LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 3.3.2018

cungcathan_mhlk

Người dân cúng bái cá “thần” ở Nghệ An - ẢNH: K.HOAN


Dấu vết của một thời còn có thể khảo sát từ thông tin thời sự trên báo chí.

Sáng nay, báo Thanh Niên in bài Bất ổn khi cái gì cũng cúng. Trong đó có đoạn: “Việc người dân nghe chuyện thánh thần nào cũng tin, bạ đâu cũng cúng, là một biểu hiện không ổn về văn hóa. Sáng 16.2 (mồng 1 tết), một người dân địa phương đang đi trên đường thì phát hiện một cá chép khá to dưới mương dẫn nước ở xóm Hòa Thành, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Người này sau đó gọi thêm mấy người cùng xóm mang kích điện ra để bắt cá nhưng không bắt được và bỏ cuộc. Sau đó, con cá không bơi đi, vẫn quẩn quanh ở đoạn mương này, thỉnh thoảng nổi lên rồi lặn xuống, khiến nhiều người đồn thổi cho rằng đây là “cá thần” và nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem, bàn tán. Hôm sau, một số người còn lập bàn thờ ngay bên bờ mương, mang hương, hoa đến thắp, khấn “cá thần” để cầu may.

Xác định đây chỉ là con cá thông thường, ngày 21.2, ông Nguyễn Bá Dược, một người dân ở xã Hiến Sơn, được sự đồng ý của chính quyền xã, đã quyết định dùng chài vây bắt “cá thần”. Đó là một cá chép bình thường, nặng 3,2 kg và có dấu hiệu bị bệnh. Theo ông Dược, nguyên nhân khiến con cá này nổi lên rồi lặn xuống trong mấy ngày qua có thể do bị người dân dùng kích điện bắt trước đó làm nó bị thương. Nhiều người dân hiếu kỳ hay tin ông Dược bắt được “cá thần” đã kéo đến xem và tận tay sờ vào con cá. Ít giờ sau khi bị vớt lên, con cá này yếu dần rồi chết, ông Dược mang vứt đi, câu chuyện đồn thổi “cá thần” mới chấm dứt.

Từ ngày 24.2 (mồng 9 tết) tại xã Quảng Văn, TX.Ba Đồn, Quảng Bình rộ lên thông tin xuất hiện một con rắn tại mộ vô danh nằm ven đường vào xã; sau đó xuất hiện thêm một con nữa. Nhiều người địa phương và ở nơi khác đã đến xem rồi cầu khấn, sờ lên con rắn vì cho rằng đó là rắn “thần” linh thiêng.

Tối qua 2.3, ông Trần Văn Trọng, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn (TX.Ba Đồn, Quảng Bình), cho biết số lượng người tập trung tại ngôi mộ vẫn rất đông và họ thức suốt đêm nên lực lượng chức năng được triển khai để duy trì an ninh trật tự. Trước đó, tối 1.3, lực lượng UBND xã tổ chức tháo bóng đèn điện, tháo dỡ rạp che trên ngôi mộ nhưng bất thành vì bị số đông người dân ngăn cản. Trên khu mộ có điện thắp sáng được câu nối từ hồ nuôi tôm, UBND xã tiến hành cúp điện 2 lần và cũng bị người dân phản đối dữ dội nên phải mở lên lại. Trong khi đó, theo nhiều nguồn tin, tình hình tại đây càng trở nên phức tạp khi có hiện tượng nhập “đồng”, người nhập là bà N.T.P (50 tuổi, người địa phương) khiến nhiều người càng tin.

Theo ông Trần Văn Trọng, nhiều người cũng dâng cúng tiền, tổng cộng đến ngày 1.3 có đến khoảng 200 triệu đồng tại mộ”.

Sự mê muội này không gì mới. Theo yêu cầu của báo Thanh Niên, chiều qua, y đã kịp thời bổ sung bài viết Người xưa chống mê tín. Đọc lại vài tư liệu. Ghi thêm đôi dòng.  

