LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.6.2015

tai-lieu-VNQD-Dang

(Nguồn: Tập san Sử Địa ấn hành tại miền Nam trước 1975)

 

Vô tâm.

Ai vô tâm?

Chúng ta, chính chúng còn ai nữa. Ngày hôm qua, ngày gì? Chẳng ai nhớ nữa. Hầu như các phương tiện truyền thông không hề nói đến. Sáng nay, dậy sớm, tự nhủ dường như y đã có điều gì không phải. Điều gì? Chịu. Lướt qua các trang mạng xã hội, giật thót người mới nhớ rằng ngày hôm qua: Kỷ niệm 85 năm ngày giỗ 13 vị anh hùng dân tộc - 13 đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng bị giặc Pháp chém đầu tại Yên Bái, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái (17.6.1930-17.6.2015). Kỳ quái chửa? Chẳng có một tờ báo nào nhắc lại sự kiện này. Chúng ta đã có lỗi với tiền nhân. Máu của người yêu nước phải được lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này sang thế khác. Thiên thu. Muôn đời. Chỉ chưa gần trăm năm, đã vội chóng quên. Tự dưng ngậm ngùi.

Có những người, dù chưa một lần gặp mặt, chưa một lần được thọ giáo nhưng trong thâm tâm bao giờ y cũng nghĩ đó là thầy của mình. Một trong rất nhiều người như thế đối y là nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê. Nhân đọc tập hồi ký của ông, dày hàng ngàn trang, nhưng chỉ có dăm dòng của ông đã thay đổi cả cách sống, cách viết của y. Ông viết rằng, đại khái, khi muốn tìm hiểu một vấn đề gì, cách tốt nhất là viết một cuốn sách về vấn đề đó. Từ lời khuyên lạ lùng và hữu ích này, nay nhìn lại công việc đã làm, ngay cả y cũng ngạc nhiên tại sao mình lại có thể viết được nhiều đến thế. Y bắt đầu lao vào viết nhân vật lịch sử từ những năm 1994. Năm đó, trong một lần đến thăm thầy Trần Hữu Tá tại nhà riêng, qua trò chuyện, y biết chị Đỗ Thị Phấn - Giám đốc Fahasa, nhà văn Hoàng Lại Giang - Giám đốc chi nhánh NXB Văn Học đang thực hiện Tủ sách Truyện danh nhân. Thầy gợi ý nên nhận lời viết về một nhân vật lịch sử hằng ngưỡng mộ. Lập tức trong trí óc của y hiện lên hình ảnh lãnh tụ Nguyễn Thái Học. Chao ôi! Còn gì hấp dẫn tuổi trẻ hơn hình ảnh một nhà cách mạng  lúc bước ra pháp trường còn ngẩng đầu lên đọc thơ? Những câu thơ “Chết vì Tổ quốc/ Cái chết vinh quang/ Lòng ta sung sướng/ Trí ta nhẹ nhàng” của Nguyễn Thái Học bỗng quay về trong tâm trí của y lúc ấy...

Ngay sau đó thầy Trần Hữu Tá ứng nhuận bút, số tiền này nằm trong túi áo không lâu. Vì từ nhà thầy bên hông trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, (trên đường An Dương Vương) qua chợ sách cũ (đường Nguyễn Thị Minh Khai) chỉ là một đoạn ngắn, y đã dùng toàn bộ để mua tài liệu liên quan đến nhân vật sẽ viết. Khi bắt tay vào viết, có một lời đề nghị khác khiến y phân vân. Số là như thế này, trong thời điểm này, có một người bạn học cũ đang làm việc tại hảng phim nọ, sau khi biết công việc của y đang làm, đề nghị nên viết về nhân vật khác. Nếu làm như thế, sau khi sách ra phát hành, họ sẽ dễ dàng xin tài trợ để làm phim. Lời đề nghị nghe cũng hấp dẫn. Nhưng nhân vật đó, thật ra đã có nhiều người viết, nay có viết thêm hoặc không thì vị trí trong lịch sử cũng đã được khẳng định. Còn nhân vật Nguyễn Thái Học lại khác. Với vai trò là người cùng với Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Ký Con... lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái long trời lỡ đất, trước cả phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh. Và Việt Nam Quốc dân đảng do các ông thành lập trước cả lúc Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, tại sao không viết lại, không đề cập lại một giai đoạn đáng tự hào của dân tộc?

Do khúc ngoặt của lịch sử, không ít người rất ngại khi viết về tổ chức này. Nhưng điểm son, mặt tích cực của nó thì không thể phủ nhận. Đánh giá sự vật phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử đương thời, vậy mới là khoa học. Nghĩ nôm na, đơn giản như thế nên y càng quyết tâm phải viết cho xong quyển tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thái Học. Quyển tiểu thuyết này, y viết xong vào ngày 26.11.1994 - đã được nhiều báo giới thiệu và đánh giá tốt. Nhưng điều không ai ngờ là nó đã được báo Nhân Dân (số ra ngày chủ nhật 9.6.1996) đã có bài giới thiệu rất trân trọng. Người đầu tiên kêu lên một cách ngạc nhiên và thú vị là nhà báo Nam Đồng (lúc ấy, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM), anh gọi điện thoại cho biết đã đọc bài báo này khi ngồi trên máy bay từ Hà Nội về TP.HCM. Nhờ vậy, y mới biết và tìm đọc. Thú thật, trong các bài điểm sách, bài viết này đối với y rất quan trọng. À! Thì ra lâu nay ta cứ “sợ bóng sợ vía” khi đề cập đến một vài nhân vật nào đó “có vấn đề”, nhưng thật ra giới sử học có cách nhìn nhận, đánh giá đã khác trước. Có điều, ta dám dũng cảm bày tỏ quan điểm hay không? Hay tốt nhất là cứ chọn những nhân vật đã khẳng định để viết cho an toàn? Đó cũng là sự lựa chọn của mỗi nhà văn, nhà nghiên cứu sử.

Chao, thời đó sao mà viết sung, viết khỏe, viết hăm hở đến thế.

Cuộc khởi nghĩa Yên Bái, ý nghĩa của nó thế nào? Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến, chỉ nhấn mạnh đây là cuộc khởi nghĩa bằng võ trang của một tổ chức chính trị, có cương lĩnh hoạt động, có chủ trương rõ rệt, cùng lúc diễn ra trên phạm vi nhiều địa phương. Hoàn toàn khác với các cuộc bạo động trước đó, chẳng hạn, khác với các cuộc ám sát, ném bom của Việt Nam Quang phục Hội do cụ Phan Bội Châu cử các chiến sĩ quả cảm từ hải ngoại về nước hoạt động, gây tiếng vang; khác với khởi nghĩa năm 1916 của vua Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân; khác với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Đội Cấn, Lương Ngọc Quyến năm 1917… Chính từ khởi nghĩa Yên Bái, nhà cầm quyền Pháp nhận ra rằng, họ phải đối đầu với đường lối đấu tranh mới, khác hẳn trước đó. Nghĩa là, một dân tộc nô lệ đã có một chính đảng chỉ đạo và tổ chức đó không lệ thuộc vào vai trò của một cá nhân nào. Chỉ đưa một thí dụ, chẳng hạn, sau cái chết của Hùm thiêng Yên Thế, cuộc kháng chiến ròng rã 30 năm hoàn toàn chấm dứt. Nhân đây nói luôn, theo quan điểm của y, cuộc kháng chiến của Đề Thám vẫn là sự nối dài của phong trào Cần Vương. Có thể lấy cột mốc 1913, năm Đề Thám qua đời là năm kết thúc lời kêu gọi của vua Hàm Nghi vào năm 1885.

“Yên Bái,

Đây là cái từ nhắc nhở chúng ta rằng không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta khuất phục bằng lưỡi kiếm cong của đao phủ.

Yên Bái,

Gửi đến các bạn da vàng lời nguyền này. Để mỗi giọt của cuộc sống các bạn sẽ tràn máu của một tên Varenne”.

Đó là thơ của thi sĩ Pháp Louis Aragon. Ghê gớm chưa? Lâu nay, có lẽ do thiếu tài liệu nên nhiều nhà nghiên cứu có nhắc đến đảng kỳ nhưng không đề cập đến đảng ca của Việt Nam Quốc dân đảng. Bài hát này do Nguyễn Khắc Nhu soạn lời Việt, phỏng theo điệu bài quốc ca Marseillaise của Pháp: “Đầy đường hùm beo, đồng tâm cùng bước. Dưới ách cường quyền, mấy ai ngồi yên? Phất cờ Tự Do đuổi quân đế quốc, quyết sống mái… Gan cho vững… Chí cho bền. Trên đường vinh quang, kìa trông người đua chen. Anh em ơi mau cùng đứng lên! Chị em đâu mau cùng tiến lên! Thề cùng đem xương máu đắp xây nhân quyền… Lắp súng anh em tiến quân. Tuốt gươm chị em xung phong. Tuốt gươm lắp súng. Tiến lên! Đồng tiến… Ta phấn đấu tới cùng!”. Cung cấp thêm thông tin này cho ai cần nghiên cứu sâu hơn.

Lại chi tiết này nữa, ít ai biết, trong số 13 đảng viên gan dạ bị án chém, anh Phó Đức Chính gan dạ đòi nằm ngửa để nhìn tận mắt lưỡi dao chém và anh đã hô to được: “Việt Nam vạn tuế”. Trường hợp này, chỉ xẩy ra duy nhất một lần trong suốt năm tháng giặc Pháp sử dụng án chém ở Đông Dương. Chẳng mấy ai còn nhớ đến chi tiết, khi ra tòa, quan tòa gọi tên chị Nguyễn Thị Bắc (chị ruột cô Giang), chúng chưa kịp hỏi, chị đã vung tay thét: “Chúng mày về nước Pháp mà kéo đổ tượng Jeanne d’Arc đi thôi!” Cả Hội đồng đề hình giận tím mặt, Jeanne d’Arc là người đã được nhà nước Pháp phong Nữ thánh, đã từng cầm quân đi đánh giặc Anh lúc xâm lược Pháp. Sau cô bị thiêu sống ở quảng trường Rouen vào năm 1431 lúc 19 tuổi - bằng tuổi với chị Bắc lúc bấy giờ.

Chi tiết Nguyễn Thái Học bị bắt lúc đi qua lĩnh vực đồn điền Cổ Vịt của tên thực dân Klieber, y đã tham khảo từ tài liệu ghi chép của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Theo cha đẻ Kép Tư Bền, hoạt động của Việt Nam Quốc dân đảng thất bại còn vì cách tổ chức quá dễ dãi, kết nạp cả những người chưa qua thử thách. Do đó, đã không giữ được bí mật hoạt động của một tổ chức chính trị, ngày giờ khởi nghĩa... Đọc Nhớ gì ghi nấy, thỉnh thoảng nhà văn  Bước đường cùng có kể lại khá nhiều chi tiết rất hay.

Theo Nguyễn Vỹ, trong Tuấn, chàng trai nước Việt do tác giả in năm 1969: “Thế hế hệ sinh viên và học sinh Việt Nam từ ngày cụ Phan Bội Châu về nước, năm 1925 đến ngày khởi nghĩa của Việt Nam Quốc dân đảng, năm 1930, có thể gọi là thế hệ Nguyễn Thái Học" (tập 2, tr.63). Chủ soái của trường phái thơ Bạch Nga còn cho biết: “Nguyễn Thái Học bước lên đoạn đầu đài có hơi khác Nguyễn Thái Học lúc hoạt động cách mạng. Lần này đầu anh bị cạo trọc, đôi mắt anh sâu hóm như hai cái lổ thẳm. Má anh cóp và người anh gầy đi nhiều. Anh không ngó ai cả, đăm đăm bước rất mau lên bàn máy chém, hai tay bị trói còng ra sau lưng. Anh đứng trên bục sắt đen ngòm, la lên với một giọng run run mà những kẻ tò mò được chứng kiến đứng ngoài vòng lính, ít người được nghe rõ. Sương còn buông xuống nhiều, Tuấn cố lắng tai nghe tiếng anh “ Việt Nam vạn …vạn …tuế. Hai tiếng “ Việt Nam “ và tiếng “ tuế” sau cùng thì hét lớn lên, còn hai tiếng “ vạn …vạn “ rất nhỏ, chỉ nghe thoáng như hơi thở cuối cùng. Lưỡi dao sắc bén rơi mạnh xuống cổ anh, kêu một tiếng “phập“. Đầu anh rơi xuống một chiếc thùng mạt cưa kê ở dưới bàn máy chém (SĐD, tr.92-93).

Muốn tìm hiểu sự đấu tranh kịch liệt về tư tưởng, chủ thuyết, quan điểm chính trị giữa đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản Đông Dương khi ở tù đế quốc, cần đọc kỹ Hồi ký Trần Huy Liệu (NXB KHXH - 1991). Không chỉ tranh cãi về học thuật, họ còn có thể giết, ám hại khi chung khám. Ký giả Louis Roubaud có viết tập sách về Việt Nam Quốc dân đảng, đó là cuốn Việt Nam bi thảm Đông Dương. Trước năm 1975 tại miền Nam, ông Đường Bá Bổn (tức nhà văn Thế Phong) có dịch sang tiếng Việt, sau này NXB Văn hóa Thông tin tái bản.

Nếu lãng quên những người con ưu tú đã chết vì Tổ quốc, dù họ không cùng quan điểm, đường lối chính trị, chủ nghĩa này nọ thì trách nhiệm đó của ai? Của chúng ta đấy thôi. Lãng quên cái gì cũng có thể sửa sai, nhưng quên máu đã đổ xuống vì Tổ quốc, không một nhà cầm quyền nào được phép quên. Quên ấy là nợ. Không chỉ nợ với tiền nhân mà còn là nợ với cuộc đời đang tiếp nối từng ngày. Món nợ ấy, chắc chắn văn hào Lỗ Tấn có nói rằng: “Hễ mắc nợ càng lâu thì phải trả lãi càng nhiều”.

Đời sống, tự nó, mỗi ngày cứ đi qua. Đi qua. Đi qua. Đi qua. Có bao giờ tĩnh tâm, dừng lại, suy ngẫm một điều gì thật sâu không?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment