LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 20.2.2018

 

kien-van


Đời sống ư? Đôi lúc thấy buồn và tẻ nhạt. Có lúc hân hoan rộn rã tiếng nói cười. Nhưng rồi, lúc tĩnh tâm, ngồi một mình nhìn xuống lòng mình thấy gì? Chẳng thấy gì hay chỉ có một sắc trắng, một âm thanh trống rỗng đã phủ kín từ cảm xúc đến thể xác? Đến một lúc nào đó, nhìn lại chặng đường dài đã đi qua, y hài lòng hay dửng dưng? Biết nói thế nào bởi lẽ năm tháng trôi qua, y đã giữ được gì trong mười ngón tay? Có gì hay chẳng có gì? Nào có thể cân dong đo đếm chính xác. Chỉ biết rằng, cố gắng mỗi ngày làm sao sống trọn vẹn ngày ấy.

Thế nào là sống?

Câu trả lời khó quá. Mỗi người một lựa chọn. Lựa chọn nào cũng được miễn là họ hài lòng. Chẳng ai có thể sống giùm cho ai cả. Đôi khi người ta không dám sống. Y chứ ai. Có đôi lúc quay về một cõi khác để tránh đi cái nhìn phải nhìn, cái nghe phải nghe của thời cuộc đang diễn ra mỗi ngày. Bịt tai nhắm mắt. Và lầm lũi đi trong một cõi khác. Cõi thư hương bộn bề sách vở. Mà sách vở có là gì, chẳng là gì so với nhịp sống đang diễn ra từng ngày, từng giờ với biết bao biến động, đổi thay…

Mà thôi, đôi khi đọc sách cũng là một cách chia sẻ nhiều điều muốn nói. Đêm qua, đọc lại Kiến văn tiểu lục (NXB Trẻ -2013) của Lê Quý Đôn. Nghiệm ra rằng, một khi đất nước loạn lạc, đổ đốn, “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề” thì ngay cả người trí thức cũng tha hóa, không giữ được tư cách: “Từ năm Đoan Khánh trở về sau, lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày một thịnh; người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều đình không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy lúc nguy thì bán nước để toàn thân; đâu có người là bậc danh nho, ai cũng đều yên tâm nhận sùng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau; tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được” (tr. 27).

Đoan Khánh là niên đại Uy Mục đế. Sử sách ghi nhận, Lê Uy Mục (1505-1509) là “vua quỷ”. Năm 1509, Giản Tu công Lê Oanh từ Tây Đô kéo quân về đánh chiếm lại Đông Kinh và bức tử Uy Mục. Oanh sai người đặt xác Uy Mục vào miệng súng lớn, bắn cho tan xương cốt. Xong, Oanh tự lên ngôi, tức vua Lê Tương Dực rồi cũng lao vào đường tửu sắc trụy lạc. Tương Dực sai người thợ có tên là Vũ Như Tô làm cung điện 100 nóc, xây Cửu trùng đài hao tốn biết bao tiền của; lại bắt đóng những chiến thuyền để đàn bà khỏa thân chèo thuyền chơi trên Hồ Tây! Chỉ có dân đen sống trong cùng cực, phải gánh chịu bao thuế má nặng nề. Giặc giã trong nước nổi lên khắp nơi. Tiếng than khóc vọng đến trời xanh. Sử sách ghi nhận, Lê Tương Dực là “vua lợn”!

Thời bấy giờ, theo Lê Quý Đôn các bậc cao sĩ có khoảng trên dưới một trăm, thế nhưng ông chỉ liệt kê chỉ liệt kê được vài người có “cao phong khí tiết”. Chẳng hạn, Lý Tử Cấu, Nguyễn Thì Trung, Nguyễn Dữ, Nguyễn Hãng… Về khoa cử nước nhà, còn có thể biết thêm chi tiết mà xưa nay các nhà nghiên cứu ít lưu tâm đến: “Gặp lúc người nhà Minh sang xâm lấn nước ta đặt làm quận huyện, họ đặt các khoa “Sơn lâm ẩn dật, hoài tài bảo đức” (ý nói người ẩn dật nơi núi rừng, người tài ba, có đạo đức) để tìm kiếm nho sĩ đưa về Kim Lăng dùng làm quan ở châu huyện. Hỡi ôi “lúc ấy, người hơi có tiếng tăm một chút đều nhận mệnh lệnh” (tr.28), ngoại trừ Lý Tử Cấu, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân…

Mục đích của việc học là để làm gì? Các cô nàng, “Chẳng ham ruộng cả ao liền/ Chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ”, “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” - có như thế mới “Bõ công trang điểm má hồng răng đen”… Ngay cả sau này, còn có câu: “Phi cao đẳng bất thành phu phụ”... Học là điều tốt quá. Nhưng học để làm gì mới là điều đáng bàn. Nếu học để ra làm quan, thì phải thông qua khoa cử. Đọc Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1937 do Lại Nguyên An sưu tầm, biên soạn (NXB Trí Thức -  2014) mới biết vua Đồng Khánh cũng cực siêu “thu phục nhân tâm” bằng khoa cử.

Rằng, sau vua Hàm Nghi bị bắt vào đêm 30.10.1888 rồi bị đày sang Algérie. Tình hình chính trị không chỉ Trung kỳ mà trong cả nước cực kỳ rối ren, làm sao để giới trí thức thôi tham gia kháng chiến, lãnh đạo cuộc kháng chiến? Cứ đem khoa cử ra mà nhử. Phan Khôi viết: “Khoa thi hương Mậu Tí, Đồng Khánh năm thứ ba, hai trường Thừa Thiên, Bình Định thi chung tại trường Thừa, gọi là “Thừa Bình hiệp thí” lấy đỗ đến 50 cử nhân, 150 tú tài, làm cho sĩ phu rất là mãn nguyện, dư luận rất là thỏa thiếp. Họ đua nhau ca tụng ông vua mới vẽ mày vẽ mặt cho họ mà quên bẵng ông vua cũ vừa bị đày đi. Họ cũng không còn nhớ mới vừa rồi cơn quốc biến mà vì đó họ đã khởi nghĩa Cần vương. Tôi nói thế, bởi tôi thấy trong đám họ có người năm trước ra đầu thú rồi năm sau thi đậu” (tr.173).

Biết các chi tiết này, càng nhận ra các nhà nho cấp tiến thuở ấy, cỡ các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…, dù đỗ đạt nhưng cũng vứt béng, đi làm cách mạng. Rõ ràng một nhận thức đi trước thời đại rất xa. Câu chuyện này còn dài. Chẳng lẽ lại lụi cụi mày mò tìm hiểu thêm? Hãy để dịp khác. Đọc ca dao, tục ngữ thú hơn. Chẳng hạn, “Em là con gái đồng trinh/ Em đi bán rượu qua dinh ông nghè”; hoặc “Ngựa ai buộc cửa ông cai/ Hoàn ai mà lại ở tai bà nghè” - hoàn là vòng, khoen, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích. “Ngựa ai buộc ngõ ông nghè/ Gà ai gáy ở đầu hè ông Cai”.  Trong bài thơ Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp có đoạn: “Trên lầu mấy thị nữ/ Cùng nhau rúc rích cười:/ “Thưa cô đừng thẹn nữa/ Quan nghè trông lên rồi”.

Nghè là gì?

Trong tác phẩm Lược khảo khoa cử Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp căn cứ vào tài liệu của nhà bác học Lê Quý Đôn: “Từ bản triều (thời Lê trung hưng), ai đỗ tiến sĩ lại càng được sang trọng lắm: nào được ban áo, ban mũ; vinh quy về làng, cờ mở trống giong, nào các quan đốc thúc dân làng  làm sẵn đài đệ cho ở; nào vào làm quan ở Hàn lâm viện ngay, nếu có đi các tỉnh cũng không bao giờ phải làm chức phó nhị v.v...”; và kết luận: “Nghè tức là dinh thự dân phải làm như miếu, đền v.v... chỉ có ông tiến sĩ là được nhà của dân làm cho mà các quan phải đi đốc thúc, thế cho nên gọi là ông nghè, nên phương ngôn hãy còn câu “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”.

Còn có cách giải thích nào khác?

Trong tác phẩm Bút nghiên, nhà văn Chu Thiên cho rằng: “Ở trong điện nhà vua, cái điện nào cũng có cái mái chạy dài ra hẳn quá sân, để khi mưa nắng che cho các đại thần cao cấp. các mái ấy gọi là nghè. các tiến sĩ vào đình thí phải đứng ở đấy, tức là tiến lên vua rồi, cho nên người ta mới gọi gộp là các ông nghè”. Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức giải thích: “Nghè: điện của nhà vua. Tiếng gọi các quan làm việc trong điện nhà vua, thường là các ông đỗ tiến sĩ”.

Thế nhưng trên Kiến thức ngày nay số 255 (20.8.1997), căn cứ vào bài ca dao có câu: “Em đi bán rượu qua dinh ông nghè”, ông An Chi trả lời bạn đọc chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây: “Ông nghè đây chỉ ông quan chứ đâu phải là “quan làm việc trong điện nhà vua”, cũng chẳng phải là ông tiến sĩ, mà cũng chẳng nhất thiết là ông quan có học vị tiến sĩ. Nghè là từ Việt gốc Hán bắt nguồn từ một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là “nha”, còn âm xưa chính là... “nghè”.

Vậy “nha” là gì? Ông An Chi giải thích: “Nha” có nghĩa là công đường, là nơi làm việc của quan lại. Ngoài ra trong Đường thư nó còn có nghĩa là chỗ làm việc của vua… Ngoài ra từ “nha” còn có biến thể văn tự, ngữ âm, ngữ nghĩa là “nhã” mà âm xưa cũng là nghè. Và có nghĩa là nhà khách nơi sang trọng, sảnh đường (nơi làm việc của quan lại), nhà trọ cho khách qua đường và cũng có nghĩa là cái hiên nhà nữa”.

Sau đó, ông kết luận: “Từ trên đây suy ra, danh từ “nghè” ban đầu được dùng để chỉ công đường (nơi quan lại làm việc) hoặc cung vua (nơi vua ở và ngự triều) rồi về sau mới có nghĩa phái sinh bằng hóa dụ để chỉ các quan làm việc nơi công đường hoặc cung vua. Ngày nay, “nghè” đã trở thành một từ cổ nên người ta không còn biết rõ nghĩa và công dụng của nó nữa. Vì vậy mà về nghĩa gốc của nó, có người giảng rằng đó là mái hiên trong cung vua, có người lại nói rằng đó chính là cung điện của nhà vua, còn về nghĩa phái sinh của nó thì có người giảng rằng đó là ông tiến sĩ, nhưng có người lại giảng rằng đó là ông quan làm việc trong cung điện nhà vua. Xét kỹ ra, như trên đã nói, thì nghĩa nào cũng có cả. Ngoài  ra trong tiếng Việt “nghè” còn có nghĩa là miếu thờ thần nữa nhưng vì nghĩa này không liên quan đến vấn đề đang xét nên chúng tôi không nêu ra”.

Tuy nhiên, trong tác phẩm Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử Việt Nam thời phong kiến (NXB Giáo Dục - 1998), ông Nguyễn Tiến Cường không đồng tình với lập luận của ông An Chi. Có thể tóm tắt: Thứ nhất, tự dạng của chữ nghè là chữ Nôm không liên quan gì đến chữ nha, chữ nhã. Thứ hai, nếu nói nghè có nghĩa là ông quan nói chung hoặc quan triều đình thì khi thay chữ quan bằng chữ nghè trong trong các từ: quan thượng thư, quan thị lang... để xem thế nào. “Nói quan thị, quan hoạn thì bình thường quá, nói nghè thị, nghè hoạn thì nó mới lố bịch làm sao!”. Thứ ba, nếu nói đó là nơi quan làm việc thì cũng không ổn. “Người ta nói dinh quan tuần phủ, công đường của quan huyện, quan bố... không ai nói nghè của quan tuần, quan bố, quan án thậm chí quan huyện”. Thứ tư về bài ca dao trên thì phải hiểu khác đi v.v...

Qua các tranh luận thú vị này, rõ ràng để hiểu thấu đáo một từ cổ tiếng Việt trong lãnh vực giáo dục quả không dễ dàng. Với từ ông nghè, ông Nguyễn Tiến Cường cho rằng, cách lý giải của cụ Trần Văn Giáp là xác thực, thuyết phục nhất. Nếu đúng, ta có thể hiểu nôm na nghè tức là dinh thự mà dân phải làm cho các ông thi đậu ông tiến sĩ; chỉ có tiến sĩ là được nhà của dân làm cho mà các quan phải đi đốc thúc, thế cho nên gọi là ông nghè.

Mà này, có thật khi đậu tiến sĩ, vị tân khoa trở về làng thì được quan sở tại đôn đốc, sai khiến dân làm nhà cho ở không?

Để tìm hiểu vấn đề này, không chứng cứ nào thuyết phục hơn bằng những ghi chép trong tác phẩm Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ (1768- 1839): “Lệ cũ ai đỗ khoa Đông các, khi vinh quy dân bản tổng phải đến phục dịch; làm nhà tư thất bằng gỗ lim, lợp ngói, độ ba gian, tất cả dân phu trong bản tổng, bản huyện phải đến ứng dịch. Khi Phạm Khiêm Ích đỗ khoa Đông các về vinh quy, ông thương hại người hàng tổng bần cùng, nên miễn cho, không bắt chịu cái phí tổn làm nhà nữa. Ai cũng lấy làm cảm ơn, sau tôn ông làm hậu thần, thường năm xuân thu cúng tế, mổ trâu vào đám, báo cái ơn đức ấy. Sau khi nhà Lê mất, hậu thần các làng thường bỏ không cúng tế nữa, duy có giỗ hậu Phạm công thì làng vẫn làm lợn thay trâu bò cúng tế, không dám bỏ. Xem thế mới biết cái ơn di ái ở người ta vẫn nhớ mãi không quên.

Triều Lê đãi học trò rất hậu, nào là trâm, hốt, hoa bào, du nhai, tử yến, lại phong cho cha mẹ, ấm cho con cháu, vinh quy áo gấm về làng, rất vinh dự. Hậu đãi như thế là đủ rồi. Còn đến như làm nhà tư thất, phục dịch việc gì cũng đổ vào đầu dân cả, thì dân hàng tổng chịu làm sao được. Vả lại, người học trò mới đỗ đại khoa, mà cả hàng tổng đến phục dịch, làm nhà cửa cho mình, lại phải mở yến tiệc khao mừng, đãi dân hàng tổng để đền công lao, thế tất phải xoay sở đi vay mượn cho xong việc. Thậm chí có kẻ chỉ dòm lấy con gái nhà giàu mà bỏ vợ tào khang; hoặc chịu tiếng luồn lỏi đi vay lãi mà ký liều vào văn khế. thói quen ấy tích tệ từ lâu, nên đã có tiếng “Ông nghè đeo nợ, bà nghè mua chồng”! Thế mà mong người ta ra làm quan giữ liêm khiết, không trái phép làm càn, thì làm sao được”.

Ngày xưa dù học giỏi thi đậu đã là thế; còn nếu bất tài vô tướng phải bỏ tiền mua chức chạy quyền thì khi ra làm quan làm sao "giữ liêm khiết, không trái phép làm càn"? Sự tệ hại ấy ắt còn gấp bội phần.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment