Đôi khi vì nể nang, không ưng bụng nhưng rồi người ta nằng nì quá, đành tặc lưỡi: “Thôi kệ”. Cho nó xong. Xong đâu chẳng thấy, đêm nằm vắt tay lên trán, tự chì chiết: “Sao lại thế? Từ chối phắt đi có phải nhẹ lòng hơn không?”. Tự nhủ phải rút kinh nghiệm cho lần sau. Rồi lần sau cũng thế. Cái sự nể nang đã ăn sâu vào máu thịt rồi. Thay đổi không dễ. Nói “không” dứt khoát, rạch ròi ngay từ đầu, nếu không thích, vẫn là sự lựa chọn khôn ngoan.
Ấy thế, hôm kia y lại vấp một lần nữa.
Chuyện rằng, sắp đến Ngày Nhà báo Cách mạng Việt Nam, một tờ báo ngoài Hà Nội mời viết một bài về nghề nghiệp mà y đã đeo đuổi từ lúc còn hỉ mũi chưa sạch. Y gật đầu. Cái gật đầu hấp tấp quá. Vội vã quá. Liệu y có dám nói tất tần tật những gì đã nghĩ về nghề đã kiếm cơm gần 30 năm qua? Tất nhiên là không. Y hèn. Y nhát. Chẳng bao giờ dám. Thôi thì, cứ cho y đột nhiên cao hứng trở thành người dũng cảm, dám ăn dám nói, cứ huỵch toẹt ra thì báo có in? Tất nhiên là không. Hoặc in đi nữa cũng cắt xén chán chê. Cho nó tròn trịa. Đã ngoài ngũ thập, chẳng lẽ cứ mãi là đứa trẻ lớn xác? Biết vậy, sao còn nhận lời để rồi cuối cùng phải uốn éo, hót líu lo, thốt ra dạt dào những lời đầu môi chót lưỡi, chứ không phải là những gì đã nghĩ trong đầu? “Làm việc ấy, để làm gì vậy Q?”. Chiều hôm kìa, đã gọi điện thoại xin từ chối. Lần trước người ta năn nỉ mình, nay ngược lại.
Chẳng ra làm sao.
Sáng nay, không vui chút tẹo nào. Đọc cái phát ngôn của ông Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông ta tên Hà Minh Huệ. Đọc xong, ngao ngán quá. Buồn nôn. Muốn buột miệng chửi thề một tiếng. Nghĩ thế thôi, chẳng ngốc dại. Hà cớ gì phải ôm vào người cái nỗi bực dọc bởi phát ngôn của cha căng chú kiết nào đó?
Đã từng tự nhủ, mỗi ngày có đọc báo, chỉ nên loáng thoáng qua, đọc lướt qua nắm bắt một vài thông tin thời sự. Là đủ. Chớ dại dành thời gian quan tâm đến nó quá nhiều. Biết thêm nhiều thông tin, càng thêm bực bội, làm sao còn thấy đời vui, đời đáng sống? Tự răn, rồi lại vi phạm. Y thừa biết do cái tính vô kỷ luật, dễ dãi, tự chìu lấy mình chứ không hề nghiêm khắc một cách dứt khoát.
Chính vì thế, sáng nay, y mới ngốn thời gian đọc trên mạng Vietnamnet bài “Trưng cầu ý dân phải xem lòng Đảng”, tường thuật về cuộc họp Quốc Hội đang diễn ra. Trong đó, có những dòng (nguyên văn): “Thảo luận tại tổ về luật Trưng cầu dân ý chiều nay, Phó chủ tịch Hội Nhà báo VN Hà Minh Huệ muốn làm rõ những vấn đề hệ trọng với sinh mệnh đất nước cần trưng cầu ý dân. Theo ông, dự thảo luật quy định chung chung có thể khiến "những người to mồm thành thiểu số". "Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện", ĐB Huệ phát biểu”.
Ý kiến của một người có vấn đề về thần kinh chăng?
Vâng, chính là thế, chắc chắn là thế. Nếu không, ai dám há mồm khẳng định “dân trí còn rất thấp”. Ngay cả Đức Phật, một vĩ nhân đáng kính trọng của nhân loại cũng chỉ dám nói: “Ta là Phật đã thành, và các ngươi là Phật sẽ thành”. Chẳng có ai cao, chẳng có ai thấp. Ai cũng có vị trí, sự đóng góp, dù ít dù nhiều. Tại sao lại điên rồ, lú lẫn, huyễn hoặc về vị trí, vai trò của mình rặn ra một câu trịch thượng: “dân trí còn rất thấp”. Đã nhà báo ắt khi phát ngôn một điều gì phải có cơ sở kiểm chứng mức độ chính xác của thông tin đó. Hiện nay, “dân trí còn rất thấp” là căn cứ từ luận chứng khoa học, điều tra xã hội học của Bộ, ban nghành nào?
