BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết Nhà thơ TRƯƠNG NAM HƯƠNG - Vẫn “cỏ tuổi hai mươi”

Nhà thơ TRƯƠNG NAM HƯƠNG - Vẫn “cỏ tuổi hai mươi”

truong-nma-huong-le-huyen-suong-R

 

Trương Nam Hương, cái tên dủ để bảo chứng cho tài năng. Hương hiền khô, nói năng bao giờ cũng khiêm nhường, dáng di tự tại. Nhất là, khi nào cũng thấy Hương cười, nụ cười hiền như trai mới lớn đang được đứng kề bên cô gái mà mình thích. Mấy lâu nay tôi vẫn nghĩ, Hương tài hoa quá mà sao cũng lận đận quá. Liệu cuộc đời có bất công với Hương không (?). Nhưng rồi tôi lại nghĩ, các là mình cũng đã lẩn thẩn mất rồi, bởi với bản tính của Hương, có bao giờ Hương so đo tính toán gì đâu.

Tôi thuộc nhiều thơ của Hương, những câu thơ đẹp, những ngôn từ đẹp. Cái đẹp đến từ sự giản dị, an nhiên của con chữ mà sao chứa nhiều da diết dến thế. Như khi Hương viết: “Đắng lòng môi chạm yêu thương/ Thời gian quên bỏ chút đường đấy em”, hay đơn giản hơn chỉ là: “Ném vốc tuyết lên trời/ Xin chớ lầm với cát”.

Hương đã ném bao nhiêu vốc tuyết lên trời rồi, tôi không biết nữa. Bao nhiêu người nhầm tưởng ấy là cát rồi, tôi cũng không biết nữa.

Chỉ biết rằng, Hương vẫn là Hương, một Hương thi sĩ, một Hương tài hoa, một Hương vẹn toàn.


1.

Trong những ngày này, Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM) đang tổ chức kỷ niệm 40 năm (1975-2105). Nhiều bạn sinh viên thời ấy vẫn còn nhắc câu chuyện vui, nghe qua ai cũng cứ ngỡ là đùa nhưng lại là sự thật. Thời sinh viên, hai bạn thơ Trương Nam Hương và Lê Minh Quốc luôn cặp kè với nhau như hình với bóng. Lúc đó, ở Ký túc xá trên Thủ Đức, họ ở chung phòng số 6. Nếu ai đã từng đọc truyện ngắn của nhà văn Sô Khốp, ắt biết đây là số phòng dành cho nhân vật… người điên.

Không điên sao được, nay từ năm thứ nhất, khi cả hai luôn miệt mài làm thơ và bắt tay “thi đua”: “Ai sẽ là người đầu tiên có thơ in trên báo Văn Nghệ TP.HCM?”. Thời đó, chỉ cần lọt vào “mắt xanh” của nhà thơ Chim Trắng, được ông chọn in là vẻ vang lắm. Hơn nữa cũng là lúc có một khoản tiền nhuận bút kha khá đặng “cải thiện” những bữa ăn ảm đạm, tẻ nhạt ở Ký túc xá chỉ có “canh toàn quốc” là món chủ đạo!

Vì mải mê làm thơ nên, nói thật mà không sợ mắc lòng là họ rất dốt môn tiếng Nga, vì thế mới có giai thoại này: Vào ngày thi ra trường, đến phần thi môn “vấn đáp” môn tiếng Nga, khi cô Dung cô đọc một đoạn thơ bằng tiếng Nga và bảo dịch tại chỗ. Nếu nhớ không lầm đó là thơ của thi hào Puskin. Dù vểnh tai, căng tai nhưng chỉ đoán ra chữ đực, chữ cái, chữ tác, chữ tộ loáng thoáng hiểu đại khái nội dung, thế là cả hai bàn với nhau “nghệ thuật” qua truông một cách ngoạn mục.

Vào phòng thi, Trương Nam Hương và Lê Minh Quốc bèn láu cá dịch luôn qua tiếng Việt bằng thơ! Cô Dung khen đáo để vì dù không sát từng từ từng chữ nhưng cũng nói lên được tinh thần, chủ đề của bài thơ. Thế là môn thi mà họ dốt nhất lại được điểm cao tuyệt đối. Giai thoại này vẫn còn lưu truyền trong các bạn sinh viên trẻ hiện nay, bởi đã là sinh viên Khoa Ngữ văn và Ngôn ngữ thì không thể thiếu tố chất lãng mạn và… liều lĩnh đáng yêu ấy. Và một điều bất ngờ thú vị nữa, năm 1998, anh đoạt giải  thưởng dịch thơ tiếng Nga của Tạp chí Văn học nước ngoài.


2.

Ngay sau khi ra trường, có lúc nhà thơ Trương Nam Hương về công tác tại NXB Công an Nhân dân chi nhánh phía Nam, rồi sau đó về làm tờ An ninh thế giới - thời nhà văn, nhà báo Hữu Ước làm Tổng Biên tập. Chính lúc ấy, anh có sáng kiến mở chuyên mục “Bàn tròn nhà văn”. Mỗi số mời một nhóm nhà văn đến tòa soạn cùng trao đổi một vấn đề về thời sự văn nghệ. Có phóng viên tường thuật đầy đủ. Chuyên mục này rất được bạn đọc yêu thích. Tất nhiên, dù làm báo có nghề nhưng anh vẫn không quên sở thích trời cho: Thơ và thơ. Do đó không phải ngẫu nhiên tập thơ đầu tay Khúc hát người xa xứ, in năm 1990 của anh đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đó, anh đã đoạt giải B về thơ (không có giải A) của tạp chí Văn nghệ Quân đội với chùm thơ Nhớ mẹ và làng Quan họ, Cánh rừng ngày ấy v.v…

Lúc đó, anh trở thành hội viên Hội Nhà văn trẻ tuổi nhất và tất nhiên cũng có không ít cô liếc ngang liếc dọc. Chuyện này cũng bình thường thôi. Với các nhà thơ, nghĩ cho cùng đó cũng chính là cảm hứng để họ có thơ lại cho đời. Một trong nhiều bài thơ tình của anh được bạn đọc yêu thích, có thể kể đến bài thơ Quán thời gian: “Mời em vào quán Thời gian/ nâng ly ký ức uống làn hương xưa/ Mời em vào quán Không mùa/ ta chia nhau ngọn gió mùa rét căm/ Mời em vào quán Không năm/ để nghe nhớ khóc ướt đầm ngón tay/ Mời em vào quán Không ngày/ để xem trời thả heo may - Để buồn…/ Đắng lòng môi chạm yêu thương/ thời gian quên bỏ chút đường đấy em!”.

Đọc lại một lần nữa, ta sẽ thấy cấp độ thời gian giảm xuống dần như một ngụ ý của nghệ thuật, khiến người đọc băn khoăn, xao xuyến mãi. Và nhạc sĩ Phú Quang đã phổ bài thơ này bằng giai điệu da diết lắm.

Nhân đây cũng nói luôn nhà thơ Trương Nam Hương “có duyên” với các nhạc sĩ lắm. Đã có gần một trăm thơ của anh được âm nhạc chắp cánh bay vào lòng người như “Có một vài điều anh muốn nói với em” (Phú Quang), "Hà Nội nhớ” (Thế Hiển), "Hà Nội chiều đông” (Ngọc Khuê), "Mơ thu” (Võ Công Diên), "Hai mươi mùa” (Lê Hải), "Em với Hồ Gươm” (Lê Trung Tín)… Không chỉ thơ tình, ít ai biết mảng thơ viết cho thiếu nhi như tập Ban mai xanh của anh cũng tạo được ấn tượng riêng - nhất là câu chữ trìu mến dành cho con. Ngày 2 cháu gái Mai Hạ, Thiên Thanh còn bé hay khóc nhè, anh bèn ru con bằng… thơ của mình: “Ngoan nào cho bố làm thơ/ Bố đem đổi lấy tiền mua đồ hàng/ Con mèo xám, con chó vàng/ Búp bê biết chớp đôi hàng mi cong/ Con hờn bố viết sao xong/ (Búp bê ở tiệm sẽ không được về)/ Mèo và chó cũng e dè/ Sợ lây cái bệnh khóc nhè của con”.

Câu thơ cuối đáng yêu quá, mà cũng tình cảm quá.

Rồi lúc con gái có người yêu, anh lại thơ tặng cho con: “Những giọt cà phê hẹn hò trong đáy cốc/ Ba chứng nhân hai ánh mắt thiên thần”. Vậy nên, qua thơ của Trương Nam Hương ta có thể nhận ra rằng, nhà thơ dù bay bổng trên trời xanh nhưng vẫn đau đáu nhớ về các con mình với tất cả yêu thương.

Không chỉ thế, Trương Nam Hương  sống giàu tình cảm và có nhận xét rất tinh về đồng nghiệp…bằng thơ. Chỉ đôi dòng nhưng anh có tài khái quát được số phận một người. Chẳng hạn, lúc GS-  Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai từ trần, anh viết: “Nhớ giọng Thầy đọc thơ Thâm Tâm/ Tống biệt hành rung sóng tri âm/ Thời gian chợt hóa con sông nhớ/ Con tiễn Thầy qua khói - sóng - trầm!”. Những câu thơ này đã khiến nhiều sinh viên không cầm được nước mắt.

 

3.

Nhiều anh em văn nghệ nhận xét rằng, Trương Nam Hương là người làm công tác Hội Nhà văn TP.HCM cực kỳ “mát tay”. Hiện anh là Ủy viên Ban Chấp hành - Phó Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Tp.HCM. Năm 2007, anh và nhà thơ Lê Minh Quốc cùng các bạn thơ trong Ban thơ đương đại Hội Nhà văn TP.HCM đã thực hiện một kỷ lục “vô tiền khoáng hậu”.

Kỷ lục gì vậy?

Với mục đích góp phần đem lại niềm vui cho trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam, nhân Ngày thơ Việt Nam, các anh chị nhà thơ Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Trần Hữu Lục, Hồ Đắc Thiếu Anh, Nguyễn Vũ Tiềm kêu gọi anh em hội viên cùng góp tay làm một nghĩa cử: hoàn thành tập thơ trên giấy dó cổ truyền. Tập thơ độc bản này quy tụ trên 160 nhà thơ đang là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp viết và ký tên. Việc làm có nhiều ý nghĩa độc đáo này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam - Vietbooks chứng nhận kỷ lục Việt Nam.

Còn nhớ ngày “lịch sử” đó diễn ra lúc 15 g thứ Ba ngày 6.2.2007 tại quán cà phê số 90 đường Phạm Ngọc Thạch. Ít ai biết, vì sao các nhà thơ chọn ngày đó, giờ đó? Lúc bấy giờ, nhà thơ Trương Nam Hương và Hồ Đắc Thiếu Anh đã “bí mật” nghiên cứu các quẻ Kinh dịch. Sau khi chọn các con số, bấm đốt ngón tay Giáp, Ất, Bính, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý gì gì đó, nên quyết định luôn ngày. Đã thế, do Ban Tổ chức có số tuổi khác nhau nên bắt buộc nhà thơ Lê Minh Quốc phải mặc áo trắng, thắt cà-vạt màu vàng; nhà thơ Trương Nam Hương phải mặc áo màu xanh, thắt cà-vạt màu đỏ v.v… Chẳng rõ có phải nhờ sự phối hợp “âm dương” hợp quẻ hay không mà tập thơ này sau khi bán đấu giá đã thu về 300 triệu đồng - một số tiền không ai dám nghĩ đến dẫu có nằm mơ đi nữa.

Những chuyện vui nho nhỏ trong đời các nhà thơ, ít nhiều cũng giúp cho ta hiểu thêm tính cách của họ. Âu đó cũng là một trong những những “cánh cửa” tìm hiểu tâm hồn nhà thơ. Với nhà thơ Trương Nam Hương anh cho biết: “Với tôi, văn chương là một nghề đầy nhọc nhằn và bất trắc, nó chẳng hề hứa hẹn một điều gì với nghề cầm bút. Tôi đến với thơ là để tìm về mình. Câu thơ của tôi sinh thành từ nỗi cô đơn để an ủi những điều bất hạnh…”.

 

LÊ HUYỀN SƯƠNG
(nguồn: báo ANTG giữa tháng số 87 tháng 4.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com