Chuyện phiếm cùng nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bến Thành nguyễn Quang Tiên:
NGƯỜI SÀI GÒN "ĐIỆU NGHỆ"
1.
Sau khi viết Hỏi đáp Non nước xứ Quảng và nhất là chuyên luận Người Quảng Nam, khiêm tốn mà nói, nhiều bạn đọc biết… tôi đích thị là dân Quảng Nam (!). Hiểu về người Quảng Nam như thế nào cho đúng? Câu hỏi “trầm trọng” này còn tranh luận chán chê, hơn ai hết “Quảng Nam hay cãi” vốn là đặc tính cố hữu đã ngàn đời máu thịt của con dân Ngũ Hành Sơn. Này nhá, chỉ xin nêu một thí dụ, trong lúc cả nước nhìn về Quảng Nam đều ngưỡng mộ danh xưng “Ngũ phụng tề phi”, thế nhưng không đồng tình lại chính… người Quảng Nam.
Oái oăm chưa?
Bởi lẽ, trong tâm thức của họ đã nghĩ rằng, dù văn hay chữ tốt, thi đỗ đạt, ra làm quan nhưng không để lại công nghiệp gì cho đời sau liệu có đáng để hậu thế ca ngợi? Ai dám nói một cách “xóc óc” đến thế? Xin thưa, chính Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng chứ nào phải ai khác. Chính nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân chứ nào phải ai khác. Cãi và dám cãi đến cỡ đó, tôi nghĩ rằng, chỉ có thể là con dân đích thực của vùng đất “rượu hồng đào chưa nhắm đã say”.
Đôi khi, tôi tự hỏi, liệu chừng tính cách “Quảng Nam hay cãi” khi nhập cư vào Sài Gòn có phải là một lợi thế? Đi tìm câu trả lời này ở đâu? Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng thường bảo: “Tao khoái nhậu với những người không phải là dân viết văn, làm thơ. Trò chuyện với người khác ngành nghề, nếu họ giỏi cũng được học nhiều điều”.
Do đó, với câu hỏi trên, tôi nghĩ cách tốt nhất vẫn nên gặp các doanh nhân xứ Quảng đã thành danh tại Sài Gòn. Với đặc thù công việc phải tính toán “đồng tiền liền khúc ruột” thì lúc giao thiệp, làm ăn ở một vùng đất năng động, du nhập nhiều cư dân vùng miền khác nhau, tính cách hay cãi ấy có va chạm không?
Và tôi đã tìm gặp anh Ba Phong - tức Nguyễn Quang Tiên. Từ năm 1973, anh vào Sài Gòn học Đại học Vạn Hạnh, tham gia Chi đoàn Vườn Xoài hoạt động bí mật tại nội thành, sau này làm Tổng giám đốc Tổng công ty Bến Thành. Có lần họp đồng hương, tôi hỏi, nếu chọn lấy một vài doanh nhân tiêu biểu của Quảng Nam “ăn nên làm ra” tại Sài Gòn, chọn ai? Mọi người kể ra vài người, trong số đó có anh. Sự thừa nhận của đồng hương, tôi nghĩ, cũng có giá trị không khác gì những huân chương mà Nhà nước đã trao tặng cá nhân, đơn vị anh.
2.
Nghe tôi đặt vấn đề về tính cách “Quảng Nam hay cãi”, anh Ba Phong thủ thỉ tâm sự: “Khi mới giải phóng, có lần về quê, nhà tôi ở trước cái chợ của xã, có một anh cán bộ xã đến chơi, anh ấy chỉ cái chợ, nói chắc nịch: “Nay mai, xã ra lệnh dẹp bỏ cái chợ này”. Tôi hỏi tại sao. Anh ta bảo: “Ở chợ chỉ tập hợp những người ăn không ngồi rồi, lười biếng lao động”.
Tôi ngạc nhiên quá: “Dẹp chợ rồi, người dân quanh năm chỉ biết trồng lúa lấy đâu ra thịt, cá, rau mà ăn?”. Anh ta nói: “Đất rộng thênh thang, tha hồ tăng gia sản xuất. Việc gì phải tụ tập cả ngày ngoài chợ?”. Nói tới nói lui một hồi, anh ta đuối lý bèn phang luôn một câu: “Do nhà của ông ngay trước chợ nên ông bảo vệ cái chợ chứ gì?”.
Nghe điếc luôn con ráy!
Tính cách hay cãi, “lý sự” kiểu đó, có thể thất bại khi lập nghiệp ở nơi xa. Tôi nghĩ, cần quan niệm cãi là một sự tranh luận. Qua đó, nếu thấy sai, mình cần điều chỉnh cho phù hợp, không bảo thủ, không hậm hực, định kiến. Sống ở Sài Gòn dễ hơn, bởi tính cách của người Sài Gòn có phần thoáng, dù có va chạm, có cãi nhau nhưng sau đó không ghim gút, không để bụng.
Đúng thế. Người ở phương Nam chấp nhận tranh luận nhưng sau khi kết thúc, tâm tình cởi mở hơn. Tại sao như thế? Giải thích như nhà văn Sơn Nam: “Bạn thân, người cùng nghề phải “đạo nghệ”, “điệu nghệ”. Ta còn nghe mấy tiếng “điệu nghệ giang hồ”, thái độ hào hiệp không thành văn bản mà người trong cuộc phải tuân theo”.
Tính cách này do đâu mà có?
3.
Theo anh Ba Phong: “Ngày trước ông bà mình từ ngoài Bắc, Trung vào phương Nam khai phá, lập nghiệp ai cũng có tinh thần chấp nhận rủi ro, dám đối đầu với mọi tai ương, bất trắc để tồn tại cho bằng được ở vùng đất dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um. Dù trong tay chỉ có dao, mác, cày, cuốc, cù nèo… nhưng sở dĩ tồn tại được vì ông bà mình biết đùm bọc nhau, có tinh thần “huynh đệ chi binh”.
Muốn được như thế, trước hết phải biết đoàn kết, thương yêu, tin nhau, tôn trọng nhau. Không tin nửa vời. Làm hết mình, chơi cũng hết mình “xả láng sáng về sớm”. Do sự hình thành cộng đồng người Việt ở phương Nam có đặc thù riêng nên tạo ra tính cách: Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài đến đây. Nếu mình thật lòng, đem tấm lòng ra đối đãi thì cũng nhận lại được tấm lòng”.
Rồi anh kể câu chuyện, chắc chắn nhiều người… không tin: “Ngày nọ, nhân viên đi đòi nợ cho ngân hàng bị bệnh gút mà hằng ngày vẫn nhậu. Tôi thấy vậy mới rầy anh ta, nhưng hỏi ra mới biết do chiều nào cũng… lai rai với con nợ. Dù mình là chủ nợ, nhưng lúc đến đòi nợ cũng mời bia bọt, ngồi khề khà, lấy chân tình ra đối đãi. Mà khi đã hiểu nhau rồi, vì cái tình với nhau, người thiếu nợ sẵn sàng vay đầu này, mượn đầu kia trả cho mình. Bạn thấy đó, ngay cả lúc người ta thiếu nợ, muốn đòi được nợ cũng phải đem tấm lòng ra mà ứng xử. Tính cách người Nam bộ nói chung là vậy”.
Rõ ràng, quan hệ cộng đồng với những con người có tính cách đó thật “dễ sống”.
4.
Còn tôi, thời sinh viên, mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, một anh bạn đã dạy kinh nghiệm sống lúc còn bữa đói bữa no. Anh bảo: “Ở Sài Gòn nên uống cà phê, ăn sáng ở quán cố định, có như thế mới tạo ra sự thân thiện với chủ quán. Nhờ vậy, lần sau nếu thiếu tiền, “ký sổ” thì họ vui vẻ, không làm khó dễ”. Dần dà, thấy đúng.
Rõ ràng, không chỉ có lòng mà người Sài Gòn còn có tình, biết giữ sĩ diện cho người khác.
Anh Ba Phong gật gù đồng tình: “Người Sài Gòn tôn trọng sĩ diện, nhưng không sĩ diện hão. Lúc thất bại, họ chấp nhận chứ không màu mè, tạo ra “hào quang” giả níu kéo, lòe người khác. Lúc thành công, có tiền thì họ mặc nhiên cho người khác thấy, chẳng việc gì phải giấu diếm. Điều này khác ngoài mình, dù có tiền có của nhưng cũng giả bộ nghèo khó, không dám cho người khác biết. Ở Sài Gòn, ai giàu cũng mặc, họ không đàm tiếu, tò mò. Người Sài Gòn khi có tiền mua một gói thuốc, không có tiền mua lẻ một điếu cũng thấy bình thường, chẳng vì cái sĩ mà mắc cỡ”.
Rồi anh hỏi tôi: “Bạn có nhớ ngoài mình không?”. Thấy tôi gật đầu, anh nói tiếp: “Nếu ở ngoài mình, một người ăn nhậu đến bết xà lết lập tức bị làng xóm chê cười, đánh giá tư cách. Nhưng ở Sài Gòn lại có cái nhìn thoáng hơn, và cho đó là người thật lòng, chơi hết mình, không giữ kẽ. Âu cũng do văn hóa vùng miền, do điều kiện thiên nhiên và cuộc sống tạo nên”.
Ai cũng bảo: “Ở Sài Gòn dễ sống”. Do đâu? Có lần nhà văn Sơn Nam cho rằng sở dĩ như thế vì Sài Gòn được thế mạnh là nhờ có vị trí khá tốt để thiết lập bến cảng, giao lưu với nhiều nguồn văn hóa và những người làm dịch vụ thường dễ kiếm tiền.
Trao đổi về ý kiến này, anh Ba Phong tâm đắc: “Đúng vậy, nhưng tôi muốn nói thêm rằng, bên cạnh vị trí thuận lợi thì yếu tố con người rất quan trọng. Chính con người làm gia tăng thêm giá trị của vị trí ấy và cũng chính con người và vị trí ấy lại thu hút ngày càng thêm nhiều nguồn lực từ nơi khác đến để tạo nên sự phồn hoa của Sài Gòn. Bạn biết đấy. Từ bao giờ người Sài Gòn đã hình thành văn hóa tiêu dùng “có là xài”, có khi vay mượn thêm mà tiêu dùng. Mà việc phục vụ tiêu dùng ở Sài Gòn luôn có thái độ ứng xử thân thiện - chính điều đó đã tạo nên một thị trường năng động, vòng vốn quay nhanh, tạo điều kiện cho các loại hình dịch vụ phát triển. Chính việc phát triển các loại hình dịch vụ đã kích thích và làm cho môi trường xã hội ngày càng văn minh hơn”.
5.
Dù bất kỳ vùng đất nào, yếu tố con người, tính cách con người vẫn là quan trọng nhất.
Vậy người Sài Gòn thì thế nào?
Không dám kết luận, nhưng tôi tin rằng, những người phương xa đến Sài Gòn cư ngụ đều “nhập gia tùy tục”. Mà nghĩ cho cùng, vùng miền nào cũng chẳng quan trọng gì. Cốt lõi vẫn là phải giữ cho bằng được truyền thống văn hóa của người Việt ngàn đời thống nhất. Lập nghiệp ở Sài Gòn, chắc hẳn có lúc nhiều người lại nhớ đến bài thơ Trăn trở trong đêm vắng của Lý Bạch: “Trước giường trăng sáng rọi/ Ngỡ mặt đất phủ sương/ Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương” *.
“Quê cha đất tổ, ai cũng nhớ, cũng yêu. Tuy nhiên, tôi đã gắn bó và lớn lên với Sài Gòn cùng gia đình, sự nghiệp, bạn bè. Còn nhớ, ngay sau năm 1975, đoàn công tác xây dựng chính quyền cơ sở chúng tôi đến với các hộ bà con chen chúc trên kênh Nhiêu Lộc, sống trên sàn gỗ kê thưa thớt, bên dưới là dòng nước đen ngòm. Nay mỗi lần đi qua đó, thấy cao ốc vươn cao soi mình bên dòng kênh xanh, tôi rạo rực xúc động như những lần về Đà Nẵng đứng trên cầu nhìn qua bên kia sông Hàn với biết bao đổi thay tự hào” - anh Ba Phong trầm ngâm tâm sự.
Lúc chia tay anh, đường Đồng Khởi đã lên đèn. Gió từ sông thổi vào mát rượi. Thành phố đã vào Xuân…
(*) Tĩnh dạ tư. Phiên âm: Sàng tiền minh nguyệt quang/ Nghi thị địa thượng sương/ Cử đầu vọng minh nguyệt/ Đê đầu tư cố hương
L.M.Q
(nguồn: Báo PN TP.HCM XUÂN 2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|