Đừng quên, ngoài các chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu gì gì đó, báo chí còn có vai trò khai trí cho nhân dân. Nền báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ năm 1925, đến nay đã bao nhiêu năm? Trong chừng ấy năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã làm được những gì mà đến nay “dân trí còn rất thấp”? Trách nhiệm đó, nếu có, rõ ràng Hội Nhà báo Việt Nam không thể vô trách nhiệm, phủi tay sạch trơn như kẻ vô can, như thể kẻ đứng ngoài để rồi dám há mồm nôn ọe câu láo xược đó. Có nhiều người thật quái đản, họ không biết đang đứng ở đâu trong cõi đời rộng lớn này. Càng nghĩ càng thêm bực. Cộng đồng mạng “dậy sóng” với câu nói đó là lẽ tất nhiên. Những ai “đồng hội đồng thuyền” với hạng người ấy có “đẹp mặt” không? Y đang tự vấn lấy y đấy thôi. Trả lời thế nào?
Hôm nay, đưa cái phát ngôn ấm ớ vào Nhật ký bởi không thể ngờ, nhà báo lại có những suy nghĩ bệnh hoạn, quái dị đến cỡ đó. Mà sống ở đời, đã nói đi thì cũng phải nói lại. Ai lại không có những lúc lỡ lời, sai lầm? Chấp nhất làm gì. Đừng nghĩ thêm một điều gì về cái phát ngôn đó nữa nhá? Hãy quên đi. Như chưa từng đọc, từng biết đến. Vâng, y nhất quyết vâng theo. Vừa nói thế, tiện tay lật tập Kinh Thánh đang trước mặt, thấy hiện lên dòng chữ này:
“Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây. Loài rắn độc kia, xấu như các người, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án" (Mt 12: 33-37).
Thôi không bàn nữa. Bàn tán về thời sự, nói thật, y hoàn toàn không có khả năng, không có thông tin và nhất là không mấy quan tâm đến nó. Lại quay về chuyện trò với chữ nghĩa vẫn lý thú hơn. Ngày hôm qua, có anh bạn nhà thơ đố một câu trớ trêu: “Q có biết ai làm thơ lục bát bằng tiếng Anh không?”. Bằng tiếng Pháp thì dễ rồi. Có thể trưng ra hàng loạt tài liệu. Dễ ẹt. Cứ tìm ở tạp chí Văn Học số chủ đề về Hôn nhân dị chủng; hoặc đọc Chơi chữ của Lãng Nhân v.v… Còn lục bát viết bằng tiếng Anh, y mù mờ lắm. Chào thua vậy. Anh bạn cho biết báo Văn hóa Phật giáo số ra ngày 1.6.2015 có đăng bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái. “Q tìm đọc đi”. Tất nhiên, tìm đọc. Quả nhiên, thấy rằng: “Có lần một nhóm mấy vị An Nam biết tiếng Anh ngôi với nhau, bày vẽ ra làm thơ lục bát bằng tiếng Anh:
Today dig meat eaten
Go home meet dog how can i do
Phiên âm:
Tớ đây đoóc mít ít tần
Gâu hôm mít đoọc hao cần ai du
Ghi chú: chữ Today, trong cả một câu đầy đủ, nếu không đặt dưới trọng âm hoặc điểm nhấn của câu, có thể phát âm thành tơ-đây, gần như tớ đây. Chữ can cũng vậy, khi không cần nhấn giọng, thì không phát âm là ken nữa, mà đọc lướt nhanh thành Kân hơi giống cần. Vậy câu phiên âm cũng khá chuẩn về vần lục bát. Lại có thể vừa hiểu lẫn lộn Việt - Anh, như chữ hao (how trong tiếng Anh), phiên âm ra có thể hiểu là hao hụt, hao cái cần, thì ai mà biết làm sao. Đồn rằng, nhà từ điển Bùi Phụng đã dịch thành lục bát:
Hôm nay thịt chó đánh tràn
Về nhà gặp chó biết làm sao đây”.
Đọc xong đoạn này, bèn cười tủm tỉm. Y sực nhớ đến mẩu chuyện hài dân gian Việt Nam: Có một anh học trò nhỡ độ đường, vào huyện ăn xin, nói là học trò nghèo. Quan huyện vốn trước cũng là trò nghèo, thương hại, bảo:"Có phải học trò thì ta ra thơ "Con chó" cho mà làm, làm được sẽ có thưởng".Anh học trò nghĩ một hồi lâu đọc:
Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy theo
Thương ôi! Con chó ngỡ con mèo.
Quan liền thưởng cho một quan tiền và một thúng gạo. Anh kia lạy tạ ra về. Giữa đường gặp một anh học trò khác, anh này hỏi: "Tiền gạo đâu ra thế?". Anh kia kể đầu đuôi câu chuyện. Anh này liền vào huyện, cũng nói là học trò nghèo, nhỡ độ đường vào huyện. Quan huyện cũng lại ra thơ như lúc nãy. Anh ta mừng quýnh, tưởng chuyến này ăn chắc, liền đọc:
Thoạt thấy chúa về ngoe nguẩy thời
Thương ôi! Con chó ngỡ ông trời.
Quan huyện nghi anh ám chỉ mình, tái mặt, sai lính đánh mấy chục roi, rồi đuổi ra.
Ngày trước, còn sung, nhờ lang bạt nhiều nơi, ghi ghi chép nên mới có tập Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại. Dần dà, thói quen ấy mấy đi dần. Ấy là lúc con người ta đã già. Già là lúc ấy không còn mấy hào hứng tiếp cận với cái mới. Thật ra trong vốn cũ, có rất nhiều cái mới.
Cái gì mới? Nghe hỏi thế, không thèm trả lời, bởi rằng thì là mà vì: “dân trí còn rất thấp”!
Chó thật!
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|