LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.12.2016

 

1_KQTK(nguồn: ảnh của Báo Thanh Niên)

 

Trong những ngày này, có một vài sự kiện văn hóa cần ghi lại:

Ngày 29.11.2016, Nghệ thuật hô/hát bài chòi dân gian ở Quảng Nam - Đà Nẵng được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lúc 17 giờ 15 giờ địa phương (21 giờ 15 giờ Việt Nam) ngày 1.12.2016, tại phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là gì?

Theo Báo Thanh Niên đưa tin: “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân; Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu”.

Bản tin này, có hai chi tiết đáng chú ý: 1. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời từ thế kỷ XVI; 2. Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu.

Theo Từ điển wikipedia: “Các truyện kể dân gian về 3 vị thánh mẫu: Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải lưu truyền trong dân gian khá phong phú, sau này một số được ghi chép lại trong các sách cổ như Việt điện u linh, ngoài ra còn có các truyện kể dân gian khác về các vị nữ thần được các sách sau này tập hợp và ghi chép lại”. Quan tâm đến sự kiện này, đọc kỹ nhiều thông tin, chẳng thấy tờ báo nào nhắc đến vai trò của Bà Liễu Hạnh. Dù rằng, cũng như Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải đều là nhân vật thần thoại nhưng bà Liễu Hạnh lại “có tích có tuồng”. Vai trò của bà rất lớn, nói cách khác chính bà mới là nhân vật quyết định cho sự ra đời và tồn tại của Mẩu Tam phủ/ Đạo mẫu.

Xin đừng quên: “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ” - câu nói cửa miệng của bất cứ người Việt nào, dù sống trên quê hương hay đã tha phương nơi đất khách quê người. Trong tâm thức dân gian, vua Hùng là ông Tổ nên “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”, còn Liễu Hạnh là Mẫu (Mẹ), Trần Hưng Đạo là Cha, cả dân tộc coi cộng đồng như một gia tộc, có Tổ tiên, có cha mẹ” (Lễ hội cổ truyền - Viện Văn hóa dân gian biên soạn - NXB KHXH, 1992).

Sở dĩ lấy cột mốc từ thế kỷ XVI, vì bà Liễu Hạnh được dân gian hư cấu ra đời từ năm tháng đó. Từ xưa đến nay, lễ hội truyền thống đã tôn vinh Thánh mẫu Liễu Hạnh ở nhiều nơi trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng tiêu biểu nhất vẫn là hội Phủ Giầy. Quần thể kiến trúc ấy gần như tập trung trong phạm vi xã Kim Thái, xưa là xã Kim Thái, thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Địa danh này trước đó mang tên Kẻ Giầy, khi bà được triều đình sắc phong thì gọi là Phủ Giầy. Lễ hội diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10.3 (chính hội là ngày 3.3 âm lịch).

Còn trời còn nước còn non

Mồng Năm rước Mẫu ta còn đi xem

Ai về nhắn chị cùng em

Bảo nhau dắt díu đi xem hội này

Thử hỏi, tại sao Hội Phủ Giầy lại chọn Nam Định làm “đại bản doanh” cho một nghi lễ tôn giáo vừa được UNESCO tôn vinh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại? Trả lời câu hỏi này, ắt cần tìm về gốc gác, nơi chốn ra đời của bà Liễu Hạnh. 
Kết hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau, có thể thấy tóm tắt:

Theo truyền thuyết, bà Liễu Hạnh giáng trần ở đầu thời vua Lê Thái Tổ (1418-1433), còn theo Truyền kỳ tân phả của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, bà xuống trần vào đời Lê Anh Tông (1557-1573). Lúc bấy giờ, tại thôn An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản, Nam Định) có gia đình ông bà Lê Thái Công tu tâm tích đức, chăm làm việc thiện. Tuy vậy, ngoài 40 xuân ông bà vẫn chưa có con. Bỗng một ngày kia, bà có thai nhưng chỉ thích hoa thơm quả lạ, ngửi trầm chứ không thiết ăn uống.

Lạ thay, qua chín tháng mười ngày, bà vẫn chưa sinh nở. Đêm nọ chồng bà nằm mơ thấy lên tiên giới chứng kiến cảnh con gái Ngọc Hoàng phạm lỗi lầm nên bị đày xuống trần gian. Ông giật mình tỉnh giấc. Đó cũng là lúc người  vợ sinh vừa được người con gái tuyệt đẹp, đặt tên là Lê Thị Thắng - người dân trong vùng thường gọi Giáng Tiên. Thật ra, ông Lê Thái Công vốn họ Trần. Sự đổi họ là hiện tượng thường thấy trong lịch sử nước nhà. Chẳng hạn, theo Đại Việt sử ký toàn thư do vợ của vua Lê Thái Tổ là Phạm Thị Ngọc Trần nên từ năm 1460, họ Trần phải đổi thành họ Trình; thời Trịnh - Mạc, để tránh sự trả thù của vương triều Lê - Trịnh, họ Mạc đã đổi thành nhiều họ như Bế, Bàng, Phan, Liễu, Thạch… hoặc đời nhà Trần, Lý là tên ông nội vua Trần Thái Tông, do đó, họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn để kiêng tên tổ và cũng là để dứt sự trông ngóng của nhân dân đối với triều Lý, v.v… Như vậy, từ họ Trần của Thánh mẫu Liễu Hạnh đổi sang họ Lê cũng có lý do tương tự.

Ngay từ thuở nhỏ, Giáng Tiên đã tỏ ra thông minh hơn người. Nhan sắc tuyệt đẹp. Không những công, dung, ngôn, hạnh vẹn toàn, bà còn có thiên tư về thi ca và âm nhạc. Ít lâu sau, ông Lê Thái Công gả bà cho nhà họ Trần, tên Đào Lang.  Ở với nhau được ba năm thì hết hạn bị đày xuống trần, một ngày kia, dù không bệnh nhưng bà mất, để lại cho Đào Lang hai con, một trai và một gái. Đó là ngày 3.3. Dù trở về tiên cảnh, nhưng trần duyên chưa dứt, tơ tình còn vương nên bà thường buồn bã. Thấy vậy, Thượng đế lại cho bà xuống trần lần thứ hai. Gia đình ông Lê Thái Công vui mừng khôn xiết.

Lần này, bà thường đi mây về gió, biến hóa khôn lường. Lần nọ, bà đi viếng cảnh chùa ở Lạng Sơn. Thấy phong cảnh hữu tình, thông reo vi vút, suốt tuôn róc rách khiến lòng vui, ôm đàn ngồi hát. Lúc đó, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613) trên đường đi sứ về. Gặp nhau, cả hai cùng làm câu đối, xướng họa thơ rất tâm đắc. Lúc đó, Trạng Bùng trêu:

Tam mộc sân đình, tọa trước hảo hề nữ tử;

(Ba cây che sân, ngồi đó là cô gái xinh).

Trạng đã chơi chữ lắt léo: “Tam mộc” là ba chữ mộc tức chữ “sâm”. Chữ “hảo” là do chữ “nữ” và chữ “tử” ghép lại. Bà liền đáp:

Trùng sơn xuất lộ, tẩu lai sứ giả lại nhân.

(Lần núi đi ra, hẳn đó là quan sứ).

Ở đây, bà cũng chơi chữ tài hoa không kém: “Trùng sơn” là hai chữ “sơn” tức chữ “xuất”. Chữ “sứ” là do chữ “nhân” và chữ “lại” ghép thành. Nghe đáp lại, Trạng Bùng liền xuống ngựa để hỏi han thêm vì biết không phải là người tầm thường. Hỏi đến đâu, bà đáp trôi chảy đến đó, Trạng lấy làm khâm phục. Nhưng giây lát sau lại không thấy bà đâu nữa, chỉ thấy trên cây gỗ có ghi bốn chữ: “Mão khẩu công chúa” và một tấm biển đề: “Băng mã dĩ tẩu”.

Suy nghĩ một lúc, ông mới luận ra rằng: cây gỗ là chữ “mộc”, bộ mộc thêm chữ “mão” là chữ “Liễu”, bộ mộc thêm chữ “khẩu” là chữ “Hạnh”. Đó là Liễu Hạnh công chúa. Còn bộ băng đi với chữ “mã” thành chữ “Phùng”, chữ “dĩ” đi với chữ “tẩu” là chữ “khởi”, ý của bà Liễu Hạnh bảo họ Phùng này sửa lại ngôi chùa bên đường. Phùng Khắc Khoan đã làm đúng yêu cầu của bà và đề ở chùa “Tùng Lâm tịch mịch phất nhân gia” (Trong rừng rậm tịch mịch có nhà Phật).

Có thể nói, đây là giai thoại văn chương tuyệt đẹp giữa người trần và người tiên - làm phong phú, đa dạng cho kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, Đào Lang - chồng bà qua đời, rồi bố mẹ cũng mất. Không còn vướng bận tình riêng, bà thường phiêu du đây đó. Có lần, bà vào tận làng Sóc ở Nghệ An. Nhưng theo Can Lộc huyện phong thổ chí, sự việc này diễn ra dưới thời Hồng Đức (1460-1497). Nơi đây phong cảnh hữu tình. Non xanh nước biếc. Trời ngả về chiều, bà đang ngồi bên suối hái hoa thì thấy một thư sinh bước đến. Người này tên Nguyễn Phán - dáng nho nhã có tài vừa đi ngựa vừa làm thơ, thông làu kinh sử. Bà biết thư sinh này là hậu thân của Đào Lang nên buông lời kết duyên trăm năm. Vì không rõ duyên ước kiếp trước, Nguyễn Phán y từ chối, cứ lẳng lặng bước đi.

Qua ngày sau, Nguyễn Phán qua lại chỗ cũ, thấy trên cành đào có bức hoa tiên đề bài thơ. Đọc xong, thư sinh ngửa mặt lên trời mà than: “Chao ôi! Sức bút đều đặn, lời thơ tươi đẹp, không ngờ trong thế gian lại có nữ tài dường này! Dẫu Di An, Thục Chân đời Tống có sống lại cũng chưa chắc ai hơn ai kém”. Nói xong, liền họa bài thơ. Từ đó, thư sinh tương tư người nữ sĩ tài hoa ấy. Mấy hôm sau, tiết xuân mưa dầm, lòng lại thêm nhớ, thư sinh lại làm thơ cho vơi nỗi sầu. Một buổi sáng, trời quang mây tạnh, đi đến chỗ cũ lại thấy một bài thơ nữa, thư sinh lại họa. Vừa viết xong dòng chữ cuối cùng bỗng nghe tiếng nói vang lên ngọt ngào: “Người quân tử lại đến đây à?”. Thư sinh Nguyễn Phán quay lại, thấy một cô gái xinh đẹp nên mừng khôn xiết.

Không kể thêm nữa, chỉ tóm tắt rằng, họ kết duyên cùng nhau, sinh được hai con là Nguyễn Cả và Nguyễn Hai. Về sau, Nguyễn Phán thi đậu, ra làm quan giữ chức Thị nội văn hàn. Bấy giờ, bà cưỡi mây về trời. Dù về trời, nhưng bà Liễu Hạnh vẫn khao khát cuộc sống trần thế, bà lại xin Thượng đế cho xuống dương gian lần nữa. Lần này, diễn ra dưới thời vua Lê Huyền Tông (1663-1671). Xuống theo với bà còn có hai tiên nữ là Quế và Thị. Để thử tâm tính người trần mắt thịt, bà mở quán nước ở phố Cát.

Thấy bà xinh đẹp, những đấng mày râu tục tử ngu dốt nhưng hiếu sắc thường đến trêu ghẹo. Những kẻ này đều bị bà trừng trị đích đáng. Còn những ai hiền lành, làm việc thiện, tu tâm tích đức thì được bà giúp đỡ. Bỗng một ngày kia, quán nước biến mất, đêm đêm có tiếng hát ngọt ngào, ai ai cũng lấy làm kinh dị và lập đền thờ - tức đền Sòng hiện nay ở Thanh Hóa. Ai cầu xin điều gì thì được bà giúp đỡ, ai nghịch phá thì bị bà trừng phạt. Vua Lê Huyền Tông phong bà “Chế thắng hòa điệu đại vương”. Đến năm 1672, vua Lê Gia Tông (1672-1675) phong tước hiệu Liễu Hạnh công chúa.

Trên cơ sở tâm thức Folklore, dân gian đã hình dung ra biểu tượng Thánh mẫu phù hợp với nguyện vọng của mình.

Ôi, ngày chủ nhật nữa rồi. Chẳng mấy chốc, lại Tết. Bận rộn quá sức. Cũng là bài vở biết cho các báo. Cứ đều đặn mỗi ngày. Có điều đáng phàn nàn nhất, nhuận bút đều tụt giảm đến chóng mặt. Chữ nghĩa ngày một rẻ. “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”, từ thâp niên 30 của thế kỷ trước, Tản Đà tiên sinh đã thở than. Chữ nghĩa văn chương đã thế, nay, huống gì dăm ba báo vặt kiếm sống qua ngày. Biết thế. Mà vẫn viết cần cù chăm chỉ bền bĩ chung thủy trong mỗi ngày. Ấy là cái đạo của người cầm bút đấy thôi.

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment