LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.2.2018

BIA-TINH-TU-AM-DUONG3Rxuan


Những ngày Tết. Nhìn xuống bàn tay với những rãnh dọc ngang chằng chịt, hằn nếp, đã thấy thời gian đi qua. Đi qua lặng lẽ. Đi qua vội vã. Bền bĩ. Và cứ thế, đến một lúc nhìn lại, dù không nói ra nhưng trong tâm tưởng đã có tiếng nói dịu dàng: “Sắp lục thập rồi đó Q”. Thế à? Ngạc nhiên quá. Vậy mà bấy lâu vẫn cứ nghĩ là còn trẻ. Rất trẻ nữa là khác. “Đi cho biết đó biết đây/ Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn”. Ấy thế, hơn cả nửa đời người, y chỉ ở với mẹ. Mà một khi có mẹ, đứa trẻ con trong y vẫn không chịu rời bỏ đi, nó cứ ở lì với cái sự ỷ lại, chẳng chịu lớn vì cứ nghĩ, dù gì đã có mẹ. Mẹ lo tất. Thế thì đứa trẻ ấy làm sao trưởng thành?

Năm nay, y đã lớn. Đã phải tự lo lấy phần kiếp, số phận của mình, chứ không còn là nấp sau váy mẹ nữa. Phải lớn lên thôi. Không thể chần chừ mãi.

Hình bóng của tình đầu, tình sau, tình cuối vẫn là nỗi ám ảnh của “Hương gây mùi nhớ, trà khan gọng tình” nhưng rồi đến một lúc nào đó chỉ còn là kỷ niệm êm đềm, rất êm đềm của tháng ngày vàng son đã có. Bấy lâu nghĩ rằng, chuyện tình lứa đôi vẫn là dấu vết tươi đẹp nhất đời người. Cảm xúc ấy thăng hoa tạo ra tơ lụa giăng mắc mọi rung động để bật ra tiếng tơ đồng. Bật lên giai điệu ru đời. Ru tình Trải dài theo năm tháng. Có phải trải dài theo năm tháng? Không đâu. Đôi lúc chỉ là một khoảnh khắc. Mà khoảnh khắc ấy lại là dấu vết khó có thể xóa nhòa, delete khỏi ngăn trí nhớ. Nghĩ là nghĩ vậy. Nhớ thương da diết là vậy. Rồi đến một lúc đã trưởng thành, đã bước ra khỏi vòng tay mẹ, đứa trẻ ấy phải biết nghiến răng để quên đi. Quên để làm gì? Để bắt đầu tự lập, tự chỉnh đốn lại cái thần xác, tâm tình của chính nó.

Nếu không như thế, sức mấy nó có thể viết bằng tâm thế của một người đã chín chắn, chững chạc: “Mầm đời xanh biếc mỗi ngày/ Tôi đang sống với bào thai tượng hình/ Đường dài ấm nắng bình minh/ Ru đêm ơn nghĩa nặng tình phu thê”. Hai từ “phu thê” nghe lạ tai không? Ít ra với y. Bây giờ đã khác. Trong Gia huấn ca có câu: “Có âm dương có vợ chồng/ Làm người ai thoát khỏi vòng phu thê”. Vậy à? Sao bây giờ mới biết? Có chậm quá không? Không gì nhanh và chẳng gì chậm. Vấn đề đặt ra vẫn là “Mầm đời xanh biếc mỗi ngày”.

Điều này, từ ngày 28.X.2001, y đã ý thức: “cuộc đời anh nhân đôi/ đó là lần đầu tiên hái ngôi sao trên trời/ đặt tên Sự Sống/ những mệt mỏi chán chường hư vô trống rỗng/ bây giờ xa lạ với chính anh/ đó là lần đầu tiên chạm đến mùa xuân/ đặt tên Nhân Loại/ như người nông dân gắn bó với luống cày/ được thu hoạch mùa vàng vĩ đại/ anh biết từ nay anh tồn tại/ vĩnh viễn giữa trần gian/ giọt máu vẫn chảy/ vẫn chảy/ vẫn chảy/ dẫu sau khi anh đã mất đi rồi/ được nhân đôi cuộc đời/ sợ quái gì cái chết”. Thật ra, ai rồi cũng đi về một cõi khác. Nhưng họ vẫn tồn tại trong tâm trí của máu thịt của chính họ đã tạo ra. Máu thịt ấy là sự tiếp nối, là nhân đôi cuộc đời.

