Giữa đời thường mà không tầm thường
Cái chết dẫu xót xa, bất ngờ, nhưng không phải là để nói, để nhớ. Điều đáng nói từ cái đã qua… Theo tôi, lời mở đầu trên của giáo sư Trần Tham Đạm đã gói gọn đủ ý nghĩa của việc tưởng nhớ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.
Những năm đầu 80, khi còn ở Hà Nội, thâm tâm tôi đã phần nào cảm nhận cái chất định hướng lối sống của đôi vợ chồng nghệ sĩ này, qua bài thơ Tự hát của chị mà tôi rất ưa thích:
Nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em - như anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần, anh bán nó đi ngay…
Còn đêm nay, xin cảm ơn những người bạn cùng thời với anh, đã khắc họa, nói rất thật về cuộc sống của anh. Năm 67, 68 sống ở chiến trường, luôn bị lưu ý về thuộc… thành phần tiểu tư sản, nhưng anh vẫn giữ được cá tính của mình, vẫn sáng tác được những bài thơ từ trái tim. Những năm tháng kế tiếp, trở về nhà, không việc làm, phải sống bám gia đình, hoặc lang thang vất vưởng cùng bạn bè…, nếu thiếu bản lĩnh, hẳn anh dễ rơi xuống đáy xã hội. Nhưng, như nhà thơ Hoàng Hưng nhận đinh, quãng thời gian ấy giúp anh thấm thía hết vị cay đắng của đời và anh đã biết tích lũy chúng, góp phần tạo chất thực tế sinh động, đầy tính thuyết phục cho những vở kịch về sau. Cũng chính chúng tạo trong anh những ray rứt, trăn trở tột cùng, mà những câu thơ anh làm hồi ấy đã nói rất rõ:
Những con tàu như hồn anh cuồng loạn
Chẳng bao giờ chỉ ở với bờ yêu
(Viết cho em từ cửa biển)
“Tâm hồn cuồng loạn” ấy, anh mang vào cuộc sống sáng tác. Anh đột phá vào cái màn chắn quan liêu vô hình, lẫn hữu hình, vạch ra những điều, trước giờ ít ai dám nói. Anh tạo kịch từ những điều phi lý, bất công rất đời thường mà bao ngòi viết khác đã chùn tay, né tránh…
Còn tâm hồn chị, tính cách chị, cũng là “cây thông đứng (thẳng) giữa trời mà reo”. Vào những năm 60, dù những bài thơ viết về nỗi buồn và tình yêu có khi bị coi như “phản động”, và người viết bị đánh giá về tư tưởng, lập trường…, chị vẫn tiếp tục sống thật với những rung động rất riêng, rất người:
…Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ…
(Sóng)
Tài hoa gặp tài hoa. Lòng cương trực tìm đến lòng cương trực. Để rồi cách sống trung thưc, cao đẹp được củng cố thêm, khơi rộng nguồn sáng tạo cho những tác phẩm tài hoa. Cái tài hoa ấy càng đáng được nâng niu, quý trọng hơn, khi nó được nảy sinh từ trong cảnh đời khó khăn, vất vả.
Biết bao tiếng chắc lưỡi, vừa xót xa, vừa khâm phục vang lên rõ mồn một trong hàng người nghe, khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều nói về căn phòng rộng đến những… bốn mét vuông, nơi mà anh ngồi gần như là chồm hổm để sáng tác, nói về số tiền nhuận bút của hai bài thơ của chị được phổ nhạc và được in vào tập nhạc chỉ vỏn vẹn có 3.600 đồng. Thật chua xót thay cho anh, người từng nuôi sống sân khấu Việt Nam trong thời gian gần đây (lời Thứ trưởng Bộ Văn hóa Đình Quang ở cuối đêm tưởng nhớ) lại không nuôi được cái gia đình tài hoa sống đàng hoàng hơn. Chẳng qua là tại anh - chị không biết khom lưng, không chịu “xoe xoe tay” cho Nhà đất (như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu diễn tả).
Anh - chị chấp nhận sống cảnh chật chội, tù túng mà lương tâm được thanh thản - đến cuối đời. Lời cảm thông, quý trọng vọng vang trên sân khấu. Bên dưới, từng người lặng lẽ mang tiền bỏ vào thùng quyên góp để giúp đỡ những thân còn lại của anh - chị…
Đêm dần khuya. Cơn mưa bên ngoài cũng đã dứt. Nhìn những dấu mưa còn in trên sân cỏ, nhìn những người trẻ yêu quý anh - chị đang lặng lẽ ra về, bất chợt tôi lại nhớ đến hai câu thơ ghi trên đầu một bài thơ của chị:
Mưa trên sông tóc trắng ở trên đầu
Anh sống hết hết một thời tuổi trẻ
Chị Quỳnh, anh Vũ ơi! Tháng 9 này mưa vẫn còn rơi trên sông, nhưng anh - chị đã không còn kịp sống hết một thời tuổi trẻ, đang sung sức của mình. Và tôi tin, trong sự tiếc nuối quá sâu sắc, có nhiều bạn trẻ đã lây lan cái ý nghĩ có phần “cay độc” của nhà báo Lưu Trọng Văn: “Có những người mất đi làm ta cảm thấy vắng vô cùng, như Vũ và Quỳnh. Trong khi vẫn có những người sống rất thừa, sống để cản trở cuộc sống mà sao vẫn mãi sống?!”.
Càng yêu tiếc anh - chị, chúng tôi thấy càng cần phải đòi hỏi với xã hội hôm nay: Nên khinh bỉ đúng lúc những kiếp sống thừa chứ đừng đợi đến khi nó không còn nữa, mới nhìn lại, để hạ bệ nó. Phải trân trọng, chăm lo cho những con người sống cao đẹp, khi họ đang còn tồn tại, chừng đừng đợi đến lúc “cảm thấy vắng vô cùng”, mới hết lời ngợi ca thì đã quá muộn.
L.Đ.T
(nguồn: báo Tuổi Trẻ ngày 13.9.1988)
Cùng một tác giả:
THƯ MỤC LƯU ĐÌNH TRIỀU: http://www.leminhquoc.vn/lmq/bao-chi/thu-muc-luu-dinh-trieu.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|