BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết HUYỀN SƯƠNG: Đọc sách cùng con - Trở về tuổi thơ

HUYỀN SƯƠNG: Đọc sách cùng con - Trở về tuổi thơ

Mục lục
HUYỀN SƯƠNG: Đọc sách cùng con
Chuyện 'nhỏ' mà không nhỏ
Gieo mầm khoa học
Tháo vát, khéo tay
'Cai' trò chơi điện tử
Tiết kiệm dễ ợt
'Thay lời muốn nói' về mẹ
Dạy con lịch sự với… sách
Khéo tay nặn đất sét
Học với sắc màu
Mẹ có quen với người nổi tiếng không?
Nói với con về tình thầy trò
Du lịch trên sách
Kể cho con chuyện lịch sử
Làm thế nào để con thông minh?
Nói với con chuyện “nhạy cảm”
Món quà độc đáo
Giúp trẻ hiểu về giá trị sống
Dẫn con đi ăn tiệc
Đố mẹ, đố con...
Vui với đồ chơi tự tạo
Mẹ ơi, thế giới có gì lạ không?
Trở về tuổi thơ
Cùng con giữ gìn sức khỏe
Học chữ qua tranh
Tất cả các trang

Trở về tuổi thơ

 

PN - Hễ đi học thì thôi, lúc về đến nhà, trăm lần như một cô cậu nhóc lại cắm cúi với máy tính bảng, điện thoại di động. Lúc mở vi tính, thay vì tra cứu các tài liệu học tập thì chúng lại “thả hồn” theo các trò chơi trực tuyến. Chị bạn của tôi vò đầu bứt tai bởi không làm sao kéo được con mình thoát khỏi thế giới ảo. Các bậc phụ huynh nào cũng thừa biết rằng, ngoài thời gian học tập, trẻ cần phải vận động thân thể qua các trò chơi vui nhộn, phù hợp lứa tuổi. “Thế mẹ chơi với con đi mẹ”, trước đòi hỏi chính đáng ấy, nhiều người chợt tần ngần: “Bày cho con trò chơi gì?”. Câu hỏi “nghiêm trọng” ấy có thể tìm được câu trả lời qua tập sách 100 trò chơi dân gian cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng).

 

7-doc-sach-cung-con-6-TRO-CHOI-DAN-GIAN.RRjpg

 

Hầu như các gia đình ở thành phố đều cảm thấy khó khăn lúc tạo sân chơi cho trẻ. Căn nhà bé tẹo như hộp diêm, làm sao có một không gian rộng như ý muốn? Chẳng sao cả, vẫn có những trò chơi phù hợp dù ở trong nhà. Chẳng hạn, “Oẳn tù tì/ Ra cái gì?/ Ra cái này” cũng tạo nên tiếng cười vui nhộn; chơi búng dây thun, ai búng được nhiều hơn là thắng; chơi kéo xèng tạo ra sự nhanh nhẹn, khéo léo cho đứa trẻ… Những trò chơi đơn giản này tạo cho trẻ cách thao tác linh hoạt mà không kém phần hứng thú.

Nếu các trò chơi điện tử đầy rẫy các âm thanh “đùng đùng, pằng, chéo” ầm ĩ, đứa trẻ nhận một cách thụ động thì các trò chơi dân gian lại khác. Chị bạn tôi vui mừng cho biết, từ khi chơi với con, mẹ con chị đã… thuộc khá nhiều bài đồng dao ngộ nghĩnh. Cùng con chơi trò chi chi chành chành, chị mở lòng bàn tay ra, con gái chị đặt ngón tay trỏ vào đó rồi cả hai mẹ con cùng đọc nhịp nhàng: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa dứt cương/ Ba vương ngũ đế/ Chấp chế đi tìm/ Ù à ù… ập”. Mỗi lần đến tiếng “ập” là chị nhanh chóng khép bàn tay lại, có lúc nắm được ngón tay con đang vội rút ra, có lúc không, vui đáo để.

Nhiều lúc cha mẹ bận việc, không thể chơi chung với con, có những trò chơi dành cho anh em bọn trẻ. Trò kéo cưa lừa xẻ, cả hai cùng ngồi, hai bàn chân chạm vào nhau làm điểm tựa, còn hai bàn tay nắm vào nhau lúc kéo về bên này, lúc đẩy về phía kia nhịp nhàng như đang tập thể dục. Dù đang làm bếp nhưng các bậc phụ huynh cũng có thể tham gia bằng cách hòa nhịp hát đồng dao với con: “Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Ông nào kéo thua/ Về bú tí mẹ…”.

Theo TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Trẻ em ở một xã hội công nghiệp chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi cũng là một thiệt thòi… Vì thế, giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn trò chơi dân gian là một việc cần thiết”. Thật vậy, tùy theo không gian của mỗi nhà, tập sách 100 trò chơi dân gian cho thiếu nhi có thể đáp ứng được nhu cầu trên. Mà chơi với con không chỉ là đơn thuần là chơi mà lúc ấy, mẹ cùng con có thể tâm sự, sẻ chia nhiều chuyện khác nữa. Nhờ vậy, sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau có dịp hình thành mỗi ngày như chất gắn kết các thành viên trong gia đình.

HUYỀN SƯƠNG

http://m.phunuonline.com.vn/hon-nhan-gia-dinh/loi-yeu-thuong/tro-ve-tuoi-tho/a129639.html



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com