Đọc tác phẩm văn chương, còn có cái thú là qua đó, có thể tìm thấy dấu vết sinh hoạt của một thời. Chẳng hạn, hát xẩm - cũng là một cách ăn mày thiên hạ. Đem giọng hát ra kiếm cơm qua ngày. Đáng thương lắm. Đi ra nước ngoài, ở nơi chốn đông người qua lại thỉnh thoảng lại thấy có người ăn mặc, trang điểm kỳ quái, lạ mắt cứ ngồi sững như tượng, chẳng thèm hé răng nói nửa lời, cứ ngồi yên, ai thương tình thì ném vài xu vào cái mũ đặt dưới chân.
Sực nhớ đến một truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Công Hoan viết về anh xẩm: “Hát hết bài xẩm chợ, anh xoay ra cải lương... Anh ngửa đầu, dúm gân mặt, há mồm ra mà hát. Tiếng đàn tưng tưng hòa theo, lúc khoan lúc nhặt: “Nào, các ông các bà cho nhà cháu kiếm bữa”. Anh xẩm này cứ hát và trời cứ mưa gió, cuối cùng: “Và khi đã hiến hết tất cả các bài hát anh thuộc, anh ngồi im lặng để chờ và để nghe. Sau hết sờ tay vào lòng thau không để vét. Rồi anh run cầm cập, xếp thau, ôm đàn, cuốn chiếu, cầm gậy, đứng dậy, thong thả lần lối đi...”.
Nói một cách vắn tắt, hát xẩm là một loại ca nhạc của người khiếm thị, họ đem ngón nghề của mình phục vụ bà con cô bác từ thành thị đến nông thôn để kiếm miếng cơm manh áo. Ngoài giọng hát, dụng cụ hành nghề còn có gì? Nhà văn Nguyễn Công Hoan miêu tả: “Anh ngồi trên manh chiếu, trước cái xoong sắt tây thủng, một đùi ghếch lên mặt đàn. Tay nắm cần, tay bật dây, anh uốn cung đàn trầm bổng theo tiếng hát khàn khàn. Cái mũ dạ, trơn từ đỉnh đến rìa, mềm oặt theo khuôn đầu, che cho anh khỏi lạnh gáy. Nhưng cái áo tây vàng rộng thùng thình không giữ nổi hơi rét cắt da. Mặt anh xám lại”.
Thế nhưng đừng có khinh thường họ. Bởi ông tổ của nghề là hoàng tử Trần Quốc Đỉnh, con của... vua Trần Thánh Tôn đấy! Ai tin thì tin, không tin thì thôi. Với truyền thuyết này rõ ràng họ cũng thuộc “danh gia vọng tộc” chứ không phải phường “khố rách áo ôm”! Với thế hệ chúng ta, họ là những người đã có công sáng tạo và lưu hành một lối hát độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Người hát xẩm cuối cùng của thời đại computer này là cụ Hà Thị Cầu lừng danh.
Cái hay của hát xẩm từ giọng hát, tất nhiên, nhưng không chỉ là những câu tầm phào mà “có tích có tuồng” hẳn hòi. Ngày kia, đã lâu, ra chơi Hà Nội, y có sưu tầm một bài hát xẩm. Và nhận rằng, phố phường Hà Nội của đầu thế kỷ XX hiện lên đa dạng, phong phú và “hoạt náo” hơn trong những bài ca dao mà ta đã biết. Thật tài tình, khi một “nghệ sĩ nhân dân” mở đầu: “Bắc kỳ vui nhất Hà thành/ Phố phường sầm uất, văn minh rợp trời/ Thanh tao lịch sự đủ mùi/ Cao lâu, rạp hát vui chơi đủ đầy... Vui nhất là ở đâu? Thưa: “Nhất vui là cảnh Bờ Hồ/ Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đào, Hàng Ngang/ Mã Mây, phố Mới, Hàng Vàng/ Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm vui thay/ Bán buôn tấp nập đêm ngày/ Ô tô đi lại như bay ngoài đường...”. Xem ra hoạt náo, nhộn nhịp lắm chứ! Ta hãy nghe tiếp: “Ấy là kể những phố to/ Còn như Hàng Quạt, Hàng Lờ, Hàng Da/ Cửa Nam, Hàng Lọng, phố Ga/ Hà Trung, Ngõ Trạm, Hàng Gà, cửa Đông/ Hàng Cân, Hàng Cót, Hàng Đồng/ Hàng Men, Hàng Bát, Hàng Bông, Hàng Bài/ Hàng Cau, Hàng Bột, Hàng Khoai/ Hàng Nâu, Hàng Trứng, Hàng Gai, Hàng Mành/ Hàng Tre, Hàng Sủ, Hàng Hành/ Phúc Châu, Cầu Gỗ, Bắc Ninh, Hàng Hòm”.
Chẳng lẽ chỉ có thế thôi sao? Còn nữa: “Còn như đường lớn phố Tây/ Tràng Tiền, Đồng Khánh, Hàng Khây, Nhà Thờ/ Nhất vui là hiệu Gô Đa/ Ra vào nhộn nhịp ai mà chẳng hay/ Tràng Tiền có rạp hát Tây/ Bên kia Đồn Thủy, bên này Nhà Đoan/ Vườn hoa Con Cóc trông sang/ Là dinh Thống sứ Xâm (Châtel) càng tránh xa/ Tượng Tây đứng giữa vừa hoa/ Bên này Đốc - lý trông ra Bờ Hồ/ Kể từ phố xá bây giờ/ Phồn hoa đệ nhất kinh đô Bắc kỳ”. Nhưng đã nói đến Hà Nội, mà không nhắc gì đến chợ Đồng Xuân là một thiếu sót, tựa như ăn cày tơ mà thiếu đi mắm tôm rất “quốc hồn quốc túy”. Chợ Đồng Xuân được người Pháp xây dựng từ năm 1889. Thì đây: “Ai ơi đứng lại mà trông/ Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong rườm rà/ Ngoài chợ có chị hàng hoa/ Có người đổi bạc đi ra đi vào/ Nào hàng bún nấu bán rao/ Nào hàng kẹo đạn (?), phở xào, ngô bung/ Lại thêm bánh rán, kẹo vừng/ Rau, dưa đủ cả chè thung, chả giò/ Ồn ào chuyện nhỏ chuyện to/ Líu lo chú khách bánh bò bán rao”.
Còn gì nữa không? Thưa: “Nức nở là chị hàng na/ Chua chát hàng khế, ngọt ra hàng đườn/ Thơm tho là chị hàng hương/ Tanh ngắt hàng cá, phô trương hàng vàng/ Lôi thôi như chị hàng giang/Vừa đan vừa bán cả sàn lẫn nia/ Trề môi như chị hàng thìa/ Hàng bán bát đĩa phân chia đàng hoàng/ Lồng cồng như chị hàng thùng/ Thượng vàng hạ cám đủ cùng thiếu chi/ Cải hoa, cải bắp, cải thìa/ Thơm, mùi, húng láng, thứ gì cũng bán mua/ Hay cắp như chị hàng cua/ Nhảy nhót hàng ếch ai mua được rày/ Có người bán dép, bán giầy/ Có người cạo mặt, ngoáy tai đông đầy/ Có người xem tướng xem tay/ Chầu văn đồng bóng ốp ngay tức thời/ Thôi thì đủ thứ, đủ người/ Ồn ào nhộn nhịp, nói cười chen vai/ Có anh bán thuốc cũng hay/ Mồm rao liến láu, bệnh khỏi ngay tức thì”. Giỏi thật! Chợt nhớ đến Xuân Tóc Đỏ cũng từng bán thuốc cảm mạo thương hàn ở chợ này!
Thật tuyệt, các “nghệ sĩ nhân dân” đặt bài hát xẩm này trên không chỉ phản ánh hiện thực mà còn... phê phán hiện thực nữa! Thật cảm động khi kết thúc là một tiếng thở dài: “Văn minh đèn điện sáng lòe/ Thông thương kỹ nghệ mọi nghề chấn hưng/ Chỉ cánh áo ngắn khốn cùng/ Làm lụng suốt tháng mà không đủ dùng/ Bữa cơm, bữa cháo nhạt nhùng/ Thôi đành nheo nhóc bọc đùm lấy nhau”. Thì ra, người nghèo thời nào cũng khổ.
Từ hát xẩm lại lan man nghĩ đến các điệu nói thơ ở trong Nam - nhất là nói thơ quân phường có liên quan gì đến hát xẩm?
“Quân phường” là gì? Thời xa xưa ở Nam bộ. những người ăn xin được gọi chung là “quân phường”. Muốn người ta cho ăn phải biết há mồm ra mà kêu mà gào, có câu có kệ nhịp nhàng du dương: “Cao lương, cao lễ, ba để, ba đào”, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) của Huình Tịnh Paulus Của giải thích: “Tiếng ăn mày chúc cho chủ bố thí sang giàu có dư”. Tiếng kêu ấy, gọi là tiếng “kêu cơm”: “Đi rảo ngoài đàng mà kêu nghèo, kêu đói cho người ta động lòng bố thí, ấy là công chuyện quân phường”. Dấu vết của từ quân phường, còn có thể tìm thấy trong Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, từ ấn bản năm 1882 do nhà bác học Trương Vĩnh Ký sưu tầm đã cho thấy: Dãy thầy bói nhóm bên đường, thấy gieo tiền hào sách hào đơn, lời kỳ cục quẻ rằng linh quẻ/ Bọn quân phường ngồi dưới cội, nghe đổ sứa hồi khoan hồi nhặt, giọng oan ương hơi thiệt tốt hơi”.
Trương Vĩnh Ký giải thích: “Bọn quân phường là quân ăn mày nghề, bị 9 quai, hay ngồi dưới bóng cây mát, nhịp sứa mà nói thơ cho người đi đường thấy mà cho tiền”. Câu trên còn có từ khó hiểu: “đổ sứa/ phịp sứa”, vậy sứa là gì? Đọc một văn bản cũ gặp từ cũ, nếu không hiểu, còn gì thích thú? Bèn tra tự điển. Ông Huình Tịnh Paulus Của cho biết: “Sứa: Đồ nhịp làm bằng hai miếng cây khum khum. Sanh sứa: Đồ gõ nhịp trong khi ca hát”. Hai miếng gỗ ấy không chỉ tạo ra âm thanh khiến người ta chú ý, còn là một cách để bắt/ giữ nhịp. “Ăn mày là ai, ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Theo Từ điển Việt - Bồ-La (in năm 1651) của A. de Rhodes thì mấy trăm năm trước ăn mày/ ăn mót cùng một nghĩa.
Trở lại với bài hát xẩm đã từng phổ biến ở Hà Nội, ấy là một cách miêu tả thời người Tây mới sang. Vậy, ở Sài Gòn trong giai đoạn ấy có gì khác. Thât tuyệt cho các “nghệ sĩ nhân dân”, sau khi đã viết Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, lại có Kim Gia Định phong cảnh vịnh. Đã có xưa ắt phải có nay. Ta hãy khảo sát tiếng rao bán buôn của một thời: “Đêm thì tiệc khách lao xao/ Đứa rao ngưu nại, đứa rao hạnh trà/ Đứa thì cháo vịt, cháo gà/ Cùng là công bính cùng là hoa sanh/ Những là đậu chúc, liên canh/ Sa lê quân tử ngồi quanh các đàng/ Đèn chong ghế sắp hai hàng/ Dễ mê con mắt, dễ hoan tâm tình”. Hãy nghe ông Trương Vĩnh Ký giải thích: “Ngưu nại là sữa bò, hạnh trà là nước bột hạnh nhân có bỏ đường. Công bính là “màng công phiến”, là thứ bánh nói làm bằng cơm cháy. Hoa sanh là “lạc hoa sanh” là tiếng chữ, nghĩa là đậu phọng, ngoài Bắc kêu phọng là lạc. Đậu chúc, chệc nó rao “lộc tào chúc” là chè đậu xanh với đường. Liên canh là cháo hạt sen bỏ đường, nó rao “liềng chi cấn”. Sa lê là trái lê, ăn dòn rạo rạo như cát”.
Ối dào, thuở ấy, sao mà nhiều âm thanh đến thế? “Dưới Bến Nghé hát lẳng lơ, giọng con đò, con rỗi/ Trên tàu voi ca khủng khỉnh, tiếng con mục, thằng nài”. Lại nữa, “Trọ trẹ dưới sông, quân Huế, kéo neo hò hụi/ Xi xô ỉnh đường cái/ Khách già rao kẹo ối chao ôi”. Hãy nghe ông Trương Vĩnh Ký “diễn nôm” cho dễ hiểu: “Dưới sông Bến Nghé, ghe đò, ghe rỗi lên xuống hát dằng dai dằng dãi, thuyền con con bán bánh, bán trái vởn vơ qua lại rao túi bụi tùng bùng, ấy là dưới sông. Còn trên bờ thì ghe quân thằng mục, thằng chăn trâu bò ngựa voi ca hát dong dỏi nghe ỉnh tai”.
Những tiếng rao này làm nên hồn của phố thị đó thôi. Nay đố ai còn nghe nữa?
Nếu Hà Nội có chợ Đồng Xuân, Sài Gòn có chợ Bến Thành. Về lai lịch hai cái chợ nổi tiếng này, chỉ cần vào Google là rõ. Về chợ Bến Thành, đại khái, ban đầu nằm ở bờ sông Bến Nghé, cạnh thành Bát Quái (thành Gia Định) nên gọi chợ Bến Thành. Năm 1870 bị cháy lớn và được xây dựng lại. Năm 1912, thị trưởng Sài Gòn Eugène Cuniac cho xây lại ngôi chợ mới vị trí hiện nay. Thế thì, ngày xây dựng chợ mới như thế nào? Khó có thể hình dung ra. Mà này, ca dào hò vè có ghi lại không? Chưa khảo sát chu đáo nên không dám có câu trả lời, chỉ biết rằng do sự thay đổi vị trí nên mới có câu: “Chợ Bến Thành dời đổi/ Người sao khỏi hợp tan/ Xa gần giữ nghĩa tào khang/ Chớ tham quyền quý, phụ phàng nghĩa xưa”.
Mới đây khi đọc Hà Hương phong nguyệt của nhà văn Lệ Hoằng Mưu viết năm 1912, y có tìm một đoạn viết về ngày khánh thành chợ. Xin trích lại cho những ai muốn có thêm tài liệu về ngôi chợ lừng danh này. Xin lưu ý, câu văn thuở ấy biền ngẫu, du dương như thơ, càng dễ nhớ: “Tới dịp Sài Gòn ăn lễ, người con đông như thể hội Tần, đàng dập dìu xe ngựa rần rần, hỏi mới biết lễ mầng tân thị. Trong chợ dọn coi huê mỹ. ngoài đèn giăng cờ xí huyên thiên, tối bữa đầu có diễu binh đèn, người ngựa chật như nêm khó bước. Kìa dạ nhạc thổi kèn đi trước, lính cỡi lừa xông lướt theo sau, ngọn đèn lồng chói rỡ tợ sao, đèn cua, rùa, trạnh, kình, ngao, tôm, cá bắt từ thành Sơn Đá thẳng ngã Ba Hình, lộn vào Tổng thống dinh, pháo liên thinh đua nổ…”.
Những âm thanh này đã mất dần theo năm tháng. Nếu có cỗ máy quay ngược lại thời gian như chú mèo máy Doremon thì tuyệt quá nhỉ? Thôi thì, ta hãy tìm qua tác phẩm văn chương. Mà văn chương cũng là một cách vun đắp cho người đọc tình yêu non sông đất nước. Nhiều người bảo, trong đó có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, anh cho biết thuở bé đọc tác phẩm của Tô Hoài đã có ước ao được một lần đến thăm làng Nghĩa Đô, quê của tác giả Dế mèn phiêu lưu ký. “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”, câu thơ của Thu Bồn đã khiến bao người muốn được tận mắt nhìn lấy sông Hương? Và y, cứ ám ảnh mãi bởi câu thơ dung dị lạ thường của Quang Dũng: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Đọc xong câu thơ, những muốn tắt máy tính, xách va li làm một chuyến viễn du, bỏ lại sau lưng tháng ngày công chức đã chai lì cảm xúc để đến nơi ấy tìm một nguồn năng lượng mới.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|