PN - Nhiều người cho rằng, lịch sử thường khô khan, bởi các sự kiện gắn liền với các con số cụ thể ít ai nhớ nổi. Thật ra không hẳn như thế. Với tập sách Lịch sử nước nhà (từ mở nước đến thế kỷ XIX) do NXB Trẻ ấn hành, nhà giáo Đinh Công Tâm đã chọn cách kể giản dị, dễ hiểu và phù hợp với trẻ nhỏ.
Có lúc con cái bạn đặt câu hỏi, nếu không hiểu lịch sử ắt bạn bó tay: “Mẹ ơi, Hùng Vương là ông nào mà được đặt tên cho trường con đang học hả mẹ?”; hoặc: “Ủa, tên đường nhà mình là Hai Bà Trưng. Đó là hai bà nào mẹ ơi?”. Khi đặt câu hỏi liên quan lịch sử, dù ngẫu nhiên nhưng cũng cho thấy trẻ luôn quan tâm đến thế giới chung quanh. Trong gia đình, biết tên bố mẹ, ông bà; đến lớp biết tên thầy cô giáo, bạn bè… nhưng rồi khi ra đường, đến nơi này nơi kia được đọc hoặc nghe nhắc đến những cái tên như Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung… thì trẻ luôn có nhu cầu tìm hiểu.
Còn gì thú vị hơn, trong ngày cưới của chị Hai, trẻ đứng nhìn mâm trầu cau và hỏi: “Nhà mình có ai ăn trầu đâu?”. Đó là dịp bạn có thể bắt đầu bằng câu “ngày xửa, ngày xưa”… để kể sự tích trầu cau cho bé. Và cũng như những câu chuyện khác, có thể bạn không còn nhớ đến từng chi tiết như chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung, Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh… thì qua tập sách này, bạn có dịp ôn lại nhanh chóng. Ngoài phần huyền thoại, dã sử, còn là những câu chuyện lịch sử như khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền… với các đoạn thơ, ca dao được trích dẫn kèm hình ảnh minh họa, giúp trẻ nhớ lâu hơn.
Chị bạn tôi cho biết, có lần lấy ca dao ra đố con mình: “Sâu nhất là sông Bạch Đằng/Ba lần giặc đến ba lần giặc tan”, đó là giặc nào? Thế là trí óc non nớt của cô bé thắc mắc ghê gớm, đòi mẹ trả lời cho bằng được. Tuy nhiên, không phải ai ai cũng nhớ rành rọt ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông đã diễn ra như thế nào. Nhờ cách viết ngắn gọn từ những trang sách, bạn có thể đọc cùng con, những từ ngữ nào trẻ khó hiểu thì bạn sẽ giải thích cho trẻ. Cách “học mà chơi” này sau đó còn giúp cho trẻ “nhớ lại” học môn sử.
Kể chuyện lịch sử gắn với câu chuyện cụ thể sẽ hấp dẫn trẻ nhiều hơn. Bên cạnh đó, nhiều nhà giáo dục cho rằng, thơ ca còn tác động đến lòng yêu nước của trẻ bởi vần điệu dễ nhớ. Chẳng hạn, trong tập sách này còn có bài thơ Tình quê hương của nhà thơ Kiên Giang như: “Con còn sống ngày nào trên đất nước/ Nếu ai xâm chiếm đến quê hương/ Tình quê sẽ hóa ra tình nước/ Tình nước đúc thành súng với gươm…”. Tập sách không chỉ giúp trẻ hiểu về lịch sử mà các bậc phụ huynh còn có dịp ôn lại, bổ sung kiến thức nhẹ nhàng như một cách thư giãn sau những bận rộn mưu sinh.
Huyền Sương
http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/ke-cho-con-chuyen-lich-su/a128755.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|