LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 26.6.2015

VAN-BAN-3-TUOI-TRERRR-


Một ngày. Một ngày. Đã ngày. Buổi sáng, đẹp trời. Dậy sớm, chích thuốc cho mẹ. Rồi bàn phím. Cà phê. Nghe tiếng chim hót. Nhìn nắng trải dài ngoài hiên. Lại viết. Lúc nhẩn nha, khi vội vã. Không vướng bận gì. Đã là vui. Vui theo từng ngày.

Từng ngày lặng lẽ đi qua

Thời gian thắp sáng búp hoa nõn mùa

Nghĩ bâng quơ một chút. Có lẽ cần thiết bổ sung cho giáo trình giảng dạy báo chí hiện nay, phải có thêm điều này nữa. Điều gì? Đó là công tác tư liệu. Những ghi chép từ những lúc quan sát thực tế, tài liệu nhận được trong các cuộc họp báo, thư từ bạn đọc v.v… cần giữ lại. Chẳng nên tin vào trí nhớ. Đừng ỷ lại Goolge. Phải là những tài liệu có thật, đang sờ sờ trước mắt, khi viết mới có thể tránh sai sót. Hầu như trong cuộc sống có quá nhiều thông tin, có quá nhiều sự chọn lựa khiến người ta cảm thấy mọi thứ bề bộn quá, cần phải vứt bỏ cho gọn gàng. Đã từng nhìn thấy vào dịp cuối năm, các bà mua bán ve chai thu gom biết bao tài liệu, giấy tờ từ cơ quan, từ nhà riêng, từ cá nhân… Những thứ vụn vặt, lặt vặt ấy tưởng không cần thiết, nhưng rồi đến lúc cần, biết tìm đâu?

Chẳng hạn, GS-TS Trần Văn Khê nhận căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh, TP.HCM vào ngày nào, có những tài liệu gì đã chuyển từ Pháp về, lúc ấy UBND TP.HCM đã phát biểu những, các văn bản cụ thể thế nào? Đố các nhà báo có thể nhớ, dù ngày đó cũng có mặt chứng kiến sự kiện này. May quá, y đã có thói quen làm công tác tư liệu từ nhiều năm nay, dù không tầm cỡ, không chuyên nghiệp như các tay tổ, các bậc thượng thừa cỡ Phạm Duy, Vương Hồng Sển, Đào Duy Anh, Nguyễn Đổng Chi, Trần Văn Khê… nhưng ơn trời, y cũng học tập, bắt chước được đôi chút. Đọc hồi ký Phạm Duy, biết ông còn giữ được cả tấm hình chụp năm 16 tuổi, thời học trường Thăng Long, phía sau lưng có bạn học, sau này là nhà thơ nổi tiếng Tây tiến Quang Dũng; đọc Vương Hồng Sển biết ông giữ cả những vé xem cải lương, tờ giấy thiệu chương trình của thập niên 1920 v.v... Phục sát đất.

Những ngày này, có một sự kiện văn hóa không thể không nhắc đến: GS-TS Trần Văn Khê vừa qua đời lúc 2g55 phút sáng ngày 24.6 năm 2015 (nhằm ngày mùng 9.5 năm Ất Mùi), hưởng thọ 94 tuổi, hỏa táng tại Nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát (Bình Dương). Tro cốt của ông sẽ được mang về tư gia (số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Q.Bình Thạnh) để những người yêu kính ông có thể tiếp tục thăm viếng. Sáng qua, ngồi nhà viết bài vĩnh việt GS-TS Trần Văn Khê. Nhờ đã làm công tác tư liệu nên mọi việc suông sẻ, viết nhanh, một loáng là xong, kịp yêu cầu của tòa soạn. Làm báo cũng như chuẩn bị một trận đánh. Phải thực hiện đầy đủ mọi thứ cần thiết, tâm thế sẵn sàng, không chần chừ, phải đúng giờ. Hết số báo này đến số báo khác. Có bài báo chỉ in vào số ra hôm nay, cạnh tranh với báo khác, kịp thời phục vụ thông tin cho bạn đọc, vì thế không cho phép nhà báo trễ hẹn giao bài. Sáng nay, báo PN TP.HCM đã in bài của y:

Hết lòng cứu thoát kẻ trầm luân

Một mình làm chúa giữa dòng sông

Bát cạy ngược xuôi tiếng đập đùng

Quyết chí dắt người qua bể khổ

Hết lòng cứu thoát kẻ trầm luân

Đó là những câu thơ của GS-TS Trần Văn Khê vừa từ biệt “cõi tạm” ngày 24.6. đó chăng? “Bát” là vừa chèo, vừa lái cho thuyền quẹo tay mặt; “cạy” là ngược lại. Có điều bài thơ này, tác giả sáng tác lúc tóc còn để chỏm, năm 12 tuổi, lúc đang học lớp Sơ học. Đọc xong, thầy Thượng Tân Thị kinh ngạc, gọi lại hỏi: “Có ai gà cho trò không?”.”Thưa thầy không, em làm một mình”. Ngay từ lúc nhỏ, Trần Văn Khê đã được thọ giáo với ông thầy hay chữ, yêu thơ và rất nổi  tiếng với bài thơ “thập thủ liên hoàn” Khuê phụ thán. Những năm tháng êm đềm đó, ghi sâu vào ký ức của ông cho đến cuối đời.

Thêm một may mắn nữa, Trần Văn Khê đã được tiếp cận âm nhạc ngay từ lúc còn trong bụng mẹ. “Tôi may mắn được cậu Năm đề nghị và má tôi chấp nhận một sự “thai giáo” rất đặc biệt là giáo dục âm nhạc từ trong bụng mẹ. Hàng ngày, trong lúc có thai tôi, má tôi được cậu Năm tôi đờn cò, đàn tranh, thổi sáo cho nghe”. Rồi đêm rằm rạng ngày 16.6 năm Tân Dậu (1921), Trần Văn Khê chào đời. Sinh ra trong dòng tôc bốn đời nhạc sĩ, từ đây suốt một đời, cụ Khê có sứ mệnh truyền bá về cái hay, cái đẹp của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Do công việc làm báo, tôi có cơ duyên được diện kiến GS-TS Trần văn Khê vào lúc 6 giờ chiều thứ Sáu ngày 6.1.2006. Đó là ngày UBND TP.HCM quyết định trao căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh cho ông. Nơi ở, làm việc của cụ được biết đến sẽ là Nhà Lưu niệm Trần Văn Khê với 2.000 cuốn sách, tạp chí trong đó có 100 Từ điển bách khoa của nhiều nước trên thế giới; các báo cáo tham luận tại 200 hội nghị khoa học tại 68 nước; các tài liệu ghi chép diền dã tại Việt Nam, Nhật, Ba Tư, Ấn Độ… Thậm chí còn có cả tài liệu độc nhất vô nhị như cuộc trò chuyện với các nghệ nhân NSND Quách Thị Hồ nói về Ca trù; NSND Năm Đồ, cô Ba Út về nghệ thuật Hát bội miền Nam; nhạc sư Vĩnh Bảo về lịch sử của nhạc Tài tử v.v…

Có những con người, thật lạ, dù chỉ gặp một lần nhưng tình cảm của ta lại khó quên. GS-TS Trần Văn Khê là một mẫu người như vậy, tự ông đã có một sức hút thân thiện và gần gũi dù ai mới chỉ tri ngộ lần đầu. Ngày đó, được diện kiến và trò chuyện cùng ông, trong lòng tôi đã dạt dào một niềm ngưỡng mộ. Tôi được nhìn tận mắt một con người đã từng viết bền bĩ trên tạp chí Bách Khoa với chuyên mục “Lá thư hải ngoại” mà tôi đã say mê đọc từ thời bé. Những bài biết đó, khiến độc giả thời đó thích thú vì tác giả đã đi qua nhiều lãnh thổ khác nhau và kể lại bằng văn phong thân mật, dí dỏm mà uyên bác. Ông đi nhiều lắm. Gần 30 năm được cử làm thành viên cá nhân, có quyền bỏ phiếu trong các Hội đồng Quốc tế Âm nhạc thuộc UNESCO, ông cho biết: “Không thể tính nổi trong suốt cuộc đời mình, tôi đã đi bao nhiêu cây số trên các chuyến bay - riêng trong năm 1987 tôi đã vượt trên 80 ngàn cây số, tính ra bằng hai lần vòng quanh trái đất”. Những chuyến đi đó không ngoài mục đích tâm niệm về việc truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam - một đề tài mà Luận văn năm 1958 đã đưa ông trở thành người Việt đầu tiên đậu Tiến sĩ Âm nhạc học tại Pháp.

Năm 1974, Trần văn Khê có trở về nước sau 25 năm xa cách, các nghệ sĩ Phùng Há, Kim Cương, Năm Châu, Vĩnh Bảo, Phạm Duy, Nguyễn Hữu Ba… đón tiếp tại sân bay rất nồng nhiệt. Tạp chí Văn tại Sài Gòn có thực hiện bài phỏng vấn “Nói chuyện với Nhà Âm nhạc học Trần Văn Khê”, trong đó có  nhiều chi tiết thú vị. Chẳng hạn, với cây đàn nguyệt, ông cho biết từ đường kính của thùng đàn, bề dài sợi dây từ “con dơi” đến “con cóc”, trục đàn, đầu đàn v.v… đều lấy con số 36 làm căn bản “do đó hình dáng đàn đẹp, và kích thước cây đàn đã được chú ý một cách đặc biệt”. Và lúc đó, ông đã có ý  kiến phải đưa âm nhạc cổ truyền vào chương trình giáo dục học sinh. Mà vấn đề này, cho đến lúc cuối đời ông vẫn giữ nguyên ý kiến, không thay đổi.

“Hết lòng cứu thoát kẻ trầm luân”, câu thơ của GS-TS Trần Văn Khê viết năm 12 tuổi, thuộc loại “ngôn chí”, nói lên cái chí của mình. Tôi hiểu rằng, chí nguyện ấy rất gần với triết lý nhà Phật. Có điều, cụ Khê “hành pháp” theo sứ mệnh đã chọn là vận dụng, phát huy, truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam mà sức sống của loại hình âm nhạc ấy còn giúp ta tìm được niềm vui sống ở trên đời…” (Báo PN 26.5.2015).

Sáng qua, nhà báo Lưu Đình Triều nhắn tin hỏi, đã làm báo TT khoảng thời gian nào? Hỏi, vì anh đang là một trong những người đang thực hiện bộ sách hoành tráng kỷ hiệm 40 năm ngày báo TT phát hành số đầu tiên. Nhờ làm công tác tư liệu, chỉ một loáng, có thể trả lời ngay: Làm việc ở đó chỉ vỏn vẹn chưa đầy một năm, từ ngày 7.9.1987đến ngày 1.5.1988. Chỉ có thế, nhưng đây là khoảng thời gian quan trọng ban đầu giúp y có thể hiểu rõ hơn vai trò tác nghiệp của nhà báo. Ngày tháng đó nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đã kể lại để in trong tập sách sắp in của báo TT.  Y rời khỏi tờ báo này với văn bản số 35/QĐTC-88 do anh Huỳnh Quý đã ký ngày 1.5.1988: “Lý do: Qua 8 tháng thử việc, không thể hiện được hướng phát triển trong công việc làm báo".  Nhìn lại văn bản này, tự dưng bật cười giòn giã, vui vẻ. Thì ra, ngày đó, y tệ đến mức ấy sao? Tệ quá đi chứ.

Mà cũng chẳng sao cả. Không làm nghề này thì làm nghề kia. Ai cũng có phải có một cái nghề. Cuối cùng, nghề của y chỉ có thể làm báo. Nghề cầm bút. Phải vậy thôi.

Từng ngày lặng lẽ đi qua

Thời gian thắp sáng búp hoa nõn mùa

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment