21.9.2011-20:35
Nhà văn Trần Nhã Thụy
NVTPHCM - Giữa đám đông ồn ào, náo nhiệt của những cơn say tưởng chừng như bất tận, Trần Nhã Thụy vẫn lặng lẽ và kiệm lời. Những lúc ấy, anh thường ngước mắt nhìn về một cõi xa xăm nào đó. Anh đang ngồi với mọi người, nhưng dường như cái linh hồn đa cảm, nhạy cảm kia đã bay mất hút đâu rồi.
Có thể giữa niềm vui tầm thường, giữa những ham hố trần tục này, anh đang lặng lẽ để mơ về một cõi nào đó của riêng mình. Hình ảnh của nhà văn Trần Nhã Thụy đã đến với bạn đọc giữa thành phố công nghiệp ồn ào cứ như gã nhà quê lơ mơ, nhưng lại gợi mở nhiều hấp dẫn…
Ký ức thiên nhiên: Nguồn năng lượng vô tận
* Trong nhịp sống ồn ào hiện nay, anh nghĩ thế nào khi anh tự nhận mình là người “Gối đầu trên mây”? Có phải anh yếm thế, muốn xa rời cuộc sống xô bồ?
- Gối đầu trên mây là tạp bút được tôi viết khi vừa có đứa con đầu lòng. Khi đó hai vợ chồng loay hoay mua sắm, tìm mua gối cho con. Tôi thấy sao bây giờ người ta toàn dùng gối công nghiệp, lại nghĩ về cái gối bông gòn ở quê mình vẫn gối đầu lên. Bông gòn, chắc chắn là sạch sẽ, êm ái và thơm tho hơn những chất liệu khác. Từ những ý nghĩ và hiện thực đó, tôi viết Gối đầu trên mây, những đám mây bông gòn của tuổi thơ tôi. Ở một khía cạnh khác, tôi cũng là người không chịu đựng nổi cuộc sống xô bồ. Nhưng tôi không phải là người yếm thế hay viễn mơ. Trái lại, tôi có vẻ thực dụng và thực tế, ít nhất là trong việc chống trả lại những nhiễm độc (là hệ quả của xã hội công nghiệp) vào đời sống sinh hoạt hằng ngày, đời sống tinh thần của mình. Và điều này trở thành nhất quán xuyên suốt trong đời sống, cũng như trong tác phẩm của tôi.
* Bàng bạc trong từng trang tạp bút của anh là nỗi lòng của một gã nhà quê không đập được nhịp của nhịp điệu phố thị. Nó đập lạc nhịp, bởi, ai đời đang đi giữa Sài Gòn bụi bặm, nắng như tạt lửa xuống đầu mà vẫn “thỉnh thoảng nghe được tiếng rao của một người hàng rong, đồng hương Quảng Ngãi. Tiếng rao đó nghe lạc lõng giữa bao âm thanh….” (Về quê); hoặc lan man lại nhớ lúc “Mỗi khi bị cảm nắng, mệt mỏi, chỉ cần một nắm củ nén nấu cháo ăn cho toát mồ hôi là khỏi liền” (Củ nén quê nhà); hoặc giữa hẻm chợ tẹp nhẹp lại gìn giữ cho riêng mình cái nhìn “Tôi nhìn cá và hoa. Tôi mơ giấc mơ của cá quẫy và hoa nở. Bơi đi và vươn lên” (Hẻm chợ, cá và hoa)… Nhiều người ngạc nhiên khi thấy hình ảnh “nhà quê” đã trở lại trong nhiều tạp bút của anh. Phải chăng ký ức nông thôn là nguồn năng lượng cảm hứng của anh?
- Nói đúng hơn là hình ảnh tuổi thơ ở nông thôn cứ hiện lên trong tôi. Tôi đã từng nói, trẻ thơ nông thôn có thể thiệt thòi nhiều thứ, nhưng lại được bù đắp bằng một quà tặng vô giá đó là thiên nhiên. Trẻ con ở nông thôn thường nhút nhát, ít nói, nhưng dường như “những cuộc trò chuyện thầm” với thiên nhiên không bao giờ là nhàm chán. Tôi cũng từng đưa ra nhận xét: đôi mắt trẻ thơ ở nông thôn có một vẻ trong veo rất đẹp (khác với đôi mắt trẻ con thành thị). Và tôi nghĩ đôi mắt trẻ thơ ấy chính là đôi mắt của thiên nhiên. Như vậy, nói cho đúng thì ký ức thiên nhiên là nguồn năng lượng vô tận cho tôi.
* Vì sao anh lại giữ được cảm xúc đó, trong khi anh sống tại TP.HCM đã khá lâu?
- Đầu tiên là hoài niệm về quê nhà, nhưng dần dà tôi cũng hình thành cho mình một “triết lý sống”. Là người ưa lang thang và thích quan sát đời sống, từ lâu tôi nhận thấy thành phố, bên cạnh những ưu việt của nó lại có những “điểm đen” rất nguy hiểm. Ví dụ: đã nhiều năm qua, tôi thấy các hàng trái cây cứ bày bán ngoài đường giữa trời mưa, gió bụi, nhưng trái cây thì vẫn tươi nguyên, không hề hấn gì. Mặc dù không tìm hiểu đến nơi đến chốn, nhưng tôi đoán rằng có sự can thiệp của hóa chất. Từ đó tôi “né” các hàng trái cây này. Đấy chỉ là một ví dụ. Còn trong đời sống hằng ngày, tôi vẫn ăn nước mắm má tôi làm ở quê gửi vào, cùng với bánh tráng, nghệ, tỏi, dầu phộng… Bằng mọi cách có thể, tôi “tiếp cận” những thực phẩm nguyên chất nhất. Và, đấy không chỉ là chuyện ăn uống, mà cả những câu chuyện quê nhà dằng dặc với bao xúc cảm mênh mang. Như vậy, mặc dù tôi sống ở TP.HCM đã 20 năm, nhưng vẫn giữ được cảm xúc nhà quê là phải thôi.
* Điều gì khiến anh nản lòng nhất cũng như hứng thú nhất trong công việc viết văn?
- Nản lòng nhất là khi dù cố gắng hết sức, tôi vẫn không thể sống (theo nghĩa đen) bằng nghề văn. Với tôi, công việc viết văn không phải “hứng thú” mà “chìm đắm”.
* “...Văn xuôi của Trần Nhã Thụy có thể không có cái dữ dội như trong tác phẩm của một số nhà văn khác, nhưng lại có một sức bền mà ngòi bút của anh muốn nuôi dưỡng để truyền trao đến người đọc, những người cũng mang những vết xước khác nhau và muốn được thuốc thang, chạy chữa kịp thời, không phải bằng những viên kháng sinh liều cao mà bằng những nắm lá thuốc Nam hái trên đồng cỏ hay trong rừng vắng. Và đến một lúc nào đó, người ta có thể miễn nhiễm với những vết xước cũng như có đủ nội lực để đương đầu với những trớ trêu của cuộc đời”. Anh cảm nhận thế nào về nhận xét này của nhà phê bình Huỳnh Như Phương?
- Tôi cảm ơn nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương đã viết những dòng rất “trúng” về tôi. Về văn chương, tôi không chủ trương giật gân, gây sốc. Và tôi nghĩ, văn chương dù ở trường phái nào, cuối cùng cũng là để chia sẻ, xoa dịu con người. Văn chương không phải để ban phát hay dạy khôn cho ai cả.
* Sau khi viết xong một tác phẩm, điều gì khiến anh hài lòng nhất? Được in? Được trút hết nỗi niềm của mình qua trang viết? Hay gì khác?
- Khi viết xong một tác phẩm, điều khiến tôi vui sướng nhất là mình đã có thể hoàn thành được nó, được “giải thoát”. Nhưng sẽ là niềm vui không trọn vẹn nếu tác phẩm không được in, không được đến tay bạn đọc. Tôi có cảm giác thật hân hoan khi đi nhà sách thấy sách của mình được bạn đọc “ngắm nghía” rồi “ẵm” về. Với tôi như vậy là vừa đủ. Tôi rất ngại xuất hiện giao lưu, nói “láp giáp” gì đó về tác phẩm của mình. Những gì muốn nói, có lẽ đã “trút” hết trong tác phẩm rồi.
Gia đình nhà văn Trần Nhã Thuỵ - Ảnh: Ngọc Châu
Sự khích lệ lớn nhất: Bạn đọc
* Anh nghĩ gì về hiện tượng phê bình văn học hiện nay, khi mà người ta thường có khuynh hướng hoặc chê hết lời hoặc đưa lên tận trời xanh? Anh có can đảm để nhận những lời phê bình như thế?
- Với một số người đang hành nghề phê bình văn học mà tôi được biết, phần lớn họ chỉ đọc những tác phẩm được “kính tặng”, hoặc đọc những tác phẩm để có thể “tạo tác công trình”. Có rất ít những nhà phê bình đọc sách như một bạn đọc. Và, thực tế cũng có chuyện nhà phê bình khen hay chê mà hoàn toàn không đọc tác phẩm đó. Cũng có chuyện tác phẩm được lăng-xê vì tác giả “biết điều”, và tác phẩm bị vùi dập vì tác giả “khó ưa”. Lại có chuyện các nhà phê bình chủ yếu là choảng nhau, khiến cho nhà văn “lãnh đạn”. Nói vậy không có nghĩa là không có những nhà phê bình tử tế, dẫu ít, nhưng vẫn có. Với tôi, tôi nghĩ cứ đọc đi, đọc thật sự như một người đọc, rồi khen chê thế nào thì tôi cũng xin nhận hết.
* Một điều không thể phủ nhận là hiện nay có không ít nhà văn trẻ (rất trẻ) đã khai thác khá đậm nét yếu tố tình dục để tạo sự chú ý cho bạn đọc. Thậm chí, có người lại nói ngược lại những giá trị truyền thống (cũng là một cách “chơi nổi” tạo sự ồn ào). Anh nghĩ gì về điều này?
- Một tác phẩm dù nhỏ, vẫn là sự kết tinh của tư tưởng, nghệ thuật viết (bao gồm cách dẫn chuyện, cách dùng từ, cách chấm/ngắt câu) và quan trọng hơn đó là trạng thái tinh thần của người viết truyền qua câu chữ. Tất cả tạo nên một văn bản tưởng chừng đơn giản nhưng không ai bắt chước được. Khoan nói đến nội dung tư tưởng gì cao siêu, một nhà văn trước hết phải tạo được một giọng văn.
Tôi nghĩ, những tác giả không đủ tư chất, không thể viết như một nhà văn thực sự nên họ phải lấy cái khác để lấp vào, mà đưa yếu tố tình dục dung tục vào là một ví dụ. Còn tôi? Tôi thấy mình ít tài, nên chỉ tập trung cắm cúi vào trang viết mà thôi, tôi có muốn tạo scandal cũng chưa chắc được (cười). Gần đây, tôi thấy chỉ riêng chuyện đi dự đại hội nhà văn trẻ mà ồn ào, náo động quá. Nguyễn Công Trứ viết: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông” khiến nhiều người ngộ nhận về cái danh quá. Danh ở đây là có công sẽ có danh, có tài ắt thành danh chứ nào phải lăng xăng kiếm “tấm vé” đi đại hội là thành danh, là oai phong lẫm liệt. Nhà văn chỉ nghĩ cách để “giải quyết khâu oai” như thế thì buồn và buồn cười quá!
* Hiện nay, Hội nghị lần VIII Nhà Văn trẻ đang là sự kiện “hot” của giới sáng tác trẻ. Anh có quan tâm nhiều lắm không?
- Do công việc làm báo nên tôi cũng có quan tâm, thậm chí còn biết một số chuyện hậu trường (mà đáng lẽ không nên biết thì hạnh phúc hơn). Tôi thấy có hiện tượng là những nhà văn có tên tuổi, tư cách thì tìm cách rút khỏi các giải thưởng; những nhà văn trẻ viết tốt cũng tìm cách rút khỏi những hội hè. Tất nhiên, việc này có khi vì những lý do cá nhân khác nhau. Nhưng theo tôi, đó cũng là một tín hiệu đáng mừng. Điều này cũng hợp với tự nhiên thôi, như giáo sư Hán học người Đức Wolfgang Kubin có lần đã nói đại ý rằng: “Ngay cả giải Nobel văn chương cũng là thứ yếu thôi, ai viết không hay thì mới mong nhận giải, nếu viết hay thì chẳng cần giải gì”. Tôi nghĩ khác hơn một chút, được giải cũng tốt, vì được có tiền, mà tiền thì rất quan trọng(cười). Nhưng có lẽ nhà văn trước hết là người ung dung tự tại, chứ vì một suất hội nghị mà “ném đá” vào nhau thì buồn quá. Vài ngày hội nghị vèo qua, cái được cũng chả là bao, mà cái tổn thương lại lớn, thì không nên chút nào.
* Một trong những tiêu chí để được dự hội nghị phải là dưới 35 tuổi. Anh thấy thế nào? Có phải nhà văn được gọi là trẻ đang bị… già đi?
- Tôi thì nghĩ 35 tuổi cũng chưa gọi là già (có thể gọi là sồn sồn chăng?). Danh sách đại biểu cũng cho thấy nhiều người trẻ lắm chứ. Nhưng có lẽ phải nghĩ lại cách mời đại biểu theo kiểu “mặt trận” và kiểu “băng nhóm”. Và, thực tế từ hội nghị cho thấy, bên cạnh 114 đại biểu nhà văn trẻ, có đến gần 100 nhà văn sồn sồn và nhà văn già, là một điều đáng suy nghĩ. Theo tôi, số nhà văn khách mời này nên bớt lại, tăng cường thêm nhà văn trẻ, chứ nhìn vào tương quan số lượng này thì phải gọi là: Hội nghị những người viết văn trẻ và những nhà văn già.(*)
* Nhìn qua danh sách các nhà văn trẻ dự hội nghị lần này, anh kỳ vọng vào những ai nhất?
- Tôi có thích, yêu quý vài nhà văn trẻ, nhưng kỳ vọng thì không, tôi nghĩ cũng không nên kỳ vọng, vì nghề văn không biết được thế nào. Có người hôm nay viết dở, ngày mai viết hay và ngược lại. Có người viết cả đời vẫn không có tác phẩm hay, có người viết một truyện ngắn đã có thể gọi là nhà văn.
* Giữa lúc thiên hạ nhốn nháo tranh nhau vào Hội Nhà văn VN thì anh vẫn không mấy hào hứng viết “đơn xin gia nhập”? Có phải anh nghĩ tác phẩm sẽ là chứng minh sự tồn tại của mình hay vì lý do gì khác?
- Trở thành một nhà văn thực sự, một nhà văn thứ thiệt, đó là cái đích mà tôi luôn cố gắng hướng tới. Tôi nghĩ, nhà văn thì chỉ nên lo viết thôi, không nên chạy theo hư danh. Còn chuyện vào hội hay không, tôi nghĩ không phải là vấn đề lớn lắm, cũng là chuyện vui thôi, không nên nghiêm trọng hóa. Khi nhắc tới một tác giả, người ta thường nhắc anh ta viết được cái gì, chứ chẳng ai quan tâm anh có thẻ hội viên hay chưa đâu!
* Vậy đâu là sự khích lệ của anh trong nghề viết?
- Xin trả lời ngay: đó là bạn đọc.
Viết kịch bản phim: Kiếm tiền lương thiện
* Thời gian gần đây anh có khá nhiều kịch bản được dựng thành phim, xin hỏi thật, anh có xem lại không? Lúc ấy cảm giác của anh như thế nào? Hào hứng hay ngao ngán?
- Kịch bản phim đầu tiên của tôi là Những tay chơi ngoại hạng (chuyển thể từ truyện ngắn Chim và tranh của Nguyễn Trọng Nghĩa, đạo diễn Lê Anh Cường) được viết và dựng khoảng năm 2004. Lúc ấy, thú thực tôi chưa biết gì về kịch bản phim truyền hình cả, nghĩ sao viết vậy thôi. Sau này tôi theo đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn học một khóa biên kịch ngắn hạn, rồi tự đọc tài liệu, học trực tiếp từ các biên kịch, “mổ xẻ” các kịch bản; đặc biệt là học các ngón nghề biên kịch trong khi xem phim Hàn Quốc. Tôi thường viết chung với nhà văn Tiến Đạt, cứ mỗi lần viết, mỗi lần hợp tác với nhà sản xuất lại “vỡ” ra được điều quý giá về nghề. Chẳng hạn, kịch bản về đề tài ô nhiễm môi trường (phim Ám ảnh, đạo diễn Phạm Ngọc Châu) đã quay xong, sắp chiếu. Hiện tôi đang viết một phim đề tài dã sử (phỏng theo tiểu thuyết Đàn đáy của nhà văn Trần Thu Hằng) theo đơn đặt hàng của TFS. Với những phim chúng tôi viết kịch bản, đương nhiên là tôi có xem, dù không trọn vẹn. Cảm giác khi xem phim nói chung… rất khó tả (cười).
* Nhiều cơ quan truyền thông cảnh báo về “thảm họa” phim Việt. Trong khi nhiều nhà văn có nghề không mặn mà tham gia viết kịch bản, anh thì ngược lại, có phải anh muốn thử sức ở lĩnh vực mới hay viết vì tiền?
- Không phải nhà văn nào cũng viết được kịch bản, ở đây khoan nói đến tài năng, mà khả năng “cày ải”. Viết kịch bản truyền hình là công việc rất vất vả, mà danh tánh biên kịch cũng chẳng “sang trọng” gì. Nói thật, tôi viết kịch bản phim là do có chỗ đặt hàng, có thể do họ thương mình mà tìm đến mình, trân trọng mình. Tất nhiên là có trao đổi, bàn bạc để cuối cùng biên kịch được viết cái mà cảm thấy am tường nhất, khả thi nhất, nhưng cũng phải hấp dẫn người xem. Tôi là người chịu thương chịu khó, việc gì kiếm tiền lương thiện thì làm, không phân biệt sang hèn. Còn cái gọi là thảm họa phim Việt là có thật, tôi cũng đã thấy và cố gắng tránh, bắt đầu từ khâu kịch bản. Còn lại thì… tôi vô can (cười).
* Có lần anh tâm sự với bạn văn: “Tôi thật lòng muốn tìm một công việc khác, trong một môi trường khác, chấp nhận đương đầu để có cơ hội đột phá. Tôi cũng rất mong… trúng số độc đắc để có thể “mất tích” một thời gian, có điều kiện học, đọc đàng hoàng. Nhưng rồi, tôi vẫn phải quay lại công việc cũ. Mọi cái, có lẽ… sẽ là… Biết làm sao được”. Điều này có làm anh thất vọng với chính mình?
- Năm 2006, khi viết xong cuốn tiểu thuyết Sự trở lại của vết xước, thú thật là tôi đã toan tính một cuộc trốn chạy hoặc mất tích. Vì sao? Vì sau bao nhiêu năm học tập, kiếm sống, nhiều bầm dập, nhiều mỏi mòn, thậm chí có cảm giác như sa lầy… nói chung là nhiều tổn thương, tôi nghĩ mình cần có thời gian để “dưỡng thương”. Ở một khía cạnh khác, tôi cũng nhận ra những kiến thức mà mình thu nạp được rất chắp vá, nhiều khi được chăng hay chớ, tôi ao ước được có thời gian, điều kiện để đọc, để học. Lúc đó vợ chồng tôi chỉ mới có một đứa con. Nhưng sau cuốn tiểu thuyết thì vợ tôi thông báo là: “Em có bầu!”. Thế là tôi đành gác “giấc mơ con” của mình lại để tiếp tục cày bừa. Cũng xin nói thật, từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ có một khoảng thời gian nào để toàn tâm toàn ý cho việc đọc/học hay sáng tác. Tôi là người tự trọng, không muốn ăn cắp thời giờ của cơ quan nên phải thức đêm thức hôm. Nói thật là, chỉ trong vòng ba năm nay, sức khỏe tôi giảm sút khá nhiều, mà gánh mưu sinh vẫn cứ đè nặng trên vai, vẫn phải căng mình ra để viết lách kiếm tiền. Tôi viết kịch bản phim cũng là để kiếm tiền nuôi con thôi. Nếu hỏi tôi có thất vọng về mình không, thì thú thật là có, thất vọng… tràn trề ấy chứ. Nhưng biết làm sao được, sức người có hạn, tài năng mình chỉ đến thế, nên tôi cũng gắng chắt chiu mà sống, viết được cái gì thì viết. Đời sống nghĩ cho cùng cũng là phù vân thôi, nhưng vẫn phải sống cho tử tế, sống cho có nghĩa có tình.
* Nhiều nhà văn (già lẫn trẻ) tự cho mình là nghệ sĩ nên có quyền sống bê tha, bồ bịch linh tinh, rượu chè đàn đúm, còn anh lại sống mẫu mực, có phải do vợ “rèn” quá kỹ?
- Sau khi đã cưới vợ, tôi vẫn được giữ lại thói quen thích nhất là ngồi cà phê mỗi sáng ngắm phố, rồi mê đi lang thang, khoái uống bia với bạn bè, và nhiều khi cũng “vô tích sự” với vợ con lắm chứ không phải mẫu mực gì đâu. Vợ tôi là người miền Trung, bản tính trung thực, thẳng thắn, nhưng cũng có chất thoải mái của người miền Nam. Còn việc tôi không “nghệ sĩ bê tha”, trước hết có lẽ do tôi không có “nghệ sĩ tính”, thứ nữa (như nhiều người nói) chắc do tôi sinh ra ở Mộ Đức nên cái gì cũng chỉ có… mức độ (cười).
* Cám ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này.
LÊ VĂN NGHỆ
(Nguồn: Theo Phụ Nữ Chủ Nhật
http://www.nhavantphcm.com.vn/chan-dung-phong-van/tran-nha-thuy-tro-chuyen-voi-thien-nhien.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|