LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 16.5.2018

Le-Hoang-Muu-Ha-Huong-Phong-Nguyet-bia-5

 

Nói láo mà chơi nghe láo chơi

Giàn dưa lún phún hạt mưa rơi

Chuyện đời chán hẳn, không thèm nhắc

Thơ thẩn nghe ma đọc mấy lời

Tứ tuyệt của Vương Ngư Dương đề từ Liêu trai chí dị; bản dịch Tản Đà. Đôi lúc cũng nên như thế, phải là thế. Bồ Tùng Linh viết chuyện ma, âu cũng bàn về chuyện đời. Những ngày này, lật qua trang báo, leo lên mạng xã hội đã thấy những gì? Trả lời câu hỏi ấy, đôi lúc nín lặng rồi buông ra tiếng thở dài. Chẳng lẽ, cứ mãi đứng phía bên ngoài thời cuộc? Chẳng biết trả lời ra làm sao. Thôi thì nằm đọc sách.

Mấy hôm nay đọc Hà Hương phong nguyệt của nhà văn Lê Hoằng Mưu. Rồi nghĩ rằng: Trước đây, các nhà nghiên cứu đã chọn Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách là quyển tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam. Gần đây, cái nhìn đó đã có xu hướng thay đổi, thí dụ, nên chăng chọn Truyện thầy Larazo Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản thì hợp lý hơn? Rồi lại có ý kiến nên chọn Hà Hương phong nguyệt? Từ tháng 7.1912, Lê Hoằng Mưu đã cho đã in từng kỳ trên báo Nông cổ mín đàm, mãi đến năm 1914 mới lần đầu in thành sách. Lập tức, tác phẩm này gây chấn động dư luận. Cứ theo như tài liệu viết về cuộc tranh luận thì nó bị nhà cầm quyền thu hồi vì “dâm thư”, “góp phần làm hư thuần phong mỹ tục nước nhà”. Từ các cuộc bút chiến trên Công luận báoLục tỉnh tân văn từ năm 1923, trở về sau, khi bàn đến Hà Hương phong nguyệt, các nhà nghiên cứu đều xác định đó là lý do chính. 

Những ngày này, một trong những vấn đề thuộc về văn bản học đáng lưu ý, theo y vẫn là lần đầu tiên công bố trọn vẹn tác phẩm Hà Hương phong nguyệt (NXB Văn hóa Văn nghệ - 2018). Người có công tìm tòi ấy chính là nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn, đã tìm ra văn bản in cách đây đúng 105 năm. Tập sách dày gần 500 trang in, cứ mỗi ngày đọc nhẩn nha để lý giải xem vì sao thời ấy, nó đã bị thu hồi?

Ơ này, một quyển sách đã ra đời từ đầu thế kỷ trước, nay ngồi bàn vì lý do nó bị thu hồi há chẳng phải là kẻ ngớ ngẫn ư? Nghĩ thế, y bèn lảng qua chuyện khác. Chuyện gì? Rằng, nếu Hà Hương phong nguyệt bị thu hồi vì lý do “dâm thư”, vậy hãy xem nhà văn Lê Hoằng Mưu đã miêu tả các pha hấp dẫn ấy như thế nào? Hay đấy! Thú vị đấy! Ít ra cũng có thể biết, cái chuyện phòng the kín đáo này đã được diễn tả bằng ngôn từ văn chương ra làm sao. Diễn ra làm sao mà dư luận đương thời lên án dữ dội?

Muốn có một ý kiến gì về quyển sách nào, hãy đọc, chứ không thể ăn theo nói leo, nghe hơi nồi chõ. Thí dụ lúc đêm thanh vắng, vợ chồng gặp lại nhau sau những ngày xa cách: “Hà Hương thêm núng má hồng, Nghĩa Hữu càng trông càng khoái. Thương quá nên hóa dại, Hữu không nói được một lời, ôm vợ mà hun như bướm lại với hoa, nhan sắc thiệt mặn mà! Hữu uống nước lao canh mà càng khát”. Chỉ có thế. Liệu có là “dâm thư”?

Lúc thầy Đề lẻn vào phòng Nguyệt Ba: “Dong mây mưa cho phỉ khát khao, xắn tay vô mở cửa động đào, cho bướm bạc liệng vào nút nhụy. Tội nghiệp cho Nguyệt Ba! Mấy đêm chẵn mắt không ngưng lụy, thêm đàng dài nghỉ mệt mê man, bởi vậy cho nên, bướm ong bay đáo lại nghinh ngang, nào khác vườn hoang hoa bạ. Quả là nồi nhỏ khôn vừa vung cả, tiểu thuyền mà thả ra khơi, gió dập sóng dồi ắt rã. Vừa tỉnh giấc thấy đâu người lạ, kề bên mình thân đã lõa lồ, Nguyệt Ba hổ mặt muốn hô, chợt nhìn lại mình cô cũng vậy”. Cô sẽ khóc? Tất nhiên. “Thầy Đề liền bước lại gần kề, vói níu nhành huê mà bẻ. Miệng nói tợ kiết ma đọc kệ, tay lần như thầy bói lần song, nguyệt hoa hoa nguyệt não nồng, đêm xuân khó cầm lòng cha chả”. Chỉ có thế. Liệu có là “dâm thư”?

Và đây nữa, lúc chú Bảy người Chà Và chung chạ với Hà Hương: “Chú Bảy làm tợ như cửu hạn phùng cam vũ, khác nào bằng điểu ngộ lam phong, Hương thì khổ như thuyền bị sóng giữa dòng, chặc lưỡi rên là dường như sấm”. Chỉ có thế. Liệu có là “dâm thư”?

Nhìn chung, những cảnh giường chiếu chỉ táo bạo đến cỡ đó là cùng, thế nhưng thời ấy, thiên hạ đã phản ứng ầm ầm, liệu có đúng như các bài báo bút chiến thời ấy đã phê phán?

Lý do thu hồi, nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn phân tích chuẩn xác hơn: “Việc đưa một nhân vật phản diện làm nhân vật chính, tô đậm những sắc thái của một thứ tình yêu quay lưng với đạo lý, chạy theo những hấp dẫn của xác thịt thuần túy, là nguyên nhân chính khiến cho Hà Hương phong nguyệt bị dư luận lên án mạnh mẽ. Nàng Hà Hương xinh đẹp, còn biết làm thơ nhưng không phải là nhân vật lý tưởng như trong truyền thống mà lại mang rất nhiều tính xấu: đua đòi, cờ bạc, lợi dụng nhan sắc của mình để quyến rũ đàn ông. Kiểu nhân vật biểu tượng cho sự cám dỗ của sắc dục này chưa hề có trong văn học truyền thống. Tác phẩm của ông bị lên án vì đã chuyển tải một quan niệm không truyền thống về tình yêu, luân lý trong thời điểm nhân dân Nam bộ cần cổ súy cho đạo đức truyền thống, cho tình yêu nước để có sức mạnh chiến đấu với giặc ngoại xâm hơn là những tình cảm cá nhân ngang trái, buông thả”.

Qua các pha hấp dẫn vừa nêu trên, cũng là phong cách nhất quán của của Lê Hoằng Mưu. Theo y, phong cách ấy, gọi chính xác nhất vẫn là truyện thơ, một sự nối dài của truyện thơ nôm khuyết danh Lâm tuyền kỳ ngộ, Phạm Công - Cúc Hoa, Chàng Chuối tân truyện, Thạch Sanh, Lưu nữ tướng… Có khác chăng, là hình thức biểu hiện của từng câu thơ không xuống dòng đấy thôi. Do lẽ đó, y không đồng ý khi cho rằng đây là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, có thể “soán ngôi” Tố Tâm như các ông Bằng Giang, Bình Nguyên Lộc, Võ Văn Nhơn… đã khẳng định.

Mà thôi, ấy là chuyện của các nhà nghiên cứu học, còn y, bất quá chỉ là người làm người ham đọc sách mà lộng ngôn đấy thôi. Chấp làm gì. Hãy cứ để y bàn tiếp tục bàn chuyện gối chăn như Hà Hương phong nguyệt, có phải tốt hơn không? Thì cứ tiếp tục đi. Nào ai có nói gì đâu. Được lời như cởi tấm lòng, y hứng chí và nhớ lại đã đọc mẩu chuyện này: Trong kháng chiến chống Pháp, có một lần đi thực tế lấy cảm hứng sáng tác, nhà thơ Xuân Diệu đã chứng kiến một pha đối đáp cực kỳ có văn hóa. Khoái quá! Về sau, nhà thơ có ghi lại trong một tập tiểu luận văn học của ông.

Lúc ấy, trời ngã về chiều, mọi người đang đứng bên bến đò để chờ đưa qua sông. Giây lát sau, cô lái đò cập thuyền vào bến. Vì cô có nhan sắc, dễ nhìn nên một câu học trò láu lĩnh đã buông lời trêu chọc: “Hoa kia tươi tốt rườm rà/ Tuy rằng tươi tốt nhưng mà ong châm”. Mọi người cười ồ lên. Nhà thơ Xuân Diệu cũng cười, nhưng ông lại hồi hộp vì không biết cô lái đò sẽ phản ứng ra sao? Vì “hoa tươi” mà bị “ong châm” ắt hoa héo, hương tàn, nhụy rữa! Đùa cợt với người phụ nữ như thế kể ra cũng hơi bị ác. Nhưng cứ thong thả như không, chờ cho mọi người lên thuyền, xong, cô lái đò đẩy sào ra khỏi bến và bắt đầu cất giọng... ngọt như mía lùi: “Hoa tàn nhưng nhụy không tàn/ Muốn xem chị vén bức màn cho xem”. Ba chữ “vén bức màn” quả đắc địa! Cậu học trò lúc ấy có lẽ phải... nhảy xuống sông cho đỡ thẹn chăng? Chi tiết này không nghe nhà thơ Xuân Diệu kể!

Cụ Vương Hồng Sển là người sưu tập đồ cổ rất nổi tiếng, không những thế, cụ còn viết khá nhiều sách khảo cứu rất có giá trị. Đọc sách của cụ, điều khiến ta thích thú là thỉnh thoảng bên cạnh những vấn đề cực kỳ nghiêm túc, cụ lại chêm vào những câu ba lơn rất dí dỏm, thú vị, giống như ăn bún bò Huế mà ớt cay xé lưỡi vậy!

Chẳng hạn, trong tập Tự vị tiếng Việt miền Nam (NXB Văn hóa Thông tin -1993), có một đoạn viết về “Câu hát xưa của vùng Ba Cụm, Chợ Đệm”: “Đệm sút vun, bàng vẫn là bàng/ Anh đi ghe ở bạn, chị ở nhà bịt cái răng vàng, đợi ai?”. Đó là câu hát của trai kia chọc gái, gái có chồng chèo ghe chài; gái ở nhà không thủ trinh. (“Vun” là cơi đắp lên, làm cho cái viền bao đệm thêm dày thêm; “bàng” là cọ bàng, dùng đan “đệm”, đan “bao” gọi  đệm bàng, bao bàng).

Câu này có nghĩa hay ho của nó, thế mà một hôm có một học giả quê ở Chợ Đệm, đi kháng chiến về là Bảy Trấn, đến đọc cho tôi nghe một câu như vầy, và bảo tôi nếu nhớ thì xin bổ túc: “Đệm ba đu, em còn chê chưa khéo”. Lúc đó tôi đành chịu bí, và nhớ đâu như vầy: “Đệm ba đu, em còn chê chưa khéo/ Chờ cho trăng lặn rồi, em đòi đắp xéo mới nghe”. Cố nhiên anh Trấn chưa chịu. Nay vỡ lẽ ra tôi mới rõ, có lẽ anh nghe thấp thố: “Đệm sút vun...” rồi người nào đó nói lái lại là “Đ... suốt đêm” nhớ ba chớp ba nháng thành ra “Đệm ba đu...” v.v... Ấy tiếng Việt ta ác ôn như thế, chứ danh từ “đu” là vô nghĩa và vẫn không có trong nghề đương dát. Câu này tôi chịu rằng tục, để hay không là quyền người in từ điển, còn tôi có nhiệm vụ lượm một tiếng xưa, thì phải ghi chép lại đây, vì có như vậy mới gọi là làm giàu cho tiếng nói” (tr.396).

Người Việt vốn thích đùa. Dầu là người của cửa Khổng sân Trình, đạo mạo là thế, nghiêm nghị là thế, nhưng các cụ nhà Nho cũng nghịch ra phết. Cụ Nguyễn Khuê (1825 - 1896) ở thôn Vân Sơn (Bình Định) vốn giỏi chữ nhất trong vùng, dạy dỗ bao nhiêu nhân tài cho xã hội. Cụ có làm bài thơ như sau: “Bốn phía trông chừng thấy chúng xa/ Hai tay khe khẽ trụt quần là// Gành ngao lún phún rêu mờ đá/ Bãi hạc lao xao sóng trổ hoa/ Kiến ngỡ mưa giông tha trứng chạy/ Cóc ngờ lụt ói cõng con ra/ Cũng vì méo mó nên che đậy/ Giữ nắng gìn mưa của mẹ cha”. Bài thơ tả... danh lam thắng cảnh nào đó hay tả mưa giông, lụt ói? Nhầm tất! Ấy là một sáng đẹp trời các văn nhân thi sĩ ngồi uống trà đàm đạo văn chương. Bỗng họ thấy từ hàng rào nhà hàng xóm có một yểu điệu thục nữ bước ra vườn, ngó quanh quất rồi ngồi xuống... tồ tồ! Chứng kiến cảnh ấy nên bậc túc nho Nguyễn Khuê ở thế kỷ XIX đã có bài thơ như trên!

Đã có “cái ấy” thì phải kể thêm “cái này” cho “hòa hợp âm dương vậy”. Đầu thế kỷ XX, thời Pháp thuộc, có viên Thừa phái và quan Thiếu bảo trong huyện Kiến Xương (Thái Bình) thích hát cô đầu, nhưng keo kiệt nên thường quên tiền “bo”. Để “sửa lưng” khách, một hôm cô đầu trẻ xin hát tặng một bài ‘hát nói”. Khi khách vừa nổi tiếng trống chầu rôm rã, cô đầu cất giọng”mưỡu” ngọt ngào: “Người ta đều gọi ông Thừa/ Mà em nhìn mãi chẳng thừa cái chi/ Cái thừa là cái chi chi/ Vứt đi là hết còn chi là thừa”.

“Tom chát tom...” vút lên như khen, như khích lệ giọng ca. Cô đầu chuyển qua “hát nói”: “Ông thừa gì thế?/ Bấy lâu nay ôm bế tiếng ông Thừa/ Em nhìn xem mặt mũi đều vừa/ Mà nhìn kỹ cái thừa đâu chẳng thấy/ Có phải cái thừa là “cái ấy”/ Thì đây này “cái thiếu” của em đây!/ Đem thừa kia bù với thiếu này/ Cho khít khịt từ nay vừa vặn cả”. Chỉ mới nghe đến đây, khách hứng chí “tom chát tom” và cười sảng khoái. Cô đầu bình tĩnh hát tiếp: “Ông Thừa vì vét tiền thiên hạ/ Cụ Thiếu càng ham của thế gian/ Thiếu Thừa âu cũng là quan”. Câu hát vừa dứt. Mặt khách đỏ bừng bừng nhưng cũng cố... nhoẻn một nụ cười!

Còn nhớ, năm xưa, y có mua được quyển Văn hóa làng Quỳ Chử (NXB Văn Học) của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trọng Miễn, chỉ in 500 bản. Làng này nằm cạnh quốc lộ 1 A và đường xe lửa Bắc Nam - cách thị xã Thanh Hóa 10 km về phía Bắc, có một bề dày văn hóa rất đáng nể. Xin chọn nhón một mẩu chuyện này đã in trong sách: Trong làng có tay lý trưởng hách dịch chẳng may bị đau răng, thường chửi quàng, chưởi bậy làm điếc tai làng xóm. Bữa ấy, cụ Cử Quỳ, đang tiếp khách văn nhân tao nhã mà cứ nghe những “lời có cánh” ấy, cụ bực mình lắm. Để dạy cho lý trưởng một bài học, cụ bèn viết câu đối, sai học trò sang dán trước nhà lý trưởng: “Thèm ăn, răng đã lung lay rụng/ Chán đ..., cu còn lủng lẳng đeo”. Chỉ có mấy chữ mà từ đó về sau, dù đau răng, nhức buốt nhưng tay lý trưởng đó cũng phải ngậm tăm, không dám há mồm chửi tục nữa!

Đấy! Ông cha ta cười cũng “độc”, phải không?


L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment