BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết HUYỀN SƯƠNG: Đọc sách cùng con - Đố mẹ, đố con...

Đố mẹ, đố con...

PN - Sau những lúc trò chuyện cùng nhau, bé nằm trong lòng mẹ bỗng dưng hỏi: “Mẹ có biết không, ở lớp học, thỉnh thoảng cô giáo có ra câu đố mẹ à.

Lúc đó vui lắm. Bọn con tranh nhau trả lời, có lúc đúng lúc sai nhưng cô cũng mỉm cười”. Nghe lời thủ thỉ của cô gái út, chị bạn tôi hỏi thêm: “Thế cô giáo đố câu thế nào? Con đố lại xem mẹ có trả lời được không?”. Bé đăm chiêu nhớ lại, giây lát sau bắt chước bố lúc sực nhớ ra điều gì liền vỗ tay vào trán reo lên: “Cô đố câu này mẹ à: “Quả gì mắt ở khắp người? / Say sưa giấc ngủ suốt thời thanh xuân/ Khi nào mắt mở toàn thân/ Xin cứ hái, chớ lần khân kẻo hoài”. Đố mẹ trái gì?”.


do-me-do-conRR

 

Chà, cũng không dễ chút nào. Chị suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Trái mãng cầu. Đúng chưa?”. Chắc chắn cô gái cưng sẽ hôn lên má mẹ một cái rồi khen như mọi lần: “Mẹ của con giỏi ghê”. Chị chờ mãi, bỗng nghe cháu nói: “Đáp án của mẹ sai rồi. Không phải đâu, đó là quả na”. Nghe thế chị phì cười và giải thích: “Mẹ cũng đúng mà con cũng đúng luôn. “Quả gì mắt ở khắp người?” mà cô giáo đố con cùng các bạn, ở ngoài Bắc gọi quả na, trong Nam gọi trái mãng cầu”.

Những lúc hàn huyên giữa mẹ và con, đố nhau sẽ rất thú vị. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng nhớ nhiều câu đố để có thể vui chơi cùng con. Đáp ứng nhu cầu này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã biên soạn tập sách 420 câu đố vui thông minh (NXB Trẻ). Đây là tác giả nổi tiếng về tấm gương hiếu học. Dù sử dụng bút bằng chân vì không thể viết bằng tay như người bình thường nhưng ông đã phấn đấu học giỏi và trở thành nhà giáo.

Trong tập sách này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký tập trung vào các chủ đề như Đố em biết hoa gì? con gì? cá gì? cây gì? rau gì? bánh gì? hạt gì? Ngoài ra, trong sách còn có cả phần đố về lịch sử nữa. “Tỉnh gì có cầu Hàm Rồng/ Bao năm chiến tích anh hùng lưu danh/ Nhớ Lê Lợi, nhớ Lam Kinh/ Nhớ Triệu tướng, nhớ Ba Đình, Sầm Sơn?”. Với các địa danh này, các em sẽ đoán biết là tỉnh Thanh Hóa v.v… Đôi khi tác giả cũng đố không kém phần lắt léo nhằm khơi gợi thêm sự suy nghĩ, tưởng tượng của các em, chẳng hạn: “Con gì dãi nắng dầm sương/ Dẫn ta đi khắp bốn phương xa gần?”. Tất nhiên, sẽ có đáp án như con ngựa, con lừa nhưng ở đây tác giả chọn đáp án “con đường”.

Với lợi thế còn là nhà thơ nên tác giả gieo vần chỉn chu, sử dụng vốn từ phù hợp với nhận thức của các em  học sinh.

HUYỀN SƯƠNG

http://m.phunuonline.com.vn/gia-dinh/blog-cho-con/do-me-do-con-/a136023.html



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com