Vừa mua được bộ Văn Nghệ đóng tập, gồm các số 6 tháng đầu năm 1977. Dưới manchette có ghi Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, chứ không trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam như hiện nay. Năm 1977, y đi bộ đội, ngày 23.7. Con số ấy không quên. Cũng như làm sao quên được ngày ấy:
Đà Nẵng như một làn roi
quất vào trí nhớ những vết hằn đau điếng
mười tám tuổi ngậm nỗi buồn trong miệng
làm hành trang xuôi ngược vào đời
đứa vào Phú Ninh, đứa xuống An Điềm
đứa đạp xe thồ, đứa nửa tỉnh nửa điên
đứa lên rừng cầm súng
người tình dại dột đã vượt biên
Những câu thơ này, tâm trạng của một thời. Ngày ấy, phải nói thật, nước Mỹ vẫn là nơi nhiều người vượt biên ước mơ được đến. Thử xem, ngày ấy báo Văn Nghệ đã miêu tả nước Mỹ ra sao?
Cái rét Huê Kỳ rét rét ghê
Bốn mươi âm độ ở đâu về
Hàng nghìn nhà máy đành im đóng
Mấy chục con người phải chết tê
Mười tỷ đô la thành khói tỏa
Triệu dân thất nghiệp cúi mình lê
Một khi nhiên liệt không tiên liệu
Chết rét bây giờ mặt Cạc ê
“Cạc” là phiên âm, viết gọn Jimmy Carter, tổng thống Mỹ lúc đó. Bài thơ này in số 8 (694) ra ngày thứ Bảy 19.2.1977 của tác giả nổi tiếng. Ai vậy? Không nhắc lại. Nhắc lại làm gì. Mấy hôm nay, đã đọc một quyển sách hấp dẫn, cứ như đang đọc kiếm hiêp của Kim Dung, dù là thể loại lý luận, phê bình văn học. Sở dĩ thế, vì cuốn sách này, chọn in lại các bài tranh luận về kiệt tác Truyện Kiều. Người tuyển chọn là GS Nguyễn Văn Trung, tựa Vụ án Truyện Kiều, ngoài bìa ghi rõ “Tài liệu tham khảo dành cho Sinh viên văn khoa Sư phạm lớp Lý luận văn học”. Sách dày 304 trang, khổ 13x19cm. Cám ơn anh B đã tặng. Sinh viên thời đó, được tham khảo tài liệu này, quý quá.
Vụ án Truyện Kiều, có thể tóm tắt như sau: Năm 1919, trên tạp chí Nam Phong số 30, Phạm Quỳnh có bài ca ngợi Truyện Kiều, được dư luận chú ý. Tháng 9.1924, tạp chí Nam Phong cùng Hội Khai Trí Tiến Đức phối hợp tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du rất long trọng, Phạm Quỳnh đọc diễn văn khai mạc. Bài này in tạp chí Nam Phong số 86, trong đó có câu trứ danh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Câu này hiện được khắc tại mộ Phạm Quỳnh. Ngay sau đó, trên tạp chí Hữu Thanh số 21, Ngô Đức Kế có bài phản biện Luận về chánh học và tà thuyết cực kỳ gay gắt. Phạm Quỳnh không trả lời.
Sự việc tưởng chừng quên lãng, không ngờ dăm năm sau, năm 1929, Phan Khôi phê bình quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim. Sau cuộc tranh luận này, Phan Khôi viết Cảnh cáo nhà học phiệt: “Tôi lấy làm phục cái nhã độ của tiên sinh”, vì khi người ta công kích, tranh luận, đúng hay sai thì mình phải trả lời, chứ không nên tỏ thái độ không thèm quan tâm đến. “Tôi chẳng nói gần xa chi hết, tôi nói ngay rằng hạng “học phiệt” ấy ở nước ta chẳng bao lăm người, mà Phạm Quỳnh tiên sinh là số một”. Phan Khôi nhắc lại vụ bài viết trên báo Hữu Thanh năm 1924 của Ngô Đức Kế. Phạm Quỳnh liền viết bài phân bua, đại khái ông không trả lời là vì “Hàng thịt nguýt hàng cá”, là cái thói thường của bọn con buôn”, “Ai cũng biết rằng họ Ngô không phải vì Truyện Kiều mà bình phẩm Truyện Kiều, chỉ là kiếm cớ để gây cuộc “cãi lộn” với tôi, trước là làm một cách quảng cáo cho báo “Hữu Thanh”, sau cũng để thỏa một cái lòng ác cảm riêng chăng” v.v… Bấy giờ Ngô Đức Kế đã mất, Huỳnh Thúc Kháng lên tiếng bênh vực. Dư luận lại ồn ào lên một lần nữa về Truyện Kiều.
Thực chất của tranh luận năm 1924 là gì?
Có phải vì văn học, vì văn hóa nước nhà, vì tình yêu tiếng Việt nên Phạm Quỳnh đã hết lời ca ngợi Truyện Kiều, tổ chức lễ tưởng niệm rình rang; hay ẩn phía sau là nhằm đạt phục vụ mục tiêu chính trị nào đó? Có phải Ngô Đức Kế mạt sát Truyện Kiều đến mức: “Kim vân Kiều” là sách gì? Chưa nói đến sự tích thiệt không, chưa kể văn chương hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được”, có phải đó là quan điểm văn học, hay chỉ là cái cớ nhằm vạch trần, phê phán thái độ chính trị của Phạm Quỳnh?
Cuối năm 1950, đầu năm 1960, trong Nam các ông Tử Vi Lang, GS Thanh Lãng cho rằng cuộc tranh luận trên phi chính trị hoặc không rõ rệt mục tiêu chính trị. Ngoài Bắc, chia làm hai nhóm, nhóm Lê Quý Đôn cho rằng phi chính trị; ngược lại trên tạp chí Nghiên cứu văn học khẳng định nó gắn liền văn học với chính trị.
Ngày 7.10.1962, GS Nguyễn Văn Trung nói chuyện tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn đề tài “Văn học và chính trị: một quan điểm mới về cuộc tranh luận Phạm Quỳnh - Ngô Đức Kế qua Truyện Kiều”. Đề tài của ông Trung lại tạo nên cuộc tranh luận mới từ trong Nam đến ngoài Bắc. Ngoài Bắc, GS Trần Văn Giàu, nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn đã có bài tranh luận đăng trên báo Văn Nghệ, tạp chí Văn Học. Tiếc trong Vụ án Truyện Kiều, các bài in ngoài Bắc, GS Nguyễn Văn Trung chỉ cho biết tựa bài, tác giả, đăng trên số báo nào, chứ không in bài. Tuy nhiên, các bài đó nay vào thư viện dễ dàng tìm ra ngay. Sắp đến đây, năm 2016, UNESCO sẽ vinh danh Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều, nếu có nhà xuất bản này tái bản, bổ sung thêm tài liệu ắt hữu ích cho bạn đọc nhiều lắm.
Thiết nghĩ, thời nào cũng thế, khi một và nhiều cơ quan văn hóa được nhà cầm quyền đương thời “bật đèn xanh” ca ngợi một tác phẩm văn học nào đó lên chín tầng mây xanh, làm sao tách khỏi yếu tố chính trị? Cuộc tranh luận về Truyện Kiều năm 1924 cũng thế. Có điều Truyện Kiều là vàng thật nên càng trui qua lửa càng sáng ngời. Đã có, có quá nhiều tác phẩm dù chất lượng kém nhưng lại được lăng xê “quá cỡ thợ mộc” vì mục tiêu chính trị nhất thời, nay mấy ai còn nhớ đến?
Vừa rồi, đã đọc xong quyển Một thời như thế - Hành trình chữ nghĩa (tập 3) của nhà văn Nhật Tiến. Trong đó, ông có kể lại chuyến viếng “Đông Hồ Thi Nhân Kỷ Niệm Đường”. Qua có mấy thông tin đáng chú ý: Hai bên tiền sảnh có gắn hai tấm bia kỷ niệm. Tấm bên trái ghi tóm tắt tiểu sử Đông Hồ. Dọc theo hai bên tấm bia, có khắc câu đối: "Đông Hải mây giăng cánh hạc, vương theo hồn mặc khách; Hồ Thu sóng gợn làn gương, sáng chói chí anh tài". Tấm bia bên phải, nhắc nhở tới Trí Đức Học Xá, phía trên khắc câu: “Tiếng nào đã làm được văn không phải là tiếng tầm thường, người nào đã hay về văn cũng không phải là người tầm thường, đất nào đã có người hay văn lại không phải là đất tầm thường”. Câu này trích từ văn bia kỷ niệm Nguyễn Du do Bùi Kỷ soạn năm 1929. Phía dưới khắc bài thơ của Đông Hồ:
Hồn Đại Việt, giọng Hàn Thuyên
Nền móng văn chương cổ điển
Đặt đây viên đá đầu tiên
Xây dựng tương lai còn hẹn
Vũ trụ thiên thu vạn vật
Cảo thơm hiển hiện trước đèn
Đất nước ngàn năm văn hiến
Lâu đài tiếng Việt huy hoàng
Tả hữu hai bên tấm bia này còn có câu đối: "Tri thức làm gương, đạo đức làm mẫu, chắt tinh túy thời vun nền quốc học;/ Đông Hồ là nghiên, Tô Châu là bút, phẩy gió mây tô điểm đất hưng thịnh".
Trở lại với năm 1977, còn có gì đáng nhớ nữa không. Ắt có. Đó là thời điểm ở biên giới Tây Nam, đường 19B, đón cánh tân binh Hà Nội mới vừa bổ sung vào đại đội. Đêm trước của ngày đánh dứt điểm cao điểm XB, tràn qua Kampuchia, y đã trấn lột tập Truyện Kiều của Đoàn Tuấn. Tập thơ đồng hành cùng y suốt chặng đường chiến binh.
Nghiến răng không một tiếng than
Bốn bề máu chảy bàng hoàng bàn chân
Kiều ơi! Nức nở bao lần
Đêm chong trắng đĩa, lệ tràn đẫm khăn
Vẫn trong như ngọc trắng ngần
Tình em thắp sáng trăng rằm Angkor
Năm năm đất khách hẹn hò
Làm sao tri ngộ giày vò lẫn nhau?
Những câu thơ viết từ năm tháng đó. Năm tháng trú quân trên quê hương Chùa Tháp. Chiều nay, đọc lại. Tự nhiên buồn buồn…
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|