LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 2.5.2018

 

anh-nghia-pham-le-minh-quoc

Lê Minh Quốc - Nghĩa Phạm chụp khoảng năm 2000 tại nhà riêng


Lại vừa đi Đà Nẵng về. Lần đầu tiên lên chơi chùa Linh Ứng tại Sơn Chà. Ngày lễ, người đi như trẫy hội. Trưa nắng. Đứng trên núi nhìn về khơi xa. Tưởng chừng như còn nghe tiếng sóng vỗ. Sóng vỗ trong lòng. Kỷ niệm cũ ùa về. Tất cả đã cũ. Lãng quên. Chỉ còn lại “Bạch vân thiên tải không du du”? Ngàn năm mây trắng trên đầu còn bay. Không đâu. Những hình bóng đã qua dù gì đi nữa cũng đã là là một phần đời sống của dĩ vãng. Làm sao có thể phủ nhận? Làm sao có thể lãng quên đi một mùa son phấn trong một ngày lãng du? Ừ, cứ cho là thế. Nhưng rồi mỗi người lại có một mối quan tâm khác. Một đường đi. Một nẽo về. Phải vậy thôi.

Lại nhớ đến câu thơ ngẫu hứng của bạn thơ Trương Nam Hương đã đọc trong ngày họp mặt gia đình. Một tiếng thơ hòa tan trong sóng gió bên một bến sông, nơi ấy, y đã từng bơi lội thời còn đi học. “Tình yêu lộng lẫy sông Hàn/ Đêm nay trăng mật trên làn da nhau/ Trái tim hòa nhịp hồng cầu/ Một nhà thơ nữa bắt đầu hoài thai”. Thơ tặng cho nhau. Tình bạn. Làm sao quên? Câu thư tư đã ngụ ý gì? Lúc nghe thơ tặng, y đã nhớ lại câu thơ đã viết tặng bạn từ năm 1990, lúc nhìn bạn ru con: "...Như là vượt núi trèo non/ Ru con - tôi đã già hơn mấy lần/ Cảm thông là tiếng chim ngân/ Cùng ru con có một vầng trăng kia/ Ngủ đi con. Đêm đã khuya".

Những lúc về quê, một trong những điều thích thú nhất vẫn là món ăn. Món ăn quan trọng lắm. Tất nhiên rồi. Không cần phải dài dòng cà kê dê ngỗng làm gì. Chỉ xin nói thêm rằng, món ăn còn đóng vai trò nhịp cầu gắn kết của tình hữu nghị. Những ngày này, sự kiện về cuộc họp thương đỉnh liên Triều tại Bàn Môn Điếm đang được cả thế giới quan tâm. Tò mò hỏi rằng, dịp đó, họ sẽ ăn những món gì? Căn cứ vào nguồn tin của hãng thông tấn Reuters, báo Thanh Niên ngày 24.4.2018 cho biết: “Cụ thể, món rosti Thụy Sĩ (khoai tây bào chiên) sẽ xuất hiện trên bàn tiệc để phục vụ ông Kim. Theo Nhà Xanh, món ăn được chọn như một sự gợi nhớ về thời thơ ấu ông Kim từng sống tại Thụy Sĩ. Trên thực tế, Triều Tiên chưa bao giờ xác nhận thông tin lãnh đạo Kim từng học tập ở Thụy Sĩ, nhưng nhiều bạn học cũ và giáo viên khẳng định điều này. Cũng trong thực đơn, món John Dory nướng, làm từ cá Dory sẽ dành cho Tổng thống Moon nhớ về tuổi thơ ở thành phố cảng Busan.

Ngoài ra, món mì lạnh kiểu Bình Nhưỡng, hay còn gọi là naengmyeon, cũng được phục vụ trên bàn tiệc thượng đỉnh. Nhà Xanh cho biết đây Tổng thống Moon đã đề nghị món mì này từ tiệm Okryu Gwan, nhà hàng nổi tiếng của Triều Tiên, và phía Bình Nhưỡng đã đồng ý. Món ăn đặc biệt sẽ được đích thân bếp trưởng của Okryu Gwan tới Bàn Môn Điếm làm.

Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ được thưởng thức rượu làm từ đỗ quyên. Bên cạnh đó, trên bàn tiệc cũng phục vụ rượu munbaeju truyền thống, vốn bắt nguồn từ miền Bắc nhưng giờ rất nổi tiếng ở Seoul”.

Nhân đây lại nhớ, vào khoảng tháng 11 năm 2017, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trì đãi người đồng cấp Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp chính thức tại Seoul, AFP cho biết, trong thực đơn có món sườn bò. Vấn đề thiên hạ quan tâm vẫn là ở chỗ miếng sườn bò ấy, có rưới nước sốt gì? Thưa, nước sốt làm từ món tương 360 năm tuổi. “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét”. Không rõ, kỹ thuật làm tương Bần của nước Nam ta và Hàn Quốc trong tương đồng có gì dị biệt?  

Thử hỏi, vì sao lại Hàn Quốc đãi cả “món tương 360 năm tuổi”? Đơn giản chỉ vì rằng món tương này làm từ năm 1657, là năm sinh của một trong những vị cha già của nước Mỹ là Benjamin Franklin. Thế thì mọi việc không hề ngẫu nhiên mà đã khái quát được sự tinh tế trong nghệ thuật ngoại giao, từ thức ăn đấy chứ?

Với y, một trong những khoái trá của lúc về quê vẫn lên đèo Le, nơi ấy nổi tiếng với món gà luộc. “Quảng Nam ta có đèo Le/ Bà con ta nói cứ đè mà leo”. Lại nhớ, thời còn trai trẻ, chưa hết xí quách, còn sung, nhà thơ trào phúng Cung Văn lên chơi nơi này đã ngẫu hứng nghĩ ra vế đối cực kỳ ba trợn: “Lên đèo Le, đá đứng leo/ Xuống dốc Dựng, chưn đừng nới”. Chưn là chân, phát âm theo kiểu Quảng Nam hay cãi. Không chỉ hay cãi mà còn biết nói lái một cách tài tình nữa. Mà hầu như người dân vùng miền nào cũng biết nói lái.

Rằng, ở xứ Nghệ có anh chàng nọ làm nghề phá núi, lấy đá. Ngày nọ, cũng theo bạn bè đi hát ví, anh chàng mới thò mặt đến, có cô nàng trêu:

Đố ai đội đá vá trời

Ai chôn con nuôi mẹ, ai khóc trời cho măng lên?

Chữ nghĩa không bao nhiêu, lại không đọc Nhị thập tứ hiếu nên anh chàng ngắc ngứ. Không trả lời được. Cáu ba xương sườn, nhưng đành chịu. Trong lúc bí rị, sượng trân, anh chàng bực mình buột miệng:

Sự đâu có sự lạ đời

Đá em leo thì có, đá vá trời có đâu?

Ai nấy cười rần rần. Khen ngợi câu đối lại quá tài tình. Còn cô nàng đỏ bừng mặt vì ba chữ tuyệt hay “đá em leo” mới... ý vị làm sao! Đấy! Cười với chữ với nghĩa như thế mới thâm trầm!

Đá là đá. Nhưng đá đi chung với vàng trở thành “đá vàng” lại hàm nghĩa khác. Truyện thơ Nôm Ngọc Kiều Lê do Lý Văn Phức chuyển thể từ tiểu thuyết chương hồi cùng tên của Trung Quốc có câu: “Đá vàng đá tạc một lời/ Cầm bằng đá nát vàng phai cũng liều”.  Sực nhớ đến câu hát ví cũng ở xứ Nghệ, rằng, có một vị quan lớn về hưu, dù tuổi cao sức yếu nhưng còn ham vui, thường chỉ đứng sau “gà” cho các o phường vải. Ngày nọ, biết có đám bạn phường rèn kéo đến, ông ta “gà”:

Một lời vàng đá chi chi

Mặc ai thì thụt, thụt thì mặc ai

Câu này nói lên được động tác của nghề rèn. Biết vị quan lớn “gà” cho câu oái oăm quá, đám thợ rèn bèn “láu cá”:

Một quan thì vẫn chưa dài

Còn đây thì thụt kiếm vài ba quan!

Câu hát đối lại ác quá. Ác ở chỗ tráo nghĩa của chữ “quan” và “thì thụt”.

Hãy trở lại với món gà đèo Le khét tiếng là ngon. Dù món ăn quen thuộc nhưng cái ngon của nó chính là ở sự chế biến. Nghĩ thế, bởi từng tự tay làm bếp nhưng rồi chính y cũng phát ngấy lên. Không hề gợi lên một sự thèm thuồng nào. Tại sao? Y hoàn toàn không biết cách nấu nướng. Làm thơ cũng vậy thôi. Phải biết sử dụng các con chữ điêu luyện như tay đầu bếp lúc xử lý các nguyên liệu. Họ thừa sức biết, món gì sẽ cần các loại gia vị gì để cuối cùng đạt đến sự khoái khẩu. Nhà thơ cũng chẳng khác gì khi quan sát, tìm tòi từ các con chữ.

Mà các con chữ đôi lúc cũng oái ăm quá đi mất. Chẳng hạn, tục ngữ có câu: “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”; vế sau còn có dị bản “gà vọc niêu tôm/ gà vọc niêu cơm”. Lâu nay đã có nhiều tranh luận chán chê, mới đây nhất, khi bàn về tục ngữ này, nhà nghiên cứu An Chi cho rằng: “chuyện tranh cãi có vẻ như vẫn… chưa đến hồi kết” (Báo Thanh Niên ngày 22.4.2018). Xem ra, để hiểu lời ăn tiếng nói từ ngàn xưa để lại, quả không  dễ chút nào.

Trước hết, cần bàn về từ “vọc”, có phải đó là tính cách của “Con gà tục tác lá chanh?”. Theo Việt Nam từ điển (1931): “Vọc: Vầy, mó”. Hiểu theo nghĩa này, ta có các câu cửa miệng “Hoài hồng ngâm cho chuột vọc, hoài hạt ngọc cho ngâu vầy”. Động tác vọc, Tự điển Việt Nam (1971) bổ sung: “Đá động, thò tay vào, vầy mó, nặn bóp cho sướng tay”. ”. Phương ngữ Nam bộ (2014) của Nam Chi Bùi Thanh Kiên cũng giải thích: “Thò tay vào trong mà mằn mò rờ bóp cho sướng tay”. Lại nhớ đến câu ca dao: “Ngồi buồn vọc nước giỡn trăng/ Nước xao, trăng lặn buồn chăng hỡi buồn?”.

Động tác vọc là vậy. Đã bao giờ, có ai nghe đến gà vọc? Cũng nói về lúc chủ vắng nhà, ai lại không nhớ đến câu: “Vắng chủ nhà gà bươi bếp”?  Bươi là bới, là vạch ra, moi ra, lật, xáo từ dưới lên để tìm kiếm vật nào đó bị khuất ở dưới. Thời trẻ đi học, cô cậu nào chữ viết xấu quá, thầy cô thường chê: “Chữ viết như gà bươi”. Lại còn có câu vè nói ngược: “Gà cồ hay ủi/ Heo nái hay bươi/ Nước kém ba mươi/ Mồng mười nước dẫy”. Thế thì gà vọc là vọc ra làm sao?

Hơn nữa đâu phải lúc nào cái “niêu cơm/ niêu tôm” ấy, chủ nhà cũng để hớ hênh, quên đậy nắp khiến con gà có thể dễ dàng vọc? Ừ, cứ cho là gà có động tác vọc đi nữa nhưng cớ sao, con gà chỉ vọc “niêu cơm/ niêu tôm” chứ không vọc gì khác? Một câu thành ngữ/ tục ngữ ra đời thì nó phải có sức khái quát, phổ biến và hợp lý trong mọi tình huống.

Từ những dị bản nêu trên, y cho rằng cách ghi nhận của Việt Nam từ điển (1931) hợp lý hơn cả: “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”. Tại sao đuôi tôm? Bởi vì rằng, con tôm hay quẫy, búng, nhảy liên tục. Một khi nói “Hàng tôm hàng cá” ngoài nghĩa bóng “Nói năng hỗn xược, kích bác, kèn cựa nhau” (Thành ngữ tiếng Việt - NXB Khoa học Xã hội - 1978, tr.159), ta còn thấy rõ tính chất của sự quẫy động liên tục của tôm cá. Vì lẽ đó mới có câu so sánh “Mồm mép tép nhảy” là vậy. Mạnh ai nói, giành phần hơn về mình, nói không ráo mép, cái lưỡi liên tục cựa quậy đến… mỏi miệng. Thế thì, câu thành ngữ “Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm”, có thể hiểu có lúc vắng chủ nhà/ người đứng đầu thì kẻ dưới tự tung tự tác, ngang ngược, quậy đầu này, phá đầu kia, tự ý làm những việc không phải phép.

Có ý kiến cho rằng: “Tình trạng vắng chủ nhà (thì cũng giống như) gà (giai đoạn) mọc đuôi tôm; và hiểu: Trẻ con phá phách nghịch ngợm nhất là lúc bố mẹ vắng nhà; gà con hiếu động, quấy phá nhất là lúc mọc đuôi tôm, tách mẹ (Báo Người lao động ngày 14.11.2015). Đâu phải đợi đến lúc “gà (giai đoạn) mọc đuôi tôm” mà ngay cả lúc còn “chíp hoi chanh cốm” nó đã có tính cách “Vắng chủ nhà gà bươi bếp” rồi kia mà!

Trở lại với từ “vọc”, nhân đây xin nói luôn, với người miền Trung, vọc còn có thể hiểu là phá, quấy. Khi giải thích như vậy, trong Sổ tay lời ăn tiếng nói Quảng Bình, nhà nghiên cứu Nguyễn Tú nêu thí dụ: “Cụ thật tội nghiệp, được một thằng con trai, nó đi theo bọn cờ bạc, rượu chè, cứ vài tháng lại về vọc cụ, chán lại bỏ đi” (tr.350); Tự điển Việt Nam (1971) còn ghi nhận hàm nghĩa “Lựa chọn nhiều lần: Vọc hết thúng trái cây”.

Nào có ai thấy ma hình thù nó ra làm sao nhưng rồi có những trường hợp, người ta vẫn tin do ma vọc. Chẳng hạn, thức ăn đã nấu chín, chưa hề có ai đụng đũa vào nhưng chỉ sau khoảng thời gian ngắn lại bị thiu, người ta cho rằng “ma vọc”. Không những thế, với những trái mít có nhiều dấu đen, không ăn được lại bị gọi “mít ma vọc”. Với người miền Nam thưở trước còn sử dụng cách nói làm vọc nhớt/ đánh vọc nhớt là làm không nên việc, đánh không đau như Đại Nam quấc âm tự vị (1895) đã cho biết.

Ngày tháng trôi qua nhanh. Có những câu nói cửa miệng ấy, theo thời gian đã chìm dần vào lãng quên. Từ mới lại xuất hiện. Đời người cũng chẳng khác gì. Thế hệ này đã tre già thì lại có sự nối tiếp của măng mọc. “Trái tim hòa nhịp hồng cầu/ Một nhà thơ nữa bắt đầu hoài thai”. Đó chính là ngày tháng của y đã từng bước bắt đầu. Và ngoài cửa sổ phòng văn mỗi ngày, nắng đã lên, mưa đã về và bắt đầu xum xuê hoa trái. Tạ ơn đời. Tạ ơn người. Ngày vui đang đến…

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment