Một gương mặt góc cạnh, có hàm ria mép. Dấu vết thời gian đã cày những vết nhăn khắc khổ. Lại thêm một cái mũ rộng vành. Đi đứng nghênh ngang. Trông cứ như cao bồi trong phim Mỹ. Nhưng lúc cười, thì bất ngờ thay, trông gã cứ như đứa trẻ hồn nhiên, chưa vướng bận bụi đời. Gã nói: “Đôi lúc tất bật nhưng lại không biết tất bật vì lẽ gì” (!?) Nghe cứ như đùa. Mà thật vậy. Gã là người say mê với công việc. Làm đủ thứ miễn là có liên quan đến điện ảnh. Từ bộ phim Ngọc trong đá (kịch bản Nguyễn Đông Thức) đã đưa diễn viên Việt Trinh đến với công chúng, thì gã đã làm Dollar trắng (chuyển thể từ tiểu thuyết Kế hoạch J96 của Trần Tử Văn) và đang bắt tay làm Ván bài tình yêu... Còn trước đó, gã làm những chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ thì nhiều không kể xiết. Gã nói: “Sau khi học trường Kinh tế Tài chánh, tôi học trường Nghệ thuật sân khấu II, khoa đạo diễn năm 1983 - 1988. Tốt nghiệp, được đầu quân về đoàn kịch trẻ TP HCM, tôi bắt tay dựng vở Mùa tôm, sau đó là Cuộc phiêu lưu của tâm hồn”.
Đọc lại thơ của Bác Hồ, ta thấy có bài thơ “Tặng Bùi công”, tức cụ Bùi Bằng Đoàn. Mẹ của gã là con gái của cụ Bùi, thuở nhỏ đã ru gã không phải bằng ca dao mà... bằng thơ Nguyễn Bính và TT.Kh! Còn bố chỉ một công chức bình thường, thích hát ả đào. “Không rõ, bố tôi thích “hồng hồng tuyết tuyết” hay vì làn điệu mượt mà? Nhưng đó là “tài sản” lớn nhất từ bố mẹ mà tôi thừa hưởng được”.
Từ đó, gã bước vào đời với hai bàn tay trắng, nhưng niềm say mê nghệ thuật lại đầy ắp trong tâm hồn. Nuôi dưỡng niềm say mê ấy là từ những trang tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung (nhưng phải qua bản dịch của Hàn Giang Nhạn) và... truyện tình của nhà văn Đoàn Thạch Biền. Dù đọc từ những năm học lớp sáu, nhưng đến nay gã có thể kể vanh vách những độc chiêu, đấu pháp của các nhân vật giang hồ mã thượng...
“Nhìn mặt mà bắt hình dong”, có thể không đúng với gã. Một người luôn tự trào “Mỗi sáng thức dậy, tôi ngấu nghiến hết các báo rồi tính việc phải làm trong ngày. Nhưng quan trọng nhất là nghĩ đến buổi tối ngồi... nhậu với ai” (!?). Cũng nghe như đùa. Không đùa. Vì hầu hết các quán nhậu lớn, nhỏ ở thành phố này đã “nhẵn mặt” của gã. Cũng đúng thôi. Một phần do công việc, nhưng cái chính là nhằm “giết” đi sự trống rỗng sau một ngày lao động cực lực. Không cật lực thì với cương vị giám đốc của cái công ty có tên ngồ ngộ Thằng Mõ - chuyên tổ chức sự kiện, sản xuất phim ảnh, quan hệ công chúng - làm sao có thể “nuôi” nhân viên? “Theo tôi, nhân vật thằng mõ trong dân gian chính là... ông tổ của ngành truyền thông VN”. Nghe vậy, bèn cãi: “Nhưng đó là nhân vật nghèo hèn, bần cùng trong xã hội cũ. Cái nghề này trong làng không ai thèm làm chỉ dành cho dân ngụ cư”. Gã cười hề hề: “Vậy ông đọc thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tông chưa? Này nhé! Gớm thay lớn tiếng lại dài hơi/ Làng nước ưng bầu chẳng phải chơi/ Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi/ Kim thanh rền rĩ khắp đôi nơi/ Đâu đâu đấy đấy đều nghe lệnh/ Xã xã dân dân cứ phải lời...”. Hì, thằng mõ oách lắm chứ!”
Dù tất bật với công việc, nhưng gã lại sợ nhất là những ngày Tết, lễ hội, Noel... bởi phải thui thủi một mình do không có bạn bè rủ nhau bù khú bên quán nhậu (!?). Điều này có thể đúng, bởi có những người bề ngoài lúc nào cũng sôi nổi, hoạt bát nhưng ai biết bên trong của họ chất chứa bao nỗi niềm cô đơn chưa được chia sẻ... Gã là một mẫu người như thế. Do đó, có đến một khoảng thời gian dài gã “bật âm vô tín”. Ai ngờ, lúc ấy gã đóng cửa để đọc kinh Phật đặng tìm sự thanh thản của tâm hồn sau những ngày lao vào mưu sinh đời thường. Chính vì thế, gã thích trò chuyện với nhà biên kịch Ngụy Ngữ, Tiến sĩ vật lý Nguyễn Tường Bách... là những người am hiểu về đạo Phật để học hỏi thêm.
Rồi một ngày kia, có một vị cao tăng dạy: “Mê Pháp một cách chìm đắm là cũng không tốt”. Gã chợt “ngộ”. Khép lại trang sách, gã lại bước vào bụi bặm của thị trường. Cứ thế, đến nay lịch làm việc từng ngày của gã dày đặc những hợp đồng, những việc phải làm theo đúng thời hạn. “Đôi khi phải vắt chân lên cổ mà chạy. Rồi, có lúc tôi nghiệm ra rằng, khi một giám đốc ký được một hợp đồng thì họ cũng có cảm xúc như một nghệ sĩ hoàn thành một tác phẩm. Đó là sự thăng hoa”. Muốn có sự tăng hoa để yêu đời, để sống thì phải biết “Tự tạo ra áp lực cho chính mình”. Gã thành thật “bật mí” kinh nghiệm “tồn tại” của mình.
Chuyện một gã cao bồi, trông bặm trợn nhưng mê kinh Phật thì điều ấy không lạ - khi mà họ đang bước vào lứa tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Nhưng điều đáng nói, theo tôi, điều này đã giúp cho gã “giữ được mình”. Đến nay, dù nổi tiếng nhưng chưa nghe ai phàn nàn gã về chuyện scandal tình ái nhố nhăng, rẻ tiền. Được vậy đã là tốt rồi. Trước lúc chia tay nhau, bỗng gã vỗ vai bảo tôi: “Tôi và ông cùng tuổi, năm nay bước vào tuổi “đại hạn” đấy nhé! “49 chưa qua 53 đã đến. Phải cẩn trọng lời ăn tiếng nói”.
Gã là đạo diễn Trần Cảnh Đôn.
LÊ MINH QUỐC
(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|