BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều NHÀ BÁO LƯU ĐÌNH TRIỀU: Ba thập kỷ “bật một que diêm"!

NHÀ BÁO LƯU ĐÌNH TRIỀU: Ba thập kỷ “bật một que diêm"!


Ngạn ngữ phương Tây có câu “Hãy đốt lên một que diêm còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”. Lưu Đình Triều đã lấy đó làm phương châm sống cho mình. Anh vừa cho ra đời cuốn sách “Bật một que diêm”  http://www.leminhquoc.vn/lmq/bao-chi/thu-muc-luu-dinh-trieu/944-nhan-dinh-ve-sach-cua-luu-dinh-trieu.html, tập hợp 85 bài ký chân dung tiêu biểu nhất trong chặng đường gần 3 thập kỷ làm báo.

anh-voi-NMTriet.RRjpg

Nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Bằng khen 15 năm đổi mới cho nhà báo Lưu Đình Triều (năm 2000).

Các nhân vật trong “Bật một que diêm” của Lưu Đình Triều phần nhiều là những người có hoàn cảnh éo le, số phận nghiệt ngã, nhưng họ đã biết cách “bật một que diêm” để tìm đường vươn lên, chiến thắng số phận, hoàn cảnh. Nhưng có một điều ít người biết, để có được những trang viết thấm đẫm tính nhân văn ấy, tác giả đã tự “Bật một que diêm” cho chính mình hơn 30 năm trước. Và cho đến nay, ánh lửa ấy vẫn bền bỉ cháy và toả rạng...

 

TỪ TRONG MẶC CẢM

Lúc trà dư tửu hậu, nhiều anh chị em thường nói vui rằng, nếu các đồng nghiệp ở hai miền liên Triều biết được ở đất nước hình chữ S có một nhà báo khá nổi tiếng, suốt đời mang thông điệp khát vọng hòa bình cho đất nước họ, hẳn sẽ là một chi tiết rất gợi cho đề tài báo chí.

Sự ngẫu nhiên ấy bắt nguồn từ ngày 27-7-1953, khi hiệp ước đình chiến giữa hai miền liên Triều được ký kết, thì ở Việt Nam, ông bà Lưu Quý Kỳ sinh được một cậu con trai. Là một người có tư tưởng nhạy bén, luôn quan tâm đến thế sự, thời cuộc, sau này là nhà báo, nhà văn hóa lớn, ông Lưu Quý Kỳ lấy ngay sự kiện ấy đặt tên cho con trai: Lưu Đình Triều. 

Tuổi thơ Lưu Đình Triều sớm bước vào khúc ngoặt lớn của cuộc đời. Ấy là khi ông bà Lưu Quý Kỳ tập kết ra Bắc. Chiến tranh đã đẩy biết bao gia đình rơi vào cảnh ly tán. Lưu Đình Triều sống trong những tháng ngày cực khổ, tha hương, hết theo bà sống tại Đồng Nai lại đi cùng người chú ngược Buôn Mê Thuột…Vất vả, khó khăn là thế nhưng nhờ sáng dạ nên anh học rất giỏi. Nhờ đó, sau khi học hết tú tài, anh vào Đại học Luật, vừa đi học, vừa đi dạy thêm kiếm sống. Năm 1972, dù đã tìm mọi lý do để thoái thác nhưng Lưu Đình Triều vẫn không thể thoát được lệnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn. … Lưu Đình Triều gọi những năm tháng ấy là một quãng đời bĩ cực:

- Hồi đó tôi đã bị cận thị nặng, cứ nghĩ là nó sẽ loại mình ra. Ai ngờ học ở trường sĩ quan dự bị Thủ Đức ra, với cấp hàm chuẩn uý, vẫn bị đẩy xuống Sư đoàn 7 ở miền Tây, làm trung đội trưởng. Tôi chán ngán, có lúc  cùng với một anh bạn bàn nhau tự làm cho mình bị thương để được loại ngũ, nhưng giương súng lên thì lại run, không thằng nào đủ can đảm bóp cò trước.

- Vậy anh thoát khỏi lính bằng cách nào?

- Ở miền Tây một thời gian, tôi làm đơn xin chuyển đơn vị về Biên Hoà làm lính địa phương, lấy lý do về gần nhà để chăm sóc bà ngoại. Nhờ đó, tôi có nhiều thời gian nghỉ ở nhà, “thoái thác nhiệm vụ”. Khoảng hơn một tuần trước ngày giải phóng Sài Gòn, lính đào ngũ ghê lắm. Tôi cũng “té nước theo mưa”, nằm lì ở nhà luôn.

truongsaRR

 Lưu Đình Triều (đeo kính) trong một chuyến công tác ra Trường Sa

 

- Hồi đó anh có biết ba của mình là cán bộ cách mạng không?

-  Tôi lớn lên luôn mang trong mình nỗi mặc cảm như một đứa trẻ mồ côi. Mãi gần đến ngày giải phóng miền Nam tôi mới biết ba mẹ tôi tập kết ra Bắc hoạt động cách mạng.

Sau giải phóng, ba mẹ tôi trở vào Nam. Lúc này ba tôi đã là một nhà báo, nhà văn có tiếng. Khi biết tôi là sĩ quan của chế độ Sài Gòn, mẹ tôi khóc ghê lắm. Tôi cũng rối bời tâm trí, ân hận vì đã làm ảnh hưởng đến ba mẹ, gia đình.

Ba tôi là người nghiêm khắc nhưng rất độ lượng. Ông bảo tôi: “Con phải chấp hành chủ trương của nhà nước, đi học tập cải tạo, cố gắng học tập, rèn luyện cho tốt”. Ở trại, tôi nhận được sự gần gũi, động viên, giúp đỡ rất nhiều của các anh quản giáo. Điều ấy đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Sau này tôi có viết một bài báo về chuyện này đăng trên Tuổi Trẻ, nói về người góp phần làm thay đổi cuộc đời mình...

ĐẾN “BẬT MỘT QUE DIÊM”

Sau thời gian học tập cải tạo, Lưu Đình Triều được tiếp nhận vào làm tại Sở Công nghiệp. Ở đâu, làm việc gì, anh cũng tự nêu khẩu hiệu cho bản thân: Sống lành mạnh, nỗ lực hết mình, làm việc hiệu quả. Và chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh được kết nạp Đoàn, trở thành đoàn viên ưu tú:

- Thanh niên ở miền Nam  thời đó được đứng vào hàng ngũ Đoàn Thanh niên Cộng sản là khó lắm, vinh dự lắm. Lúc tuyên thệ trước cờ Đoàn, tôi đã bật khóc. Thế là cuộc đời mình từ đây chính thức bước sang một trang mới.

- Thế cái duyên nào đưa anh đến với nghề báo? Nhiều người nghĩ rằng Lưu Đình Triều trở thành nhà báo là nhờ ảnh hưởng của ba anh?

- Không. Ba tôi không bao giờ sử dụng vị thế của mình để can thiệp trực tiếp vào cuộc sống, nghề nghiệp của tôi. Ông định hướng, giáo dục tôi theo cách của ông, rất nghiêm khắc, đúng mực. Ngay từ lúc tôi rời trại cải tạo về nhà, ba tôi hỏi: “Con định làm nghề gì”? Tôi trả lời: “Con thích làm nghề báo”. Ba tôi nói: “Con chưa đủ tiêu chuẩn để theo nghề báo lúc này được. Con phải tìm việc làm gắn bó với người lao động, phải rèn luyện, tu dưỡng nhiều hơn nữa”.

Lúc đó tôi cảm thấy buồn lắm. Nhưng về sau tôi mới thấm thía giá trị của sự nghiêm khắc âý. Ông không muốn tôi có ý nghĩ dựa dẫm, giảm sút ý chí phấn đấu.

Năm 1979, tôi đọc báo biết tin Trường Tuyên huấn Trung ương I tuyển sinh đào tạo đại học báo chí. Tôi làm đơn dự thi và trúng tuyển. Khi vào trường học, sự mặc cảm vẫn chưa buông tha tôi. Có lần lên thư viện đọc sách, cô thủ thư nghe tôi nói giọng Nam Bộ, liền hỏi: “Anh mới ở trong đó ra, có biết thằng con ông Lưu Quý Kỳ không? Nghe nói nó là đại úy sĩ quan ngụy (thực tế thì tôi mới là thiếu úy thôi) ”.

Thế đấy! Ngày đó dư luận xã hội còn khắt khe lắm.

Tôi tự nhủ, phải quyết chí học. Vừa học vừa viết. Cùng học với tôi có 3 anh chị ở báo Tuổi Trẻ là: Phạm Văn Nhứt (Trần Thức), Đặng Thanh Triều (Bảo Vinh) và Lê Kim Phi. Giai đoạn đó báo Tuổi Trẻ đang mở hướng phát triển ra phía Bắc nên tôi được các anh ấy động viên, tạo điều kiện cộng tác.

Từ những mẩu tin nhỏ, dần dần tôi có những bài lớn, những phóng sự đăng trang nhất. Những bài viết khó hoặc các đề tài tâm đắc, khi viết xong tôi thường gửi cho ba tôi đọc. Ông nhận xét, góp ý rất cụ thể từ cách đặt tít đến thể hiện nội dung. Với ông, tít là yếu tố quan trọng nhất của bài báo. Ông hướng dẫn tôi các kỹ năng đặt tít sao cho thật gợi.

Cuối khóa học, tôi nhận được thư của chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, hỏi ý kiến tôi có muốn về làm việc tại báo Tuổi Trẻ không? Tôi hạnh phúc vô cùng. Năm 1982, khi con đường báo chí của tôi vừa mở thì cũng là lúc ba tôi ra đi mãi mãi.

- Anh được coi như một “chuyên gia” của thể loại ký chân dung. Các nhân vật của anh phần lớn đều là những người có hoàn cảnh khó khăn,  giàu nghị lực vươn lên…

- Bước vào nghề báo, tôi tự thấy mình có duyên viết về những con người lao động, những thân phận kém may mắn trong xã hội, những con người giàu ý chí, nghị lực, những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất. Khi còn thực tập ở báo Vũng Tàu - Côn Đảo, Tổng Biên tập Trần Văn Huy bảo tôi: “Anh thấy em có khả năng viết về những đề tài đời sống xã hội. Em nên đi Côn Đảo, ngoài đó có nhiều chuyện cho em viết lắm”. Tôi đi Côn Đảo về viết bài liên tục, trong đó có đến 5 bài đăng trên báo Xuân. Với một sinh viên thực tập, được như vậy thật là hạnh phúc ngoài mong đợi.

- Thực tế cuộc sống nhiều gian nan, va vấp của anh cũng chính là nguồn cảm xúc, là chất liệu để thể hiện các đề tài báo chí về chân dung con người?

- Đúng vậy. Những năm tháng lăn lộn mưu sinh thuở nhỏ và quá trình “tìm lại chính mình” sau ngày đất nước thống nhất giúp tôi có được sự đồng cảm sâu sắc đối với từng hoàn cảnh, từng số phận, từng con người...

LuuDinhTrieuRR1

Từng tham gia làm MC cho nhiều cuộc giao lưu  bạn đọc, trao học bổng cho HSSV nghèo vượt khó..., Lưu Đình Triều xem đấy cũng là một cách tiếp cận đối tượng trẻ

 

- Anh đã viết đến hàng nghìn bài báo về chân dung nhân vật. Chân dung nào anh tâm đắc nhất?

- Mỗi nhân vật đều có những hoàn cảnh khác nhau. Mình đồng cảm với từng hoàn cảnh ấy nên khó có thể nói tâm đắc ai hơn. Nhưng có thể kể một vài ví dụ điển hình.

Đó là nhân vật trong loạt bài 2 kỳ: “Huyền thoại Đào Mai”, viết về một nữ giáo viên Đại học Tài chính vì thẳng thắn đấu tranh chống tiêu cực nên bị trù dập. Tôi đã viết bài bóc trần sự thật, bảo vệ danh dự, quyền lợi cho cô ấy. Bài báo đăng lên, những người liên quan phản ứng ghê lắm. Thậm chí còn có dư luận tôi quan hệ bất chính với cô ấy. Chân lý sau đó được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Người tốt được bảo vệ, trả lại danh dự, quyền lợi.

Còn nhân vật ghi dấu ấn sâu sắc nhất trong cuộc đời tôi là một nữ cán bộ, một MC của Nhà Văn hóa Thanh niên. Tôi viết về nhân vật ấy nhưng không ký tên thật. Sau khi bài đăng báo, nhân vật nổi giận vì không hài lòng với một vài chi tiết trong bài báo nên đã truy tìm tác giả để “mắng”. Chẳng ngờ sau này giữa tác giả và nhân vật lại trở nên thân thiết. Thân thiết đến mức... về sống chung một nhà suốt 16 năm qua, mãi cho đến nay (cười).

Vâng! Mối tình nhiều kỷ niệm với người dẫn chương trình nổi tiếng Minh Hương có thể coi là một “giải thưởng” lớn nhất trong đời làm báo của Lưu Đình Triều. Gắn bó thuỷ chung với báo Tuổi Trẻ từ những ngày đầu vào nghề, Lưu Đình Triều đã dần khẳng định vị trí của một cây bút có bản sắc, góp phần vào bản sắc riêng của Tuổi Trẻ. Anh từng làm Trưởng ban Văn hóa  văn nghệ, Trưởng ban Thanh niên - giáo dục, Tổng thư ký tòa soạn và hiện nay là Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển báo Tuổi Trẻ, tham gia giảng dạy báo chí tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài hơn chục giải thưởng báo chí, anh còn được tặng Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương vì Thế  hệ  trẻ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Bằng khen của UB Nhân dân TP.HCM về Đóng góp cho 15 năm đổi mới...vv.

- Đã qua ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh” rồi, anh có ý định “bật” thêm “que diêm” nào nữa không?

- Mong muốn thì nhiều lắm nhưng không biết mình có đủ sức mà làm hay không. “Diêm” thì mình sẵn có rồi. Vấn đề là “bật” ra sao thôi (cười)

- Một lời khuyên cho các phóng viên trẻ?

- Hãy tạo cho mình một khuynh hướng, một phong cách. Báo chí hiện đại ngày càng bước vào cuộc cạnh tranh gay gắt. Muốn có lợi thế trong cạnh tranh thì phải tạo ra được sự khác biệt. Sự khác biệt chính là phong cách.


PHAN TÙNG SƠN (thực hiện)

(nguồn: Tạp chí Người Làm báo của Hội Nhà báo Việt Nam)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com