BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Áo dài lan tỏa nhờ sức sống văn hóa

Áo dài lan tỏa nhờ sức sống văn hóa

PN - “Lan tỏa áo dài” là một vấn đề đang ngày càng được cộng đồng quan tâm, bởi trang phục áo đã là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt. Ba nhà thiết kế (NTK) thời trang: Lê Phương Thảo - Giám đốc điều hành Công ty quảng cáo thiết kế I.M, Fashion Designer Ordinary label; Chương Đặng - chủ thương hiệu áo dài Kujean và Nga Cocoon - chủ thương hiệu thời trang cùng tên đã trao đổi thêm về vấn đề này.

8-Le-Phuong-ThaoRR

 

GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT

8-chuongRR

Chương Đặng

* Theo bạn, biểu hiện văn hóa Việt Nam qua áo dài là gì?

- NTK Chương Đặng: Biểu hiện rõ nhất của văn hóa Việt Nam qua chiếc áo dài là tính kế thừa. Nhìn chiếc áo dài hiện đại, ta có thể hình dung ra hình ảnh các mẹ, các chị từ thế kỷ trước từng mặc áo dài mớ bảy mớ ba cực kỳ nền nã. Tính kế thừa ấy vẫn được lưu giữ đến ngày nay.

Xin kể câu chuyện nhỏ: Tết vừa rồi, tôi có chị khách hàng là Việt kiều, trông rất hấp dẫn và sành điệu với váy. Khi chị ấy mặc thử chiếc áo dài ở cửa hàng của tôi thì tôi thấy chị trầm ngâm soi gương, và trên gương mặt chợt lấp lánh niềm vui, niềm tự hào. Ngạc nhiên nhất là cô con gái của chị, bé khoảng ba tuổi còn chưa nói rành, nhưng khi cô bé mặc chiếc áo dài, bắt chước mẹ đứng soi gương, cô vuốt tóc và nghiêng người thì tôi không còn gì để nghi ngờ nữa. Sự duyên dáng, gu thẩm mỹ, và cả sự hiểu biết đã được thế hệ nối tiếp kế thừa không cần diễn giải.

- NTK Lê Phương Thảo: Bất cứ thời đại nào, ở quốc gia nào, để tìm hiểu về văn hóa ở một thời điểm nào đấy, người ta thường nghiên cứu về trang phục. Áo dài cũng thế, sự thay đổi về chi tiết và kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trên áo, cách mặc với loại quần nào, mặc với áo đơn áo kép ra sao, may trên loại vải vóc gì, đi với loại giày dép thế nào, với trang sức phụ kiện ra sao, mặc trong những trường hợp nào đều sẽ thể hiện rất rõ văn hóa và phong tục Việt Nam theo từng vùng miền. Thế nên rõ ràng áo dài là một trong những biểu tượng văn hóa của người Việt.

Sống ở nước ngoài, có thể nhiều người nghĩ cơ hội nhìn thấy chiếc áo dài hiếm hoi. Nhưng không phải thế, tất cả những dịp lễ lạt, cưới hỏi, tết nhất, phụ nữ vẫn thường mặc áo dài. Vì không chỉ là hình ảnh thời trang, áo dài xuất hiện ở nước ngoài còn là một sự nhắc nhở người Việt xa xứ gần gũi với quê hương của mình. Và nghiễm nhiên tự bản thân chiếc áo dài đã trở thành một giá trị văn hóa - nhất là với người Việt xa xứ và cả những người am hiểu văn hóa Việt.

Cũng vì thế, những mẫu áo dài của tôi được chọn trưng bày trong viện bảo tàng tại Hoa Kỳ vì họ đánh giá rằng chiếc áo dài của tôi thiết kế đã gợi được hoài niệm khi đưa những chi tiết hoa văn, màu sắc liên quan đến lịch sử Việt Nam; đồng thời làm mới chiếc áo dài với kiểu dáng dễ chịu, không gò bó.

 

8-Le-Phuong-ThaoRR

Lê Phương Thảo

- NTK Nga Cocoon: Áo dài đã được nhắc đến và giữ đúng phiên âm trong từ điển quốc tế cũng đủ hiểu và minh chứng cho điều đó. Từng sống và học tập một thời gian ở nước ngoài, gia đình cũng có người từng làm việc trong cơ quan ngoại giao tại nước ngoài nên tôi biết ý thức tôn vinh áo dài trong khía cạnh văn hóa ngoại giao rất quan trọng.

* Áo dài có làm tăng sức hấp dẫn nữ tính ở người phụ nữ?

- NTK Chương Đặng: Tất nhiên là có. Ở bất kỳ tư thế nào dù đứng, nằm, ngồi, đi thẳng hay ngả nghiêng thì tà áo dài vẫn vừa vặn, lả lướt, và bảo vệ cơ thể người nữ một cách nghiêm cẩn. Trong khi mặc Âu phục, có người thỉnh thoảng cố tình trễ nải cổ áo hở ngực, hay khéo vén gấu váy để thêm sức quyến rũ thì ngược lại, khi mặc áo dài: phụ nữ chỉ cần ngồi thẳng lưng, chỉnh đốn trang phục, vén tà sau phủ lên thêm tà trước là đã khiến đàn ông say ngất!

- NTK Lê Phương Thảo: Khi mặc áo dài, phụ nữ tự nhiên sẽ chầm chậm lại, sẽ “đi nhẹ, nói khẽ”, vì kết cấu của áo dài không cho phép người mặc có những cử chỉ mạnh mẽ hay thái quá. Cứ có một chút gì quá đà, nút có thể bị bật ra, tà áo có thể bị vặn xéo; nếu ngồi không thẳng lưng, phần ôm sát ở bụng sẽ gập đầy những nếp nhăn, nếu ngồi không tréo chân, phần tà trước sẽ rớt hẳn vào khe hở giữa hai chân, nếu không kéo tà áo sau che phần trước, sẽ hở hang ra cả một góc lưng sau và bụng trước ở giữa eo.

 

THIẾT KẾ THỂ HIỆN CÁ TÍNH

* Tuy nhiên vẫn có bạn gái trẻ “dị ứng” vì cho rằng ăn mặc thế sẽ vướng víu, gò bó trong nhịp sống hiện đại vội vã. Như vậy, có gì tốt hơn để tập cho phụ nữ phát huy nữ tính của mình bằng cách thường xuyên mặc áo dài?

- NTK Chương Đặng: Cần cảm thông cho họ. Tôi từng nhìn thấy những nữ nhân viên mệt mỏi và cau có nơi công sở với những bộ áo dài bó sát, cổ cao ép cồn, và chất liệu không thân thiện. Tôi nghĩ, sẽ có nhiều bạn trẻ thích mặc áo dài hơn nếu họ tìm thấy những thiết kế phù hợp với sự vận động và vóc dáng của mình. Nghĩa là, sự thiết kế ấy phải thể hiện cá tính ra ngoài xã hội, thậm chí cùng đồng hành với họ ra khỏi cộng đồng Việt Nam mà vẫn chu toàn sứ mệnh thời trang đương đại.

- NTK Lê Phương Thảo: Thật ra, phụ nữ khi chọn trang phục thường thiên về xu hướng thời trang hơn là sự tiện dụng. Ví dụ như khí hậu Sài Gòn không có mùa đông, nhưng họ vẫn điệu đà khoác thêm chiếc khăn quàng cổ và mang giày cao cổ như một phụ kiện trang điểm. Buổi chiều hết nắng, họ vẫn đội chiếc nón thời trang trên đầu. Đường phố vỉa hè khập khiễng cao thấp họ vẫn mang những đôi giầy gót nhọn để có dáng đi uyển chuyển. Áo dài cũng thế. Có những ý kiến cho rằng với cuộc sống năng động và nhanh vun vút thời nay, mặc áo dài thật vướng víu khó khăn. Nhưng, nếu chúng ta biến tấu, cách điệu và xem áo dài là một trang phục thời trang thì nữ giới sẽ chẳng ngần ngại khoác áo dài mọi lúc mọi nơi.

 

8-Nga-CocoonRR

NTK Nga Cocoon

- NTK Nga Cocoon: Sự cách điệu ấy, theo tôi là rất cần với các tiêu chí cụ thể để được mọi người đón nhận. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, chiếc áo dài thuần khiết đã quá đẹp rồi, mỗi nhà thiết kế sẽ biết giới hạn sự cách điệu theo gu và cảm nhận của từng người.

Cá nhân tôi luôn giữ “kết cấu” chính của áo dài và chỉ trang trí, thay đổi chất liệu, màu sắc, độ dài ngắn của tay hoặc nhỏ to của tà áo, còn lại tôi thích giữ nguyên bản. Giới hạn của sự cách điệu chính là ý thức được nên mặc nó ở đâu, xuất hiện với đối tượng nào, hiểu được điều đó cũng là một nét ứng xử thể hiện văn hóa của từng người. Để tính lan tỏa của áo dài cao hơn nữa trong cuộc sống thì phải có những mẫu đẹp được công chúng đón nhận.

 

TRỞ LẠI LÀ LẼ TẤT NHIÊN

* Áo dài có thể mặc trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trường hợp nào từ đi chợ, mua hàng đến họp hội nghị…?

- NTK Lê Phương Thảo: Tôi nhớ ngày xưa, thời mẹ tôi, quả thật là như thế: bà mặc áo dài trong bất kỳ công việc gì và nơi chốn nào. Mặc một cách tự nhiên, thong dong như người ta mặc chiếc quần jeans bây giờ. Tôi nghĩ, phù hợp hay không nằm ở sự định hướng tư duy của mỗi người. Thời trước là vì xã hội như thế, ai cũng ăn mặc như thế. Thời này, qua mấy mươi năm áo dài gần như biến mất và thay thế bằng những trang phục khác, nay muốn chiếc áo dài phổ biến như ngày trước, cũng không có gì khó. Tương tự như phong trào đội nón bảo hiểm đấy thôi. Cái gì cũng có mặt được và mất. Nhưng cuối cùng, sự hợp lý sẽ nổi bật lên.

* Phải làm thế nào để áo dài ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, được phụ nữ sử dụng một cách tự nhiên?

- NTK Chương Đặng: Áo dài sẽ bị quên lãng nếu không phải là người bạn đồng hành hợp ý của phái đẹp. Cách đây vài năm, trong những dịp đại hội, ngày truyền thống, hay nhà có giỗ, chạp người ta mới bất đắc dĩ lôi chiếc áo dài cũ, lưu cữu qua nhiều năm trời mặc lên cho xong, cho qua. Nhưng ngày nay, những đám cưới, những tiệc tùng công sở đã thấy xuất hiện nhiều tà áo dài. Nhận thức về cái đẹp đang thay đổi và tự nó đã ngấm ngầm tạo ra cuộc “cạnh tranh” về gu thẩm mỹ.

- NTK Nga Cocoon: Gần đây, áo dài đã được công chúng mọi ngành nghề quan tâm và đón nhận, đó là một dấu hiệu rất tốt. Thực sự để có được trào lưu tốt, ngoài sự định hướng từ văn hóa thời trang thì yếu tố truyền thông cũng góp phần không nhỏ cho việc định hướng đó. Tuy nhiên, bên cạnh nét đẹp của văn hóa cá nhân được nhận ra rõ rệt từ tà áo dài còn là sự nữ tính, sự tự tin trong cốt cách của mỗi người - nếu bộ trang phục làm bạn tự tin thì bạn sẽ làm được nhiều việc hơn và hiệu quả hơn.

- NTK Lê Phương Thảo: Theo tôi, trong giai đoạn Việt Nam ngày càng gần gũi hơn với thế giới qua nhiều hình thức khác nhau, nhu cầu của một biểu tượng văn hóa quốc gia vừa truyền thống vừa gần gũi cũng ngày càng rõ rệt hơn. Và có gì tốt hơn là thông qua chiếc áo dài? Vì vậy, qua nhiều thời kỳ thăng trầm, chiếc áo dài hiện nay đã được thời trang hóa và xuất hiện trở lại rầm rộ hơn, phổ biến hơn là một lẽ tất nhiên.

* Xin cám ơn các bạn.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCMsố ra ngày 20.3.2015/ http://phunuonline.com.vn/giai-tri/nghe-si-cua-thang/ao-dai-lan-toa-nho-suc-song-van-hoa/a139589.htm)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com