Thời buổi này, trong một ngày, thử hỏi, có ai không leo lên mạng xã hội? Thế giới đó, hầu như đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người, khi cần tìm kiếm/ chia sẻ thông tin, thư giản, buôn dưa lê, chém gió… Chẳng việc gì phải bàn về chuyện này. Ai thích, leo lên. Bằng không, tụt xuống. Thoát ra ngoài.
Với y, những ngày này có 2 chuyện gây ầm ĩ nhất thuộc lãnh vực y đang quan tâm, vẫn là thơ và nghiên cứu về học thuật. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Ai cũng cho mình là đúng. Kệ họ. Can cớ gì mình phải có ý kiến ý cò. Chỉ quan sát. Và giật mình nhận ra bây giờ, hầu như không còn là chuyện tranh luận. Chỉ là những tiếng nói mạt sát, mắng nhiếc sa sả, cứ như thể hàng tôm hàng cá ngoài chợ. Mà vẫn chưa khiếp bằng các comment hùa theo, luận tội tơi bời. Nện cho chết. Không thể ngóc đầu lên. Nhiểu nhại. Chế giễu. Phỉ báng. Đọc tranh luận còn là lúc qua các ý kiến khác nhau, người đọc thấu hiểu, sáng tỏ thêm một vấn đề nào đó. Nay, quyết là không. Chỉ là những lời rủa, mắng không khác gì đào đất mà chôn. Ai cũng cho mình có cái quyền luận tội/ kết tội người khác. Ngẫm ra, dành cho nhau một lời nói tốt đẹp sao mà khó quá. Khó tìm thấy qua các cuộc tranh luận trên mạng xã hội.
Mà thật ra, chuyện này chẳng có gì ghê gớm, chẳng đáng bận tâm. Còn có nhiều chuyện khác đáng quan tâm hơn. Chẳng hạn, mới vừa rồi dư luận báo chí “dậy sóng” với Ký ức Hội An - một chương trình nghệ thuật thực cảnh do ông Mai Soái Nguyên người Trung Quốc làm tổng đạo diễn. Thậm chí báo Văn Hóa - cơ quan chủ quản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đặt vấn đề: “Ký ức Hội An” hay “Uất ức Hội An”?
Trong bài báo này, có ghi lại phát biểu của nhà văn Trần Kỳ Trung: “Lần đầu tiên tôi thấy trên sân khấu người con gái Việt Nam mất hẳn mái tóc nuột nà, đen mượt mà thay vào đó là sợi dây lạ lùng, trông giống như đuôi sam của mấy ông quan triều Thanh mà tôi thấy trong phim Trung Quốc hay chiếu. Sao lại có sự “cách điệu” xuyên tạc những người phụ nữ Việt Nam đến như vậy. Đó là chưa kể những người được đóng vai cư dân Hội An toàn cởi trần, mặc quần thụng, đầu quấn khăn… giống y như người dân ở vùng Nội Mông (Trung Quốc). Còn nhiều chi tiết “lạ” trong “Ký ức Hội An” tôi không thể miêu tả hết, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, “Ký ức Hội An” truyền đi một thông điệp về hình ảnh Trung Quốc, tinh thần Trung Quốc, biểu đạt tư tưởng Trung Quốc rất rõ ràng… Chỉ khi hình ảnh cuối cùng của “Ký ức Hội An”, họ kéo một mô hình chùa Cầu to gần bằng thật ra góc sân khấu cho mọi người chiêm ngưỡng. Lúc đó tôi mới nghĩ rằng, trên sân khấu họ đang nói về Hội An”.
Mà thật ra, chuyện này chẳng có gì ghê gớm, đáng bận tâm. Còn có nhiều chuyện khác đáng quan tâm hơn. Chẳng hạn, à, chẳng phải nên liệt kê ra làm gì. Vì sực nhớ đến mẩu câu nói của cụ Phan Châu Trinh. Lúc cụ kêu gọi các ông nhà nho hãy cắt tóc ngắn, ai nấy đều chần chừ, cụ bèn nói khích: “Nào! Thử ‘cúp’ đi có được không? Đừng nói là việc nhỏ; việc này mà các anh không làm được, tôi đố các anh còn làm được việc gì!”. Đúng thế, hễ cứ gặp việc/ chuyện gì cũng cho “nhỏ như con thỏ”, làm sao kham nổi việc lớn?
Thời buổi này ngày nào cũng có chuyện cà chớn, nhố nhăng cả. Mà thôi. Chẳng việc gì phải suy nghĩ lăn tăn, vơ lấy vào người những gam màu nhăng nhố ấy. Mỗi ngày, tìm lấy một niềm vui. Có thể ảo tưởng. Có thể niềm vui sống. Tùy lựa chọn của mỗi người. Có người nhìn thấy hiện nay, “Việt Nam là cường quốc của thơ”; ngược lại có ý kiến “Việt Nam: "cường quốc" rượu bia, gánh nặng bệnh tật”. Nghe choáng chưa? Ai lại dám thốt ra câu nói liên quan đến bia bọt thế kia? Liệu có đáng tin cậy không? Sáng nay, tình cờ đọc báo Sức khỏe & đời sống - cơ quan ngôn luận của Bộ y tế, số ra ngày 14.4.2018 thấy thông tin rành rành như sau:
“Hiện chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29 trên thế giới. Tỉ lệ đó minh chứng Việt Nam đang là một cường quốc về sử dụng rượu, bia. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tổ chức ngày 13/4. Cũng tại hội thảo này, những con số về tỷ lệ sử dụng rượu, bia tại Việt Nam khiến nhiều người phải giật mình.
Phân tích bức tranh toàn cảnh về việc sử dụng rượu bia tại Việt Nam, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện tỷ lệ sử dụng rượu, bia ngày càng tăng báo động. Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít trong đó sản lượng rượu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít”.
Tại sao người Việt hiện nay đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành đệ tử Lưu Linh?
Câu hỏi này, đặt ra bằng thừa. Các bộ óc uyên bác đã phân tích nát nước rồi. Nhắc lại làm chi, chỉ rườm lời. Có điều, y chưa nhận ra ý kiến nào cho rằng, biết đâu cái sự mê đắm bia rượu ấy còn do tác động từ… thơ! Nghe lạ tai quá phải không? Một khi thú vui nào đã được nâng lên tầm mỹ cảm bằng nghệ thuật ắt sẽ có tác động đến công chúng. Công chúng đón nhận lấy nó như một sự tao nhã, khác hẳn những thú vui khác. Và quên đi tác hại của nó. Rượu là một thí dụ. Thơ ca kim cổ xưa nay, một khi đã nói về rượu thì các thi nhân đã dành cho nó biết bao lời lẽ hoa mỹ, ca ngợi tót vời há chẳng phải đó sao? Với từ khóa “Thơ về rượu”, chỉ bằng một cú nhấp chuột, Google cho biết: “Khoảng 7.960.000 kết quả (0,35 giây)”. Khiếp chưa?
Dám đồ rằng, đã là người cầm bút, có lẽ không nhà thơ nào không một lần/ nhiều lần viết về rượu? Đúng không nào?
Dám đồ rằng, đã là người cắp sách đến trường, ai lại không từng nghe thầy cô giáo khuyên răn chớ nên uống rượu. Lời khuyên ấy ra làm sao? Đại khái cũng tựa như bài học trong Quốc văn giáo khoa thư: “Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm, chốc lại ngã chúi một cái. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại, trông thấy cũng phải tránh xa. Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như là con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ. Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình”.
Thế rồi, khi đã lớn, đã trưởng thành, hỡi ôi, cậu học trò ngày xưa đã quên. Quên tuốt luốt. Cứ nốc tì tì. Thì y đó chứ ai.
Nhân nhớ về bài học Người say rượu vừa nêu trên, lại nhớ đến một bài học thuộc lòng khác. Anh bạn thơ Đỗ Trung Lai cho biết thời học cấp III (1965-1968) ở miền Bắc, đã học trong sách giáo khoa môn Văn: “Ban ngày quan lớn như thần/ Ban đêm quan lớn tần mần như ma/ Hai tay quan lớn gian tà/ Toa xoa cát phẩm, tay sà hạ chiêu”. Sách giảng rằng, đó là: “Ca dao chống phong kiến” (Báo Lao động cuối tuần số 15 từ ngày 13.4 đến 15.4.2018). Không rõ, nếu học trò cắc cớ hỏi cát phẩm, hạ chiêu là gì thì thầy/cô giáo sẽ trả lời ra làm sao?
Sắp đến, lại về Đà Nẵng. Ngày ấy, có bia rượu không? Ắt có. Mà có theo cách khác, chứ không phải tâm trạng của thời trẻ: “Tôi mường tượng dáng em về yểu điệu/ Lúc con sông bẽn lẽn áo vu quy/ Chim chóc ơi bay về đây uống rượu/ Chia sớt cùng tôi men đắng buổi chia ly/ Dốc nghiêng chai một lần như từ biệt/ Trăng mỡ màng loáng thoáng nước sông lên/ Tôi ảo giác tìm em trong ảo ảnh/ Ảo tưởng trăng gầy gương mặt giống như em”.
Dòng đời trôi đi mải miết. Chẳng mấy chốc mà già. Chẳng mấy chốc, mỏi gối chồn chân. Chẳng mấy chốc, con người ta chẳng còn ham hố gì nữa. Ngày tháng trôi qua, không bận tâm, không thèm đếm xỉa gì đến thời gian nữa. Ấy là chuyện của thiên hạ. Còn y, thời gian này chỉ mới bắt đầu. Nói như bồ tèo Đoàn Tuấn là y đang bắt đầu của một đời sống khác: “Mặc bao biến động cuộc đời/ Ngôi nhà yêu dấu tình người tỏa hương”.
Ghi nhớ nhé. Vâng, ạ.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|