LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 10.4.2018

 


biatrebn-duobg-dai-hanh-phuc-1

 

Những ngày bận rộn, chộn rộn rồi cũng đi qua. Đã hoàn thành cái ngày mà trước kia, y đã từng hứa hẹn: “Tôi muốn lấy em làm vợ/ để dạy dỗ tôi nên người”. Một sám hối. Một thức tỉnh. Một cuộc lột xác. Một thay đổi lớn lao. Vâng, rất ghê gớm, cỡ như: “tôi chọn cho tôi duy nhất một cửa nhà/ để mỗi đêm bước vào tìm chỗ ngủ/ để từng đêm được nghe vợ dạy dỗ/ chuyện nợ nần và chuyện áo cơm/ chuyện phải về nhà trước lúc hoàng hôn/ chuyện đi ra đường không nhìn ngang liếc dọc/ chuyện ru con lúc nửa khuya chợt khóc/ chuyện ngày xưa... đay nghiến chuyện ngày nay/ từ gã đàn ông tôi hóa thành đứa con trai/ ngoan ngoãn lắng nghe lời em răn dạy”. Tưởng là thế. Nhưng rồi bong bóng bay lên trời. Bong bóng vỡ. Gẫy đổ. Những ngày vừa qua, y được trở lại với niềm mơ ước của thời thanh tân trẻ người non dạ.

Ngày hôm ấy, ngày 3.4.2018, ngồi tại nhà hàng Ái Huê tranh thủ lúc chờ quan khách đến chung vui, y đã trao đổi nội dung cùng Đoàn Tuấn để viết bài thơ. Một bài thơ có tựa giản dị Bắt đầu. Tất cả chỉ mới vừa bắt đầu. Trong hôn nhân không bao giờ tồn tại khái niệm sớm/muộn. Nó đến như một lẽ tất nhiên của số phận. Mọi sắp xếp, cố tình, chủ ý trước đây không là gì so với ngẫu nhiên của hiện tại. Ấy mới là sự ghê gớm kỳ diệu đã xẩy ra dưới gầm trời này. Chẳng một ai có thể biết trước. Thế rồi mọi việc diễn ra chỉn chu đến từng chi tiết, dẫu nhỏ nhất. Thế thì, đời sống của mỗi người đã có sự “lập trình” trước đó đấy chứ? Một khi đã đến, ắt không gì có thể thay đổi. Có thế, mọi việc mới hanh thông, tốt đẹp mà trước đó, dù có lên “kịch bản” chi tiết cũng không thể sánh bằng.

“Mừng em - mừng đến vu quy/ Từ đây ngày tháng tập đi bắt đầu/ Chung vui nối những nhịp cầu/ Đôi ta gắn kết bắt đầu cùng đi/ Mừng em - ngọn nắng xuân thì/ Vỗ về chăn gối nhu mì Liên Anh/ Mùa tình tuổi trẻ đang xanh/ Từng đêm giấc ngủ an lành có nhau/ Mừng em - mừng đến xưa sau/ Tượng hình sự sống dạt dào tinh khôi/ Niềm vui từ một vành nôi/ Từ đây đi, đứng, nằm ngồi… an nhiên/ Tạ ơn trời đất linh thiêng/ Ngày hôm nay đã chung riêng sum vầy/ Hạt mầm gìn giữ trong tay/ Từ nay hoa trái - từ nay nặng tình”.

Mừng em cũng là mừng cho chính y đấy thôi. Bởi vì rằng, đã hôn nhân chính là lúc hai người một bóng. Khi đưa thông tin này lên báo Thanh Niên, đồng nghiệp Lê Công Sơn đã nói hộ một điều rất quan trọng: “Nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết: “Do mẹ tôi vừa mới mất ở Đà Nẵng nên đám cưới chỉ tổ chức một bữa tiệc đơn giản, độ khoảng 6 bàn trong gia đình và anh em trong nhà. Khi nào điều kiện cho phép, tôi sẽ có cuộc gặp gỡ khác hoành tráng dành riêng cho những bạn hữu. Vì vậy, nếu có thất lễ chưa mời được đông đủ thì mong những tình thân xa gần hãy lượng thứ cho vợ chồng tôi…”. Mọi người từ bi hỷ xả, không ai phàn nàn, cảm thông và chia sẻ, y lấy làm mừng. Lại nhớ  đến lúc bạn thơ Trương Nam Hương đã đọc ngẫu hứng trong ngày ấy: “Đêm nay, bạn hữu động phòng/ Có trăm em khóc động lòng đó nghe/ Cái phòng động, cái giường phê/ Gối chăn còn biết đê mê, huống người/ Đêm thơ hoa chúc - hai người/  Dìm nhau đến tận đỉnh trời khát khao”.

Trưa qua, một cuộc họp mặt nho nhỏ tại tòa soạn báo Phụ Nữ TP.HCM - một địa chỉ đã gắn bó từ lúc mới chân ướt chân ráo, còn nghênh ngang ngựa sắt đi săn tin, tập tễnh bước vào làng báo Sài Gòn. Thoáng đó, đã tròm trèm 30 năm rồi đó. Thời gian lướt qua nhanh, nhất là lúc ngoái lại về phía sau. Chẳng mấy chốc sắp đến tuổi cầm lấy quyển sổ hưu. Mà cũng là ngày tháng của Bắt đầu.

“Chung vui nối những nhịp cầu/ Đôi ta gắn kết bắt đầu cùng đi”. Một chân trời mới. Một niềm hân hoan mà trước đây chưa từng trải qua. Nay bắt đầu trải nghiệm. Và cứ như thế, mọi việc lại đi về phía trước. Đi về hoa trái. Đi về nặng tình. Đời người ư? Cuối cùng cũng là một bến đỗ. Một ý thức không gì thay đổi nữa: “duy nhất một cửa nhà/ để mỗi đêm bước vào tìm chỗ ngủ”.

Những ngày bận rộn, chộn rộn đã qua. Bây giờ mới có thể thu xếp lại cảm hứng một cách ngăn nắp, trật tự để trở lại với thú vui hằng ngày: viết. Đúng thế, chỉ có thể là viết. Viết như đã từng. Mà viết cũng là một cách để kiếm sống. Y có gì ngoài khả năng này? Chẳng có gì. Ngoài những con chữ. Và lấy làm niềm vui sống. Hôm nọ, trả lời phỏng vấn HTV, nói rằng, điều lớn lao nhất của một con người sống với niềm đam mê chữ nghĩa không phải là những tiếng vỗ tay, những bó hoa tươi thắm, những lời ngợi ca - những động viên đấy, rồi cũng đi qua, điều cần thiết nhất vẫn là tìm thấy niềm vui từ công việc lẻ loi, đơn độc mỗi ngày vẫn miệt mài. Trước đây, trên tập san Áo Trắng, đã trả lời bạn đọc rằng: “Viết cũng như chọn lấy một trò chơi thanh nhã. Có người thích chơi sách, chơi cây kiểng, chơi hòn non bộ, chơi đồ cổ v.v… thì sáng tác với tôi cũng là một cái thú như vậy. Miễn sao đừng làm phiền lòng vợ con, bà con láng giềng, chòm xóm, vì thú chơi của mình”.

Thật ra, văn chương chữ nghĩa không phải nhằm thỏa mãn một thú chơi nào đó. Đây là một cuộc lao động bền bĩ và nghiêm túc. Leo lên núi mỗi ngày. Tưởng lên đến đỉnh ư? Lại ngã lăn chiêng đèn cù. Rơi tuột xuống đất. Lại mò mẫm leo lên. Cứ thế, chẳng mấy chốc đời người trôi cái vèo. Tóc trắng như mây. Về bên này dốc của đời người. Biết là thế, may mắn thay, hạnh phúc thay, niềm vui của công việc nhọc nhằn này, với y, vẫn còn đây. Không thay đổi.

Sáng nay, thức dậy sớm. Sớm như mọi ngày đã có thể nhẫn nha ngồi đọc báo, bên ly cà phê - một thói quen đã mọc rễ, đã thâm căn cố đế từ thời tóc xanh. Dừng lại với một chi tiết vì cảm thấy lạ quá. Cơn cớ tại làm sao, một trò lừa đảo đã từng xuất hiện tại Việt Nam cừng hơn mươi năm trước nhưng nay vẫn còn có “đất sống”, vẫn còn có nhiều người nhẹ dạ sập bẫy. Cứ theo như báo Thanh Niên vừa đưa tin: 3 “phù thủy” lừa đảo tẩy đô la sa lưới thì bà A: “được Martial dẫn vào phòng và mở vali cho xem bên trong có nhiều cọc giấy giống cọc tiền. Martial rút ra 3 tờ rồi lấy một loại hóa chất nước đổ vào, 3 tờ giấy trắng biến thành 3 tờ 100 USD. Xong, Martial đưa bà A. cất giữ và nói cần thêm 100.000 USD để mua hóa chất tẩy hết số tiền trong vali trên”.

Lật lại báo chí, mới hay, trò lừa đã này, lần đầu tiên “du nhập” vào Việt Nam là từ tháng 3.1998. “Con mồi” bị chủ mưu dụ khị bằng cách rót mật vào tai, đại khái, chúng tiết lộ có một số lượng ngoại tệ rất lớn đã đưa vào Việt Nam. Do số tiền lên đến hàng triệu USD nên không thể đưa vào một cách hợp pháp, vì vậy, chúng phải ngụy trang bằng cách nhuộm trắng toàn bộ số đô la trên giống như những tờ giấy trắng và đóng thành một “kiện hàng”. Tuy nhiên, hiện chúng không đủ tiền mua một hóa chất đặc biệt để “tẩy rửa” toàn bộ “kiện hàng” này thành đô la. Nếu đồng ý cho chúng mượn tiền, “con mồi” sẽ được “trả công” 50% trong tổng ngoại tệ mà chúng đang có! Để đưa tiếp tục dẫn dụ vào tròng, chúng đã dẫn còn cho “con mồi” tận mắt chứng kiến... “công nghệ chế biến đô la”!

Loại hóa chất mà chúng sử dụng thật ra rất đơn giản - sau này theo giám định của Bộ Công an - chúng hòa tan iốt, tức loại thuốc sát trùng rất rẻ tiền, có bán tại các nhà thuốc Tây trong cồn ở nồng độ cao để trở thành dung dịch có màu nâu đen. Khi thả tờ những giấy trắng được cắt bằng kích cỡ của tờ đô la, chúng cũng “nhanh tay lẹ mắt” thả luôn vào tờ đô la thật. Xong, chúng vớt những tờ đô la thật bỏ vào trong xô nước có pha sẵn xà phòng, những tờ giấy bạc này trở lại sắc màu như cũ. Quá trình thao tác này nhanh đến mức dù tận mắt chứng kiến, nhưng khó ai có thể phát hiện ra trò đánh tráo này.

Mà này, tại sao sáng nay lại chăm chú đọc thông tin này? À, vì nhớ đến một truyện ngắn Bạc đẻ của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977). Hóa ra, từ thập niên 1930 của thế kỷ XX, ông Hoan đã “dự báo” một cách tài tình những thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm quốc tế trong thời đại mà chúng ta đang sống?

Chuyện rằng: Ông Cửu Ấu ở trọ nhà ông Trưởng Sắc có hành tung rất  khả nghi, xài tiền như nước, thường hay vắng nhà. “Song hễ ở nhà thì ông ta thì ông ta hay mượn chiếc chậu thau đồng lên buồng làm gì, để hằng hai ba tiếng đồng hồ, rồi khi dùng xong thì tự tay đem ra ao, lấy trấu và cát đánh cho thực sáng rồi mới đem trả. Ông ta có một tính khác người thường, là hễ ở nhà, thì không thích cho ai lên buồng riêng của mình. Có một lần ông đã mắng đứa đày tớ vô ý trước khi mở cửa vào, không đánh tiếng hoặc gõ cửa. Nhưng khi ông đi vắng thì tha hồ, ai vào cũng được, tuy đồ đạt, quần áo ông để bừa bãi, mà có một lần ông Trưởng sợ quá, cái va li của ông Cửu, trong để rặt những đồng bạc, mà ông quên không khóa”.

Rồi trong một lần chè chén say sưa, ông Cửu “vô tình” cho ông Trưởng biết là mình đang nắm giữ “công nghệ” làm cho bạc đẻ thêm nhiều, cứ một đồng thì đẻ ra một đồng! Mà bạc nó cũng ở cữ nên ông phải đi xa khi nó thụ thai, nếu ở gần thì bạc tịt lại, không đẻ được gì cả. Nghe “nhỏ to tâm sự” như thế, ông Trưởng nổi máu tham, đưa tiền cho ông Cửu làm cho bạc đẻ và đúng như vậy. “Tiếng lành đồn xa”. Sau đó, cả làng đều biết chuyện và ùn ùn đưa tiền cho ông Cửu.

“Cả làng, từ ông già cho chí trẻ con, ai cũng tấp nập rủ nhau đến nhà ông Trưởng để đưa bạc đi đẻ. Thôi thì có bao nhiêu bạc giấy, hào, xu, họ đổi thành bạc đồng, và đánh cho thật bóng nhoáng. Ông Cửu mỏi tay biên sổ trong hai ngày, vì từ thằng khố dây trong làng, củng cố cầm cố bán chác đồ đạc trong nhà để kiếm vài đồng bạc trắng. Ông chánh Bá, giầu nhất tổng, đưa đẻ hẳn năm trăm, mà còn tiếc vì vội quá, không kịp bán nốt mấy chục mẫu ruộng, ông lý Thới, ông lý Sang, ông phó Ung, ông cả Sích, vân vân, và những nhà có máu mặt, đều cùng nhau đưa làng trăm; còn hạng đụa hàng chục, hàng đồng, thì tên biên vừa đen kịt hai mươi trang giấy. Khi cộng sổ, ông Cửu phải lắc đầu lè lưỡi nói với ông Trưởng:

- Sáu nghìn bảy trăm sáu mươi tư đồng, chà! Có lẽ tôi phải lánh đến bảy tám hôm chắc! 

Ông Trưởng cười gượng:

- Chúng tôi chỉ dám phiền ông có lượt này nữa thôi đấy ông chịu khó vậy.

- Vâng, tôi có dám phàn nàn đâu!

Vừa xẩm tối, mọi người đã chen chân nhau vào nhà ông Trưởng để được xem phép lạ. Nhưng họ có được trông thấy gì đâu, vì phải đứng cả ở ngoài sân, mà ông Cửu thì ở tận trong buồng để làm việc. Hàng năm sáu giờ đồng hồ sau, bỗng ông Trưởng, vẻ mặt quan trọng như ông tướng chạy ra hè hô lớn: “Bây giờ ai phải về nhà nấy để bạc dưỡng thai. Cấm không ai được dòm, vì nếu có hơi người lạ thì bạc tiểu sản, biến ra bùn mất cả. Ai không tuân lệnh mà làm hỏng mẻ này thì phải đền sáu nghìn bảy trăm sáu mươi tư đồng, một thành hai!”.

Mọi người thấy câu nói đều sợ thiệt đến của riêng, bèn kéo ồ cả ra về. Độ năm phút sau, sân nhà vắng vẻ, ông Cửu đi dò la chung quanh hàng rào, rồi một mình khênh bạc ra vườn, lúi húi làm nốt công việc. Lúc chôn xong thì vừa hai giờ sáng, ông Cửu mệt nhoài, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng theo phép, ông phải lánh xa chỗ bạc dưỡng thai, nên ông vội vã khăn áo ra đi, và dặn lại ông Trưởng: “Bốn giờ kém năm sáng thứ bảy sau, tôi sẽ trở lại. Trong chín hôm tôi không có đây, ông phải cấm không cho ai lai vãng ra vườn nhé!”

Thế là sau khi cầm gọn một số tiền lớn, ông Cửu... biến luôn!

Một ngày, sáng bảnh mắt, ngồi đọc nhẩn nha vài thông tin. Qua đó, nhớ lại một truyện ngắn hay. Cũng đủ năng lượng vui sống cho một ngày. Phải không? Tất nhiên.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment