Mưa dầm ướt văn
Tăng Sâm đi học về. Mẹ Tăng Sâm ở nhà dệt vải. Có kẻ mưu hại đến phao tin xấu. Buổi sáng chúng bảo:
- Tăng Sâm giết người.
Mẹ Tăng Sâm thản nhiên không nói lại/ Bởi bà rất tin con mình.
Buổi trưa chúng bảo:
- Tăng Sâm giết người:
Bà mẹ Tăng Sâm tự nhủ:
- Con ta không bao giờ làm thế!
Buổi tối chúng kéo nhau đến bảo:
- Tăng Sâm giết người:
Bà mẹ hoảng hốt quăng thoi:
- Con ta sao lại làm thế...
Ấy là chuyện xưa, mọi người đều biết. Sự thiếu thông tin, thông tin sai lạc. Xuyên tạc, bịa đặt, thông tin nguy hiểm như thế.
Bây giờ có người làm thơ không nghiêm túc. Cợt nhả, văng tục bậy vào thơ. Đại loại:
Đếch có bức tranh nào vẽ chân dung nàng
Tôi buôn quá...
Hoặc:
Yêu người đàn bà có chồng nỗi buồn nhân đôi
Anh đếch sợ. Cứ yêu như sắp chết
(Tôi vẽ mặt tôi - NXB Văn hóa Thông tin - 1994)
Thế mà có nhà lý luận phê bình rào đón biện hộ rằng bây giờ cơ chế thị trường, tự do dân chủ, tôn trọng người đọc tự chọn (!)... với những thể nghiệm mới nên bình tĩnh tiếp nhận, ai thích thì đọc, không thích thì gấp lại, không nên vội vàng nôn nóng phê bình nhận xét làm giảm mất cái không khí sáng tạo đổi mới v.v.... và v.v...
Ôi, nếu nà lý luận phê bình mà quan niệm suy nghĩ, phát ngôn như thế thì sớm muộn trước sau sẽ đẩy côn chúng văn học vào tình cảm mẹ Tăng Sâm. Bởi hiện tượng văn học, tác phẩm văn học dù đơn giản hay thâm thúy cao sâu đều không bày ra, không khoe sắc bốc mùi tất cả ở ngoài bìa sách. Người ta phải đọc rồi mới biết hay hay dờ, thích hay không thích. Nó rất khác với món bún ốc hay tiết canh cháo lòng, chỉ cần liếc mắt qua cũng có thể thẩm định được để quyết định ghé vào hay đi thẳng.
Tác phẩm văn học đa thanh, đa nghĩa. đa tầng tiềm tiềm ẩn ẩn có khi đọc đi đọc lại vẫn chưa nhận ra, vẫn chưa cảm hết. Vì thế mới cần đến nhà bình luận văn học như những người đọc siêu đọc, khám phá, đánh giá được các hiện tượng văn học, giúp cho sự tiếp nhận văn học của công chúng thêm phần phong phú. Nhà lý luận phê bình phải là người thấy trước cái hay, cái dở, cái mới, cái cũ... và phải nói to lên, nói thẳng ra, nói cho đúng cái sự thẩm định của mình, thông tin đúng cho công chúng...
Đấy vừa là bản lĩnh vừa là trách nhiệm của nhà lý luận phê bình.
Nếu đứng trước một hiện tượng văn học (dù đơn giản hay phức tạp) mà nhà lý luận phê bình không đưa ra lời đánh giá, không tỏ rõ thái độ, dù khen hay chê, ủng hộ hay không ủng hộ... mà lại án binh bất động, cắm sào đợi nước, chờ đợi nghe ngóng tình hình... theo kiểu "tọa sơn quan hổ đấu" thì khổ nhọc cho công chúng văn học quá lắm. Thế là chờ đợi đấy! Chờ có cơn mưa xách gàu ra ruộng! Chờ gà gáy sáng mới hô rằng bình minh! Này bà con ơi! Nếu gặp nhà lý luận phê bình có tài chờ đợi như thế thì chớ vội mừng! Thì phải nói ngay: Hỡi nhà lý luận phê bình muôn quý ngàn yêu! Sao ngài không nói ngay, nói thẳng, nói to cái sự phê bình của ngài ra. Còn chờ đợi nỗi gì? Đợi cho bạn đọc biến thành mẹ Tăng Sâm tất cả rồi mới bình luận hay sao?!!!
4.1994
Trang Du
(nguồn: tạp chí Văn nghệ quân đội số tháng 10.1994)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|