BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết HUYỀN SƯƠNG: Đọc sách cùng con

HUYỀN SƯƠNG: Đọc sách cùng con

Mục lục
HUYỀN SƯƠNG: Đọc sách cùng con
Chuyện 'nhỏ' mà không nhỏ
Gieo mầm khoa học
Tháo vát, khéo tay
'Cai' trò chơi điện tử
Tiết kiệm dễ ợt
'Thay lời muốn nói' về mẹ
Dạy con lịch sự với… sách
Khéo tay nặn đất sét
Học với sắc màu
Mẹ có quen với người nổi tiếng không?
Nói với con về tình thầy trò
Du lịch trên sách
Kể cho con chuyện lịch sử
Làm thế nào để con thông minh?
Nói với con chuyện “nhạy cảm”
Món quà độc đáo
Giúp trẻ hiểu về giá trị sống
Dẫn con đi ăn tiệc
Đố mẹ, đố con...
Vui với đồ chơi tự tạo
Mẹ ơi, thế giới có gì lạ không?
Trở về tuổi thơ
Cùng con giữ gìn sức khỏe
Học chữ qua tranh
Tất cả các trang

 

Đọc sách cùng con là chuyện mục định kỳ của Báo Phụ Nữ TP.HCM, in trên số báo phát hành ngày thứ Tư hàng tuần. Chuyên mục này ra đời cách đây hơn một năm thì phải,với bút danh HUYỀN SƯƠNG tôi chịu trách nhiệm viết thường xuyên, đều đặn. Nay tôi post lại các bài đã in như một cách lưu trữ. Chắc chắn vẫn còn bỏ sót nhiều lắm.

Hy vọng cũng có thể giúp ích các bậc phụ huynh, nếu họ đọc những bài viết này.


docsach-cung-con-anh-minh-hoaR

Ròng rã gần 30 năm viết báo, đã viết bao nhiêu bài, bao nhiêu chữ? Không thể biết. Đến một lúc nào đó, người ta lười biếng lưu những bài báo đã viết bằng cách cắt, dán giữ lại như trước, chỉ vì nghĩ đã có mạng iternet. Thôi thì, thế cũng được.

L.M.Q

(Cuối tháng 3.2015)


Chuyện 'nhỏ' mà không nhỏ

PN - Có những chuyện hầu như bậc phụ huynh nào cũng biết, cũng từng dặn dò, dạy dỗ nhưng rồi con cái không chịu nhớ. Khi nhắc, trẻ lại cười toe toét: “Ờ, mấy chuyện đó dễ ợt. Con nhớ rồi mẹ ơi”. Nhớ nhưng rồi lại “vi phạm”, vậy làm sao cho trẻ nhớ lâu? Có một con mọt sách (BS Đỗ Hồng Ngọc, NXB Tổng Hợp TP.HCM) sẽ đáp ứng nhu cầu này.

Với lợi thế là bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tác giả có thể nắm bắt nhiều “ca” mà trẻ hay mắc phải. Ông còn có lối viết giản dị, thân mật, dễ cuốn hút các độc giả nhí.

Chú bé Sinh ham đọc sách nhưng đọc ở nơi thiếu ánh sáng, thậm chí còn trùm mền đọc. “Mới mấy tháng, Sinh không thể đọc rõ chữ khi để sách hơi xa mắt một chút và ngày càng phải đặt sách gần sát mắt để đọc. Có khi mắt đỏ lên chảy cả nước mắt sống”. Từ đó, tác giả khuyên: “Lúc đọc sách phải đủ ánh sáng để mắt không bị mỏi. Phải ngồi ngay ngắn để tránh vẹo xương, còng lưng và nên giữ khoảng cách từ mắt đến sách ba mươi, bốn mươi phân là vừa, không để gần mắt quá sinh cận thị”. Lời khuyên này dễ nhớ vì có đối thoại, có nhân vật và nhất là nét vẽ minh họa ngộ nghĩnh.

tap-sach-co-mot-con-mot-sach-2R


Tác giả còn đề cập đến chuyện mà nhiều trẻ em cho rằng “nhỏ” nhưng thật ra rất hệ trọng. Đó là chuyện ấu trùng giun sán bám trong lá rau. Cách lý giải khoa học của BS Đỗ Hồng Ngọc khiến nhiều phụ huynh giật mình, như khi ăn vào, ấu trùng vượt qua thành ruột non, theo dòng máu tĩnh mạch đến gan. Vượt gan, nó bơi một mạch qua tới phổi, trú ngụ ở đó một thời gian và trưởng thành… Do đó, đừng bao giờ quên “Rửa tay sạch trước mỗi bữa ăn, cắt sạch móng tay, không ăn rau cải sống sít, rửa không kỹ”. Đọc đoạn này rồi nhìn hình ảnh phiêu lưu của ấu trùng trong cơ thể người, ắt các bé sẽ “tỉnh ngộ” ngay thôi.

Ngoài ra, có những chuyện mà nhiều trẻ mắc phải, đó là... đầu có chí! Sau khi phân tích “đường đi nước bước” sinh ra chí rận, tác giả khuyên: “phải cắt tóc ngắn, gội đầu thường xuyên bằng xà bông. Có thể dùng lược dày chải chí một cách liên tục hoặc ra các nhà thuốc hỏi mua một thứ thuốc xức”.

Đôi lúc trong quá trình kể chuyện, tác giả còn pha trò dí dỏm để các cháu dễ nhớ hơn, chẳng hạn, “Ngày xưa… có một con voi”. Trẻ em nào cũng biết voi có vòi, nhưng nếu cắc cớ hỏi vì sao vòi của voi dài thì giải thích làm sao? BS Đỗ Hồng Ngọc kể, do chú voi tinh nghịch đánh nhau với cá sấu, bị cá sấu ngoạm mũi. “Giằng co mãi, sau cùng chú voi thắng cuộc, nhưng từ đó loài voi có cái mũi dài ngoằng ra thành một cái vòi”. Từ chuyện vòi con voi, tác giả “lái” qua chuyện vệ sinh mũi thật sinh động …

Có thể nói nhiều câu chuyện được lồng vào những lời khuyên gần gũi và vui nhộn, nhẹ nhàng nhắc con trẻ biết cách phòng tránh các bệnh thường gặp. Khi đọc sách cùng con, các bậc phụ huynh cũng có dịp cười thích thú khi nhớ về năm tháng tuổi thơ.

HUYỀN SƯƠNG

(nguồn:http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/khi-con-da-lon/chuyen-nho-ma-khong-nho/a143011.html)


Gieo mầm khoa học

PN - Dù không nói ra nhưng có nhiều cha mẹ mơ ước con mình sau này lớn khôn được trở thành những người tài giỏi cỡ như Marie Curie, Albert Einstein hoặc Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của, Ngô Bảo Châu… Điều này cũng bình thường. Và dù không kỳ vọng thế, họ cũng muốn trước hết con mình phải am tường, hiểu biết về thế giới xung quanh.

7-GIEO-MAM-KHO-HOC-1


Đành rằng, những tri thức ấy có thể được trang bị ở nhà trường, ngoài ra cũng có thể tiếp thu qua các “kênh” khác như xem truyền hình, tra cứu internet… Tuy nhiên, chỉ khi đọc sách thì cha mẹ và con cái mới thuận lợi trong việc tâm tình, chia sẻ “mọi lúc mọi nơi”, kể cả lúc trong nhà…cúp điện!

Có những kiến thức thông thường, những sự việc diễn ra hằng ngày nhưng không phải lúc nào ta cũng có thể giải đáp chu toàn cho con em. Bộ sách Gieo mầm khoa học (nhiều tác giả - NXB Kim Đồng) với các chủ đề Máy nghiền thức ăn, Yêu quái vô hình, Hãy ăn tớ đi mà… sẽ là công cụ đắc lực giúp cha mẹ chia sẻ cùng con những kiến thức khoa học thú vị.

Điều lý thú của bộ sách này còn ở hình ảnh ngộ nghĩnh, nhiều màu bắt mắt. Chẳng hạn, câu hỏi: “Nếu như chúng mình thiếu hụt vitamin thì sẽ thế nào nhỉ?”. Câu trả lời ngắn gọn: “Vitamin A ảnh hưởng đến thị lực của chúng mình. Thiếu vitamin A sẽ bị bệnh khô mắt, nặng hơn là bị lòa đấy”. Do được xem các hình ảnh minh họa là dầu cá, gan động vật, các loại rau màu xanh, các quả màu vàng hoặc đỏ… nên các bé sẽ dễ nhớ. Còn nếu thiếu hụt vitamin B thì sao? Eo ơi! “Chúng mình dễ bị táo bón, nổi mụn trên mặt”; hoặc vitamin H giúp đen tóc…

Vui mắt nhất có lẽ là hình “gia đình Vitamin” được vẽ bằng hình tượng rau củ quả, ngũ cốc, các thực phẩm giúp trẻ dễ nhớ về các loại vitamin.

Nhiều lần các đồ vật trong nhà hay bị chuột cắn phá, cô nhóc hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Có phải do chuột tham ăn không hả mẹ?”. Bà mẹ giải thích: “Vì răng của chuột dài ra liên tục, nên chúng phải gặm vật cứng để mài răng cho cùn đi. Nếu cứ để răng cửa mọc dài ra mãi, mõm chúng sẽ không khép được vào”. À, ra thế!

Để có thể tiếp thu năng lượng, chuyện ăn rõ ràng cực kỳ quan trọng. Các bé được dặn dò: “Trước khi đi ngủ không nên uống nước hoa quả, ăn đồ ngọt” dễ bị sâu răng. Không chỉ trang bị hiểu biết giữ gìn “máy nghiền thức ăn” của mình, các bé còn có cơ hội biết về răng của một vài động vật khác.

Lại nữa, nếu có bé cắc cớ hỏi: “Mẹ ơi, sao con chuột có thể đi dưới hang sâu tăm tối, làm sao nó có thể biết phía trước có an toàn hay không?”, hoặc “Vì sao con dơi có thể bay trong đêm tối tìm mồi?”, thì trả lời ra làm sao? Dễ ợt, đó là do chuột biết dùng “tiếng vang” để thám thính; dơi dùng “tiếng vang” để định vị, phán đoán vị trí. “Ngộ quá héng! Vậy, “tiếng vang” là gì hả mẹ?”. Câu trả lời: “Lúc âm thanh truyền đi mà gặp phải vật cản thì sẽ phản xạ lại, người ta gọi hiện tượng này là “tiếng vang” con à”…

Với hình vẽ ngộ nghĩnh, cách giải thích ngắn gọn, có thể nói bộ sách này giúp trẻ bổ sung thêm nhiều kiến thức.

HUYỀN SƯƠNG

(nguồn: http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/gieo-mam-khoa-hoc/a142555.html)


Tháo vát, khéo tay

PN - Bạn trai tháo vát của Martin Oliver; Bạn gái khéo tay của Alexandra Johnson do Nguyễn Lê Hoài Nguyên dịch (NXB Tổng hợp TP.HCM) là hai cuốn cẩm nang có nhiều thông tin thiết thực, minh họa sinh động, giúp trẻ dễ dàng nắm bắt. Hầu hết các vấn đề đặt ra cần thiết với trẻ trong cuộc sống hằng ngày như hướng dẫn cách thắt cà vạt, cắt móng chân, ăn uống sao cho lịch sự, cách xỏ và buộc dây giày… hoặc hướng dẫn từ cách tự luộc trứng đến những kỹ năng xử lý trong những tình huống bị chấn thương, cách thoát khỏi nhà bị cháy, xử lý khi bị chuột rút, cách sơ cứu khi bị bỏng…

Bên cạnh đó, các tác giả còn đưa ra những gợi ý, tình huống để các “cậu ấm”, “cô chiêu” suy ngẫm và áp dụng thành thạo.

Một trong những nỗi lo lắng hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh là lúc trẻ đi lạc. Khi ấy, trẻ phải tự xử lý tình huống éo le đó như thế nào? Sau đây là những lời dặn dò, nhắc lại cũng không thừa: “Hãy ghi lại số điện thoại di động, điện thoại cơ quan, điện thoại nhà của bố mẹ, anh chị, hay của một số bạn bè… vào sổ tay.

Phải mang theo những thông tin này cùng một ít tiền bên người để đề phòng sự cố”. Tất nhiên điều này, nhiều người đã thực hiện. Nhưng chắc rằng, không phải đứa trẻ nào cũng được cảnh báo: “Dứt khoát không được đi theo người lạ, cho dù là họ nói được bố mẹ bạn nhờ tới đón bạn đi nữa”.

7-TO-PHUONG-day-con-thao-vat-kheo-tay

Nhiều tình huống trẻ em cần được hướng dẫn, dù đơn giản, chẳng hạn, cách trả lời điện thoại, viết thư cảm ơn, lau dọn bàn sau bữa ăn, rửa chén, lau nhà… Thậm chí dùng máy giặt cũng phải biết cách, nhiều trẻ thường quên “kiểm tra các túi quần, túi áo xem có còn để sót lại vật gì trong đó không. Những đồ cứng như chìa khóa, đồng xu… có thể làm hư máy giặt”.

Những câu chuyện nho nhỏ, có khi với các bậc phụ huynh chẳng là “cái đinh gỉ” gì như xếp quần áo, pha trà, đánh răng, hắt hơi cho lịch sự… nhưng với trẻ là “cả vấn đề”. Đôi lúc, trẻ thắc mắc nhưng không phải lúc nào cũng được bố mẹ giải thích, hướng dẫn tường tận.

Bộ sách này đã liệt kê ra các tình huống và cách giải quyết, do đó, bố mẹ và con có thể đọc cho nhau nghe. Khi đã nắm được những kỹ năng ấy, các “cậu ấm”, “cô chiêu” sẽ đảm đang, năng động, tươi vui hơn. Nói cách khác, các kỹ năng cơ bản này giúp trẻ định hình những phong cách và cá tính, đồng thời thiết lập những thói quen cần thiết.

HUYỀN SƯƠNG

(Nguồn: Báo PN 22.4.2015)



 

"Cai" trò chơi điện tử

PN - Thật bực bội khi cậu nhóc suốt ngày dán mắt vào màn hình vi tính. Thằng bé có thể “ngồi đồng” hết giờ này qua giờ nọ, thậm chí chẳng thiết gì đến chuyện ăn uống nữa. Anh bạn tôi quát lên: “Này Tèo, con có bị làm sao không đấy? Cả ngày con ru rú trong nhà, không đụng tay đụng chân đến việc nhà. Chuyện học hành bài vở cũng lơ là. Cứ kiểu này, chắc bố phải đưa con đi cai nghiện game!”.

Nhiều ông bố bà mẹ cáu tiết khi con suốt ngày “luyện” các trò chơi điện tử. Vậy khuyên bảo con ra sao? Khó có thể lấy uy quyền ra dọa nạt, ngăn cấm, vì chỉ cần vài bước chân ra khỏi nhà là trẻ đã có thể chui vào tiệm net.

Sự lo lắng này được tác giả Fanny Joly - Chaire Franek thể hiện dí dỏm trong tập sách Bạn thân của Fred nghiện trò chơi điện tử!, NXB Kim Đồng vừa ấn hành qua bản dịch của Bùi Thị Thu Hà. Mỗi trang sách đều được minh họa ngộ nghĩnh, đẹp mắt. Không khuyên bảo khô khan, nặng nề lý thuyết chung chung, tác giả xây dựng câu chuyện chú bé Fred đến nhà Mouloud rủ đi đá bóng. Cậu còn đem theo cả những chiếc bánh sandwich để ăn vào giờ giải lao. Thế nhưng, nhà Mouloud cửa đóng im lìm.

7-KHI-CON-NGHIEN-TRO-CHO-DIEN-TU-RR 


May lúc ấy chị của Mouloud đi học về và bảo: “Không, nó vẫn ở nhà nhưng không trả lời vì mải dán mắt vào một trò chơi mới”. Bước vào nhà, Fred đã thấy bạn đang ngồi trước máy vi tính, hình ảnh trên màn hình thay đổi liên tục. “Cậu có đi đá bóng không?”, Mouloud không thèm nhìn về phía bạn, xua tay như đuổi muỗi: “Xùy! Tớ đang tiêu diệt tên Gronaze! A A A A! Đó là một tên giết người nguy hiểm có đến bảy khẩu súng!”.

Với tình huống tương tự, các phụ huynh cần phải làm gì? Tất nhiên là phải hạn chế con chơi game, không phải ngăn cấm theo cách ra mệnh lệnh mà cần có những yêu cầu như: “Con phải làm xong bài tập rồi mới được chơi”; hoặc “Đến giờ con phải đi ngủ rồi. Nếu con không dừng ngay lập tức, bố mẹ sẽ không cho con chơi trò chơi điện tử nữa”.

Đọc tập sách này, anh bạn tôi cũng bảo với Tèo như phụ huynh dặn dò Mouloud: “Con có thể lưu phần mình đang chơi và tiếp tục chơi lại sau đó. Hãy tận dụng thời gian rảnh để vui chơi cùng bạn bè, chơi thể thao, đi dạo, xem phim, đi thăm bảo tàng, đọc sách, khám phá những điều mới lạ… Dù sao trò chơi điện tử cũng chỉ là một trong rất nhiều trò chơi”.

Quan điểm của Fanny Joly - Chaire Franek là trước những “ca” đáng quan tâm của con, cần phải nhận thức rằng, đôi khi trò chơi này cũng có ích với trẻ, như giúp trẻ làm quen với máy tính, đòi hỏi phải tập suy nghĩ, hành động thật nhanh, thật khéo léo, phát triển trí tưởng tượng. Muốn con thoát khỏi thế giới ảo trong các game thì phải có trò chơi khác cho trẻ. Bởi từ khi bị hạn chế ngồi một mình lướt phím, cậu nhóc Mouloud quay lại chơi bóng đá cùng Fred. Dần dà, cậu cảm thấy thích thú với chơi bóng hơn.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/cai-tro-choi-dien-tu/a139961.html


Tiết kiệm dễ ợt

PN - Một trong những điều người mẹ hay dặn con cái là phải tiết kiệm. Do chưa ý thức đầy đủ giá trị của đồng tiền nên nhiều đứa trẻ hào hứng “vung tay quá trán”; vật dụng đang sử dụng dù còn “ngon lành” nhưng vẫn sẵn sàng ném vào thùng rác. Bởi sau đó, nếu cần thì trẻ lại mè nheo, khóc lóc năn nỉ ỉ ôi, bố mẹ chiều ngay thôi. Dù những vật dụng ấy số tiền không lớn, nhưng nếu không tập tính tiết kiệm thì sau này sẽ khó uốn nắn tính cách.

Trong tập sách Học cách tiết kiệm (NXB Kim Đồng), tác giả L.Driscoll và họa sĩ Amy Wummer kể: Ngày nọ, một ngôi sao ca nhạc cho biết bốn tháng nữa sẽ tới biểu diễn tại thành phố mà cô bé Sally đang cư ngụ. Tất nhiên Sally rất muốn đi xem nhưng khổ nỗi giá vé lên đến 75 đô la; trong khi đó, cô bé chỉ có 7 đô la và 30 xu. Vậy phải làm thế nào? Thế là mẹ con Sally cùng giao kèo: “Nếu con tiết kiệm tiền tiêu vặt, con sẽ đủ tiền mua vé. Mẹ sẽ tự mua cho mình một vé, hai mẹ con ta sẽ cùng đi xem với nhau”.

Lời hứa hẹn của mẹ khiến Sally hào hứng: “Tiết kiệm tiền có thể là việc làm khó khăn. Nhưng em sẽ thấy nó dễ dàng hơn khi em tiết kiệm để mua thứ gì đó mà em rất thích”. Từ đó, cô bé nghĩ đến ngày được gặp “thần tượng” ca nhạc mà vui lắm. Tuy nhiên ngày lại ngày, số tiền tiết kiệm không được bao nhiêu. Cô xin bố mỗi ngày tăng thêm tiền tiêu vặt nhưng chỉ nhận được mỗi từ “không”.

7-1tiet-kime-de--t.RRjpg

May quá, khi bố xem báo, Sally biết được thông tin, nếu cắt “phiếu giảm giá” trên tờ báo bố đang đọc thì khi mua hàng tại siêu thị Thông Minh, sẽ được giảm giá. Cô bé khoe: “Ngày nào tớ cũng cắt phiếu giảm giá và để dành tới khi mua hàng”. Bài học đặt ra ở đây: “Hãy là người mua hàng thông thái”, vì vẫn có cách tìm mua những món hàng đó với giá rẻ hơn ở cửa hàng khác. Nhờ đó, Sally nhận được thêm khoản tiền tiết kiệm nữa khi “tháp tùng” cùng bố mẹ đi mua hàng.

Chưa hết, ít lâu sau khi khu phố có ngày hội bán đồ cũ, cô bé đã bán đi những vật dụng cũ ở nhà không sử dụng nữa. Rồi, với số tiền đang có, cô bé khôn ngoan nhờ mẹ đem gửi ngân hàng để hàng tháng có thêm lãi. Thêm một bài học nữa: “Tiền không sinh sôi trên cây. Nhưng nó sinh sôi trong nhà hàng - thông qua tiền lãi”. Nhờ tiết kiệm nên bốn tháng sau, cô bé đã đủ tiền mua vé xem ca nhạc mà không phải xin bố mẹ như trước.

Rõ ràng, khi có mục đích cụ thể thì đứa bé sẽ chủ động thực hiện tiết kiệm. Chắc chắn tập sách Học cách tiết kiệm có hình vẽ đẹp, câu chuyện hấp dẫn sẽ là gợi ý lý thú để các bậc phụ huynh áp dụng cho con em mình.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/tiet-kiem-de-ot/a139046.html


'Thay lời muốn nói' về mẹ

PN - Đang ngồi học bài, bỗng bé gái ngập ngừng hỏi: “Mẹ ơi, cô giáo dạy: Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Con hiểu, ý muốn nói công cha cao như núi, nhưng còn nghĩa mẹ “như nước trong nguồn” là sao hở mẹ?”. Trước những câu hỏi oái oăm mà cũng cực kỳ đáng yêu ấy, có lẽ nhiều bà mẹ cũng ngắc ngứ. Làm thế nào để có thể dạy con hiểu được tình cảm, sự lo toan chăm sóc, lo lắng từng ngày... của người mẹ dành cho con?

Nắm bắt nhu cầu đó, NXB Kim Đồng ấn hành một loạt sách viết về người mẹ, có thể ví von là “thay lời muốn nói” của chính người mẹ khi nói về mình. Đó là các bộ sách Truyện cổ tích về mẹ, Nửa tiếng để trở thành người mẹ tuyệt vời, Mẹ ơi, con tài chưa?, Mẹ hỏi bé trả lời, Mẹ ơi, tại sao lại thế?, Mẹ yêu con nhất trên đời...

Thông qua các câu chuyện cụ thể, các tác giả nhấn mạnh chủ đề: Người mẹ luôn có sự gắn kết tự nhiên mà sâu sắc với các con. Chẳng hạn, trong cuốn truyện tranh Truyện cổ tích về mẹ của nhà văn Nga Sergey Sedov là 20 câu chuyện về những bà mẹ hiện đại. Ở đó, có nhiều bà mẹ với những tính cách, đặc trưng khác nhau, như bà mẹ lai người ngoài hành tinh, bà mẹ đãng trí, bà mẹ thích phiêu lưu, bà mẹ không tham tiền, bà mẹ biết ngâm táo, bà mẹ hay la hét… Dù có khác nhau, có thể chưa thật hoàn hảo trong mắt con, nhưng bà mẹ nào cũng thật đẹp trong vai trò làm mẹ, bởi bà mẹ nào cũng yêu con.

Hoặc, sách Mẹ yêu con nhất trên đời kể về cô chó mẹ chăm chỉ, suốt ngày làm lụng chăm sóc con. Một hôm, chó mẹ nghỉ ngơi và đi vắng thăm họ hàng. Hai bác hàng xóm xoay trần chăm sóc đàn cún con mà không xuể. Đến lúc ấy, các bác hàng xóm và cả đàn chó con mới thấy nhớ mẹ và mong mẹ biết bao. Câu chuyện giản dị nhưng thấm thía đối với trẻ.

7-sach-ve-me-va-cam-nang-ve-me-R1

Các bà mẹ không chỉ đọc cho con nghe nhằm “thay lời muốn nói” mà tình yêu đó còn thể hiện qua các trò chơi. Cháu gái của chị bạn tôi sau khi đọc tập Nửa tiếng để trở thành người mẹ tuyệt vời đã đòi mẹ... dẫn đi chợ! Tại sao? Chỉ vì cháu muốn xem quả dâu tây có giống như bé đã làm ra không?

Với các tập sách trên, các bà mẹ tha hồ có những câu chuyện cổ tích, trò chơi để chia sẻ với con. Qua đó, con trẻ sẽ thấu hiểu hơn công ơn, tình cảm của mẹ dành cho mình. Các câu chuyện giản dị nhưng khi đọc, các bé sẽ nhớ lâu. Con gái của bạn tôi, sau khi đọc các tập sách trên thỏ thẻ: “Bây giờ con đã hiểu câu Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra rồi mẹ à. Trong sách có mẩu chuyện cho biết nước trong nguồn không bao giờ cạn, tình yêu của mẹ dành cho con cũng vậy. Con yêu mẹ lắm!”.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/thay-loi-muon-noi-ve-me/a139489.html


Dạy con lịch sự với… sách

PN - “Chà, căn phòng cứ như bãi chiến trường. Tún đâu? Con sắp xếp sách lại ngăn nắp nào. Ngày xưa, còn nhỏ như con, mẹ đâu có đọc đâu vứt sách đó. Con bừa bãi thế này, lần sau, tìm lại quyển sách đã đọc thì chỉ có nước quáng gà”. Nhiều bà mẹ đã bực mình, la mắng con do trẻ chẳng hề biết nguyên tắc “lấy sách ở ngăn sách nào, đọc xong, phải đặt đúng vị trí cũ”.

Muốn cho con bắt chước từ “người thật việc thật”, nhiều bậc phụ huynh đã dẫn con vào thư viện. Ở đó, quan sát cách việc làm của thủ thư, cách sắp xếp sách chắc chắn sẽ giúp bé “thay đổi nhận thức”. Vì lẽ đó, tác giả A.D. Tourville và họa sĩ Chris Lensch đã hợp tác thực hiện quyển Bé tập ứng xử lịch sự khi mượn và đọc sách thư viện, NXB Trẻ vừa ấn hành qua bản dịch của Kim Anh.

Câu chuyện xoay quanh anh em bé Mai. Sau khi đi thư viện về, cả hai thấy rằng, từ nay việc đọc sách phải có những thay đổi nho nhỏ. Nhiều bà mẹ có lẽ cũng ngạc nhiên khi thấy con mình biết tập thói quen như: “Khi về đến nhà cũng là lúc đến giờ ăn, Mai và Thông không bao giờ ăn uống khi đang đọc sách. Mỗi khi ăn, các bạn đều để sách qua một bên”. Trước đây bất kể lúc nào, hễ thấy sách là cầm lên đọc, nay cũng khác: “Mai đọc sách cho em gái nghe. Mai luôn giữ sách ở xa tầm tay em gái để bé không thể xé hay làm bẩn các trang giấy”. Thực tế, nhiều bé còn nhỏ, chập chững biết đi khi thấy chị hoặc mẹ đang đọc sách là sà vào giành lấy. Lời khuyên trên tuy nhỏ nhưng thiết thực và gần gũi với nhiều tình huống phổ biến.

 

6-doc-sach-cung-conRR

 

Và khi được mượn sách trong thư viện thì phải làm sao? Có lẽ lời khuyên này không hề thừa: “Cẩn thận lật từng trang”, không thể vì đó là sách của thư viện nên bé đối xử không… lịch sự như sách của nhà mình.

Nhiều phụ huynh thường cảm thấy khó chịu khi con mình hay gấp góc trang sách làm dấu trang đã đọc. Vậy thì, cách tốt nhất là hướng dẫn cho bé sử dụng thẻ đánh dấu trang, nhờ vậy, trang sách tinh tươm hơn, không gãy nếp. Những lời dặn dò này thể hiện qua những hình ảnh minh họa sinh động, giúp bé dễ nhớ. Không riêng gì sách mượn ở thư viện mà sách ở nhà cũng phải được bé đối xử lịch sự vì: “Nhiều người khác vì thế sẽ có cơ hội được đọc nó”.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/day-con-lich-su-voi-sach/a138624.html


Khéo tay nặn đất sét

PN - Hầu như đứa trẻ nào cũng thích nghịch đất cát. Anh bạn tôi cho biết, hễ gia đình bàn chuyện đi chơi xa, lũ trẻ nhà anh lúc nào cũng ưu tiên chọn biển. Khi ra biển, ngoài việc nô đùa cùng sóng nước, lũ trẻ còn thích làm hòn non bộ, xây lâu đài cát. Chúng mải mê, chăm chú với trò chơi khác hẳn lúc ở nhà tinh nghịch, hiếu động.

Đọc truyện xưa, chúng ta biết Trạng nguyên Lương Thế Vinh thời bé nặn cả con voi biết đi, vì bốn chân đặt trên bốn con cua. Thú vui chơi này với trẻ con bây giờ cũng thế, có điều các em nặn hình các con thú, trái cây bằng đất sét sạch, có nhiều màu sắc. Tuy nhiên “kỹ thuật, thao tác” bắt đầu thế nào? Nhiều phụ huynh không nắm được kỹ thuật cũng như thiếu thời gian để hướng dẫn con, có thể tham khảo tập sách Nặn đất sét dành cho trẻ em (NXB Văn hóa Thông tin).

Với sự hướng dẫn chu đáo, các em xem hình, đọc các hướng dẫn ngắn gọn là có thể nặn được con vật mà mình thích. Trong sách, là các con vật quen thuộc như cô lợn Hồng, chú thỏ Thông Minh, cô mèo Mũm Mĩm, nha sĩ cá sấu v.v…

kheo-tay-nan-dat-setRR

Điều thú vị, không chỉ nặn hình, phụ huynh có thể kể cho các em nghe những chuyện cổ tích có trong sách, về từng nhân vật là các con vật mà các em sẽ nặn. Ví dụ: trong một buổi chiều nắng ấm, cô lợn Hồng và chú thỏ Thông Minh sống ở vương quốc Cầu Vồng, nhìn thấy một bầy chim cánh cụt, theo sau là bác sĩ cú cho biết đi chữa răng cho chú hà mã Miệng Rộng… Từ các chi tiết trên, với các hình vẽ ngộ nghĩnh kèm theo, các em dễ dàng nặn được các con vật đó.

Có thể nói, việc nặn hình bằng đất sét là một cách luyện tập đôi tay các em khéo léo hơn. Thông qua chất liệu, các em biết cách phân biệt màu sắc và tạo ra các màu khác bằng cách trộn các màu có sẵn. Trong quá trình “học mà chơi” này, trí tưởng tượng của các em cũng được kích thích, gợi mở.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/kheo-tay-nan-dat-set/a135133.html


Học với sắc màu

PN - “Con bé lớn rồi, đã đi học lớp 1 nhưng có lúc lại hỏi những câu ngộ ghê”, chị bạn tôi chép miệng. Tôi hỏi: “Cụ thể ra làm sao?”. Chị bảo: “Chẳng hạn, cháu chưa biết các loại cây cỏ, muông thú… có sắc màu cụ thể như thế nào. Hôm nọ dẫn cháu về ngoại, lúc xe chạy qua cánh đồng làng, cháu níu tay bố và nói: “Bố ơi! Con trâu kìa, ngộ quá héng”. Tôi nhìn ra thì thấy… con bò!”. Chồng tôi mới giải thích ngắn gọn: “Con trâu nó màu đen, con à, còn con bò thì màu vàng”. Con bé à lên ngạc nhiên. Thấy thương quá”.

Hầu như bậc cha mẹ nào cũng có lúc phải giải thích cho con những điều tương tự như vậy, bởi các cháu chưa có nhiều khái niệm về màu sắc của các đồ vật. Bộ sách Tập tô màu, Bé tô màu (NXB Mỹ Thuật) đáp ứng nhu cầu này với nhiều chủ đề như Công việc nhà nông, Di tích lịch sử, Cảnh nhà nông, Thú vật... Mỗi tập sách chỉ chừng 30 trang, bên cạnh trang in màu sắc cụ thể là trang chỉ có nét màu đen. Khi xem hình, các cháu có thể nhìn trang bên cạnh để tô màu cho đúng.

Nhìn hình lá sen màu xanh, bé Tún của chị bạn tôi thích lắm: “Con thấy lá sen rồi. Mà con thích cánh hoa sen màu hồng nhạt cơ”. Vậy là cháu tập trung tô màu hồng rồi khoe: “Mẹ thấy con tô màu có đẹp không”. Chị khen: “Ừ con khéo tay lắm”.

7-BE-TO-MAURR

Ngoài ra, với những hình ảnh cụ thể trong tập sách, trẻ em được tìm hiểu những bài học sinh động khi biết được lúc dệt vải, xẻ gỗ, nhuộm vải, hái chè… các động tác được thực hiện ra sao. Tập sách có hình ảnh cụ thể, màu sắc rõ nét, giúp trẻ em hình dung dễ dàng. Với hình ảnh thú vật, các bé phân biệt được hình thù, màu sắc của con gấu, mèo, thỏ, chim sẻ, vịt, dê, voi v.v…

Có thể nói, mỗi hình ảnh là một bài học cụ thể, sinh động. Ngày nọ, bà ngoại của bé Tún đi du lịch về, cho cháu xem hình ảnh ở thủ đô, Huế… Bà phục “sát đất” khi cháu nói vanh vách các di tích đó, không chỉ nói rõ tên mà còn cho biết địa điểm khiến bà phải khen: “Cháu giỏi quá”. Khen là đúng, vì cháu biết chùa Thiên Mụ “ở bờ Bắc sông Hương” ngoài Huế, chợ Bến Thành “ở TP.HCM”, chợ Đồng Xuân “ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội”, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng “ở huyện Hoa Lư, Ninh Bình”… Những chú thích ngắn gọn dưới mỗi hình trong bộ Bé tô màu cũng chứa nhiều thông tin cần thiết, bổ ích cho các bé.

Khi tập tô màu, cũng là lúc bé tập tính khéo léo, cẩn thận, biết quan sát, nhận dạng màu sắc. Bộ sách do nhóm họa sĩ Quỳnh Nga, Quốc Thịnh, Hạnh Lâm, Thiên Kim biên soạn với nét vẽ dí dỏm, vui tươi, gần gũi, giúp các bé càng thêm yêu quê hương và trí tưởng tượng thêm phong phú.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/hoc-voi-sac-mau/a134663.html


Mẹ có quen với người nổi tiếng không?

PN - Chị bạn tôi vừa gọi điện thoại nhờ “ứng cứu”: “Bồ có quen với nhiều người nổi tiếng không? Chuyện là như thế này, cô nhóc nhà mình có thói quen tốt là thích đọc sách lắm. Hôm qua, nó hỏi, thế mẹ có quen với tác giả quyển sách này không? Con muốn hỏi, hồi bằng tuổi con, các cô chú ấy học như thế nào mà sau này lại trở thành giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ?”. Chà, câu hỏi của cháu khó “xơi” quá!

Không phải ai cũng có điều kiện biết được kinh nghiệm học tập thời nhỏ của những nhân vật mà con cái mình ngưỡng mộ. Nắm bắt tâm lý đó của nhiều phụ huynh, NXB Phụ Nữ vừa ấn hành tập sách Tuổi thơ tấm gương Việt. Từ thông tin của nhân vật (hoặc gia đình nhân vật), tập sách này đề cập đến những người nổi tiếng như bác sĩ, họa sĩ Dương Cẩm Chương; nhà giáo Đàm Lê Đức; giáo sư Trần Văn Khê; nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và bác sĩ Trương Thìn.

mecoquenvoi-nguoi-noi-tieng-khongRR

Thật thú vị khi các nhân vật được tái hiện bằng hình ảnh trẻ con thời đi học qua nét vẽ thật ngộ nghĩnh và câu chuyện kể nhẹ nhàng, dễ hiểu. Chẳng hạn, bài toán đã giúp cô học trò Đàm Lê Đức xếp hạng nhất như sau: “Có 10 cây dâu, trồng như thế nào để thành 5 hàng, mỗi hàng có 4 cây?”. Với câu hỏi này, cả mẹ lẫn bé có thể vừa đọc sách vừa đố nhau cũng là điều lý thú. Cô học trò Đàm Lê Đức giải quyết bằng cách: “À, nghĩ ra rồi. Mình sẽ trồng cây dâu theo hình ngôi sao 5 cánh”...

Nhiều người bạn tôi cho biết, sau khi đọc tập sách, con cái họ dạn dĩ hơn bởi trong các cuộc giao lưu đã biết đặt những câu hỏi cần thiết với nhân vật để tìm hiểu thêm. Thêm một điều thú vị nữa, tập sách in song ngữ Anh - Việt nhằm giúp các em trau dồi vốn ngoại ngữ khi đọc sách.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/me-co-quen-voi-nguoi-noi-tieng-khong/a133735.html


Nói với con về tình thầy trò

PN - Hình ảnh người thầy thuở ấu thơ luôn tồn tại trong ký ức. Ngày kia, Bim hỏi mẹ: “Sao ngày nào mẹ cũng đánh thức con dậy sớm, bắt con phải đi học? Vậy hồi xưa mẹ… có đi học không?”. Nghe câu hỏi hồn nhiên ấy, chị bạn tôi bật cười và tự dưng xao xuyến. Tình cảm dành cho người thầy, người cô đã dạy chị thuở tuổi mới bằng cu Bim đã lần lượt hiện về.

Những câu chuyện buồn vui, phù hợp với trẻ con thể hiện rõ nét qua tập sách Tình thầy trò (NXB Trẻ) của Nguyễn Hạnh, Trần Thị Thanh Nguyên. Mỗi câu chuyện được kể ngắn gọn và đôi lúc có lồng thêm những bài thơ. Chẳng hạn, trong giờ học, thầy giáo hỏi học trò, vì sao nhà thơ Giang Nam viết: “Thuở còn thơ ngày hai buổi tới trường”. Một cậu học trò đã láu lỉnh: “Dạ, thưa thầy vì một buổi là chính quy, còn một buổi là tăng tiết ạ”. Câu trả lời tinh nghịch ấy khiến ai nấy cười vang và trở thành kỷ niệm của thời đi học.

Lại có câu chuyện: nhiều phụ huynh khi dẫn con vào lớp học nói với cô giáo: “Cháu nó hư, cô cứ đánh thẳng tay giúp em”. Thế nhưng hầu hết các thầy cô giáo đều không làm thế, vì họ “biết rằng đòn roi chẳng bao giờ là biện pháp tốt trong giáo dục”. Đọc đến câu này, cu Bim thích quá, bảo: “Cô giáo của con hiền lắm mẹ à. Chẳng đánh con bao giờ”. “Thế con có bị cô phạt lần nào chưa?”. Nghe mẹ hỏi câu ấy, có lẽ nhiều đứa trẻ nhớ lại rằng, có lần cô bảo: “Em xin phép ba mẹ đến nhà cô có việc cần”. Tình thầy trò nhắc nhớ những giây phút cô nhắc nhở trò về chuyện học hành và cho những lời khuyên hữu ích. Hầu như thời đi học, cô cậu nhóc nào cũng từng nghe được những lời khuyên ấy. Càng về sau, càng thấy chí lý và hữu ích. Rõ ràng, “không thầy đố mày làm nên”…

tinhthaytro-DOC-SACH-CUNG-CON-R

Sau mỗi câu chuyện, lại có thêm phần “một chút suy tư” tóm tắt lại nội dung đã kể. Qua đó, các bậc phụ huynh có thể nhấn mạnh để con em hiểu rõ hơn. Chẳng hạn, nhằm dạy các học trò phải chuyên cần học tập, đừng bỏ phí thời gian, người thầy nhắc nhở: “Thời gian như thể tên bay/ Năm năm, tháng tháng, ngày ngày thoảng qua/ Ai ơi! Nên phải nghĩ xa/ Dẫu vàng ngàn lạng khó mà chuộc mua”. Khi đọc sách cùng con, các bậc phụ huynh có thể chia sẻ nhiều hơn nữa về lời khuyên xác đáng trên.

Có lẽ, các bậc phụ huynh cùng đồng tình với quan điểm này: “Đối với thầy, cô dạy học trực tiếp, bạn nên tìm mọi cách để biết được họ tên và ghi vào bộ nhớ của mình. Điều này cũng dễ hiểu vì: “Cơm cha, áo mẹ, công thầy”. Thầy cô là người mình mang ơn mà mình không biết họ tên thì quả là vô tâm. Lúc đọc sách cùng con, bạn hãy thử hỏi: “Cô giáo của con tên gì?”. Khi trẻ trả lời vanh vách, này cô Phương, nọ cô Mỹ, kia cô Nga…, bạn hãy khen con để kịp động viên bé nhé!

Câu chuyện “tiên học lễ, hậu học văn” bao giờ cũng bắt đầu từ hình ảnh, nhân cách của thầy, cô giáo dạy học trò với tất cả lòng yêu thương của người cha, người mẹ. Cùng chia sẻ với con qua các trang sách, phụ huynh còn có thể tùy theo mỗi tình huống trong sách mà “trắc nghiệm” con mình.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/noi-voi-con-ve-tinh-thay-tro/a132377.html


Du lịch trên sách

PN - Đêm nay cô nhóc con chị bạn tôi lại đòi ngủ chung với mẹ cho bằng được. Sau khi nghe thông báo vài ngày nữa mẹ sẽ đi công tác nước ngoài, lập tức cô nhóc hỏi: “Mẹ đi nước nào?”. “Cún con à, mẹ đi Pháp”. Cô nhóc chu môi lại suy nghĩ rồi bật hỏi: “Nước Pháp có xa như đường về quê ngoại không hở mẹ?”.

7-sotay-dia-ly-cac-nuoc-R

Chị đã mấy lần đưa con về An Giang thăm ông bà ngoại, nên con bé cứ nghĩ đi Pháp cũng xa như vậy. Trước những câu hỏi chính đáng mà ngộ nghĩnh của con về các vùng miền địa lý, chẳng phải bậc phụ huynh nào cũng có thể trả lời rành mạch. Lúc đó, có thể tìm thông tin trên mạng chăng? Chi bằng hãy lật sách ra và cùng con tìm hiểu.

Tập sách Địa lý các nước trên thế giới dành cho học sinh (NXB Trẻ) do Nhị An biên soạn đáp ứng được nhu cầu này. Mỗi quốc gia được trình bày ngắn gọn với đầy đủ các “gạch đầu dòng” như thủ đô, đặc điểm địa lý, dân số, sự kiện đặc biệt… ngoài ra còn có hình ảnh quốc kỳ, bản đồ và một vài cảnh vật tiêu biểu. Những thông tin này cần thiết, tuy nhiên, nếu chỉ có thế sẽ rất khô khan. Người biên soạn sách đã khéo léo lồng vào những thông tin đời thường thú vị. Chẳng hạn, ở Ấn Độ “cà ri là món ăn được chế biến với nước xốt gồm những loại hương liệu chủ yếu của người Ấn, đó là: nghệ, hồi, thì là, rau mùi và ớt. Danh từ “cà ri” có nguồn gốc từ ngôn ngữ Tamil “kari” có nghĩa là nước xốt”. Ở Nhật Bản, “mật độ dân số của Tokyo là 14.000 người/km, gấp đôi mật độ thành phố New York”...

Các nhà giáo dục học từng nhận xét, trẻ con thường hay đặt những câu hỏi cắc cớ. Chẳng hạn, cậu trai của bạn tôi khi được lớp trưởng phân công tặng hoa nhân ngày nhà giáo đã hỏi: “Cô ơi nước nào sản xuất nhiều hoa nhất trên thế giới, có phải nước mình không?”, cô giáo ngạc nhiên: “Vì sao em hỏi thế?”, “Dạ, sáng hôm nay em thấy ở ngã tư đường nào cũng bày bán đầy hoa”. Câu hỏi ấy, trong tập sách này cho biết là nước Hà Lan. Vừa đọc sách và giải thích cho con hiểu thêm kiến thức cũng là lúc cha mẹ và con cùng nhau học trong không khí nhẹ nhàng mà thân mật. Với chi tiết như: “Xe buýt, xe tải và xe ba bánh của người Pakistan thường được trang trí sặc sỡ với các hình như trong phim ảnh... Người ta cho rằng xe càng trang trí nhiều thì tài xế sẽ cẩn thận hơn”. Rõ ràng, điều này không phải ai cũng biết. Cô nhóc của chị bạn tôi, sau khi đọc sách, nũng nịu bảo: “Đi công tác sang Pháp, mẹ nhớ chụp hình tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà cho con xem nha”. Vì sao? Cháu trả lời rành rọt: “Vì đó là những công trình nổi tiếng ở Paris, nước Pháp...

Khi trẻ em biết thêm về các vùng miền khác trên thế giới thì tầm nhìn sẽ mở rộng hơn. Những kiến thức đó chắc chắn hữu ích bởi trẻ sẽ không cảm thấy xa lạ, lạc lõng khi lần đầu tiên được du lịch ở một nước nào đó. Và điều quan trọng, đọc sách về đề tài này cũng giống những tiết học “ngoại khóa” giúp con thêm yêu hơn môn địa lý.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/du-lich-tren-sach/a131466.html


Kể cho con chuyện lịch sử

PN - Nhiều người cho rằng, lịch sử thường khô khan, bởi các sự kiện gắn liền với các con số cụ thể ít ai nhớ nổi. Thật ra không hẳn như thế. Với tập sách Lịch sử nước nhà (từ mở nước đến thế kỷ XIX) do NXB Trẻ ấn hành, nhà giáo Đinh Công Tâm đã chọn cách kể giản dị, dễ hiểu và phù hợp với trẻ nhỏ.

Có lúc con cái bạn đặt câu hỏi, nếu không hiểu lịch sử ắt bạn bó tay: “Mẹ ơi, Hùng Vương là ông nào mà được đặt tên cho trường con đang học hả mẹ?”; hoặc: “Ủa, tên đường nhà mình là Hai Bà Trưng. Đó là hai bà nào mẹ ơi?”. Khi đặt câu hỏi liên quan lịch sử, dù ngẫu nhiên nhưng cũng cho thấy trẻ luôn quan tâm đến thế giới chung quanh. Trong gia đình, biết tên bố mẹ, ông bà; đến lớp biết tên thầy cô giáo, bạn bè… nhưng rồi khi ra đường, đến nơi này nơi kia được đọc hoặc nghe nhắc đến những cái tên như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung… thì trẻ luôn có nhu cầu tìm hiểu.

7-kechuyenlichsu-R

 

Còn gì thú vị hơn, trong ngày cưới của chị Hai, trẻ đứng nhìn mâm trầu cau và hỏi: “Nhà mình có ai ăn trầu đâu?”. Đó là dịp bạn có thể bắt đầu bằng câu “ngày xửa, ngày xưa”… để kể sự tích trầu cau cho bé. Và cũng như những câu chuyện khác, có thể bạn không còn nhớ đến từng chi tiết như chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh… thì qua tập sách này, bạn có dịp ôn lại nhanh chóng. Ngoài phần huyền thoại, dã sử, còn là những câu chuyện lịch sử như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền… với các đoạn thơ, ca dao được trích dẫn kèm hình ảnh minh họa, giúp trẻ nhớ lâu hơn.

Chị bạn tôi cho biết, có lần lấy ca dao ra đố con mình: “Sâu nhất là sông Bạch Đằng/Ba lần giặc đến ba lần giặc tan”, đó là giặc nào? Thế là trí óc non nớt của cô bé thắc mắc ghê gớm, đòi mẹ trả lời cho bằng được. Tuy nhiên, không phải ai ai cũng nhớ rành rọt ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông đã diễn ra như thế nào. Nhờ cách viết ngắn gọn từ những trang sách, bạn có thể đọc cùng con, những từ ngữ nào trẻ khó hiểu thì bạn sẽ giải thích cho trẻ. Cách “học mà chơi” này sau đó còn giúp cho trẻ “nhớ lại” học môn sử.

Kể chuyện lịch sử gắn với câu chuyện cụ thể sẽ hấp dẫn trẻ nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều nhà giáo dục cho rằng, thơ ca còn tác động đến lòng yêu nước của trẻ bởi vần điệu dễ nhớ. Chẳng hạn, trong tập sách này còn có bài thơ Tình quê hương của nhà thơ Kiên Giang như: “Con còn sống ngày nào trên đất nước/ Nếu ai xâm chiếm đến quê hương/ Tình quê sẽ hóa ra tình nước/ Tình nước đúc thành súng với gươm…”. Tập sách không chỉ giúp trẻ hiểu về lịch sử mà các bậc phụ huynh còn có dịp ôn lại, bổ sung kiến thức nhẹ nhàng như một cách thư giãn sau những bận rộn mưu sinh.

Huyền Sương

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/ke-cho-con-chuyen-lich-su/a128755.html


Làm thế nào để con thông minh?

PN - Nhiều bà mẹ, ông bố vò đầu bứt tóc, thậm chí còn la toáng lên: “Trời ơi! Sao con ngốc nghếch quá vậy?”. Thông thường, các bậc phụ huynh hay so sánh con mình với con người khác, để rồi, dù yêu thương con nhất trên đời vẫn có lúc… thở dài. Tâm lý đó, theo nhà nghiên cứu giáo dục Tony Buzan là không đúng. Ông đã chứng minh và hướng dẫn cách nuôi dạy con thông minh trong tác phẩm Bộ não tí hon (Tập 1: cái nôi của thiên tài, tập 2: Thay đổi thế giới); nguyên tác: Brain Child, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành qua bản dịch của Phạm Hoa Phương.

Từ các câu chuyện lý thú, có tranh minh họa, tác giả đã đưa ra nhiều tình huống khiến không ít phụ huynh giật mình. Cô bé Calvin cực ghét môn toán. Khi thầy giảng bài, bé thả hồn theo nhân vật tưởng tượng là một nhà du hành vũ trụ đang đi trên con tàu không gian. Bỗng thầy giáo bước đến gần, bé giật mình viết: 6+5=6.

7-TonyBuzan-BrainChild-1RR7-TonyBuzan-BrainChild-2AR

Bé có đáng trách không? Không. Câu hỏi đặt ra là cách dạy của thầy như thế nào? Bé không thích học toán vì “đó là công việc”. Mà công việc thì đã sao? Bé trả lời: “Công việc là điều ta phải làm khi ta không thích nó”. Do đó, ý nghĩa của “học mà chơi, chơi mà học” vẫn là một nghệ thuật mà các bậc phụ huynh cần biết. Theo Tony Buzan, cách khôn ngoan là hãy biến những con số và các phép toán khô khan thành “trò chơi” tự nhiên.

Xuyên suốt trong tập sách, tác giả luôn kêu gọi các phụ huynh: Hãy biết cách lắng nghe con, động viên, khuyến khích con khi bé làm một việc gì đó, chứ không chì chiết, mạt sát.

Bộ sách Bộ não tí hon có thể góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh trong việc giáo dục con thông minh. Muốn vậy, cha mẹ và những người có nhiệm vụ giáo dục trẻ như bảo mẫu, thầy cô giáo cũng phải… thông minh. Quan điểm của Tony Buzan có thể không vừa lòng ai đó, nhưng hoàn toàn có lý khi ông chứng minh rằng: mọi đứa trẻ nếu được sự khuyến khích thích hợp, môi trường nuôi dưỡng đúng đắn đều có thể thông minh nổi bật.

Huyền Sương

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/lam-the-nao-de-con-thong-minh/a126152.html


Nói với con chuyện “nhạy cảm”

PN - Một trong những điều khó khăn đối với các bậc phụ huynh là trò chuyện với con về giới tính. Có nhiều điều cần nói, cần hướng dẫn khi con cái mới lớn, nhưng nhiều phụ huynh không biết phải bắt đầu từ đâu, nói như thế nào, thậm chí có những chuyện “tế nhị” mà chưa chắc mình đã thấu hiểu.

7-Noi-voi-con-chuyen-nhay-cam-R

Những điều cần biết về giới tính (NXB Kim Đồng) đã đáp ứng được nhu cầu này. Tập sách do nhóm tác giả là tiến sĩ, giáo sư thuộc các trường đại học Hàn Quốc như Koo Sung-ae, Kim Daeshik… thực hiện. Đây là tập truyện tranh xoay quanh các nhân vật ông bà, cha mẹ, con cái, bạn bè… cùng trao đổi chung một câu chuyện về giới tính.

Với đứa trẻ lớn lên, có lúc bắt gặp Giấc mơ “ướt”: “Có chất màu trắng chảy ra từ “quả ớt”…”. Giải thích thắc mắc này ra sao? “Thời kỳ này người ta gọi là tuổi dậy thì. Chính là thời kỳ trở nên nhạy cảm với những thay đổi của cơ thể”. Nghe thế, những đứa trẻ hỏi tiếp: “Cô làm ơn nói cụ thể hơn đi”. Câu trả lời ngắn mà rõ ràng: “Mọc râu, thay đổi giọng nói, có ngực, tò mò về người khác…”.

Rồi những vấn đề rất khó nói, như thủ dâm quá mức có ảnh hưởng sức khỏe? Tại sao con gái sinh ra đều có màng trinh? Tại sao ở lứa tuổi này, bố mẹ cấm trẻ tuyệt đối không được xem web sex? Không chỉ riêng chuyện này mà còn nhiều chuyện khác, nhân vật phụ huynh trong tập sách này nhấn mạnh: “Nếu mọi sự cấm đoán mà không có lời giải thích rõ ràng thì sẽ chỉ phản tác dụng mà thôi”, do đó, câu hỏi cấm xem phim sex là vì một trong nhiều lý do: “Nếu xem một lần sẽ muốn xem tiếp… cảm giác kích thích dẫn đến hành vi thủ dâm quá độ… Ngoài ra còn khiến ta bị ám ảnh không còn phân biệt được đâu là phim ảnh, đâu là đời thực. Đã có nhiều trường hợp như vậy trở thành tội phạm tình dục”.

Sau mỗi tình huống đều có những bài học đúc kết mà các bậc phụ huynh có thể gợi ý cho các em tự rút ra kết luận. Nhóm tác giả còn có phần tổng kết cuối tập sách, là những gợi mở cần thiết dành cho các bậc phụ huynh như: khi trẻ mắc sai lầm không nên chì chiết, mắng mỏ hắt hủi mà hãy giúp con đứng dậy bằng tình yêu thương… Về phía đứa trẻ cũng có lời nhắc nhủ thiết thực như: nếu bị xâm hại, hãy nói với bố mẹ tìm cách giải quyết; vượt qua nỗi đau và giúp đỡ những người có hoàn cảnh như mình v.v…

Theo nhóm tác giả: “Giới tính phải được giáo dục một cách bài bản và phải được hiểu một cách trong sáng như đúng nghĩa của nó”. Tập sách có tranh minh họa, xen lẫn những tình huống dí dỏm, tinh nghịch, những thắc mắc ngây thơ của đứa trẻ khiến câu chuyện trao đổi nhẹ nhàng mà sâu sắc.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/noi-voi-con-chuyen-nhay-cam-/a125673.html


 

Món quà độc đáo

PN - Tập sách Nhật ký của mẹ (NXB Lao động-Xã hội) tác giả Kawa Chan (bút danh của Nguyễn Thị Hải Hà) là cuốn nhật ký của người mẹ trẻ, ghi những câu chuyện từ lúc mang bầu đến khi sinh con.

Tác giả tâm sự: “Tôi cũng như các cô bạn gái của tôi - những phụ nữ hiện đại: yêu tự do, vô tư và… sợ em bé. Cho đến ngày em bé của tôi đã đến với tôi. Giống như phép mầu nhiệm, một em bé thay đổi cả cuộc đời những người lớn xung quanh. Một em bé dạy mẹ biết kiên nhẫn, biết thương cảm với nhân loại, quên mình và biết âu lo”. Điều thú vị là trong quá trình đó, tác giả Kawa Chan đã ghi lại cảm xúc của mình bằng các hình vẽ ngộ nghĩnh.

Theo thời gian, ta biết rằng làm mẹ là phải chấp nhận những điều mà trước đây không hề muốn như ăn nhiều, ngủ nhiều, thậm chí “bố mẹ từ bỏ cả giao ước hẹn hò vào mỗi cuối tuần” v.v… Những chi tiết cả gia đình, dòng tộc quan tâm đến đứa trẻ sắp ra đời, chắc chắn sau này, nếu đứa trẻ đó biết được thì sẽ có ý thức tốt hơn về bản thân và yêu thương bố mẹ nhiều hơn nữa.

 MONQUADOC-DAO-R

Không yêu thương sao được, lúc đã 36 tuần mang thai, có người mẹ có thể không cắt được cả móng chân, phải đi vệ sinh nhiều lần trong ngày, tê phù chân, cơ xương đau nhức như bà cụ 80 tuổi, khi đi sợ ngã… Trong tâm trí người mẹ lúc ấy chỉ có một suy nghĩ lớn lao nhất “Vì trong bụng mẹ lúc này là một sinh mệnh non nớt và vô tội”. Rồi ngày sinh, có người mẹ được bác sĩ chỉ định mổ. Cảm giác lúc ấy thế nào? Người mẹ kể lại với con mình: “Tất nhiên mẹ được gây mê, ngủ không biết gì nhưng giữa chừng lại lơ mơ tỉnh. Mẹ hoảng hốt lâng lâng như người cõi trên. Có khi mình biến chứng sau khi mổ? Vậy là mẹ phải trải qua cả đau đẻ lẫn đau mổ. Sau khi mới sinh, mẹ không ngồi dậy nổi, đến nỗi khi người ta trả con về cho mẹ, bà nội mới là người đón con”.

Rõ ràng, khi sinh con, người mẹ đã phải trải qua biết bao nhọc nhằn, thậm chí còn có thể gặp sự cố nguy hiểm đến tính mạng. Những điều này đâu phải bất kỳ đứa trẻ nào cũng biết. Tập sách Nhật ký của mẹ là câu trả lời thú vị khi đứa trẻ hỏi: “Mẹ ơi, con đã sinh ra đời như thế nào?”. Bằng các tranh minh họa ngộ nghĩnh, đứa trẻ có thể hình dung được điều ấy. Nhiều bác sĩ nhi khoa khuyến khích các bậc phụ huynh nên ghi lại nhật ký những ngày mẹ mang thai, thậm chí, sau này đứa trẻ ra đời cũng nên ghi diễn biến mỗi ngày vì đó sẽ là một món quà độc đáo nhất chỉ có được từ bố mẹ.

Huyền Sương

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/mon-qua-doc-dao/a125236.html


 

Giúp trẻ hiểu về giá trị sống

PN - Trong cuộc sống hiện tại, chia sẻ cùng con các giá trị sống là điều không dễ. Nhiều bậc phụ huynh do không có thời gian nên thường tự nhủ, hãy đợi con mình lớn khôn một chút rồi hãy tính đến chuyện này. Thật ra, theo UNESCO, đợi trẻ lên tám đã là điều quá trễ.

Đồng tình với quan niệm này, tập sách Những giá trị sống trong giáo dục con trẻ (nguyên tác: Living Values Parent Groups: A Facilitator Guide) của Diane Tillman(*) biên soạn giúp các bậc làm cha mẹ có thêm tài liệu chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về các kỹ năng nuôi dạy trẻ từ 3 đến 14 tuổi.

Trong quá trình nuôi dạy con, không thể không đề cập những giá trị sống như trung thực, khiêm tốn, tôn trọng, giản dị, trách nhiệm…

GIA-TRI-SONG-R

(*) NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, bản dịch của Hàn Thị Thu Vân - Phạm Thị Sen

Giải thích những khái niệm ấy không phải lời giáo huấn khô khan mà đều nên được lồng vào câu chuyện cổ tích, thơ ca, âm nhạc… Sự uyển chuyển này giúp trẻ em dễ tiếp thu hơn. Chẳng hạn, bài học về tính trung thực là câu chuyện ngày nọ đức vua muốn tìm người kế vị. Mỗi người con được ngài trao cho một hạt giống hoa đem về trồng. Đến ngày hẹn, hoa của ai đẹp nhất thì ngài sẽ truyền ngôi. Riêng hạt của công chúa nọ, dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không nảy mầm. Đến ngày hẹn, ai nấy đều dâng lên các loại hoa muôn hồng nghìn tía, chỉ riêng công chúa ấy là dâng chậu đất. Thật bất ngờ, đức vua đã truyền ngôi cho cô. Tại sao? Bởi cô trung thực, các hạt mầm ấy đều đã được rang chín.

Ngoài ra, tập sách này còn đề cập đến các kỹ năng làm cha mẹ. Nhiều người nghĩ rằng mình đã sẵn sàng với vai trò làm cha mẹ, nhưng đến khi gặp phải những vấn đề của con trẻ thì lại không biết làm thế nào mới đúng. Chia sẻ một trong những vấn đề đó, nhà giáo dục Trish Summerfield nhấn mạnh: “Mô hình giáo dục giá trị sống không khuyến khích việc đánh mắng hay ngược đãi thân thể, mà hướng đến kỷ luật tích cực, nghĩa là khi trẻ phạm tội, hãy khuyến khích chúng nhận sai lầm, rút ra bài học kinh nghiệm”. Diane Tillman cũng đưa ra những lời khuyên như phải dành thời gian chơi đùa, lắng nghe và tâm tình cùng con; lời khen ngợi dành cho con phải chân tình thì mới có thể củng cố những hành vi tích cực v.v…

Huyền Sương

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/giup-tre-hieu-ve-gia-tri-song/a124295.html


 

Dẫn con đi ăn tiệc

PN - Vào những dịp cuối năm, có nhiều lời mời, liên hoan tổng kết, tất niên khiến chị bạn tôi phát mệt. Mệt không phải do ăn uống vô điều độ, vì tự mình biết kiềm chế, mà mệt vì phải dẫn theo cô nhóc đến chỗ đông người, bởi cháu hiếu động, tinh nghịch quá. Lúc nào chị cũng phải lăm lăm để mắt tới, chẳng thể yên tâm chút nào. Tưởng là “chuyện nhỏ như con thỏ”, nhưng dẫn con đi ăn tiệc quả là mệt cả đầu. Dặn dò, hướng dẫn thế nào để con trẻ có thể hiểu và thực hiện?

Nắm bắt tâm lý này, tác giả Nguyễn Quỳnh và họa sĩ Thanh Xuân biên soạn tập sách nhỏ Khi đi dự tiệc (NXB Trẻ) dành cho trẻ nhỏ.

Câu chuyện gần gũi và phổ biến là ngày nọ, bé Lâm và Na cùng ba mẹ đi dự tiệc tại nhà hàng. Khi đọc, nhiều người bật cười vì thấy có tình huống không khác gì lúc con mình vòi vĩnh đòi cái bong bóng gần sân khấu. Phải làm thế nào? Nhân vật trong truyện bảo: “Bong bóng để trang trí nhà hàng, mình không được tự ý lấy đâu”.

dan-con-di-an-tiec-R_1

Rồi khi nhà hàng vừa dọn thức ăn lên, có trẻ không chịu ngồi vào bàn mà đòi mẹ dẫn đi xem hồ cá. Lại do thích chạy nhảy nên nhiều cháu ăn thật nhanh; rồi có lúc thấy món này ngon, hợp “gu” nên đòi ăn thêm nữa... Những chuyện vặt vãnh ấy đã khiến nhiều phụ huynh muốn nổi cáu, nhưng không thể. Vậy cách tốt nhất là hướng dẫn, dặn dò bé trước ngay từ lúc ở nhà.

Sách thể hiện theo cách vừa kể chuyện, vừa có bài luyện tập nên sẽ giúp trẻ ghi nhớ cách ứng xử tốt trong   buổi tiệc.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/khi-con-da-lon/dan-con-di-an-tiec/a137415.html


 

Đố mẹ, đố con...

PN - Sau những lúc trò chuyện cùng nhau, bé nằm trong lòng mẹ bỗng dưng hỏi: “Mẹ có biết không, ở lớp học, thỉnh thoảng cô giáo có ra câu đố mẹ à.

Lúc đó vui lắm. Bọn con tranh nhau trả lời, có lúc đúng lúc sai nhưng cô cũng mỉm cười”. Nghe lời thủ thỉ của cô gái út, chị bạn tôi hỏi thêm: “Thế cô giáo đố câu thế nào? Con đố lại xem mẹ có trả lời được không?”. Bé đăm chiêu nhớ lại, giây lát sau bắt chước bố lúc sực nhớ ra điều gì liền vỗ tay vào trán reo lên: “Cô đố câu này mẹ à: “Quả gì mắt ở khắp người? / Say sưa giấc ngủ suốt thời thanh xuân/ Khi nào mắt mở toàn thân/ Xin cứ hái, chớ lần khân kẻo hoài”. Đố mẹ trái gì?”.


do-me-do-conRR

 

Chà, cũng không dễ chút nào. Chị suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trái mãng cầu. Đúng chưa?”. Chắc chắn cô gái cưng sẽ hôn lên má mẹ một cái rồi khen như mọi lần: “Mẹ của con giỏi ghê”. Chị chờ mãi, bỗng nghe cháu nói: “Đáp án của mẹ sai rồi. Không phải đâu, đó là quả na”. Nghe thế chị phì cười và giải thích: “Mẹ cũng đúng mà con cũng đúng luôn. “Quả gì mắt ở khắp người?” mà cô giáo đố con cùng các bạn, ở ngoài Bắc gọi quả na, trong Nam gọi trái mãng cầu”.

Những lúc hàn huyên giữa mẹ và con, đố nhau sẽ rất thú vị. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng nhớ nhiều câu đố để có thể vui chơi cùng con. Đáp ứng nhu cầu này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã biên soạn tập sách 420 câu đố vui thông minh (NXB Trẻ). Đây là tác giả nổi tiếng về tấm gương hiếu học. Dù sử dụng bút bằng chân vì không thể viết bằng tay như người bình thường nhưng ông đã phấn đấu học giỏi và trở thành nhà giáo.

Trong tập sách này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký tập trung vào các chủ đề như Đố em biết hoa gì? con gì? cá gì? cây gì? rau gì? bánh gì? hạt gì? Ngoài ra, trong sách còn có cả phần đố về lịch sử nữa. “Tỉnh gì có cầu Hàm Rồng/ Bao năm chiến tích anh hùng lưu danh/ Nhớ Lê Lợi, nhớ Lam Kinh/ Nhớ Triệu tướng, nhớ Ba Đình, Sầm Sơn?”. Với các địa danh này, các em sẽ đoán biết là tỉnh Thanh Hóa v.v… Đôi khi tác giả cũng đố không kém phần lắt léo nhằm khơi gợi thêm sự suy nghĩ, tưởng tượng của các em, chẳng hạn: “Con gì dãi nắng dầm sương/ Dẫn ta đi khắp bốn phương xa gần?”. Tất nhiên, sẽ có đáp án như con ngựa, con lừa nhưng ở đây tác giả chọn đáp án “con đường”.

Với lợi thế còn là nhà thơ nên tác giả gieo vần chỉn chu, sử dụng vốn từ phù hợp với nhận thức của các em  học sinh.

HUYỀN SƯƠNG

http://m.phunuonline.com.vn/gia-dinh/blog-cho-con/do-me-do-con-/a136023.html


Vui với đồ chơi tự tạo

 

PN - Không phải cứ đồ chơi ngoại nhập là tốt, bởi có những sản phẩm sử dụng nguyên vật liệu có chất độc hại cho sức khỏe. Do đó, khi con trai đòi mua các thứ đồ chơi trong siêu thị, chị bạn tôi lắc đầu. Dù con nằng nặc, phụng phịu, nhưng chị vẫn đánh trống lảng rồi dẫn qua gian hàng khác.

Nhiều bậc phụ huynh cũng có tâm lý này và họ nhớ lại tuổi thơ của mình, thời đó, hầu hết các thứ đồ chơi đều tự tay làm nhưng cũng vui không kém. Có những buổi trưa, trốn bố mẹ không ngủ, lui cui vót nan tre, cắt giấy báo làm cánh diều, rất oách. Nhớ lại những ngày ấy, chị bạn tôi bảo: “Ngoan đi con, về nhà mẹ con mình làm đồ chơi nhá!”.

Ai cũng biết rằng, những lúc mẹ con cùng trò chuyện, cùng hợp tác thì vui nhộn, nhưng đâu phải ai cũng khéo tay và biết cách làm. Tập sách Tự tạo đồ chơi đơn giản (NXB Phụ Nữ) do Lê Khanh biên soạn giải quyết được nỗi lo ấy. Trước hết, nhằm tiết kiệm “nguyên liệu sản xuất”, phụ huynh cần tận dụng giấy đã qua sử dụng như giấy báo, cạc tông; các hộp có thể sử dụng như hộp sữa tươi, hộp nước trái cây, lon sữa… Ngoài ra, còn phải có các “thiết bị chuyên dụng” như kéo, màu nước, băng keo, kìm bấm, dây kẽm…

vui-voi-do-choi-tu-taoRR

Các hình vẽ trong sách minh họa cụ thể, hướng dẫn trẻ tự xếp giấy làm cái mũ cô gái Hà Lan, máy bay, chim bồ câu, chiếc thuyền tam bản, chim cánh cụt… Nếu thích, để “không đụng hàng”, có thể bày cho các bé tô màu lên sản phẩm vừa làm ra. Không chỉ thế, các bé còn có thể tự chế xe hơi, chú ếch nhí nhố, ca nô… không thua gì đồ chơi bày bán ngoài siêu thị. Chẳng hạn, làm bánh xe là các miếng cạc tông cắt tròn, mỗi bánh xe dán từ ba-năm miếng tùy theo độ dày của giấy; thân xe là các hộp thuốc tây được trang trí màu sắc theo ý thích, kiếng xe thì dùng giấy bạc…

Không phải ngẫu nhiên các nhà nghiên cứu tâm lý cho rằng, quá trình cùng chơi, hướng dẫn con cái có tác dụng rất lớn trong việc củng cố quan hệ tương tác giữa bố mẹ và con cái; qua đó, còn giúp trẻ phát huy khả năng giao tiếp giữa người và công cụ. Thật vậy, cậu con trai của chị bạn tôi từ khi được mẹ khuyến khích tự làm đồ chơi, cu cậu khoái lắm.

Dù chưa đẹp, chưa thật hoàn hảo, nhưng với đồ chơi tự làm, trẻ có dịp thể hiện sự khéo tay, phát triển óc sáng tạo, tự điều chỉnh những gì chưa hợp lý… Chị bạn nghe ấm lòng khi con trai thủ thỉ: “Mẹ à, Chủ nhật tuần tới đi chơi công viên mẹ nhớ đội cái mũ con làm tặng mẹ đấy nhé”. Nghe dễ thương không?

HUYỀN SƯƠNG

http://m.phunuonline.com.vn/hon-nhan-gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/vui-voi-do-choi-tu-tao/a136970.html


Mẹ ơi, thế giới có gì lạ không?

PN - Đừng tưởng các cháu đang học tiểu học là còn bé. Chúng có thể hỏi những câu “động trời” khiến không ít bậc phụ huynh kinh ngạc, sững sờ: “Bố/mẹ ơi, thế giới có gì lạ không?”. Chà, chúng quan tâm đến cả chuyện chính trị, xã hội trên toàn thế giới nữa chăng? Nếu chúng hỏi vì sao kinh tế toàn cầu suy giảm, vì sao xăng giảm giá… thì nguy to. Kiểu này, chắc mỗi ngày cha mẹ phải lướt web, phải đọc báo để nắm các thông tin thời sự, kẻo không lúc chúng tra hỏi mà bí rị thì “quê độ” lắm lắm.

Chiều hôm qua, khi vào sở thú, bé út níu tay hỏi: “Mẹ ơi, có phải con nhím có lông nhọn từ khi mới sinh ra không hở mẹ?”. Rồi lần kia, thấy mẹ chuẩn bị đi ăn đám cưới, diện thêm chiếc nhẫn, bé lại hỏi: “Mẹ ơi, kim cương ở đâu mà có?”. Thú thật, những câu hỏi này cũng không dễ dàng trả lời nếu không có kiến thức nhất định. Với đứa trẻ, thế giới chung quanh luôn “bí ẩn” và chúng khát khao được giải thích, được tìm hiểu.

7-thegioicogi-lakhongRR

Trước các câu hỏi của con, nhiều chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, cần trả lời cụ thể, chính xác và nhất là không nên né tránh. Hiện có nhiều loại sách vừa dành cho trẻ em vừa dành cho phụ huynh.

Có thể kể đến Thế giới có gì lạ không? (NXB Trẻ) do Thục Anh sưu tầm, biên soạn. Trong tập sách này, có nhiều câu hỏi tưởng đơn giản, nhưng trả lời ra sao là việc không đơn giản. Chẳng hạn, vì sao đàn chim thường bay theo hình chữ V? Vì sao có động đất? Vì sao chim đậu trên sợi dây điện mà không bị giật? Vì sao da cá lại trơn? v.v…

Ai đó đã nói một câu thật chí lý, khi tìm hiểu kiến thức trả lời cho con, cũng là lúc các bậc làm cha mẹ đang học. Có học, có thấu hiểu vấn đề thì mới có thể giải thích cho con. Mà qua đó, cũng là dịp ôn lại các kiến thức đã quên hoặc bây giờ mới biết.

Các câu hỏi thiết thực, gần gũi này đều được trả lời ngắn gọn, dễ hiểu và có thêm hình vẽ minh họa. Các phụ huynh có thể cùng con vừa đố nhau và xem cách trả lời trong sách. Thiết nghĩ, hình thức trên cũng là một dạng sinh hoạt “ngoại khóa” hữu ích cho cả mẹ con. Những thông tin trong sách sẽ giúp cho trẻ am hiểu thế giới chung quanh ngày một nhiều hơn...

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/me-oi-the-gioi-co-gi-la-khong/a136489.html


Trở về tuổi thơ

 

PN - Hễ đi học thì thôi, lúc về đến nhà, trăm lần như một cô cậu nhóc lại cắm cúi với máy tính bảng, điện thoại di động. Lúc mở vi tính, thay vì tra cứu các tài liệu học tập thì chúng lại “thả hồn” theo các trò chơi trực tuyến. Chị bạn của tôi vò đầu bứt tai bởi không làm sao kéo được con mình thoát khỏi thế giới ảo. Các bậc phụ huynh nào cũng thừa biết rằng, ngoài thời gian học tập, trẻ cần phải vận động thân thể qua các trò chơi vui nhộn, phù hợp lứa tuổi. “Thế mẹ chơi với con đi mẹ”, trước đòi hỏi chính đáng ấy, nhiều người chợt tần ngần: “Bày cho con trò chơi gì?”. Câu hỏi “nghiêm trọng” ấy có thể tìm được câu trả lời qua tập sách 100 trò chơi dân gian cho thiếu nhi (NXB Kim Đồng).

 

7-doc-sach-cung-con-6-TRO-CHOI-DAN-GIAN.RRjpg

 

Hầu như các gia đình ở thành phố đều cảm thấy khó khăn lúc tạo sân chơi cho trẻ. Căn nhà bé tẹo như hộp diêm, làm sao có một không gian rộng như ý muốn? Chẳng sao cả, vẫn có những trò chơi phù hợp dù ở trong nhà. Chẳng hạn, “Oẳn tù tì/ Ra cái gì?/ Ra cái này” cũng tạo nên tiếng cười vui nhộn; chơi búng dây thun, ai búng được nhiều hơn là thắng; chơi kéo xèng tạo ra sự nhanh nhẹn, khéo léo cho đứa trẻ… Những trò chơi đơn giản này tạo cho trẻ cách thao tác linh hoạt mà không kém phần hứng thú.

Nếu các trò chơi điện tử đầy rẫy các âm thanh “đùng đùng, pằng, chéo” ầm ĩ, đứa trẻ nhận một cách thụ động thì các trò chơi dân gian lại khác. Chị bạn tôi vui mừng cho biết, từ khi chơi với con, mẹ con chị đã… thuộc khá nhiều bài đồng dao ngộ nghĩnh. Cùng con chơi trò chi chi chành chành, chị mở lòng bàn tay ra, con gái chị đặt ngón tay trỏ vào đó rồi cả hai mẹ con cùng đọc nhịp nhàng: “Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa dứt cương/ Ba vương ngũ đế/ Chấp chế đi tìm/ Ù à ù… ập”. Mỗi lần đến tiếng “ập” là chị nhanh chóng khép bàn tay lại, có lúc nắm được ngón tay con đang vội rút ra, có lúc không, vui đáo để.

Nhiều lúc cha mẹ bận việc, không thể chơi chung với con, có những trò chơi dành cho anh em bọn trẻ. Trò kéo cưa lừa xẻ, cả hai cùng ngồi, hai bàn chân chạm vào nhau làm điểm tựa, còn hai bàn tay nắm vào nhau lúc kéo về bên này, lúc đẩy về phía kia nhịp nhàng như đang tập thể dục. Dù đang làm bếp nhưng các bậc phụ huynh cũng có thể tham gia bằng cách hòa nhịp hát đồng dao với con: “Kéo cưa lừa xẻ/ Ông thợ nào khỏe/ Về ăn cơm vua/ Ông nào kéo thua/ Về bú tí mẹ…”.

Theo TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: “Trẻ em ở một xã hội công nghiệp chỉ quen với máy móc và không có khoảng trống để chơi cũng là một thiệt thòi… Vì thế, giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn trò chơi dân gian là một việc cần thiết”. Thật vậy, tùy theo không gian của mỗi nhà, tập sách 100 trò chơi dân gian cho thiếu nhi có thể đáp ứng được nhu cầu trên. Mà chơi với con không chỉ là đơn thuần là chơi mà lúc ấy, mẹ cùng con có thể tâm sự, sẻ chia nhiều chuyện khác nữa. Nhờ vậy, sự đồng cảm và thấu hiểu lẫn nhau có dịp hình thành mỗi ngày như chất gắn kết các thành viên trong gia đình.

HUYỀN SƯƠNG

http://m.phunuonline.com.vn/hon-nhan-gia-dinh/loi-yeu-thuong/tro-ve-tuoi-tho/a129639.html


Cùng con giữ gìn sức khỏe

PN - Hầu như bậc phụ huynh nào cũng khuyên nhủ con phòng bệnh nhưng không phải ai cũng có kiến thức về y học và sức khỏe để dạy con. Tập sách Quiz! Khoa học kỳ thú - Bệnh tật, vi khuẩn (NXB Kim Đồng) của An, Guang-hyun do Thanh Thủy dịch đã góp phần giải quyết nỗi ưu tư trên.

Ngày nọ, chị nữ đồng nghiệp có con bị sốt, dù cả hai vợ chồng cùng thương con, cùng tìm “phương thức tối ưu” nhất giúp con mau lành bệnh nhưng cả hai lại… cãi nhau chí chóe. Ai cũng cho hiểu biết của mình đúng nhất. Cuối cùng, khi tham khảo ý kiến bác sĩ (BS) thì hóa ra họ chỉ hiểu lơ mơ về y học mà thôi.

Câu chuyện này, hầu như khá phổ biến như… trong sách! Ở đó, BS Miu Miu đã giải thích bệnh và cách phòng bệnh cụ thể.

CUNG-CON-GIU-GIN-2SUC1-KHOE-R

Người mẹ nào không có lúc âu lo khi con sốt xuất huyết, đau răng, suyễn, viêm mũi dị ứng… Chà, những lúc đó thằng nhóc làm nũng phải biết khiến bố mẹ càng âu lo hơn. Lại có cô bé bị bệnh phải tiêm thuốc, nhưng em không chịu để BS “tét” một cái vào mông. Đau lắm. Hãy nghe BS Miu Miu giải thích: “Đó là để các cơ ở chỗ tiêm dãn ra và người bệnh cảm thấy ít đau hơn khi bị tiêm”. Rồi, khi trẻ “ách xì” thường dùng tay bịt mũi. Chuyện này có nên hay không? Tất nhiên là không vì chẳng khác gì lấy tay đón vi khuẩn.

Có đứa trẻ cắc cớ hỏi “vi khuẩn là gì?” thì phải trả lời sao? Chi bằng hãy kể lại câu chuyện nhân vật bé Tan Tan ăn bánh ngọt bị ngộ độc. Sau khi giải thích rõ ràng, phần kết luận ngắn gọn nhưng dễ nhớ: “Để tránh bị ngộ độc thực phẩm các bạn luôn để ý đến hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm và ăn chín uống sôi. Hơn nữa, trước khi nấu hoặc ăn, các bạn nhớ rửa tay thật sạch với xà phòng v.v…”.

Những lời khuyên này, không phải đứa trẻ nào cũng nhớ, cũng biết. Và nhờ câu chuyện minh họa bằng tranh vẽ, có đối thoại gần gũi sẽ khiến trẻ sẽ nhớ lâu hơn.

Huyền Sương

http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/khi-con-da-lon/cung-con-giu-gin-suc-khoe/a127863.html


Học chữ qua tranh

PN - Tập cho con viết từng mẫu chữ cái, viết thật đẹp, viết đúng quy tắc là một phần trách nhiệm của cha mẹ. Không chỉ tập viết, đứa trẻ còn có nhu cầu được hình thành những hình ảnh có liên quan đến từng nét chữ, từng mẫu tự.

Vì lẽ đó, nhà giáo Phạm Hà cùng họa sĩ Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thanh Tú hợp tác thực hiện bộ sách Học chữ cái tiếng Việt bằng tranh (NXB Kim Đồng). Trước hết, phải ghi nhận là tập sách này “bắt mắt”, từ giấy được chọn in đến nét vẽ ngộ nghĩnh, trong sáng. Mở đầu tập sách với chữ a thường và A hoa, ta thấy có các hình ảnh minh họa như: ngôi sao, bức ảnh, cái áo, chiếc lá, cái ca, con gà, cuốn sách. Khi tập viết chữ a, các bé có thể hình dung âm “a” từ các hình vẽ ấy. Với mẫu tự ă là hình vẽ găng tay, cái khăn, lọ tăm, mặt nạ v.v…

Có một điều thú vị, dù vẽ các con vật nhưng họa sĩ cũng khéo léo vẽ lúc chúng đang cười, nhờ thế hình ảnh các con vật trở nên thân thiện, sinh động hơn. Chẳng hạn, con mèo trong mẫu tự m là hình cô mèo cầm dù khá đỏm dáng; con sư tử thường dữ dằn nhưng hình minh họa ở mẫu tự ư lại hiền khô bởi đang cười…

7-hoc-chu-bang-tranhRR

Các tác giả đã trình bày 29 chữ cái tiếng Việt, 140 từ thông dụng có hình ảnh minh họa. Không chỉ xem hình, ở mỗi chữ cái đều có chữ mẫu trong ô li (như trong tập vở học trò) để các cháu tập viết theo. Cách viết được hướng dẫn từ nét đầu tiên, có mũi tên hướng dẫn nét kế tiếp một cách rõ ràng. Như thế, các bậc phụ huynh chỉ hướng dẫn một lần, các cháu đã có thể tự biết cách viết theo. Quyển sách này có thể sử dụng được nhiều lần nếu phụ huynh cho con em sử dụng tập viết bằng bút chì, sau đó, dễ dàng tẩy xóa để viết lại lần nữa. Do giấy tốt, trắng và dày nên cách xử lý tiết kiệm ấy hoàn toàn phù hợp. Khi cùng con học chữ qua tranh, phụ huynh lật từng trang, chỉ từng tranh và dạy cho bé các từ; trẻ nói xong mỗi từ thì ta nhắc lại chữ mà bé cần tập viết, ví dụ: mẫu tự a trong từ sao v.v… Với cách “học mà chơi” này, có sự liên tưởng đến hình ảnh cụ thể, trẻ mau nhớ mặt chữ.

Nhiều nhà khoa học cho rằng trẻ từ hai tuổi đã bước vào giai đoạn “nhạy cảm” với ngôn ngữ nhất trong cuộc đời. Do đó, các bậc cha mẹ nên tận dụng thời điểm này giúp con làm quen với từ ngữ. Tập sách Học chữ cái tiếng Việt bằng tranh phù hợp với nhận thức của đứa trẻ. Qua đó, cũng là dịp các bậc phụ huynh có thể hình dung lại các mẫu tự khi viết tay sẽ như thế nào, vì lâu nay chúng ta đều gõ vi tính nên có lúc quên đi cách viết chuẩn mực.

HUYỀN SƯƠNG

http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/tu-sach-gia-dinh/hoc-chu-qua-tranh/a127040.html

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com