Chinh phụ ngâm xao xuyến lòng người, còn là lúc tiễn chồng ra trận hiện lên trước mắt vẫn cái cảnh bùi ngùi, cảm động: “Đường giong ruổi lưng đeo cung tiễn/ Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa”. Nếu, “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt/ Xếp bút nghiên theo việc đao cung” vẫn độc thân, chưa vợ con thì đâu não lòng đến thế, bất quá chỉ là “Lá còn xanh nhu bao anh còn trẻ/ Lá trên cành như anh trong đoàn quân/ Gió rung cây cành lá tưng bừng đùa vui/ Anh trai làng có đi chiến dịch mùa xuân”. Nhẹ nhàng, phơi phới, không gì vướng víu, bận bịu. Chàng trai ấy, làm sao có thể thốt ra câu chỉn chu, không chỉ lo chu toàn phận sự làm trai mà còn phải dặn dò, quán xuyến cả việc nhà: “Nàng về nuôi cái cùng con/ Anh đi trẫy hội nước non Cao Bằng”. Rồi còn do tiếng khóc của vợ lúc tiễn chồng: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”, buổi lên đường tòng quân, không hề có tiếng cười. Phải rồi, vợ xa chồng, chồng xa vợ ra nơi trận mạc đối đầu với hòn tên mũi đạn, sống chết chưa biết ngày sau ra sao thì nỗi buồn ấy rất nhân văn.

Bấy lâu nay, sức mấy y được sống trong tâm thế đó. Mọi việc cũng chỉ là: “Đêm khuya nguyệt tận từ lâu/ Chon von chót vót ngôi sao khóc òa/ Tôi đột nhiên thấy người ta/ Trong gương soi lại bước ra mỉm cười”. Chỉ hình và bóng của y đấy thôi. Thê thảm chưa? Cô độc chưa? Nay đã khác. Rất khác. “Môi hôn ghé xuống môi hôn/ Ôm lấy trái đất vuông tròn trong tay/ Mỗi ngày cúi xuống nghiêng tai/ Lắng nghe nhịp thở đất đai nẩy mầm…”. Ngày đã mới. Ai lại không mong chờ một ngày mới đầu tiên trong cõi người? Đoàn Tuấn bảo; “Thơ như khát vọng bao đời/ Như mùa xuân đến đất trời hoan ca”.
Mùa Xuân. Ngày Tết. Lặng lẽ với từng dòng Nhật ký. Đôi lúc lại nhớ về những chuyến vui Xuân đón Tết của những mùa vàng vẫn còn rực rỡ trong ký ức. Nhớ về Hội An. Nơi ấy, trước cửa nhà hầu hết đều có vẽ hình con mắt. Con mắt của thời gian. Tại sao lại vẽ con mắt? Gọi nôm na Thần cửa. Nhiều tài liệu đã giải thích rồi. Không nhắc lại. Chỉ cần Google là tìm ra ngay thôi.

Có phải đôi mắt ấy bắt nguồn từ cái tích này không? Cái tích gì vậy?

Đọc Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn bản dịch, chú giải của Phạm Vũ và Lê Hiền (NXB Miền Nam - 1973), ở phần Phẩm vật loại, có đoạn: “Sách Loại tụ nói: “Cái khóa cửa, tất phải làm hình con cá, lấy nghĩa con cá không nhắm mắt, để giữ đêm”. Lại nói rằng: “Ở biển Đông, có loài cá, đuôi như đuôi chim cắt, hễ nó phun sóng thì trời mưa; cho nên đời Đường đến nay, hễ làm nhà thì đắp hình con cá  ở nóc nhà để trấn hỏa tai”. Từ cái khóa cửa hình con cá, về sau đã “cách diệu” thành hình con mắt ngay trước cửa nhà? Suy luận này, liệu có đúng không?

Thôi thì, cứ nghĩ thế, chứ biết hỏi ai bây giờ? Nghĩ như thế vì từ “nguyên mẫu” đã có, khi du nhập vào nước Nam thì nó đã “cải tiến” ít nhiều. Ví như ngày trước trong đám cưới từ làng này qua làng nọ luôn gặp cảnh giăng dây. Nhà văn hóa Phan Kế Bính có viết trong Việt Nam phong tục (MXB TP.HCM-1990): “Trong lúc đi đường thì những kẻ hèn hạ hoặc lấy sợi chỉ đỏ, hoặc mảnh vải, lụa đỏ giăng ngang giữa đưòng, đám cưới đi đến, phải nói tử tế mà cho chúng nó vài hào, thì chúng nó mới cởi dây cho đi. Chỗ thì chúng nó bày hương án, chờ đi đến, đốt một bánh pháo ăn mừng, chỗ ấy phải đãi họ một vài đồng mới xuôi. Nếu bủn xỉn mà không cho chúng nó tiền, thì chúng cắt chỉ cắt dây nói bậy nói bạ, chẳng xứng đáng cho việc vui mừng, vì vậy đám nào cũng phải cho” (tr.58).

Đọc Vân đài loại chí, càng xác tín rằng thói xấu bắt chẹn/ bắt chẹt này là do người nước Nam ta bắt chước theo Trung Quốc và có “cải tiến”. Lê Quý Đôn cho biết: “Sách Thông điểu chép: “Đời Đường Huyền tông, Đường Thiệu dâng sớ lên vua tâu: “Trong ngày sĩ thứ nghênh hôn, những kẻ hèn hạ quê mùa đem xe ra chận đường đòi cơm rượu. Tục ấy trở nên thịnh hành đến cả những bậc vương hầu. Chúng nhóm nhiều bè lũ ra đón đường giữ đám cưới lại, làm mất nhiều thời giờ mà đòi tiền của, đến nỗi tiền cho bọn ngăn đường nhiều hơn tiền cưới. Vậy xin cấm hẳn. Nhà vua chuẩn việc ấy”. Tục ấy gọi là tục đón ngõ, giăng dây bây giờ”. Rõ ràng từ chỗ “đem xe ra cận đường” đã trở thành “giăng dây” (SĐD, tr. 199-200).

Này, tra trong từ điển có từ “bắt cóc”, Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Bắt người đem đi một cách lén lút, bất ngờ, mau lẹ rồi đem giấu kín ở một nơi không cho ai biết, nhằm đòi tống tiền hoặc những mục đích khác”. Thử đặt câu hỏi, tại sao phải là cóc/ bắt cóc chứ không là con gì khác? Ắt phải có duyên cớ gì đây. Người xưa khi sử dụng từ nào là có lý do của nó, chứ không thể bốc đồng, ngẫu hứng, tùy hứng. Vậy duyên cớ ấy là do đâu? Câu trả lời ấy, nếu phải trả lời e khó quá đi mất.

Lâu rồi tình cờ đọc quyển Quảng tập viêm văn (in năm 1898) của Edmond Nordemann, NXB Hội nhà văn tái bản năm 2006, Nguyễn Bá Mão biên dịch và chú thích, có đoạn liên quan đến từ bắt cóc: “Tinh thần tương tế (giúp đỡ nhau) rất phát triển ở An Nam cũng như ở người Trung Hoa. Ở An Nam, không có xóm nào không có hội hưu dưỡng của tuổi già gọi là hội “kỳ lão”, hội lễ bái Khổng giáo gọi là “hội tư văn”, hội cựu học sinh của một trường gọi là “hội đồng môn” (chủ yếu là để cung dưỡng thầy dạy họ), hội bảo đảm tang lễ gọi là “hội hiếu”, hội cho vay lẫn nhau gọi là “họ” và hội âm nhạc gọi là “hội nhạc sinh”. Tất cả nhũng hội này đều hoạt động giống như các hội của người Pháp. Người An Nam không có hội kín. Ở Trung Hoa trái lại, các hội kín tương đối nhiều, hầu hết đeo đuổi việc lật đổ triều Mãn Thanh.

Tín dụng hầu như không có như chúng tôi đã nói ở trên. Bởi vậy sự phòng xa của người Trung Hoa và người An Nam thường là chôn xuống đất tất cả của để dành của họ. Những của để dành này thường được tiêu biểu bằng các khối kim loại quý nhỏ có dáng hình con cóc. Từ đó, có từ ngữ An Nam “bắt cóc” để nói sự bắt phải chuộc. Những bản đồ được vẽ ra và đánh dấu tỉ mỉ dùng để tìm lại những chỗ cất giấu” (tr. 287).

Thế nhưng “Bắt cóc bỏ dĩa/ Bắt cóc bỏ nong” thì ở đây rõ ràng là bắt lấy con cóc. Có lẽ, những ai đơn thân độc mã, một mình một ngựa ít khi có tính cách “chôn của để dành” như vừa nêu. Bởi vì rằng, họ chẳng phải lo toan gì sâu xa cả. Có đồng nào xào đồng đó. Làm gì có “của để dành”. Y cũng vậy thôi. Ngày Tết lại nhớ về thuở còn nhỏ, dịp đó, mẹ thường mua cho con heo đất nhằm để dành tiền lì xì ngày Tết. Xa xưa hơn nữa, con người ta tiền để dành trong ống tre. Chặt một khúc tre có hai “đầu mắt” tức ống tre đã bịt kín, khoét rãnh ngang để nhét tiền để dành vào trong đó, vì thế mới gọi “tiền bỏ ống”. Cái con heo đất đó, trẻ con Quảng Nam gọi là cái lùng binh/ bùng binh.

Ngày Tết, cái bẽ bàng nhất của y vẫn là quán xá đóng cửa. Tự tay nấu nướng thì đã chán. Ăn riết món ăn do chính tay mình nấu, khác gì cực hình. Biết làm thế nào? Thế thì chiều nay ăn cháo vậy. Ông Lê Quý Đôn có chép lại từ sách Giới am mạn bút, bài thơ như sau (dịch): “Nấu cơm ăn đâu bằng nấu cháo/ Cùng trẻ em thử thảo luận coi/ Một thưng dễ biến thành hai/ Ba bữa thành sau ngày dài đỡ sao/ Có khách chỉ thêm vào nước lửa/ Khỏi tốn tiền sắm sửa chi chi/ Cháo đâu kém vị ngon gì/ Cháo lạt nhưng khỏe vị tì hơn cơm” (SĐD, tr.472). Ca ngợi cháo đấy chăng? Chẳng phải đâu cũng là một cách tự bào chữa của con nhà nghèo đất thôi. Chứ không phải đã chán cao lương mỹ vị đến cổ, bèn đổi qua món cháo cho lạ miệng. Còn y nấu cháo chẳng qua không biết nấu món gì khác.

Chẳng rõ, hiện nay ở trong Nam còn giữ tục nấu nồi cháo ám hay không? Hãy nghe ông Vương Hồng Sển kể lại: “Ba ngày Tết trong này ăn dồn thịt kho thịt, lạp xưởng và vịt phơi khô, nhiều ngày quá nên lợm giọng vì thế qua ngày mồng bốn Tết có lệ “cúng tết”, tết nhà tết cửa. Ngày ấy, nấu bữa cơm cúng đất đai ông bà, lễ tất, đại để có tục lệ cắt giấy kim ngân ra hình vuông, hình hồ lô để dán vào cột cửa tủ bàn và dâng lên bàn thờ Tổ tiên “nồi cháo cá ám”. Cũng thì cháo cá nhưng nấu cháo kiểu cá luộc chần, thì vẫn cá luộc sơ và xắt khúc, không để nguyên con; còn trái lại “cháo cá ám” là nấu nồi cháo rất kỹ, cá để nguyên con không chặt khúc và khi nấu cháo vẫn không đậy nắp vung (nấu ám). Theo tôi đây là món thuốc vệ sanh trừ độc của ông bà lưu truyền lại, vì ba ngày Tết ăn mỡ đã nhiều, qua mồng bốn ăn tô cháo ám có rau ghém chát xắt nhỏ, chuối cây non và rau thơm, vừa nhẹ nhàng khoang khoái thêm ngon miệng, trở bữa, nghệ thuật là quyết trường sanh đó” (Tạp san Sử Địa số 5 - tháng 1.1967).

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment