu Lan… tôi thường đọc lại những bài thơ của Lê Minh Quốc viết về Mẹ. Trong đó bài thơ “Chiều ra đứng ngõ sau” của anh, dù đã đọc nhiều lần thì lần nào vẫn dậy lên trong tôi tâm trạng nhớ Mẹ dạt dào xúc động.
Mẹ đã đi về quê/ Căn nhà như sững lại/ Ngày hai buổi con chờ/ Như ngây mà như dại/ Ghế bàn cũng rộng thênh/ Một mình con ngồi lại/ Trên bếp ngọn lửa hồng/ Suốt một ngày tắt mãi/ Những buổi trưa đi về/ “Mẹ ơi! Mẹ mở cửa!”/ Bây giờ con gọi ai/ Đành gọi mẹ lần nữa/ Những buổi sáng con đi/ Làm sao còn thưa gởi/ Những đêm khuya con về/ Chẳng còn ai ngồi đợi/ Mẹ lên tàu về quê/ Ngót một ngàn cây số/ Nhưng con vẫn thấy gần/ Trong chiêm bao còn nhớ/ Suốt một ngày con mớ/ Nghe tiếng mẹ cười giòn/ Dăm ba ngày nửa tháng/ Mẹ lại vào với con…
Chơi với Lê Minh Quốc lâu ngày nên tôi biết: Căn nhà nhỏ trên đường Thích Quảng Đức - Phú Nhuận, thường có người con trai đứng tuổi mỗi đêm đi làm về rụt rè gọi hai tiếng “Mẹ ơi!”. Tiếng gọi - dù rất khẽ - vẫn gợi nên bao cảm xúc cho những người xung quanh. Thương con, người mẹ già rời bờ sông Thu Bồn vào chăm sóc đứa “con trai” đã ngoài năm 50 rồi mà vẫn như thằng bé Quốc bé bỏng năm nào. Rồi mẹ lại về quê dăm ba bữa, lòng anh rối bời “Bây giờ con gọi ai !”. Nhà thơ Lê Minh Quốc của chúng ta thường có những nỗi niềm như thế.
Trong bài thơ “Vẫn còn có Mẹ” mà anh viết tặng bạn khi mẹ của bạn qua đời có đoạn: Ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng/ Muốn gọi mẹ ơi, nhưng gọi đến bao giờ/ Mẹ vẫn về trong mỗi lúc ta mơ/ Chở che cho ta trong đời thường mệt nhọc… Có lẽ đọc những vần thơ như thế… trong “khoảnh khắc nào đó” người yêu thơ và nhà thơ đã nhập làm một.
Sự dấn thân của Lê Minh Quốc vào nghệ thuật, công tác nghiên cứu, sáng tác, biên khảo… là một “hiện tượng” hiếm hoi trong dòng chảy của đời sống xã hội hiện nay. Có lẽ hôm qua, hôm nay và ngày mai, Lê Minh Quốc vẫn lặng thầm và thong dong giữa cuộc đời để rồi có dịp cống hiến cho bạn đọc nhiều sáng tác mới ở nhiều thể loại, lĩnh vực khác nhau. Bạn đọc có thể thưởng thức và chiêm nghiệm những tác phẩm của anh qua website: www.leminhquoc.vn
Bất chợt trong một đêm, nhìn thấy Lê Minh Quốc trong loạt “Ký sự Biên phòng” phát trên VTV3 và ngắm lại những tấm ảnh về Lê Minh Quốc, tôi đã tin (và thầm mong) bút lực của nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn còn sung mãn. Công chúng yêu văn học, hội họa vẫn chờ mong anh có thêm nhiều tác phẩm mới chứa đựng những cảm xúc mới lạ, hướng thiện, gần gũi… như tính cách vốn có của nhà thơ gốc Quảng này.
BOX:
Trong một lần trao đổi với phóng viên Tạp chí BTV, Lê Minh Quốc cho biết: Anh vẫn mong có dịp là trở lại Bình Dương để - biết đâu - có thêm nhiều tác phẩm về vùng đất năng động, nhiều đổi thay, và đang vươn lên từng ngày. Anh nhớ lại: “Những năm 1990, khi nhà thơ Từ Nguyên Thạch còn công tác ở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Sông Bé (Bình Dương và Bình Phước), anh em cũng thỉnh thoảng về sinh hoạt tại đây. Những chuyến đi đó luôn có nhà thơ Đoàn Vị Thượng, Lê Xuân Đố, nhà báo Đoàn Thạch Hãn, nhà nghiên cứu văn học Phùng Quý Nhâm… Chúng tôi đọc thơ, tham gia trao đổi kinh nghiệm sáng tác với anh em văn nghệ đang dự trai sáng tác tại Bình Dương. Cách đây vài năm Đài PT-TH Bình Dương có mời tôi tham gia Chương trình Thơ - nhân dịp Tết và phát sóng trực tiếp. Lúc đó, dù đã quen thuộc với công việc dẫn chương trình “Thơ ca giao hòa” của HTV, nhưng sự tận tình, chu đáo của anh em hậu đài ở BTV đã khiến tôi xúc động”.
MAI PHÚC
(nguồn: Tạp chí BTV - Đài PT - TH Bình Dương số tháng 10.2012)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|