“Than ôi! Cái tục thờ bái ma quỷ, cả nước như điên, như cuồng”; “Thậm chí ngay cả muỗi, rắn, nhện, ốc, phân hổ, xương trâu, cũng đều cho rằng có thể gieo họa phúc cho người ta. Chính tập tục ngu muội đó đã làm cho người ta hoảng sợ, do vậy mà phải lập đền miếu để quanh năm thờ cúng”. Lời than phiền này còn thấy ghi rõ trong tập sách Sơn cư tạp thuật, có khả năng được tác giả (khuyết danh) viết vào cuối đời nhà Lê.

Qua đến đời nhà Nguyễn, sự tệ lậu trên vẫn không mấy cải thiện, bằng chứng trong tập Bà tâm huyền kính lục của Trần Tân Gia in năm 1897, có đoạn: “Gần đây, cũng có những chuyện xúi giục mê hoặc dân gian như thơ tiên, thuốc thần, nước suối, rắn trắng... Đó thực là những chuyện làm loạn đời, mê hoặc quỷ thần. Dám xin những người học thức hãy cảnh giác răn dè bọn đệ tử nông cạn, ngu dốt chớ có nghe theo mà rước họa vào thân...”.

Dưới triều Nguyễn việc chống mê tín dị đoan rất quyết liệt thông qua các chính sách, quy định rạch ròi, cụ thể. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi: “Nay cái tục tin theo quỷ thần, mê muội đã quá, hơi một tí cũng đi mời thầy vẽ bùa, đọc chú, nịnh hầu kẻ đồng cốt... Thậm chí có kẻ phụ đồng ấp bóng, bịa ra lời nói của thần, kiêng ăn cấm thuốc, kẻ đau ốm không cứu lại được. Lại có những thủ thuật làm người bằng giấy, làm ngựa bằng cỏ, ném gạch đá vào nhà, đốt cháy nhà cửa, cùng những bùa thuốc làm mê hoặc...”.

Xử phạt ra làm sao? Thời Gia Long: “Các người làm nghề phù thủy, làm đồng cốt, kẻ nào can phạm thì phạt xuy 100 roi, bắt đi giã gạo 6 tháng”; Thời Minh Mạng, phàm thầy cúng, đồng cốt, vẽ bùa chú, tà thuật, dị đoan “kẻ thủ phạm phải tội giam; kẻ tòng phạm phải phạt 100 trượng, lưu 3.000 dặm. Nếu là quân, dân đóng giả thần tượng, gỗ thanh la, đánh trống, đón thần mở hội, phải phạt 100 trượng, chỉ bắt tội kẻ đứng đầu thôi. Lý trưởng biết không tố cáo, phạt xuy 40 roi”. Năm 1843, thời Thiệu Trị, tại Hà Nội có tên Trần Văn Lập làm thầy phù thủy, phụ đồng chữa bệnh đã khiến người ngồi đồng là Hoàng Huy Triết nhảy nhót, ngã đập đầu vào tường tử vong. Tên Lập bị ghép vào tội “lầm lỡ làm chết người”, nộp tiền chôn cất người chết, “xử phạt 100 trượng rồi đem đày làm binh nơi biên giới xa”.

Cơn cớ tại làm sao, sự mê muội ấy vẫn tồn tại? Thật ra những thông tin trên, chỉ mới soi rọi từ phía người dân.

Nay, về phía quan chức thì sao? Chỉ cần gõ từ khóa “Quan chức đi lễ”, Google cho biết: “Khoảng 3.540.000 kết quả (0,27 giây); “Quan chức mê tín”: “Khoảng 2.000.000 kết quả (0,51 giây)”. Tại sao từ dân đến quan đều “cái gì cũng cúng”? Có nhiều câu trả lời. Trước mắt, ghi lại một thông tin thời sự của tháng ngày đang sống.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment