Đây là cuộc cuộc vận động sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu Sử ca Việt Nam do Nhà văn hóa Thanh niên và Trung tâm Văn hóa TP.HCM phối hợp tổ chức, tập bài hát và bộ CD Sử ca Việt Nam đã được biên soạn và phát hành, với sự cộng tác của doanh nghiệp sách Thành Nghĩa và Hãng phim Trẻ. Sự việc này diễn ra vào tháng 8.2008. Với tư cách thành viên Ban Giám khảo (chung với các nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên, Phạm Đăng Khương, Thế Bảo...) khi tập sách được NXB Thanh Niên ấn hành, tôi đã viết Lời giới thiệu. Xin "bật mí" từ cuộc vận động này, ngay sau đó ầm ĩ vụ bản quyền "nhạc sĩ Vũ Hoàng - nhạc sĩ Lê Minh" mà báo chí đưa tin khá sôi nổi.
Lê Minh Quốc
(VII.2012)
LỜI GIỚI THIỆU
Lịch sử của một dân tộc luôn là nguồn cảm hứng mãnh liệt, là bài học thực tiễn có giá trị vô bờ bến đối với nhiều thế hệ. Từ thế hệ này đến thế hệ sau, các thế hệ nối tiếp nhau cũng đều tìm thấy ở đó những giá trị nhân văn để bồi dưỡng, hun đúc tinh thần yêu nước thương nòi trong thời đại mà họ đang sống. Trong diễn ca Lịch sử nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:
Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam
Bác của chúng ta mong muốn các thế hệ phải biết lịch sử của dân tộc để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm mà ông cha ta đã để lại bằng lý luận, bằng thực tiễn chống ngoại xâm và bằng cả nhân cách sống... Thấm nhuần lời dạy của Người, cuộc vận động sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu “Sử ca Việt Nam” đã được phát động rộng rải. Đây là một công tác chính trị rất có ý nghĩa đã diễn ra tại Thành phố Bác Hồ do Thành Đoàn, Sở Văn hóa Thông tin- Thể thao và Du lịch, Nhà văn hóa Thanh Niên, Trung tâm Văn hóa TP.HCM phối hợp thực hiện.
Lần này, Ban tổ chức đã chọn một hướng đi mới và có sức thu hút đông đảo các bạn trẻ, đó là học sử qua các ca khúc âm nhạc.
Bằng ca từ đã được chọn lọc và có sức khái quát; bằng các giai điệu khi sôi nổi, hùng tráng, lúc trầm lắng, bi thương... các nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam đã “chuyển tải” một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử vào trong các ca khúc để chuyển đến hàng triệu người yêu nhạc. Với ưu thế vốn có của một loại hình nghệ thuật, âm nhạc đã phát huy được thế mạnh trong việc giáo dục thế hệ trẻ thông qua một ca khúc cụ thể. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà chỉ trong thời gian ngắn, Ban tổ chức đã nhận được hàng trăm “Sử ca Việt Nam” do bạn đọc nhiều nơi trên các vùng miền đất nước sưu tầm, gửi đến; và các sáng tác mới của nhiều nhạc sĩ tên tuổi.
Chỉ riêng về số lượng đã thu thập được cho thấy một tín hiệu lạc quan: thế hệ trẻ ngày nay vẫn còn quan tâm đến lịch sử nước nhà, cho dù trong thời đại computer này đặt ra trước mắt họ quá nhiều chọn lựa, mà đôi lúc chúng ta “hoảng hốt” lo sợ họ sẽ quên nguồn cội, quên nét văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc. Nhưng không phải. Thực tế từ cuộc vận động này đã chứng minh ngược lại. Chính điều này càng cho thấy cuộc phát động này rất có ý nghĩa về chính trị. Thật cảm động, khi tham gia ngoài các em Khăn quàng đỏ, các Đoàn vien thanh niên, các thế hệ @ còn là các bậc cao niên “gần đất xa trời” như các cụ ông Bùi Văn Vóc 98 tuổi, Nguyễn Trọng 87 tuổi, La Nhiên 81 tuổi... hoặc các cụ bà như Lê Thị Rụ 96 tuổi v.v.... Đến với cuộc vận động sưu tầm không hẳn ai mong muốn được giải mà chính vì muốn chung tay, góp một tấm lòng với Ban tổ chức đặng thắp sáng lên ngọn lửa truyền thống hào hùng trong thế hệ trẻ.
Trong tập sách này, chúng ta sẽ được sống lại với các giai điệu đã từng đóng góp to lớn trong việc giáo dục tinh thần yêu nước qua các cuộc kháng chiến như Bạch Đằng Giang, Hội nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước), Hòn vọng phu (Lê Thong), Bóng cờ lau, Trên sông Bạch Đằng (Hoàng Quý) Thăng Long hành khúc (Văn Cao), Nam Quan hận khúc (Văn Giảng), Trên sóng Bạch Đằng (Anh Việt) v.v... đã đi sâu vào trí nhớ của nhiều thế hệ. Nếu lịch sử là một dòng chảy không ngừng, thì trong sáng tác cũng là sự tiếp nối không đứt đoạn, ngoài lớp nhạc sĩ tiên phong nêu trên còn là sáng tác của các nhạc sĩ trưởng thành sau 1975. Chắc chắn công chúng sẽ đón nhận những ca khúc cùng chủ đề về lịch sử nước nhà như Về đất Lam Sơn, Trần Quốc Toản ra quân (Vũ Hoàng), Chàng trai Gióng tuyệt vời (Thế Bảo), Anh hùng cờ lau (Trương Quang Lục), Phất cờ nương tử (Phạm Đăng Khương) v.v...
Sự góp mặt của nhiều thế hệ nhạc sĩ đã làm cho tập sách thêm nhiều hương sắc, phong phú về ca từ, đa dạng về giai điệu nhằm phục vụ tốt nhất cho phong trào ca hát hiện nay.
Tuy nhiên, do khuôn khổ và thời gian của một cuộc vận động nên tiêu chí để tuyển chọn trong tập sách này chỉ mới là những ca khúc viết về từ thời Hùng Vương dựng nước đến năm 1930. Các giai đoạn sau, từ năm 1930 đến nay vẫn đang tiếp tục diễn ra và mong được sự góp sức của đông đảo bạn đọc xa gần. Nhân đây, cùng lúc phát hành tập sách này thì Ban tổ chức cũng tuyển chọn 30 ca khúc hay nhất, phổ biến nhất để thực hiện một dĩa VCD.
Chúng tôi trân trọng giới thiệu tập ca khúc “Sử ca Việt Nam” cùng bạn đọc. Không ai khác, chính chúng ta phải giữ gìn ngọn lửa ấm trên hành trình tìm về côi nguồn dận tộc, qua âm nhạc.
Ban tổ chức
(nguồn: Sử ca Việt Nam (100 ca khúc) - NXB Thanh Niên)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|