PN - Đêm nay cô nhóc con chị bạn tôi lại đòi ngủ chung với mẹ cho bằng được. Sau khi nghe thông báo vài ngày nữa mẹ sẽ đi công tác nước ngoài, lập tức cô nhóc hỏi: “Mẹ đi nước nào?”. “Cún con à, mẹ đi Pháp”. Cô nhóc chu môi lại suy nghĩ rồi bật hỏi: “Nước Pháp có xa như đường về quê ngoại không hở mẹ?”.
Chị đã mấy lần đưa con về An Giang thăm ông bà ngoại, nên con bé cứ nghĩ đi Pháp cũng xa như vậy. Trước những câu hỏi chính đáng mà ngộ nghĩnh của con về các vùng miền địa lý, chẳng phải bậc phụ huynh nào cũng có thể trả lời rành mạch. Lúc đó, có thể tìm thông tin trên mạng chăng? Chi bằng hãy lật sách ra và cùng con tìm hiểu.
Tập sách Địa lý các nước trên thế giới dành cho học sinh (NXB Trẻ) do Nhị An biên soạn đáp ứng được nhu cầu này. Mỗi quốc gia được trình bày ngắn gọn với đầy đủ các “gạch đầu dòng” như thủ đô, đặc điểm địa lý, dân số, sự kiện đặc biệt… ngoài ra còn có hình ảnh quốc kỳ, bản đồ và một vài cảnh vật tiêu biểu. Những thông tin này cần thiết, tuy nhiên, nếu chỉ có thế sẽ rất khô khan. Người biên soạn sách đã khéo léo lồng vào những thông tin đời thường thú vị. Chẳng hạn, ở Ấn Độ “cà ri là món ăn được chế biến với nước xốt gồm những loại hương liệu chủ yếu của người Ấn, đó là: nghệ, hồi, thì là, rau mùi và ớt. Danh từ “cà ri” có nguồn gốc từ ngôn ngữ Tamil “kari” có nghĩa là nước xốt”. Ở Nhật Bản, “mật độ dân số của Tokyo là 14.000 người/km, gấp đôi mật độ thành phố New York”...
Các nhà giáo dục học từng nhận xét, trẻ con thường hay đặt những câu hỏi cắc cớ. Chẳng hạn, cậu trai của bạn tôi khi được lớp trưởng phân công tặng hoa nhân ngày nhà giáo đã hỏi: “Cô ơi nước nào sản xuất nhiều hoa nhất trên thế giới, có phải nước mình không?”, cô giáo ngạc nhiên: “Vì sao em hỏi thế?”, “Dạ, sáng hôm nay em thấy ở ngã tư đường nào cũng bày bán đầy hoa”. Câu hỏi ấy, trong tập sách này cho biết là nước Hà Lan. Vừa đọc sách và giải thích cho con hiểu thêm kiến thức cũng là lúc cha mẹ và con cùng nhau học trong không khí nhẹ nhàng mà thân mật. Với chi tiết như: “Xe buýt, xe tải và xe ba bánh của người Pakistan thường được trang trí sặc sỡ với các hình như trong phim ảnh... Người ta cho rằng xe càng trang trí nhiều thì tài xế sẽ cẩn thận hơn”. Rõ ràng, điều này không phải ai cũng biết. Cô nhóc của chị bạn tôi, sau khi đọc sách, nũng nịu bảo: “Đi công tác sang Pháp, mẹ nhớ chụp hình tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà cho con xem nha”. Vì sao? Cháu trả lời rành rọt: “Vì đó là những công trình nổi tiếng ở Paris, nước Pháp...
Khi trẻ em biết thêm về các vùng miền khác trên thế giới thì tầm nhìn sẽ mở rộng hơn. Những kiến thức đó chắc chắn hữu ích bởi trẻ sẽ không cảm thấy xa lạ, lạc lõng khi lần đầu tiên được du lịch ở một nước nào đó. Và điều quan trọng, đọc sách về đề tài này cũng giống những tiết học “ngoại khóa” giúp con thêm yêu hơn môn địa lý.
HUYỀN SƯƠNG
http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/du-lich-tren-sach/a131466.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|