Sáng qua đến Hội Nhà văn TP.HCM tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Bính. Dịp này, y suy ngẫm về “Cánh bướm - một ám ảnh hồn thơ Nguyễn Bính”. Dù chỉ bước đầu khảo sát, hy vọng cũng là một sự gợi ý mới mẻ khi cùng tìm về thơ Nguyễn Bính.
Hầu như với thi sĩ, trong tiềm thức của họ từ muôn năm ngàn kiếp đã có một sự ám ảnh không nguôi về một biểu tượng/ hình ảnh nào đó. Có lẽ ngay cả họ cũng không thể giải thích. Mà họ cũng chẳng bao giờ tự hỏi vì sao lại có sự ám ảnh đó. Tự nó đã hình thành trong máu thịt; khi cảm hứng đến, thâm tâm lại nhớ đến. Với Nguyễn Bính, y quả quyết chính là cánh bướm. Người đọc ngạc nhiên một cách thú vị bởi ông đã có tìm lấy nhiều cách diễn đạt như đang đi giữa đôi bờ hư thực.
Về “sự tích” ra đời của cánh bướm/ con bướm, theo ông: “Em ạ, ngày xưa vua nước Bướm/ Kén văn tài mở Điệp lang khoa”. Cuộc thi này, “Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa”. Cũng như trong mọi chuyện cổ tích “có hậu” của nền văn học cổ điển Việt Nam, tân khoa thường được nhà vua gả công chúa, Nguyễn Bính cũng tuân thủ theo “mô-típ” này. Khi Lục Vân Tiên nhớ mẹ, khóc đến mù mắt, ai cứu cho chàng? “Nửa đêm nằm thấy ông Tiên/ Đem cho chén thuốc mắt liền sáng ra”. Còn đôi vợ chồng bướm lúc đi lạc “Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê” thì sao? “Bỗng thấy bà Tiên hiển hiện ra” và bảo, đường về nước Bướm còn xa lắm, thôi thì: “Về tạm nhà ta, ngủ với ta”. Thế rồi, “Đêm ấy, chăn êm với gối êm/ Vợ chồng ăn bánh với bà Tiên/ Ăn xong thoát chốc liền thay lốt/ Chồng hóa làm anh, vợ hóa em”.
Nguyễn Bính tự nhận mình chính là con bướm.
Lúc đưa cánh bướm cụ thể vào thơ, Nguyễn Bính đã có cái nhìn rất mới, ngộ nghĩnh. Chẳng hạn, vào dịp cuối tháng ba: “Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen/ Bươm bướm đông như đám rước đèn”. Một cách so sánh rõ ràng không “đụng hàng”, khiến người đọc đã cảm nhận được sự rộn ràng, tươi trẻ, nhộn nhịp. Tạm dừng lại một chút, tự hỏi: “Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen”. Vậy “tiền sen” là gì? Có thể nhiều người sẽ ngắc ngứ đây, trong đó có y. Vì thế, lục lại từ sách vở tìm hiểu xem sao. Âu cũng là một cái thú đọc thơ. Lâu nay, vẫn nghĩ, thơ không cần giải thích. Chỉ cần cảm là đủ. Thí dụ như “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà” (Nguyễn Xuân Sanh). Khó có thể giải thích. Chỉ có thể cảm về hình ảnh và nhạc điệu. Tuy nhiên, lại có những câu thơ rất thật. Thật vì chính nó đã từ một vật chất đi thẳng vào thơ. Cần tìm hiểu là vì lẽ đó.
Tiền đúc sen đã mấy phen
Lửa hương nghĩ đã vẹn tuyền lâu nay
Đây là hai trong 2.926 câu thơ trong truyện Nôm lục bát Ngọc Kiều Lê (NXB KHXH -1976) do Lý Văn Phức chuyển thể từ tiểu thuyết chương hồi cùng tên của Trung Quốc. Cụ Trần Văn Giáp giải thích: “Tiền đúc sen: Cây sen về mùa đông tàn lụi hết, tới đầu mùa hè, những lá non bắt đầu mọc, nổi trên mặt nước thành những hình tròn nho nhỏ, trông như đồng tiền, do đó, gọi tiền sen. Câu này ý nói đã qua mấy mùa sen nảy lá tức đã qua mấy mùa hè, đã mấy năm qua”.
Vậy, đã rõ nghĩa câu thơ Mặt hồ vừa đúc khối tiền sen. Hãy trở lại với tâm cảnh của Nguyễn Bính. Rồi lúc tình còn xanh, niềm thơ còn nõn: “Bên hoa thấy bướm không buồn đuổi/ Chỉ mải mê nhìn bướm ủ hoa”. Giữa bướm và người thân mật, gần gũi đến độ: “Chim ca buổi sớm, khuyên nàng học/ Bướm dạy nàng thêu, gió dạy đàn”. Ngay cả lúc “đôi trẻ” còn học Trường Huyện, “Đội đầu chung một lá sen tơ”, cánh bướm ấy đã là “nhân chứng”: “Lá sen vương vấn hương sen ngát/ Ấp ủ hai ta chút nhuỵ hờ/ Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc/ Theo về tận cửa mới tan mơ”.
Nếu năm tháng mãi êm đềm đến vậy, chẳng mấy chốc họ nên duyên vợ chồng chăng? Nào ngờ, “Nàng về mãi xứ bên kia/ Cam thôi màu đỏ, bướm chê hoa vàng”. Một khi tình đã mất, thâm tâm dội lại nỗi nhớ về cái thuở trong trẻo: “Qua giậu tầm xuân thấy bướm nhiều/ Bướm vàng, vàng quá, bướm yêu yêu/ Em sang bắt bướm vườn anh mãi/ Quên cả làng Ngang động trống chèo”. Ngược lại, lúc giang hồ vặt đến chơi “Xóm Ngự Viên ở cạnh đường Gia Hội, Huế, tức vườn Thượng uyển ngày xưa”, hình ảnh trước nhất Nguyễn Bính ghi nhận lại là: “Giậu đổ, dây leo, suồng sã quá/ Hoa tàn, con bướm cánh nghiêng nghiêng” - khiến ông nhớ về cái thuở đã từng có lúc: “Gót sen bước nhẹ lầu Tôn Nữ/ Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên”. Câu thơ mở ra một vàng son đã mất. “Hoa tàn, con bướm cánh nghiêng nghiêng” gợi lên một âm hưởng đến nao lòng.
Về cuộc đời Nguyễn Bính, có một điều không thể chối cãi là ông yêu nhiều, rất nhiều người. Và chính các nhan sắc ấy là nguồn cảm hứng để lại những bài thơ tình ghi dấu trong tâm thức sau nhiều thế hệ. Trong nguồn cảm hứng ấy, “Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng/ Có con bướm trắng thường sang bên này/ Bướm ơi, bướm hãy vào đây/ Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi/ Chả bao giờ thấy nàng cười/ Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên”. Chàng thi sĩ hỏi lấy con bướm trăng đang vẩn vơ, nhởn nhơ bay trước mắt chăng? Không, Nguyễn Bính hỏi lấy chính ông.
Con bướm ấy chỉ là cái cớ nhằm che giấu lấy lòng ông đang thổn thức. Trong thơ, có những câu hỏi buông ra với đối tượng khác, thật ra cũng là lúc chàng thi sĩ đang tự vấn, tự hỏi lòng mình. “Bướm ơi, bướm hãy vào đây/ Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi”. Lòng yếu đuối, hồn rụt rè, Nguyễn Bính phải vời đến cánh bướm, dù là lúc “chiêm bao rất nhẹ nhàng”. Để rồi khi bước ra với đời thực “Tầm tầm giời cứ đổ mưa” cho đến lúc “Hôm nay giời tạnh mưa rồi”, tâm thế ấy có gì khác? Nguyễn Bính chỉ thấy “Tơ không hong nữa, bướm lười không sang”. Con bướm ấy không sang nữa, biết hỏi ai?
Hỡi ôi, “Đêm qua nàng đã chết rồi/ Nghẹn ngào tôi khóc, quả tôi yêu nàng”. Đến đây tác giả đã chuyển mạch đột ngột: “Hồn trinh còn ở trần gian/ Nhập vào bướm trắng mà sang bên này”. Với câu kết này, bài thơ bật lên một nỗi niềm, một bất ngờ mà trước đó người đọc cứ ngỡ là cánh bướm thật, cụ thể. Hóa ra không phải. Người hàng xóm: “Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn”, “hồn trinh nữ” là hiện thân của cánh bướm trắng.
Sực nhớ, thuở nhỏ còn ngốc dại, có thể ai đó đã từng bắt bướm ép vào trang vở chăng? Với y, sau khi đọc truyện ngắn Bóng người trên sương mù của Nhất Linh, không bao giờ dám. Rằng, một người đàn ông nọ, làm nghề lái tàu lửa, dù vợ đang bệnh nặng nhưng vẫn phải nhận lệnh đưa quan Toàn quyền đi công cán. Không thể chần chừ. Không thể thoái thác. “Nhà tôi thấy tôi có vẻ lo nghĩ, hỏi nguyên cớ vì sao, tôi liền đem việc ấy kể lại cho nhà tôi nghe. Nhà tôi nghe xong, vẻ mặt tươi hẳn lên bảo tôi rằng: “Thế cậu đi chứ! Việc gì phải ngần ngừ! Tôi không việc gì đâu, đã thấy đỡ nhiều. Chiều mai về mua cái gì làm quà cho tôi đấy”. Tôi thấy nhà tôi cười nói vui vẻ, tôi vững tâm, thay quần áo ra ga. Đến ga đúng mười giờ”.
Chuyến tàu lăn bánh.
“Xe đi vào khe núi, hết cao lại xuống thấp như có vẻ nhọc nhằn. Tôi thò đầu ra cửa nhìn thẳng trước mặt, nhưng đêm ấy sương mù đầy trời, không nhìn rõ gì cả, chỉ một màu trắng xóa dưới ánh hai cái đèn ở đầu toa. Bỗng tôi thấy... rõ ràng, tôi thấy in trên sương mù một cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay. Tôi dụi mắt tưởng mình trông hoảng, nhưng không, hình người đàn bà vẫn đấy. Tôi gọi người “ét” lại cửa toa, bảo ông ta nhìn rồi hỏi:
- Bác có thấy gì không?
Vừa nói xong hình người vụt biến mất. Bác “ét” thò đầu ra và bảo tôi:
- Chỉ thấy sương mù! ông lại mê ngủ rồi.
Không rõ ràng tôi thấy có hình người đàn bà in trên sa mù nhưng vừa biến mất.
Người “ét” cười ra vẻ không tin, lấy xẻng xúc than cho vào lò, còn tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ đăm đăm nhìn thẳng trước mặt. Được một lát, hình người đàn bà lại hiện ra, lần này rõ ràng hơn, hai tay ngăn thẳng như muốn ngăn đường không cho xe chạy lên nữa”; “Xe tiến đến đâu, cái hình người lại đến đấy, có lúc mờ, lúc rõ, lơ lửng giữa lưng trời. Rồi cái hình người ấy vẫy hai tay một cách thong thả, như có ý bảo chúng tôi đừng tiến lên nữa, có sự gì nguy hiểm”.
Cuối cùng, người đàn ông lái tàu quyết định cho dừng tàu một cách đột ngột. Mọi người xuống tàu quan sát. “Vừa đi được một quãng thì nghe trước mặt có tiếng nước chảy ầm ầm. Tôi định tâm mới nhớ ra rằng đó là cầu N.G.. Mấy đêm ấy mưa lũ, nước chắc chảy xiết, nên mới réo to như vậy. Đến bờ sông, giơ đèn lên soi, mấy người đều kinh hoảng: cái cầu N.G. bị nước nguồn chảy về xoáy gẫy làm đôi. Một tí nữa, nếu không hãm kịp thì cả một chuyến xe riêng chở quan Toàn Quyền đâm nhào xuống sông sâu, chắc không sống sót một ai; tưởng không có cái tai nạn nào ghê gớm hơn, thế mà chính vì tôi nên mới không có cái tai nạn ấy. Tôi đứng ngẩn người không hiểu sao cả”.
Vậy, lý giải thể nào về “cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang tay” mà bác tài đã thấy?
"Tôi đi trở lại và thoáng thấy cái gì bám ở cái đèn để đầu toa, nhìn kỹ thì ra một con bướm thật to, vướng vào đen, đương đập cánh để tìm đường thoát. Chính là con bướm trong cái hộp này đây. Trông thấy con bướm tôi thốt nghĩ ra ngay. Chính phải rồi, chính cái hình người đàn bà lúc nãy là cái bóng con bướm này in lên trên sương mù, đầu con bướm là đầu hình người mà hai cánh con bướm đập là hai cái tay người vẫy.
Tôi bắt con bướm rồi định thả cho nó bay đi, sau nghĩ con bướm đã giúp mình được việc, nên giữ lại làm kỷ niệm. Tôi nhìn vào đồng hồ trong toa, thấy kim chỉ đúng hai giờ đêm... Hôm sau tôi vừa về tới cổng nhà thì thằng nhỏ chạy ra báo tin nhà tôi mất, mất vào khoảng một giờ đêm qua”.
Thật lạ lùng, mẹ Y mất ở Đà Nẵng lúc 5 giờ sáng ngày 12.10.2017 ở Đà Nẵng, lạ lùng thay, tại Sài Gòn, sáng ngày hôm ấy ngay trên cánh cửa mở vào nhà y đã có cánh bướm ngài đậu ở đó tự bao giờ rồi.
Trở lại với Nguyễn Bính. Khi chọn cánh bướm làm biểu tượng của thơ, ông đã hóa thân vào đó. Và từ sự hóa thân này, ngay cả nhan sắc đi qua đời mình, ông cũng nhìn thấy họ cũng chính là cánh bướm trắng. Màu trắng ấy còn là sự ám ảnh không cùng một khi đã mất đi một bóng dáng cụ thể: “Đem đi một chiếc quan tài trắng/ Và những vòng hoa trắng rợn người/ Có một chiếc xe màu trắng đục/ Hai con ngựa trắng bước hàng đôi”. Màu trắng này xuất hiện cũng chỉ là một cách nhắc lại: “Tôi chỉ thèm yêu được một lần/ Có người đi giữa xứ mùa xuân/ Thấy con bướm trắng bay thơ thẩn/ Ý hẳn đi tìm Hương, cố nhân”.
Nhà văn Võ Hồng có tác phẩm Hương cố nhân thì phải. Trong đời, ai cung có cố nhân cho riêng mình. Được thế, may quá. Không rõ, lúc gặp lại cố nhân, cả hai sẽ trò chuyện với nhau những gì? Bài thơ Tình già của Phan Khôi, lúc gặp nhau sau “Hai mươi bốn xưa”, “Tình cờ đất khách gặp nhau”, họ đã nói những gì? Im lặng vẫn tốt hơn cả. Nói gì bây giờ? Chỉ thêm bẽ bàng. Chỉ thêm luyến tiếc. Biết là thế nhưng lúc liếc mắt tiễn nhau mới ghê gớm làm sao, còn hơn cả hàng ngàn câu hàn huyên tâm sự: “Liếc đưa nhau đi rồi/ Con mắt còn có đuôi”...
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|