“Đường ray đay nghiến ngất ngư/ Toa tàu nghiêng ngửa tựa như phút này/ Tôi thèm được nắm bàn tay/ Níu em thơ dại lại ngày sắp xa”. Những câu thơ này, y đã viết tại sân ga Hòa Hưng từ những ngày “chân ướt chân ráo” vào Sài Gòn lập nghiệp. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ y có thể quên đi cảm giác náo nức, chen lấn, hồi hộp chờ đợi mua được chiếc vé tàu về quê. Trong trí nhớ, nơi ấy, lúc nào cũng nhộn nhịp người ra kẻ vào, hành lý đùm đề, thỉnh thoảng lại nghe từ loa phát thanh thông báo của nhà ga. Cảm giác ấy, thân thiện và gần gũi lắm.
Nhiều bài thơ hay nhất trong nền thơ Việt Nam hiện đại đã lấy cảm hứng từ sân ga. “Hai người bạn cũ tiễn chân nhau/ Kẻ ở sân toa kẻ dưới tàu/ Họ giục nhau về ba bốn bận/ Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu”. Lúc ấy, kẻ ở người đi, lòng còn đang bịn rịn thì đã nghe còi tàu giục giã. Phải chia tay nhau thôi. Tàu chuyển bánh nghe rền vang từ đường ray một âm thanh nặng trĩu. “Sao nhà ga ấy sân ga ấy/ Chỉ để cho lòng dấu biệt ly?”. Câu thơ Nguyễn Bính viết từ năm 1937, vẫn còn nguyên vẹn trong tâm tưởng nhiều thế hệ. Nhất là câu này: “Buồn ở đâu hơn ở chốn này?”.
Có lẽ người trước nhất đưa tàu lửa vào thơ thất ngôn bát cú chính là nhà cách mạng Trần Cao Vân. Khi hoàng đế Duy Tân đồng lòng cùng tổ chức Việt Nam Quang phục hội làm cuộc khởi nghĩa, về ngày khởi sự, mọi người thống nhất chọn giờ ngọ, ngày ngọ, tháng ngọ, tức ngày mồng 2.5 năm Bính Thìn nhằm ngày 2.6.1916. Để giữ tuyết đối bí mật, Trần Cao Vân đã làm bài thơ Hỏa xa Huế - Hàn, có thể xem văn bản này là một “hiệu lệnh” của cuộc khởi nghĩa: “Một mối xa thư đã biết chưa?/ Bắc Nam hai ngả gặp nhau vừa/ Đường “ray” đã sẵn thang mây bước/ Ống khói càng cao ngọn gió đưa/ Sấm dậy tứ bề trăm máy chuyển/ Phút thâu muôn dặm nửa giờ trưa/ Trời sai ra dọn xong từ đấy/ Một mối xa thư đã biết chưa?”. “Ray” là mươn từ rail trong tiếng Pháp. Ray/rây hoặc rầy cũng là một. Ghi lại chi tiết này để thấy cảm hứng của thơ còn là chất liệu hiện thực từ đời sống.
Về đường “ray”, ca dao Nam bộ có câu cực hay, tài tình, dí dỏm: “Gá duyên không đặng hội này/ Em lên Chợ Lớn, nằm đường rầy cho xe lửa cán chơi”. Nghe cứ như nghịch như đùa. Thiệt tình. Chơi mà được à? Một cách nhỏng nhẻo đấy thôi. Chẳng khác gì: “Ba bốn nơi sang cả phụ mẫu em đành gả/ Em chắp tay khoan đã, chưa tới căn phần/ Phụ mẫu em nói: bất tuân giáo huấn/ Đem treo cây bần cho kiến nó bu”. Nghe cứ như giỡn chơi.
Căn nhà đang ở cạnh cổng xe lửa số 10, do đó, y nhớ tiếng còi tàu lắm. Có những đêm thức giấc bởi chuyến tàu đi ngang qua, từ ga Bình Triệu vào ga Hòa Hưng. Lúc ấy, lại nhớ đến ngày tháng đã từng ra ga đón mẹ từ quê vào lại Sài Gòn. Ngày tháng đó đã xa. Không thể tìm lại được nữa. Bùi ngùi nhớ. Rồi chẳng mấy chốc, y đã “bén rễ xanh cây” ở chốn này. “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. Thì dân Sài Gòn có cái gan ấy. Không phải từ bây giờ, mà từ xa xưa đã có. Sở dĩ như thế vì đây là vùng đất hội nhập nhiều dòng chảy văn hóa, có cảng, tàu bè giao thương tấp nập... Đừng nghĩ nghề viết thư tình, đơn từ giao dịch bằng tiếng Anh, gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện mới xuất hiện từ thập niên 60 thế kỷ XX - lúc người Mỹ sang Việt Nam tham chiến. Đọc Gia Định báo, đã thấy người Sài Gòn hành nghề này từ lúc Pháp mới sang, tức những tay thông ngôn có thể kiếm thêm chút đỉnh tiền cà phê cà pháo nhờ dịch vụ tự phát này.
Thay đổi quan niệm về việc kiếm ra tiền phải kể đến lúc các sĩ phu trong phong trào Duy Tân đã hô hào chấn hưng công thương, thức tỉnh hồn nước. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân: “Đó là hiện tượng mới lạ nhất, mở đầu cho một cao trào kinh tế Việt Nam từ trước chưa hề có. Cùng với cao trào đó, theo tôi, đã có thể nói tới sự hình thành lớp doanh nhân Việt Nam và phôi thai tinh thần doanh nghiệp lần đầu tiên trong lịch sử”. Vâng, điều quan trọng nhất, căn bản nhất vẫn là “sự hình thành lớp doanh nhân Việt Nam”.
Trước đó, đã có những nhà nho rất có y thức về làm giàu nhưng đếm không đủ mười đầu ngón tay. Chỉ có thể kể đến danh tướng Trần Khánh Dư. Ta hãy nhớ lại chuyện nón Ma Lôi. Ma Lôi là tên làng ở Hồng Lộ (thuộc Hải Dương), người dân có tài khéo đan nón bằng trúc thanh bì nên lấy tên làng để gọi tên nón.
Theo quan niệm thời đó, thứ tự trong xã hội là “sĩ, nông, công, thương”, nghề buôn bán xếp sau cùng nhưng Trần Khánh Dư lại có một tư duy táo bạo mà không phải ai cũng đồng tình. Lúc sa cơ thất thế, từ một người danh vọng cao ngất ngưỡng trong triều, ông sẵn sàng chọn nghề bán than kiếm sống. Dù thiên hạ cho nghề hèn mọn, chỉ dành cho kẻ bần cùng nhưng ông vẫn không màng - miễn nghề ấy nuôi sống bản thân mình. Nghề lương thiện nào cũng cao quý miễn phù hợp với khả năng và sự lựa chọn của mình. Tư duy của ông không khác với thời đại này: Qua kinh doanh buôn bán, con người ta có thể làm giàu một cách chính đáng.
Khi giữ chức phó đô tướng quân trấn giữ Vân Đồn, ngoài việc biện pháp an dân Trần Khánh Dư còn thể hiện được tầm nhìn của người biết kinh doanh. Vùng đất Vân Đồn xưa nay, người dân vẫn sinh sống bằng nghề buôn bán trên biển. Khách buôn từ phương Bắc đến giao thương nhiều nên dân quân đều mặc quần áo, đồ dùng theo cách của họ. Khi duyệt quân ở các trang hộ, Trần Khánh Dư ra lệnh: “Quân trấn giữ Vân Đồn là để ngăn phòng giặc phương Bắc tràn sang. Quân ta không nên đội nón của người phương Bắc, vì sợ khi có sự vội vàng khó lòng phân biệt, vậy phải đội nón Ma Lôi, ai làm trái tất phải phạt”. Mệnh lệnh của ông hoàn toàn toàn hợp lý nhằm bảo vệ sự an toàn cho dân được sự đồng tình. Nhân đó, ông đã sai người nhà mua nón Ma Lôi chất đầy thuyền, đậu ở cửa sông rồi sai thuộc hạ lẻn đi mách cho dân ở trang hộ biết nơi có thuyền bán nón. Thiên hạ tranh nhau mua. Ban đầu giá chưa tới một tiền, sau bán giá cao hơn, mỗi cái nón trị giá bằng một tấm vải. Nhờ vậy, Trần Khánh Dư thu về được hàng ngàn tấm vải!
Với cương vị, chức vụ đang giữ, Trần Khánh Dư có thể thu vén làm giàu bất chính nhưng ông đã có cách lựa chọn khác. Sự lựa chọn này phù hợp với quy luật cung cầu trong kinh doanh. Do quan niệm “trọng nông khinh thương”, đánh giá cao việc làm ruộng và xem thường buôn bán, nay đã lỗi thời, thuở ấy, Trần Kháng Dư phải chịu bao tai tiếng. Không có gì ngạc nhiên, một người phương Bắc tặng bài thơ mừng ông, trong đó có câu: “Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh” (Gà, chó ở Vân Đồn cũng đều sợ). Câu thơ này nói khéo phục sợ uy danh Trần Khánh Dư nhưng kỳ thật mỉa mai ngấm ngầm.
Trần Khánh Dư mất năm 1399 - thế kỷ XIV nhưng mãi đến đầu thế kỷ XX, quan niệm về nghề buôn ở tầng lớp nhà nho - Kẻ sĩ vẫn chưa mấy thay đổi. Quá chậm. Thử nêu một thí dụ về… việc mở quán ăn, chẳng hạn. Tiêu biểu cho bản lĩnh chịu chơi này, trước hết cần kể đến thân phụ của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, đó là cụ Nguyễn An Khương mở hiệu bán cơm ngay tại trung tâm Sài Gòn. Công việc này quá mới mẽ, do đó trên Lục tỉnh tân văn số 8, ra ngày 2.1.1908 cụ đã phải trình bày việc làm của mình để được mọi người đồng cảm:
“Thuở nay, trong bạn đồng bào ta những tay có tiền hay cho nghề bán cơm là nghề hèn cho nên không một ai mở tiệm cạnh tranh với Hoa kiều... Vả lại có nhiều người ăn theo cách Tàu không quen hay chê lạt lẽo mà cũng phải ăn, song ăn không đặng cơm thì đã tốn tiền bánh hàng mà lại trong mình không đặng khỏe, ấy là điều mắt thấy tai nghe chớ không phải tôi dám đặt điều... Bởi vậy, tôi muốn quyết một lòng rửa hổ, không sợ mang danh chú bán cơm, ráng sức kinh doanh, lập ra một tiệm tiên lầu tại đường Kinh Lấp (Boulevard) số 49 gần chợ Sài Gòn lắm. Hiệu tiệm là Chiêu Nam Lầu (nghĩa là tiệm tiên lầu mà chiêu đãi người An Nam)... Tôi lại ước ao cho các đồng bang đừng có ngại về danh tiếng hoặc xuất vốn nhà, hoặc rủ hùn mà lập lấy năm bảy tiệm hùn như vậy, mượn người Thanh nấu ăn cho khéo, đặng mà tiếp đãi đồng bào, mình với mình buôn bán với nhau vui biết chừng nào, đẹp biết chừng nào. Chú bán cơm, Nguyễn An Khương đốn thủ”.
Lúc bấy giờ, “Cái tên nhà Nho không những là để chỉ người biết chữ, học đạo thánh hiền trong Nho giáo; lại là chỉ một giai cấp trong xã hội, tức là hạng thượng lưu trí thức trong nước… Về đường xã hội, về đường chính trị, về đường tri thức, tinh thần đều có một cái địa vị đặc biệt, đối với một chức vụ đặc biệt. Chức vụ này cao quý, có thể gọi là một thiên chức được, vì là chức vụ hướng đạo cho quốc dân, làm tiêu biểu cho cả nước” (Phạm Quỳnh - Tạp chí Nam Phong số 172, tháng 5.1932), thế mà có cụ Nguyễn An Khương tự nhận “chú bán cơm”, há chẳng phải ghê gớm lắm sao?
Rồi ngay cả các cô cậu trò thuở ấy, cũng đã nghĩ ra cách kiếm tiền ngon ơ. Xin dài dòng một chút: Tại Sài Gòn từ ngày 1.8.1901 trên tờ Nông cổ mín đàm, ông chủ nhiệm Canavaggio đã dịch Tam quốc chí. Sau đó, chỉ dăm năm, sau năm 1905 các ông Nguyễn Chánh Sắt, Phụng Hoàng Sang, Nguyễn An Khương, Nguyễn Công Danh... ồ ạt tung ra thị trường sách hàng loạt tác phẩm dịch Thủy hử, Đông Châu liệt quốc, Liêu trai chí dị... Trong khi đó, ở Bắc Kỳ mãi đến năm 1907, Phan Kế Bính mới bắt đầu in bản dịch Tam quốc chí. Đọc truyện Tàu là một cái thú của dân Sài Gòn thời bấy giờ.
Thế thì các cô cậu học trò đầu thế kỷ XX kiếm tiền bằng cách nào?
Rằng, khi bắt tay viết tiểu thuyết lịch sử Nguyễn An Ninh - dấu ấn để lại (NXB Văn Học- 1997), thỉnh thoảng y có thu tập tài liệu ở nhà con ruột ông Ninh - ông Nguyễn An Tịnh. Trong khối tài liệu đó, y có đọc một tập hồi ký viết tay, viết năm 1926 với nhiều chi tiết thật thú vị, có thể trả lời câu hỏi trên:
“Kế cận nhà trọ của tôi là nhà bà Ba Ổn. Tôi biết bà Ba có mua được nhiều bộ truyện Tàu do các bậc túc nho Huỳnh Khắc Thuận, Nguyễn An Khương, Trần Phong Sắc... dịch ra Quốc ngữ. Một bữa trưa thứ bảy, bà Ba ngồi ngoáy trầu trên bộ ván gỗ đặt bên hông nhà. Đứng bên góc ván, tôi đương dán mắt vào cuốn Tam quốc, say sưa xem Quan Văn Trường quá ngũ quan trảm lục tướng của Tào An Man. Bỗng tôi nghe văng vẳng : “Đọc lớn lên nghe thử coi, cháu !”
Muốn tỏ lòng tri ân bà, lại gặp dịp “trổ tài”, tôi tằng hắng lấy giọng rồi chậm rãi đọc to. Bà lẳng lặng nghe, thỉnh thoảng gật đầu cười chúm chím. Khi tôi ngừng đọc bà phát biểu ý kiến: “Cháu đọc hay quá! Chó chết thằng Nghĩa ở nhà đây, đọc ngập ngừng ngập ngững, khó nghe khó hiểu lắm”.
Chiều lại. Cơm nước xong, tôi đứng dưới gốc me trước nhà trọ, lơ đãng nhìn khách qua đường. Trò Nghĩa lăn xăn chạy lại nắm tay tôi rồi nói: “Bà nội tôi biểu anh qua nhà đọc truyện cho bà nghe, rồi bà biếu anh tiền ăn bánh”. Đọc truyện hợp với sở thích của mình mà lại được tiền ăn quà nữa, thật là sướng mê. Tôi bằng lòng ngay. Rồi từ đây, mỗi đêm tối tôi mỗi đọc truyện để được lãnh hai xu. Thỉnh thoảng có con cháu hoặc bạn bè đến viếng bà Ba và lóng tai nghe tôi đọc truyện một cách thích thú. Khi biết lai lịch của đứa bé mồ côi, thông minh, đỉnh ngộ, ngoan ngoãn dễ thương, họ có cảm tình với tôi ngay. Về nhà họ bàn tán và loan tin rằng: “Tại nhà thầy giáo Nhứt có một trò nhỏ học giỏi, đọc truyện Tàu nghe mùi mẫn”. Họ quảng cáo cho tôi mà tôi nào có dè!
Chẳng bao lâu từ Cửa Đồn, Chợ Cũ đến ngã tư Chợ Mới, Ninh Thạnh nhiều nguời biết tiếng tôi, và muốn nghe tôi đọc truyện để coi thử có đúng với tiếng đồn hay không? Trọn bảy tháng trời, tôi đọc các bộ truyện Tam quốc, Thuyết Đường, Tây du, Lục mẫu đơn, Phong thần... của bà Ba. Vừa nghỉ đọc truyện tại nhà bà Ba, thì tôi được dượng Hai Sửu “mướn” rồi kế tiếp đến nhà bà Hai Lộc, cô Ba Nhiều, bà Tư Tùng... Thật là đắc mối. Từ đó, mọi người tặng tôi cái biệt danh “thằng nhỏ học trò đọc truyện mướn”. Mà nào riêng gì tôi, các bạn học của tôi khi đọc truyện mướn để có hai xu ăn quà cũng được mọi người trìu mến gọi như thế”.
Chi tiết cho ta thấy rằng, vì sao các tiểu thuyết, truyện dài của nhà văn Sài Gòn lớp trước dù bản in không nhiều, nhưng tại sao vẫn lan rộng, phổ biến đến nhiều bạn đọc.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|