LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.2.2018



in-bao-li-xi-hoa-van-tho

 

Trong những ngày này, như một kẻ vô công rỗi nghề, y vẫn cắm cúi cùng trang sách. Mặc kệ ngoài kia nắng vàng, gió rét nhè nhẹ, nhịp sống đang rạo rực từng giờ, từng ngày. Sao không mở toang cánh cửa, bước xuống phố, hòa nhịp vào dòng đời đang tất bật, vội vã kia hả Q? Đã qua rồi cái thời: “Trời giăng mây trắng/ Trẻ thơ nô đùa/ Níu vạt áo mẹ/ Gì cũng đòi mua/ Kìa hoa vạn thọ/ Củ kiệu cải chua/ Phong bì đỏ chói/ Thơm lời dạ thưa…”. Một khi đã mất mẹ, sẽ không bao giờ con người ta có được niềm sung sướng chân thành, hồn nhiên trong trẻo ấy nữa. Nghĩ mà buồn. Vì thế, cắm mắt vào trang sách là thế. Dù có thế, cũng sẽ tìm mua hai chậu hoa vạn thọ màu vàng nghệ,  thuở sinh thời mẹ y rất thích chưng vào dịp Tết.

Sáng nay, đọc nhẩn nha lại về lai lịch nghệ nước nhà. Rằng, từ những năm cuối thế kỷ XIX đã có một vài đoàn kịch Pháp sang nước Nam biểu diễn. Chắc chắn sự kiện này đã tạo được sự kích thích cho những nhà hoạt động nghệ thuật thời bấy giờ. Tại Sài Gòn, Nhà hát lớn đã khánh thành vào tháng 1.1900. Năm 1918, Ông đốc phủ Lê Quang Liêm và ký giả Đặng Thúc Liêng cho công diễn vở Hoàng tử Cảnh du Tây (Gia Long tẩu quốc), nhưng chưa phải là kịch nói và không được công chúng hoan nghênh. Mãi đến năm 1925, người đầu tiên viết kịch nói của Sài Gòn là Trung Tín đã viết các vở như Toa toa moa moa, Kẻ ăn mắm, người khát nước… trong đó có xen lẫn vài điệu hát cải lương, nhưng lại không công diễn trên sân khấu.

Trong khi đó, tại Hà Nội, năm 1911 Nhà hát TP Hà Nội mới xây dựng xong. Ngày 25.4.1920, tại đây đã diễn vở Người bệnh tưởng (Le malade imaginaire) của Molière do Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng tiếng Việt. Báo chí đã ghi nhận sự kiện này và “mong rằng sân khấu Việt Nam sẽ diễn những vở hài kịch theo lối Thái Tây để bổ ích cho nhân tâm, phong tục nước nhà” (Thực Nghiệp dân báo số 7/1920). Sau đó công chúng được xem những vở kịch khác như Ai giết người của Tô Giang - phỏng theo truyện ngắn của Mân Châu in trên Nam Phong tạp chí số 28, rồi Già kén kẹn hom của Phạm Ngọc Khôi, rồi Mảnh gương đời, Bình địa ba đào của Trần Tuấn Khải v.v…

Sân khấu kịch nói Việt Nam đang đi những bước đầu tiên trên đường hình thành. Thế nhưng, phải đợi đến ngày 22.10.1921 người ta mới thật sự tin tưởng vào loại hình nghệ thuật này. Đó là ngày công diễn vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long (tại Nhà hát Hà Nội) do Bắc Kỳ Công thương Đồng nghiệp Ái hữu tổ chức. Sự kiện này đã đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sân khấu kịch nói.

Hầu hết các báo chí lúc bấy giờ như Thực Nghiệp, Hữu Thanh, Nam Phong hoặc L’avenir du Tonkin, France-Indochine v.v… đều có bài tường thuật, phê bình. Nhà thơ lừng danh Tản Đà nhận định: vở kịch đó “đáng có giá trị”. Ông Nguyễn Mạnh Bổng không tiếc lời ca ngợi: “Ngày hôm 22 Octobre 1921 này là một ngày kỷ niệm lớn trong văn học sử nước ta” và “ văn học sử nước ta sau này chép đến lối văn kịch có lẽ sẽ kể đầu từ bản kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long”. Trong Nhà văn hiện đại, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan ghi nhận: “Vũ Đình Long là người đã có ý kiến soạn những vở kịch có thứ lớp theo lối Âu Tây trước nhất”, “là nhà soạn kịch lối mới trước nhất ở nước ta” và “vở kịch Chén thuốc độc là cái mốc đầu tiên trên con đường hài kịch Việt Nam lối mới”.

Xin ghi lại nguyên văn đánh giá của tác giả Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý khi biên soạn Bước đầu tìm hiểu lịch sử kịch nói Việt Nam (NXB Văn Hóa - 1978): “Vở Chén thuốc độc ra đời đã có tiếng vang lớn. Đối với đương thời, Chén thuốc độc là một thành công báo hiệu sau những lần thử thách, lần mò. Kịch nói Việt Nam đến đây đã hình thành và chính thức gia nhập đại gia đình sân khấu Việt Nam”(trang 26). Mới đây, trong chuyên đề Lướt qua một thế kỷ, Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã ghi nhận Chén thuốc độc là: “Vở kịch đã đi vào văn học sử và sân khấu Việt Nam với tư cách một sự mở đầu cho kịch nói dân tộc” (Tạp chí Xưa - Nay số 1.2000).

Nhân đây xin được nói qua đôi nét về Vũ Đình Long: ông sinh năm 1896 và mất ngày 14.8.1960 tại Hà Nội. Ngoài vở kịch Chén thuốc độc, ông còn viết Tây sương tân kịch, Tòa án lương tâm (1923)… Sau đó, từ năm 1925 ông chuyển hẳn sang hoạt động xuất bản, làm chủ nhà in nổi tiếng Tân Dân và chủ trương nhiều tờ báo như Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Ích Hữu, Tao Đàn, Phổ thông bán nguyệt san; sau năm 1954, ông là ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Nhân kỷ niệm 100 năm của ông, GS Phong Lê đã trân trọng đánh giá công bằng: “Không thể không thấy Vũ Đình Long là người đã có công góp phần tổ chức nên đời sống văn học có mặt sôi động vào những năm 30, đã cho ra đời một khối lượng khổng lồ các tác phẩm gồm nhiều thể loại, với nhiều khuynh hướng sáng tác và các giá trị rất khác nhau”.

Dù chưa tìm được bản in vở kịch này lần đầu tiên, nhưng trong tủ sách của y hiện đang có một bản quay ronéo dành cho kịch sinh Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn (1970). Ở trang trong có viết: “Hí kịch lối mới, ba hồi, chia làm 36 xen”. Thú chơi sách là vậy, khi mà người ta có được bản in tác phẩm nổi tiếng, dù chỉ là hình thức quay ronéo thời đó khá phổ biến tại miền Nam. Tài liệu này cho thấy khoa kịch nghệ miền Nam không xa lạ với vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long.

Nhà văn Vũ Ngọc Phan tóm tắc nội dung như sau: “Cả ba hồi đều chung một cảnh, cảnh nhà thày thông Phu, một nhà “phú quý” bậc trung. Thày thông Phu là một thiếu niên huy hoắc tiền tài ở xóm cô đầu và chiếu bạc, mẹ thày và vợ thày say mê đồng bóng, em gái thày vì không người dậy bảo nên cũng hư hỏng mà chửa hoang, rút cục thầy nợ quá nhiều, nhà bị tịch biên và thầy định liều thân với chén thuốc độc. May có bạn thày là thày giáo Xuân can ngăn được; sau, nhờ có cái măng-đa sáu nghìn của em trai thày gửi ở Lào về, thày cứu vãn được tình thế, rồi cả nhà tu tỉnh, lại sống vui vẻ như xưa” (Nhà văn hiện đại, NXB Thăng Long tái bản 1960, tr.667).

Vở kịch này tạo ra tiếng cười, hài hước, vui nhộn là ở các cảnh đồng bóng, lên đồng mà Vũ Đình Long đem ra nhễu nhại, gây cười nhằm mục đích đả phá một khi hầu đồng đã trở thành nơi buôn thần bán thánh. Nhân vật chính là thày thông Phu. Vậy “thông” là gì? Trước hết, đọc lại bài thơ của Tú Xương: “Nào có ra gì cái chữ Nho/ Ông nghè, ông cống cũng nằm co/ Chi bằng đi học làm thầy phán/ Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò”. Phán ở đây là chỉ những người làm việc trong công sở của Tây, gọi thông phán, cao hơn thông ngôn một trật. Vợ thầy thông Phu mê đồng bóng? Thế, đồng bóng là gì? Chà, trả lời câu hỏi này, gay go đây. Đã đồng bóng ắt có hầu đồng, ngồi đồng, thanh đồng, thanh tiên đồng tử, ông đồng bà cốt…

Rắc rối quá.

Vậy hãy hỏi “đồng” là gì?

Tục ngữ có câu “Thứ nhất ngồi đồng, thứ nhì chồng quan”. Làm vợ của quan được ăn sung mặc sướng, kẻ thưa người bẩm, cơm bưng nước rót, quyền lực lừng lững “Lệnh ông không bằng cồng bà”, kẻ hầu người hạ ắt sung sướng là phải rồi, dễ hiểu  rồi. Thế thì sao vẫn thua ngồi đồng? Đơn giản, một khi thoát khỏi cái xác phàm trần tục, được thánh thần nhập xác thì khi ấy “Nói có người nghe, đe có người sợ”. Há chẳng phải sướng sao? Dù rằng, chỉ là “quyền lực” chốc lát, nhưng ít ra đó chính là sự hãnh diện, nở mày nở mặt bởi trong đời thường với thân phận dân đen như họ, mấy ai có thể có được. Nói cách khác ngồi đồng cũng là một cách đi tìm ảo tưởng để được niềm an ủi, nhất là với người phụ nữ vì hằng ngày bợt mặt kiếm ăn, đã thế lại còn “Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, họ khó ngóc đầu khẳng định vai vế của mình. Khi hầu đồng lại khác, quan cũng xưng con, cũng vái, cũng quỳ, cũng lạy, chứ huống gì… chồng! “Có họa lấy vợ hầu đồng/ Khi thì làm chồng, lúc lại làm... con”, nghe ra hài hước, bông lơn nhưng lại trúng chóc.

Hầu đồng có tốn kém không? Ắt có. “Thánh một cân, trần một yến”. Một cân là 600 gr, một yến nặng bằng mười cân. Ấy là nói về sự xa hoa, lãng phí, đua nhau làm vàng mã, cúng kiếng, phát lộc... Không phải ngẫu nhiên, ông bà ta tổng kết: “Chết đường chết chợ không bằng lấy vợ ngồi đồng”. Lại có câu: “Ghen vợ ghen chồng không bằng ghen đồng ghen bóng”, hiểu thế nào? Trên trang mạng xã hội nọ, có người giải thích: “Ghen đồng ghen bóng là trò của mấy ghế đồng chưa rõ niêm luật, vai vế, thứ bậc của ông thánh mà sinh ra ghen ghét, đố kị nhau; hoặc ganh đua nhau về “con nhang đệ tử”. Mỗi người mỗi phép, thấy họ làm không giống mình thì ghen với họ, cho là họ làm sai, phải làm như mình mới đúng; rồi cho người này thấp căn hơn mình sao nó lại lam thế nọ thế kia? Vì vậy họ lao vào cãi nhau, xô xát, tranh luận rồi đổ thừa là do bóng ghen. Nhưng bản chất của đạo Mẫu ta đâu có như vậy? Trần có luật trần, âm có luật âm, có phép tắc, nền nếp rất quy củ, thứ bậc rõ ràng, công việc rất cụ thể thế nhưng các ghế của nhà ngài ai cũng tài, cũng giỏi, bảo thủ không chịu học hỏi thêm nên mới đi ghen tuông với nhau, chứ bóng giá nào ghen nhau?”. Ấy là câu nói về tính đố kỵ của người Việt trong việc cùng hầu đồng.

Trở lại với câu hỏi “đồng” là gì?

Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của A de Rhodes giải thích: “Doũ, cái doũ (đồng, cái đồng): Gương, kiếng. Gương cùng một nghĩa/ Soi doũ: Nhìn vào gương để làm phù chú. Làm doũ làm cốt: Bà phù thủy nhìn vào gương để làm phù chú. Thầy doũ: Thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính. Mời doũ: Mời những thầy phù thủy sử dụng gương, chiếu kính. Quỉ phụ doũ: Bà phù thủy đã được quỷ nhập”. Cách giải thích này chưa đúng về ý nghĩa của việc hầu đồng/ ngồi đồng nhưng cho ta biết rằng, thời trước người ta sử dụng đồng, đồng được đánh bóng sáng loáng để soi mặt vào lúc “làm phù chú”. Vâng, về gương, kiếng dùng để soi mặt thì mãi đầu thế kỷ XX mới du nhập vào Việt Nam. Trên báo Nông cổ mín đàm số 149 ra ngày 24 Juliet 1904 tại Sài Gòn, có in mẩu chuyện “Kiến soi” thuộc thể loại “chuyện tiếu đàm”. Ghi lại văn phong và lỗi chính tả để thấy được cách hành văn của hơn một trăm năm trước:

“Đời trước người ta mới bày cái mặt kiến, đề dùng mà soi mặt, ai có thì lấy làm quí, bán mắc tiền, thường chánh nơi thành thị có một hai người giàu có lớn mới sắm, còn nơi thôn giả thì chưa ai hề thấy cái mặt kiến bao giờ. Có một tên trai kia giàu có lớn, buôn bán xứ xa, thấy người ta có cái mặt kiến, anh ta chạy lại mà coi, dòm vô thì thấy rỏ ràng khuôn mặt của anh ta tạc hết hình kiến, lấy làm lạ và năn nỉ mua cho đặng cái kiến, mắc rẻ thì cũng chẳng nại, anh ta mua đặng cái kiến rồi quầy quẩy trở về giấu cái mặt kiến trong rương không cho ai coi.

Từ ngày anh ta có cái mặt kiến thì anh ta cứ ở trong buồn luôn luôn, săm soi hoài, coi rồi nói lầm thầm với hình bóng anh ta trong cái kiến như là đứa điên vậy, vợ va rình coi thì lấy làm lạ mà không rỏ ý chi, vã lại anh ta ham mê cái kiến đó, thì ý ăn ở với vợ lơ lẵng, nên vợ đổ ghen, càng nghi lắm.

Bữa kia anh ta có việc cần kíp chi đó phải đi, dặn vợ ở nhà đừng có lục đồ trong rương mình. Khi căn dặn vợ đôi ba lần ắt chất, anh ta ra đi, vợ anh ta ở nhà lấy làm mừng lén coi cho biết cái chi mà chồng mình mê sa đến đổi coi tưởng hơn mình, mới vô dở rương lục coi thấy cái kiến, chị ta dòm vô, thấy mặt chị ta trong cái kiến, liền phát ghen, quăn cái kiến chạy ra kêu bà mẹ chồng rồi khóc và nói rằng: “-Nè mẹ, ở nhà tôi nó hết thương tưởng đến tôi nữa rồi, bỡi vậy cho nên nó đi chuyến buôn đó nó mê sa theo đỉ điếm nên ở lâu, e sau sự sảng phải hết, bây giờ nó lại đem cái chơn dung con đỉ đó về, nên ngày đêm nó coi hoài.”.

Mẹ nó nghe nói cũng nỗi giận, hỏi đâu nà? Cái hình con đỉ đó đâu đưa cho tao coi thử, con nọ lại lấy cái gương ra cho mu mẹ coi, mụ nầy dòm vô rồi nói: “-Cái con đỉ già rồi mà còn nhí nhảnh”. Đoạn vừa giức tiếng, chú chàng lơn tơn về, thấy hai mẹ con đang săm soi cái mặt kiến, nổi giận, la rầy, kế vợ đổ ghen theo cằn nhằn, lại thêm mụ mẹ mắng chưởi om sòm, ảnh ta nổi xung giận đạp đồ đạt rồi nắm đầu vợ mà đánh, vợ la làng xóm om sòm, nói chồng mình mê sa theo đỉ mà còn về làm hung.

Vừa may có anh xã đi nhóm về đi ngang qua đó, nghe la làng xóm om sòm, biếu trùm vô bắt hết đem ra nhà việc tra hỏi, thấy con nọ bị lổ đầu chảy máu, mới hỏi: “-Vì cớ làm sao mà chồng thiếm đánh thiếm hung vậy?”. Chị ta khai rằng: “-Thưa cậu ,vợ chồng tôi ăn ở với nhau ba bốn năm nay rồi, tuy không con cái, chứ tình ưa ý hiệp, thương yêu nhau lắm, nay nó mê sa theo một con đỉ mà phải nát cửa hại nhà nên mới ra rầy rà như vậy”.

Chú xã nghe khai đầu đuôi tự sự, biểu con nọ đưa cái hình cho va coi thữ. Mới lấy cái kiến dòm vô rồi nói rằng: “-Không phải con đỉ, nó là thằng điếm ma, có bịt khăn-be đây nữa, hai mẹ con thiếm nói bậy nên sanh sự bất hòa, thôi tôi xử hòa cho hai đàng về đừng có rầy rà nữa, và phải chịu phạt hai quan tiền vạ về sự la làng”. Ba mẹ con lấy cái mặt kiến trở về giận chú xã xữ hiếp, lại biểu chịu phạt hai quan tiền vạ, khi về tới nhà, ba mẹ con cằn nhằn nhau, mụ mẹ biểu con dâu lấy cái kiến coi lại coi là con đỉ hay là thằng điếm. Con nọ lấy cái kiến dòm vô, thấy chị ta trong kiến liền kêu mẹ mà rằng: “-Nè mẹ thật rỏ ràng là con đỉ mà, sao chú xã lại nói là thằng điếm”.

Hai mẹ con giắc nhau tới huyện mà kiện chú xã.

Quan huyện tra hỏi ba đàng xong xuôi rồi, ngài mới biễu đưa cái hình cho ngài coi, ngày dòm vô và hỏi rằng: “-Vậy chớ lảo là người gì, ở đâu vậy?”. Cái hình trong kiến cũng nhóp nhép hỏi lại. Ngài giận nổi xung mà rằng: “Tôi hỏi lảo, lảo lại hỏi tôi, không phải chổ chơi mà diễu cợt được”. Ngài thấy cái hình trong kiến cũng đối đi đối lại; Ngài giận nổi xung đập bể cái kiến tang nát. Ngài không thấy cái bóng nữa, ngờ là biến mất nên nói rằng: “Trốn đi đâu? sao không ở mà diểu cợt nữa”. Ngài mới kêu 3 mẹ con và tên xã mà quở rằng: “Sao mấy người dám đem cái hình lão nào mà diễu cợt với ta, lẽ thì ta làm tội mấy người, song ta lấy lòng nhơn mà tha cho mấy người về, sao đừng kiếm chuyện mà diễu cợt nữa”.

Té ra cả 3 đều tin sự quấy mà sanh sự bất hòa, có một quan huyện cũng tin như thế, người đập bể kiến mà gỡ rối xong”.

Mẩu “chuyện tiếu đàm” này dù viết với mục đích hài hước, gây cười nhưng qua đó ít nhiều ta cũng thấy được cái kiếng soi mặt đối với người Việt Nam thuở ấy cũng chưa phổ biến lắm. Từ mẩu chuyện này, lại căn cứ vào Từ điển Việt - Bồ - La, rõ ràng, ngồi đồng là ngồi soi mặt vào kiếng/ kiếng (còn gọi là đồng). Nay, ngồi đồng đã khác, người ngồi đồng được phủ khăn màu đỏ như tượng trưng cho sinh lực của thần thánh, hơn nữa cũng là một cách tập trung tư tưởng… Và cũng đừng quên rằng, trong tiếng lóng “ngồi đồng” lại hàm nghĩa khác. Chẳng hạn, dù không có xu teng nhưng hai bạn vẫn hiên ngang bước vào quán, gọi món bảnh tỏn như ai; sau đó, một người đi kiếm tiền, một người ngồi lại chờ bạn đem tiền về “chuộc”, đích thị là “ngồi đồng”.

Thế thì, ngồi đồng, nếu giải thích theo các nhà ngiên cứu về đạo Mẫu thì đồng là gì?

Đọc tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 195 (2000), trong bài viết Hầu đồng - một hình thức sinh hoạt sân khấu dân gian, Võ Hoàng Lan giải thích: “Đồng có nghĩa là trẻ con. Con người khi sinh ra thường bị cuộc sống nhân tạo chi phối, kìm hãm khả năng tiếp cận với sức ẩn tàng của thiên nhiên, vũ trụ. Và, chỉ trong khi lên đồng, bằng xuất thần, để trở về với tâm hồn trẻ thơ mang bản chất trong trắng hồn nhiên, người  ta mới tạm thời gác bỏ được những sự ràng buộc nhân tạo đó. Ngươi ta tin rằng, có như vậy mới đồng cảm được với thần linh, hòa hợp được với thiên nhiên, vũ trụ và mới hiểu biết được sự dạy bảo của đấng thiêng liêng. Đồng còn cùng: con người bằng xuất thần đẩy linh hồn ra khỏi xác thần để tìm lấy một linh hồn đồng điệu trong hệ tứ phủ vạn linh, để vị thần đó mượn xác thân con đồng mà tiếp cận với chúng sinh” (tr.85).

Y tán thành cách giải thích này. Âu cũng là một cách tìm về tiếng Việt qua từ “đồng”, nay đã hiểu thêm một chút nữa, dù ít nhưng vẫn lấy làm thích thú, chẳng khác gì đang chiều nhạt miệng bỗng đâu có tin nhắn: “Bia không?”.

Sài Gòn, những ngày này phố xá rộn ràng sắc màu. Một không gian của Tết. Một không khí của Tết. Đường phố vắng hơn mọi ngày. Người nhập cư kiếm sống đang lần lượt về quê ăn Tết. Với y, “về quê ăn Tết”, bốn từ ấy bao giờ cũng vọng một nỗi niềm thiêng liêng và háo hức. Về quê cũng là một cách nạp lại năng lượng, để sau Tết, rời quê, tiếp tục với cuộc mưu sinh nhiều ở đất khách quê người. Mà “đất khách quê người” thời buổi này có là ghê gớm như thuở xa xưa đâu, muốn về, nhảy một phát lên xe đò, xe lửa, máy bay, thậm chí xách chiếc cà tàng phóng về quê cũng đặng. Thế nhưng “về quê ăn Tết” lại có một ý nghĩa khác. Hoàn toàn khác. Không chỉ “về quê” còn là về với “cội nguồn”, ít ra là trong suy nghĩ của mỗi người lúc vui Xuân đón Tết.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment