PN - Nhiều bà mẹ, ông bố vò đầu bứt tóc, thậm chí còn la toáng lên: “Trời ơi! Sao con ngốc nghếch quá vậy?”. Thông thường, các bậc phụ huynh hay so sánh con mình với con người khác, để rồi, dù yêu thương con nhất trên đời vẫn có lúc… thở dài. Tâm lý đó, theo nhà nghiên cứu giáo dục Tony Buzan là không đúng. Ông đã chứng minh và hướng dẫn cách nuôi dạy con thông minh trong tác phẩm Bộ não tí hon (Tập 1: cái nôi của thiên tài, tập 2: Thay đổi thế giới); nguyên tác: Brain Child, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành qua bản dịch của Phạm Hoa Phương.
Từ các câu chuyện lý thú, có tranh minh họa, tác giả đã đưa ra nhiều tình huống khiến không ít phụ huynh giật mình. Cô bé Calvin cực ghét môn toán. Khi thầy giảng bài, bé thả hồn theo nhân vật tưởng tượng là một nhà du hành vũ trụ đang đi trên con tàu không gian. Bỗng thầy giáo bước đến gần, bé giật mình viết: 6+5=6.
Bé có đáng trách không? Không. Câu hỏi đặt ra là cách dạy của thầy như thế nào? Bé không thích học toán vì “đó là công việc”. Mà công việc thì đã sao? Bé trả lời: “Công việc là điều ta phải làm khi ta không thích nó”. Do đó, ý nghĩa của “học mà chơi, chơi mà học” vẫn là một nghệ thuật mà các bậc phụ huynh cần biết. Theo Tony Buzan, cách khôn ngoan là hãy biến những con số và các phép toán khô khan thành “trò chơi” tự nhiên.
Xuyên suốt trong tập sách, tác giả luôn kêu gọi các phụ huynh: Hãy biết cách lắng nghe con, động viên, khuyến khích con khi bé làm một việc gì đó, chứ không chì chiết, mạt sát.
Bộ sách Bộ não tí hon có thể góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh trong việc giáo dục con thông minh. Muốn vậy, cha mẹ và những người có nhiệm vụ giáo dục trẻ như bảo mẫu, thầy cô giáo cũng phải… thông minh. Quan điểm của Tony Buzan có thể không vừa lòng ai đó, nhưng hoàn toàn có lý khi ông chứng minh rằng: mọi đứa trẻ nếu được sự khuyến khích thích hợp, môi trường nuôi dưỡng đúng đắn đều có thể thông minh nổi bật.
Huyền Sương
http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/lam-the-nao-de-con-thong-minh/a126152.html
< Lùi | Tiếp theo > |
---|